Friday, June 29, 2007

1 tuần của Chép ở nhà trẻ

Chép đi nhà trẻ 6 ngày 1 tuần, thỉnh thoảng thì mẹ cũng cho Chép nghỉ ở nhà thứ 7 nếu mẹ không bận gì. Ở nhà trẻ Chép có các bạn để chơi cùng, có bao nhiêu hoạt động để tham gia. Giờ giấc sinh hoạt của Chép ở nhà trẻ cũng đã đi vào quy củ. Mẹ nghĩ là Chép đã quen và yêu thích thời gian ở nhà trẻ.
Đây là những nhận xét của cô giáo trong 1 tuần ở nhà trẻ của Chép:

Thứ 2: Hôm nay, Kiên (tên gọi của Chép ở nhà trẻ) cùng các bạn đi dạo khu vực xung quanh nhà trẻ bằng xe đẩy. Nhưng Kiên có vẻ như muốn nói là mình thích đi bộ hơn nên đã xuống xe và chạy đuổi nhau với Masayo-san một cách rất vui thích. Lúc đoàn tàu chạy qua, Kiên giơ cao tay để chào baibai.

Thứ 3: Có thể bữa sáng Kiên uống nhiều sữa hoặc do trời nóng quá nên hôm nay Kiên ăn ít hơn mọi khi. Hôm nay cả lớp cũng đi dạo ở con đường phía sau nhà trẻ. Kiên đi bộ rất chắc chắn, nhưng giữa chừng thì chẳng may bị ngã làm xước ở chỗ cằm một chút.

Thứ 4: Cô nghĩ rằng khi mới biết đi thì có thể hay bị ngã nhưng dần dần Kiên sẽ không ngã nữa. Hôm nay Kiên chơi với bột năng. Kiên sờ tay vào bột năng dẻo quánh đã được trộn với nước, và nặn thành những viên bột hình tròn. Không biết nó có vị gì nhỉ? Kiên nghĩ thế rồi cho viên bột vào mồm. Chắc là không ngon nên Kiên nhè ra, mặt thì nhăn lại.

Thứ 5: Hôm nay Kiên ở trong phòng vẽ tranh để trang trí cho lễ hội Tanabata. Kiên thì có vẻ thích vẽ bừa vào tay hơn là vẽ lên giấy. Hôm nay Kiên không ăn hết món carốt nấu với rau cải.

Thứ 6: Kiên chơi cầu trượt và xe đẩy ở ngoài sân. Kiên vừa ẩn xe vừa chạy khắp nơi. Kiên thích gọi các bạn để đi cùng. Bữa trưa hôm nay Kiên ăn hết cơm và rau, còn ăn thêm nữa.

Thứ 7 thì thường các cô không ghi gì mà chỉ đóng dấu hình ngôi sao thôi.

Thursday, June 28, 2007

Tổng kết 1 tuổi rưỡi (phần 2)



Vận động và nhận thức
- Chép đã tự đi được 1 mình một cách vững chãi hơn trước. Tuy nhiên lúc nào đi nhanh hoặc chạy thì Chép vẫn hay bị ngã, mấy lần ngã xước chảy máu cả đầu gối.
- Chép có thể leo cầu thang, nhưng vẫn phải dùng tay để vịn.
- Chép đã biết cầm thìa để xúc ăn. Nhưng vẫn vãi ra ngoài nhiều, nên mẹ chỉ để Chép tự ăn nửa bát thôi.
- Chép biết cầm bút để vẽ ngoệch ngoạc lên giấy. Ở nhà trẻ cũng treo tác phẩm của Chép trên tường nữa đấy.
- Chép biết tự cầm cốc để uống nước.
- Chép biết cất giầy vào chỗ và biết lấy đúng đôi giầy của mình trên giá.
- Chép thuộc đường đi từ nhà xe vào đến nhà mình
- Chép biết cất đồ chơi vào đúng giỏ và cất sách vào giá sau khi chơi xong ở nhà trẻ
- Chép biết vứt rác vào thùng, biết bật tắt tivi khi được Bố mẹ yêu cầu.

1 ngày của Chép
8h: ngủ dậy
8h-8h30: ăn sáng
8h40: đi nhà trẻ
9h-11h: nghịch cát, đi dạo,..(ở nhà trẻ)
11h30: ăn trưa
12h-2h: ngủ trưa
2h30: ăn bữa phụ ở nhà trẻ (uống sữa, hoa quả, bánh...)
3h-5h: chơi ở nhà trẻ
5h15: mẹ đến đón
5h30-6h30: tự chơi 1 mình
6h30-7h: ăn tối
7h-8h: chơi hoặc xem tivi cùng bố mẹ
8h-8h30: bố tắm cho Chép
9h-9h30: lên giường chuẩn bị đi ngủ
9h30pm-8h: ngủ

Con trai của mẹ càng lớn càng biết thêm nhiều thứ, nhưng đôi khi cũng khó bảo lắm đấy. Mà Chép có lớn đến thế nào đi nữa thì mãi mãi vẫn là Chép bé bỏng đáng yêu của bố mẹ.

Wednesday, June 27, 2007

Tổng kết 1 tuổi rưỡi (phần 1)


Thế là Chép của mẹ đã được 1 tuổi rưỡi rồi cơ đấy, nhanh thật. Mẹ không ngờ là con trai đã được 1 tuổi rưỡi rồi. Mới ngày nào mẹ với Chép còn nằm trong bệnh viện. Mẹ không thể nào quên được cái vẻ mặt của Chép lúc Chép mếu, cái mồm cứ nguệch ra, trông đến là buồn cười. Mà đến tận bây giờ lúc Chép mếu cái vẻ mặt vẫn chẳng khác chút nào, vẫn y nguyên như thế. Nào, để mẹ tổng kết xem đến giờ con trai đã làm được những gì rồi nhé.

Ngôn ngữ
Tiếng Nhật: 8 tiếng ở nhà trẻ là Chép tiếp xúc với toàn tiếng Nhật của cô và các bạn. Chưa kể những lúc xem tivi hay mẹ đọc truyện tranh của Nhật cho nghe ở nhà. Thế cho nên Chép tiếp nhận tiếng Nhật một cách rất tự nhiên. Ngoài những từ mama, papa, baibai Chép đã nói được từ trước, thì đến bây giờ Chép đã nói khá rõ thêm một số từ như おいしい、出た、おちた、うまいね、ねんね、いたい làm mẹ nhiều lúc cũng phải ngạc nhiên, còn papa thì phải hỏi Chép nói thế nghĩa là gì. Có khi Chép còn nói cái gì đó như một tập hợp các âm ô, a, nê, ta thành 1 câu rất dài mà mẹ cũng chịu chẳng đoán ra được nghĩa là gì. Nhiều lúc thấy con trai nói như khiếu, papa cứ bảo là nói lắm giống mẹ.
Tiếng Việt: phải nói là Chép rất hiểu tiếng Việt mà mẹ và papa nói, nhưng việc nói ra bằng tiếng Việt thì có vẻ hạn chế và Chép nói cũng không được rõ lắm. Có thể là tiếng Việt phát âm khó hơn tiếng Nhật chăng? Chép hay nói một số từ nghe gần giống như là "rơi rồi", "chết rồi", "cát cát", "đi", "nhanh lên","chân này", "tay này" nghe buồn cười lắm, vì có vẻ hơi ngọng.

Ăn uống
Chép đã "tốt nghiệp" thời kỳ ăn dặm và đã chính thức chuyển sang giai đoạn ăn cơm cùng bố mẹ. Từ này mẹ không phải mất thời gian nấu món riêng cho Chép nữa. Mỗi bữa Chép ăn được 1 bát rưỡi cơm, papa toàn nói đùa là Chép ăn có khi bằng mẹ rồi. Chép đã có thể tự xúc, nhưng nếu cơm chan canh thì Chép xúc dễ hơn. Có điều để cho Chép xúc thì cơm sẽ rơi ra bàn, quần áo, và rơi xuống sàn nhà nữa. Chép lại hay có kiểu 1 tay thì cầm thìa xúc cơm, còn tay kia thì nhặt thịt bỏ vào mồm, có khi nhặt hết cả thịt ở bát rồi mới xúc đến cơm. Nói chung mẹ toàn để Chép tự xúc khoang 1/3 hoặc 1 nửa bát rồi xúc nốt phần còn lại cho Chép. Lúc nào để Chép tự xúc thì cậu có vẻ ăn rất hào hứng.

Trò chơi
Chép đang rất hứng thú với trò đá bóng. Ở nhà có nhiều bóng với đủ các kích cỡ khác nhau, từ quá bóng to như bóng đá đến bóng bé như bóng tennis, hay bóng bàn. Chép thích chơi sút bóng đá với papa, Chép sút rất mạnh và còn lùi lại rất xa để lấy đà, hay cầm quả bóng rồi tung lên cho đập xuống sàn. Còn bóng tennis và bóng bàn thì Chép ném đi rất xa cho đập vào tường hay vào tủ. Cứ sau khi ăn tối xong là Chép lại chơi bóng cho đến khi vã mồ hôi đầy đầu mới thôi.
Chép thích chơi ôtô. Papa mua được cho Chép mấy chiếc ôtô điều khiển với đủ các loại, nào là ôtô đua thể thao, ôtô leo núi, ôtô con 2 chỗ mui trần. Chép chưa biết điều khiển ôtô nhưng cũng bắt chước papa cầm cái điều khiển xoay xoay, rồi thấy cái ôtô mãi chẳng chạy thì vật ngửa ra chọc đằng sau xem thế nào. Lúc papa chơi cho ôtô chạy khắp phòng thì cậu đuổi theo bắt bằng được ôtô, rồi lại lật ngửa ra để xem cái bánh xe đang quay tít. Chép còn có mấy cái ôtô bé xíu suốt ngày "din din" nữa.
Chép chơi thú bông. Lúc đầu mẹ tưởng Chép không thích chơi thú bông nên chẳng bao giờ mẹ mua cho Chép cả. Mãi gần đây thấy ở flea market có mấy con hay hay có nhạc nên mua về, hoá ra Chép cũng thích. Có chú gấu bật nhạc lên còn đi được nữa thì Chép vừa thích vừa sợ, cứ ẩn gấu ra lúc nó tiến lại gần. Tổng cộng Chép chỉ có 1 chú gấu, 1 chú pooh, và 1 chú sóc đuôi dài. Thỉnh thoảng Chép xếp tất cả phía trước mặt rồi giả vờ bón cho từng chú ăn có vẻ rất âu yếm.

Tuesday, June 26, 2007

Cô giáo đến thăm nhà

Không biết các nhà trẻ khác thế nào, chứ ở nhà trẻ của Chép thì cứ 1 năm 1 lần vào khoảng tháng 6 các cô giáo sẽ đến thăm nhà học sinh, tiếng Nhật gọi là 家庭訪問.
Hôm 19/6 vừa rồi 2 cô giáo phụ trách lớp sumire của Chép đến nhà chơi lúc 5h30 chiều. Nói là đến chơi thì cũng không đúng lắm, vì các cô có quy định là không uống chè nước gì ở nhà học sinh cả, chỉ ngồi với phụ huynh để trao đổi về các vấn đề của con thôi.
2 cô ngồi nói chuyện khoảng 40 phút. Chép thì rất lấy làm lạ vì không hiểu sao hôm nay 2 cô lại đến nhà mình. Chép ngồi lấy hết các loại đồ chơi ra bầy, nhưng chẳng nói gì cả, cứ im lặng ngồi chơi hết cái này đến cái khác, thỉnh thoảng lại nhìn 2 cô. Chắc cậu cũng biết hôm nay 2 cô đến đây là để nói về mình đây, không biết là mình có mắc lỗi gì ở trường không.
Cô và mẹ cũng trao đổi rất nhiều vấn đề.
- Đầu tiên là ngôn ngữ. Cô nói rằng nhiều khi Chép không phản ứng ngay được với những gì cô nói. Chẳng hạn bảo Chép đi rửa tay thì Chép cũng chưa ra ngay chỗ bồn nước, mà cô phải dẫn ra tận nơi thì Chép mới hiểu. Cũng là bởi vì ở nhà bố mẹ nói với Chép bằng tiếng Việt là chính, thỉnh thoảng mới nói vài từ đơn bằng tiếng Nhật như oishiii, chyodai, arigatou, itadakimasu,...Chính vì thế mà Chép tiếp thu và hiểu tiếng Việt của Bố mẹ. Chép có thể thực hiện 1 số yêu cầu đơn giản khi Bố mẹ nói bằng tiếng Việt, nhưng chưa chắc Chép đã làm được như vậy nếu yêu cầu bằng tiếng Nhật. Cô cũng khuyên mẹ là nên nói chuyện với Chép bằng tiếng Nhật nhiều hơn. Chẳng biết mẹ có làm được như vậy không, mà cũng chẳng biết điều ấy có tốt cho Chép hơn không. Có lẽ mẹ sẽ cố gắng nói bằng cả 2 thứ tiếng nếu có thể xem hiệu quả đến đâu vậy.
- Giao tiếp với bạn bè. Môi trường duy nhất mà Chép có thể chơi với các bạn bằng tuổi là nhà trẻ. Ở nhà Chép toàn chơi với bố mẹ hoặc bạn bè của Bố mẹ thôi. Xung quanh nhà chẳng có trẻ con, nhà anh Minh và em Quang thì xa quá nên cũng ít gặp. Chính vì thế nên nhiều khi Chép chưa biết cách đối xử với các bạn, như là nhường đồ chơi, hay chơi với các bạn như thế nào. Nếu chơi với các anh chị ở lớp trên thì Chép có vẻ như không theo kịp. Còn nếu chơi với các bạn bằng tuổi hoặc bé hơn thì Chép lại ra dáng anh trai và chắc là tự tin hơn. Thế nên cô cũng hay xếp Chép đi dạo và chơi với các bạn bằng tuổi hay bé hơn.
- Ăn uống. Mẹ phàn nàn với cô là Chép toàn vừa ăn vừa nghịch, không chịu ngồi yên và mẹ không biết dậy Chép tự xúc ăn thế nào. Nhưng cô bảo ở nhà trẻ Chép ăn rất ngoan và đã tự xúc được rồi. Chắc là tại mẹ chiều Chép qua đâm ra Chép hư đây. Hoá ra con trai mẹ xúc được rồi mà mẹ không biết, toàn bón cho Chép.

Hình như mẹ và cô còn nói một vài vấn đề khác nữa nhưng không quan trọng lắm. Dù sao đây cũng là dịp để cô hiểu hơn về gia đình của Chép, và mẹ cảm thấy thoải mái hơn trong việc trao đổi các vấn đề với cô. Lúc cô ra về, Chép baibai nhưng vẫn còn nhìn theo với ánh mắt chưa hết ngạc nhiên.

Khám định kỳ 1 tuổi rưỡi

Hôm nay mẹ vừa đưa Chép đi khám định kỳ 1 tuổi 6 tháng ở Hokenjo. Giờ khám là 1h30 chiều đến 2h30 nên mẹ phải đến đón Chép ở nhà trẻ lúc Chép đang ngủ trưa. Chép và các bạn khác nằm ngủ rất ngoan, cả nhà trẻ cũng rất yên tĩnh vì đang là giờ ngủ. Cô bế Chép lên thì Chép mở mắt ngay, nhìn thấy mẹ thì đòi theo. May mà Chép không khóc, 2 mẹ con nhẹ nhàng ra khỏi phòng.Đôi giầy của Chép ở nhà trẻ bị ướt sũng, chắc là do Chép nghịch nước buổi sáng, các cô đang phơi nắng cho khô. Thế là không có giầy để đi, mẹ đành bế Chép đến chỗ khám với đôi chân không. Đi chân không thế này thì Chép không chạy nhảy đi khắp nơi được rồi.

Đầu tiên là kiểm tra khả năng nhận thức của bé. Cô nhân viên khám đưa ra 5 hình vuông bằng gỗ, yêu cầu Chép xếp chồng lên nhau. Lúc đầu Chép chưa hiểu cô nói gì. Mẹ đành phải giải thích cho Chép bằng tiếng Việt thì Chép mới hiểu, và xếp chồng 5 hình lên nhau không đổ. Cô khen Chép xếp khéo quá. Sau đó cô đưa bút chì và giấy để Chép vẽ. Chép cầm bút rồi vẽ ngoệch ngoạc chẳng ra hình thù gì cả. Cuối cùng cô đưa ra 1 tờ tranh có hình ôtô, tàu hoả, con cá, con chó,.. để hỏi Chép xem Chép chỉ có đúng không. Nhưng Chép chẳng chỉ được cái gì. Có lẽ Chép chưa hiểu được tiếng Nhật mà cô nói. Với lại ở nhà rất ít khi mẹ chơi trò này với Chép.
Tiếp theo mẹ được hỏi các thông tin về ăn uống, ngủ, các thói quen của Chép, và những hoạt động mà Chép đã làm được. Trong lúc cô hỏi mẹ thì Chép cứ mải mê xếp các hình lên nhau và lần nào cũng xếp được cả 5 hình.

Sau đó đến phần đo chiều cao, cân nặng và khám sức khoẻ.Đây là kết quả chiều cao, cân nặng của Chép lúc được 1 tuổi 6 tháng:
- Cân nặng: 11kg
- Chiều cao: 81cm
Đây là kết quả nằm trong mức trung bình.Mẹ được khuyên là không nên cho Chép uống sữa bằng bình trước khi đi ngủ, chỉ nên uống nước hoặc nước chè, nên thay nước hoa quả bằng hoa quả tươi, nên tăng lượng sữa tươi uống ban ngày.

Thứ 3 là kiểm tra răng. Chép có 16 chiếc răng tất cả và được bác sĩ khám cho biết là bị sâu 2 cái răng cửa ở hàm trên. Ôi, mới tí tuổi thế này mà đã sâu răng rồi. Chắc tại mẹ cứ cho Chép uống sữa bằng bình trước khi đi ngủ này, và lại còn không chịu đánh răng cho Chép nữa chứ. Mẹ thật chán quá con trai nhỉ. Cô bác sĩ cũng hướng dẫn cho mẹ cách đánh răng cho Chép rồi. Chắc mẹ và papa sẽ phải thực hiện vụ này một cách nghiêm chỉnh đây.

Cuối cùng là tư vấn tâm lý. Mẹ cũng trình bày 1 vấn đề mẹ đang lo lắng đó là ngôn ngữ. Ở nhà trẻ có vẻ như Chép nghe tiếng Nhật các cô nói không nhanh bằng các bạn. Nhưng mẹ được tư vấn là trẻ con sẽ bắt chước rất nhanh, chúng sẽ nhìn các bạn và dần dần sẽ hiểu được những gì người lớn nói. Dù sao thì mẹ cũng đã trao đổi vấn đề này với cô giáo của Chép rồi. Hy vọng con trai của mẹ sẽ ngày càng hiểu biết được nhiều điều hơn.

Chúc mừng con trai còn 1 tuổi rưỡi. Mẹ sẽ tổng kết những điều con trai làm được trong bài viết sau nhé.

Thursday, June 7, 2007

Sổ liên lạc

Mẹ cũng chẳng biết dùng từ nào khác để gọi cái quyển sổ ấy, đành gọi là sổ liên lạc cho nó quen thuộc. Hồi đầu mới đưa Chép đi nhà trẻ, mẹ được cô đưa cho 1 quyển bìa cứng, bên ngoài có ghi tên Chép và dán 1 hình con vật ngộ nghĩnh để đánh dấu. Hình của Chép là con chuột bên trong 1 cái hình tròn màu hồng. Biểu tượng con chuột này cũng được dán ở những nơi để đồ của Chép như tủ quần áo, giá để giầy, ngăn để giấy tờ thông báo cho bố mẹ,...
Bên trong quyển sổ là những tờ giấy in sẵn theo mẫu, mỗi trang ghi 7 ngày của 1 tuần, mỗi ngày có các mục ăn chính, ăn phụ, uống sữa, ị, tè, ngủ. Cô và bố mẹ sẽ điền vào thời gian của những mục đó, ngoài ra ghi vào 1 cột nhận xét về tình hình chung của con trong 1 ngày. Lúc đầu mẹ cứ nghĩ việc ghi chép đó là của cô giáo, ghi lại tình hình ở nhà trẻ để thông báo cho bố mẹ, nhưng sau đó mẹ được cô yêu cầu phải ghi giống như vậy trong thời gian ở nhà. Thế là việc cuối cùng trong ngày là ghi vào sổ liên lạc giờ ăn ngủ của Chép. Có lúc mẹ chẳng nhớ nổi là Chép ăn lúc mấy giờ, rồi ị lúc mấy giờ, nên đành ghi phịa vào. Còn đến mục nhận xét chung thì mẹ hay ghi đại loại như là Chép khoẻ, chơi nhiều, ăn cũng nhiều. Thấy hầu như hôm nào cũng giống hôm nào.
Sang năm nay, Chép lớn hơn, quyển sổ có kích cỡ thu nhỏ lại, các mục ghi chép cũng bớt chi tiết đi. Nhưng mẹ phải ghi tên những món ăn mà Chép ăn hàng ngày, vì Chép đã qua giai đoạn ăn dặm rồi mà. Nhiều lúc cũng chẳng hiểu là mẹ nấu món gì, gọi tên như thế nào, nên mẹ lại phải ngồi nghĩ. Khổ thế cơ chứ, toàn phải phịa ra thôi.

Papa đưa Chép đi nhà trẻ

Phải đến gần 2 tuần nay, sáng nào papa cũng đưa Chép đi nhà trẻ. Thường thì mẹ đưa Chép đi, nhưng dạo này mẹ không được khoẻ nên papa đi thay mẹ. Với lại cũng đã bắt đầu vào mùa mưa rồi, vừa đèo Chép bằng xe đạp, lại phải cầm ô, nên mẹ đi không quen. Cho nên hôm nào trời mưa thì papa cũng đưa Chép đi.
Chẳng hiểu sao mấy hôm đầu papa đưa đi thì Chép không chịu theo các cô và khóc khi papa về. Có hôm papa bảo nhìn Chép khóc thương quá, cứ vừa khóc vừa nhìn theo papa. Phải mất mấy hôm thì Chép mới quen với việc chia tay papa và ở lại lớp chơi với các bạn.
Buổi sáng, khi đưa Chép đến lớp, sau khi thay bỉm giấy bằng bỉm vải, phải chuẩn bị 1 áo, 1 quần và 1 cover bỉm để sẵn để các cô thay khi cần. Rồi phải để 1 chiếc khăn lau tay vào ngăn gần bồn rửa tay, để cô lau tay cho bé khi đi chơi về hoặc trước khi ăn. Xếp quần áo vào 2 ngăn riêng, 1 ngăn đựng áo dài tay và cộc tay, 1 ngăn đựng quần dài, quần cộc và bỉm. Hôm nào mang 2 towers đi làm khăn đắp thì cũng phải buộc dây chun vào 2 khăn rồi để vào chỗ quy định. Cuối cùng là để quyển sổ liên lạc trên bàn, sau khi đã điền đầy đủ các thông tin về ăn, ngủ của con để các cô biết.
Nhưng papa thì chưa được nghe các cô hướng dẫn làm những việc đó đã phải đưa Chép đi nhà trẻ rồi. Thế là ngay buổi chiều, lúc mẹ đến đón Chép thì thấy cô phàn nàn ngay là papa để quần và áo lẫn lộn, không riêng từng ngăn, papa không để khăn lau tay vào ngăn gần bồn rửa, rồi có khi papa cũng chẳng chuẩn bị 1 set quần áo và bỉm cho các cô thay nữa. Chắc lúc các cô chuẩn bị thay cho Chép thì phải cuống lên vào tủ của Chép tìm quần và áo. Mẹ phải xin lỗi cô vì papa không biết và hứa là sẽ nói lại cho papa biết.
Ở nhà trẻ mẹ vẫn thấy có 1 số cậu bé và cô bé toàn được bố đưa đi nhà trẻ, chưa bao giờ hoặc rất ít khi thấy mẹ đưa đi. Có ông bố còn đèo 2 đứa, 1 đứa ngồi đằng trước, 1 đứa ngồi đằng sau, đưa 1 đứa vào nhà trẻ dưới 3 tuổi, rồi lại sang nhà trẻ bên cạnh gửi đứa trên 3 tuổi. Sáng nào cũng vậy, rất đúng giờ và đúng trình tự. Thế mới biết rằng các ông bố thời nay đảm đang ghê.

Kiểm tra giun

Hình như cứ 1 năm 1 lần, vào dịp mới vào năm học, nhà trẻ của Chép lại tiến hành kiểm tra giun cho tất cả các cháu (ぎょう虫検査). Năm ngoái hồi mới 5 tháng tuổi, Chép đã kiểm tra giun lần đầu tiên. Cô giáo phát cho mỗi gia đình 1 miếng nilon mỏng, có 2 lớp. Vào lúc sáng sớm, khi trẻ vừa ngủ dậy, bố mẹ sẽ tách 1 mặt nilon ra rồi dính vào hậu môn để lấy mẫu. Làm tương tự vào buổi sáng của ngày thứ 2 đối với mặt nilon còn lại. Rồi úp 2 mặt nilon vào nhau, và đem đến nộp cho nhà trẻ. Kết quả kiểm tra giun của Chép năm ngoái là bình thường.
Năm nay Chép cũng vừa được kiểm tra giun theo cách tương tự. Bây giờ lớn rồi, Chép ăn uống giống như bố mẹ chứ không chỉ uống sữa như năm ngoái. Đồ dùng thì không phải cái gì mẹ cũng đem tiệt trùng như hồi Chép còn bé xíu. Chép còn hay nhặt nhạnh các thứ ở dưới đất rồi nhét vào mồm, chẳng phân biệt được cái gì ăn được và cái gì không ăn được. Nghịch cát thì có lần còn nếm cả cát nữa. Mẹ nghĩ khéo bụng Chép có vài con giun cũng nên. Nhưng hôm nay nhận được kết quả xét nghiệm, may quá là bình thường, không có dấu hiệu của giun. Thế là mẹ yên tâm rồi con trai ạ.

Friday, June 1, 2007

Chúc mừng con trai nhân ngày 1-6


Ở Nhật ngày lễ dành cho trẻ con là một ngày khác, nhưng nhân dịp ngày Tết thiếu nhi của Việt nam, bố mẹ vẫn nhớ để chúc con trai luôn khoẻ mạnh, ăn ngoan, ngủ ngoan, chơi thì có thể nghịch, nhưng đừng có nghịch quá sức chịu đựng của mẹ nhé :) . Bố mẹ dành cho con một món quà đơn giản nhất đó là tình yêu của Bố mẹ, sự yêu thương và chăm sóc của Bố mẹ. Yêu con nhiều nhiều lắm.

子どもの目で世界を見る
それが子どもといっしょに
暮らすということ

*******

子どもが一番安心できるのは
親が見守ってくれること
子どもはそんな親の姿から
人を信じることを学ぶ


「子どもが育つ魔法の言葉」
ドロシー・ロ・ノルト