Sunday, March 30, 2008

Chia tay gia đình bạn Sakura

Thứ 7 cả nhà mình sang nhà bạn Sakura chơi. Đây là lần đầu tiên Chép và Mai Khanh gặp bạn Sakura và cũng phải nói lời chia tay với bạn Sakura luôn vì ngày 31/3 là cả gia đình bạn Sakura sẽ dời Kyoto để về Bangladesh rồi. Bố bạn Sakura thì học cùng trung tâm với mẹ, và cũng ngồi cùng phòng luôn. Từ khi biết mẹ bạn Sakura và mẹ cùng có em bé thì cả 2 lại có thêm 1 mối quan tâm chung để chia sẻ. Nhưng mẹ bạn Sakura cũng vất vả lắm, vì từ trước khi sinh mấy tháng là mẹ bạn ấy đã phải nằm viện suốt để giữ thai. Rồi đến tuần thứ 32, do có dấu hiệu không tốt nên bác sĩ đã phải quyết định mổ để bạn ấy ra ngoài sớm trước mấy tuần liền. Và vi sinh sớm nên bạn ấy cũng phải nằm viện 1 mình thêm mấy tuần nữa. Lúc đó mẹ bạn ấy hàng ngày phải đi từ nhà đến bênh viện để cho bạn ấy ti, nhưng buổi tối thì bạn ấy phải ở lại một mình. Thương bạn ấy quá. Nhưng bây giờ bạn ấy khoẻ rồi, trông bạn ấy rất đáng yêu. Có điều là ban ngày thì bạn ấy ngủ ngon lành, nhưng ban đêm lại không chịu ngủ tí nào cả, nên bố mẹ bạn ấy cứ phải thay nhau bế, đặt nằm xuống thì thế nào bạn ấy khóc ngay. Tên thật của bạn ấy thì dài lắm, mẹ chẳng nhớ, nhưng bạn ấy còn có 1 nickname khác đọc là sóp-nô (tiếng Bangladesh nghĩa là giấc mơ) vì bố mẹ bạn ấy bảo có được bạn ấy như một giấc mơ vậy. Nhưng mẹ hay gọi bạn ấy là Sakura vì tên ấy dễ nhớ, để kỷ niệm mùa sakura khi bạn ấy chào đời ở đây.

Trông bạn Sakura nằm ngủ ngon lành chưa này. Nhưng chỉ đặt bạn ấy xuống để chụp ảnh 1 tí thôi rồi lại phải bế lên ngay, vì bạn ấy không chịu nằm ngủ trên giường. Chả bù cho bạn Khanh thì cứ phải nằm suốt, chả được bố mẹ bế mấy nhỉ.

Khanh nằm cạnh bạn Sakura sao trông to thế không biết, cái mặt thì cứ phị phị ra. Papa bảo "trông chẳng xinh tí nào"

Anh Chép chụp cùng mẹ và cô Dewi- người Indonesia. Cô Dewi cứ khen Chép trông cute quá.

2 mẹ con bạn Sakura này. Bố bạn ấy thì vừa ghé qua nhà mình chơi rồi phải đi rồi. Mẹ bạn Sakura còn làm món chè hoa quả truyền thống của Bangladesh để mời mọi người nữa. Chép cũng thích lắm, nhưng chỉ ăn mỗi chuối thôi.

Lúc mẹ đang viết những dòng này thì gia đình bạn Sakura đang trên máy bay rồi. Tạm biệt nhé. Bạn Khanh bằng tuổi Sakura mà, nên chúng mình và bố mẹ chúng mình sẽ không quên nhau đâu. Nhất định chúng mình sẽ liên lạc với nhau nhé.

Friday, March 28, 2008

Chuyện góp nhặt về anh Chép

Ai cũng là bố bạn Papu-chan
Ở lớp của Chép có bạn Papu-chan đến từ Mali, châu Phi. Bạn ấy da đen lắm (tất nhiên rồi), rất cao và khoẻ nữa. Chép chơi rất thân với bạn ấy (không biết có bị bạn ấy ẩn cho ngã phát nào không). Về đến nhà là Chép kể chuyện "papu-chan thế này, papu-chan thế kia" mà nhiều khi mẹ chả hiểu gì cả. Cứ thấy bố bạn papu-chan đến đón là Chép nói ngay "papu-chan no otosan" có nghĩa là "bố của papu-chan kìa". Thế nhưng đối với Chép thì bố của bạn papu-chan không chỉ có 1. Ở khu nhà Chép ở có 1 gia đình đến từ châu Phi (chẳng nhớ là nước nào nữa). Mẹ rất hay nói chuyện với bà mẹ của gia đình ấy, vì cùng có mối quan tâm chung là con cái. Chép mà nhìn thấy ông bố của nhà đấy là thế nào cũng hét lên "papu-chan no otosan". Mà lại còn nói đi nói lại, nói rất to nữa. Ngại ơi là ngại. Còn hôm nọ đang ngồi xem tivi, thấy có 1 ông da đen nhẻm, Chép cũng chỉ tay nói ngay "Papu-chan no otosan này" làm bố mẹ cứ ngồi cười bò ra.

Tất cả là của Chép
Chép cứ hay đòi cái nọ cái kia, mà đã đòi là đòi cho bằng được. Những lúc đấy papa thường nói với Chép thế này "Zenbu wa papa no" (tất cả mọi thứ là của papa), rồi vừa nói papa vừa vòng tay 1 vòng, cố tình chạm vào đầu Chép 1 cái. Được vài lần thì Chép cũng không vừa. Chép cãi lại ngay "zenbu wa Kien-chan no" (mọi thứ là của Kiên), rồi cũng vòng tay chạm qua đầu bố mới chịu. Cái giọng thì nghe đến buồn cười, vẻ mặt thì rất tức tối.

Công bằng và nguyên tắc
Trước khi ra khỏi nhà, papa thơm Chép 1 cái để đi, nhưng Chép chỉ tay sang phía mama rồi bảo "mama mo" (nghĩa là papa phải thơm cả mama nữa). Papa thơm mama rồi, chuẩn bị đi thì Chép lại bảo "akachan mo" (nghĩa là papa phải thơm cả akachan nữa). Thế là có vội đến mấy thì papa cũng phải vào nôi của em Khanh thơm em Khanh 1 cái thì anh Chép mới cảm thấy hài lòng để cho papa đi. Đấy, anh Chép "dậy" papa phải biết yêu tất cả mọi người trong nhà bằng nhau, chứ không được yêu Chép nhất đâu đấy.
Đã từ lâu lắm rồi, có lẽ là từ hồi anh Chép bị thuỷ đậu, sợ lây sang mama nên mama không được nằm cạnh anh Chép để ru anh Chép ngủ, mà chỉ có papa được nằm cạnh anh Chép thôi. Rồi đến khi có em Khanh thì mẹ "phụ trách" em Khanh, còn papa đảm nhiệm luôn việc cho Chép ngủ, nên gối của papa đặt cạnh gối của anh Chép. Nhưng hôm nào papa đi làm thêm buổi tối thì mama nằm vào gối của papa để ru Chép ngủ. Thế là Chép nói ngay. Chép bảo "gối này không phải của mama đâu, của papa đấy, gối của mama ở kia cơ mà". Mẹ cứ phải giải thích mãi là "mama chỉ nằm đây 1 lúc thôi, tí nữa papa về thì papa sẽ nằm cạnh Chép" thế thì anh Chép mới chịu để cho mama nằm cạnh. Một lúc sau thì Chép mới quàng tay ôm cổ mama và để cho mama ru ngủ.

(còn nữa)

Wednesday, March 26, 2008

Chép đi chơi Vườn Bách Thú

Hôm thứ 7 vừa rồi Bố đưa anh Chép đi chơi Vườn bách thú, còn mẹ ở nhà trông em Khanh. Đây là lần thứ 3 anh Chép được đi Vườn bách thú đấy, 1 lần là Chép vẫn còn nằm trong bụng mẹ, và 1 lần là khi Chép mới được mấy tháng tuổi, nên chắc anh Chép chẳng nhớ gì cả đâu. Bây giờ anh Chép lớn rồi, thuộc tên nhiều con vật rồi, mà chỉ là xem qua tranh ảnh thôi. Lần này được xem tận mắt chắc anh Chép thích lắm.
Nhưng lúc 2 bố con về đến nhà thì Bố bảo Chép chẳng thích như mình nghĩ. Chắc là tại không có mẹ đi cùng đây mà. Nhưng Chép có vẻ rất khoái trí khi được nhìn thấy con rùa, được bế con chuột và được nhìn thấy chú voi mũi dài mà Chép vẫn hay hát nữa.

Chép rất thích bạn kirin này
Khi nào xem sách thì Chép nhận ngay ra bạn kirin có cái cổ dài


Đây là bạn yagi.
Thỉnh thoảng thì Chép cũng quên tên hay nhầm bạn này với bạn uma (con ngựa)


Thấy các bạn khác được ngồi xe ôtô Chép cũng đòi bằng được papa 1 cái

Chú Inoshishi (lợn rừng) này thì Chép chỉ gọi là buta (lợn) thôi. Chép cũng hay bắt mama vẽ hình buta cho Chép xem lắm.

Xem chán thì Chép quay ra chơi. Trông quần ống thấp ống cao buồn cười chưa kìa

Papa bảo mãi thì Chép mới dám ôm con chuột này đấy. Nhưng chắc cậu cũng thích

Tuesday, March 25, 2008

Cụ ngoại mất

Bà ngoại của mẹ, mà Chép và em Khanh gọi là cụ, đã chọn ngày 23/3 (16 âm lịch) để ra đi thật rồi. Lần này thì cụ đi thật. Chứ không phải như nhiều năm về trước, từng đoàn xe chở vòng hoa tang từ Hà nội lên tận Hải Dương để dự đám tang cụ nhưng đến nơi thì mới biết cái tin cụ mất chỉ là tin "rởm" do cậu (con trai duy nhất của cụ) "hâm hâm" thế nào mà lại "nghĩ ra". Hồi đấy được tận mắt nhìn thấy cảnh người ra đến viếng đám tang của mình, không biết cụ nghĩ gì nhỉ. Mà hồi đấy cụ còn khoẻ lắm, còn minh mẫn lắm, đã chết thế nào được. Các dì và mọi người ở quê vẫn hay đùa thế. Mà con cháu cũng phải công nhận là cụ khoẻ và minh mẫn lạ thường. Bữa nào mà được mời rượu hay bia thì cụ vui lắm. Nhìn cụ uống bia mà con cháu cũng phải thấy thèm. Nhưng được cái là cụ cũng chỉ uống vừa đủ, chứ chưa thấy cụ say bao giờ (hay là các chú dì không cho cụ được uống nhiều quá nhỉ). Đêm thì cụ ngủ rất ngon, cứ đặt lưng xuống là ngủ ngay được. Nói chuyện với cụ thì nhiều khi con cháu cũng không theo kịp, vì cụ nói rất nhanh. Đến mức mà dì Hương về quê thăm bà cứ ngạc nhiên là sao "bà ngoại mình nói chuyện nhanh và minh mẫn thế nhỉ". Thế mà cụ đã ở cái tuổi hơn 90 rồi đấy, mấy lần nhận bằng khen và mừng thọ của phường hay xã rồi đấy. Con cháu sau này có sống được đến tuổi của cụ thì cũng chỉ mong được như cụ.
Nhưng mấy năm gần đây thì thấy cụ cũng hay kêu mệt mệt. Thực ra người cụ không có bệnh gì, nhưng chắc cụ mệt do huyết áp, hay do thời tiết thay đổi thất thường. Những lần mệt mệt như thế cụ hay doạ chết. Đến lúc cụ khoẻ lại thì con cháu lại đùa "cụ cứ doạ chết mà chẳng thấy chết gì cả". Thế mà lần này cụ đi thật. Chẳng hiểu sao cụ doạ nhiều lần thế rồi, mà lần này khi nghe tin cụ mất vẫn không thể tin được, vẫn thấy nó đột ngột quá. Cụ chọn đúng cái ngày đứa cháu gái đi lấy chồng, đám cưới đã tổ chức xong xuôi, và con cháu có mặt gần như đông đủ để cụ ra đi. Thế là cụ đã được gặp hầu như tất cả họ hàng rồi, cụ cảm thấy ra đi vào lúc này là "được rồi" chăng?. Lúc gần mất cụ chỉ thấy người hơi mệt mệt và khó thở, rồi mọi người kể là cụ ra đi nhẹ nhàng. Cụ đi gặp cụ ông rồi. Mà cụ cũng xa cụ ông đến gần ba chục năm rồi còn gì. Từ nay con cháu phải chia tay cụ, không còn được nghe thấy tiếng cười giọng nói sang sảng của cụ, không còn được thấy cái dáng ngồi uống bia và khâm phục "tửu lượng" của cụ nữa.
Mẹ được gặp cụ lần cuối cùng là tháng 4/2007, còn Chép là đứa chắt đầu tiên được gặp cụ đấy. Cụ vẫn thường hay "ghen tị" với mọi người là cụ đã gần trăm tuổi rồi mà mới chỉ có 2 chắt, một đứa thì ở trong Sài gòn, còn 1 đứa thì ở tận bên Nhật, chả mấy khi cụ được gặp. Tại các cháu của cụ chả đứa nào chịu lấy chồng lấy vợ sớm để cụ có thật nhiều chắt. Chắt Khanh thế là cũng không có dịp được gặp cụ rồi.
Cả nhà Chép mong sẽ có 1 ngày gần nhất để về thắp 1 nén hương tưởng nhớ đến cụ.

Saturday, March 22, 2008

22/3/2008 - Em Khanh tròn 2 tháng

Hôm nay là đúng 2 tháng kể từ ngày em Khanh chui ra khỏi bụng mẹ nhỉ. Sao lúc nào cũng thấy thời gian trôi đi nhanh thế không biết. Để mẹ xem em Khanh đã lớn thế nào rồi nào.

Ăn uống: em Khanh ăn khá tốt (trộm vía) và tốt hơn anh Chép ngày xưa rất nhiều. Từ tháng thứ 2 trở đi em uống 160cc sữa mỗi lần, mỗi ngày 5 lần, ngoài ra là ti me, nhưng ti mẹ thì không đáng kể, coi như là "khai vị" hay "tráng miệng" thôi, hihi. Từ tháng sau em đi nhà trẻ thì mẹ sẽ còn cho em ti ít hơn, không khéo là mẹ hết sữa mất. Nhưng em có vẻ "mê" sữa bột lắm. Chả bù cho anh Chép ngày xưa, cứ nhét bình vào là lấy lưỡi đẩy ra không chịu bú. Hồi đấy bà ngoại và cả nhà đến mệt với việc cho anh Chép bú bình, vì anh Chép chỉ thích bú mẹ thôi. Nhưng em Khanh thì ngược lại hẳn, cho em bú bình rất dễ, mà có hôm vừa ăn được 2 tiếng em đã lại khóc đòi ăn tiếp, làm mẹ chỉ sợ con ăn nhiều quá béo phì thì xấu con gái của mẹ lắm.

Giấc ngủ: em Khanh có đặc điểm là trước khi ngủ phải khóc 1 tí, kiểu như là gắt ngủ ấy, nhưng em cũng khóc ít thôi rồi tự ngủ. Tháng thứ 2 em Khanh đã ngủ từ 10h tối đến 6h-7h sáng mà không phải dậy ăn đêm. Em Khanh ngủ được thế nên mẹ cũng không bị mất ngủ, em Khanh thương mẹ quá mà.

Từ tháng thứ 2 em Khanh cũng thức ngày nhiều hơn, và phản xạ rõ hơn với tiếng động, tiếng bố mẹ nói và đồ chơi. Em đã biết nhìn đồ chơi và lấy tay chạm đến đồ chơi, đôi mắt mở to và nhoẻn miệng cười. Mỗi khi mẹ nói chuyện với em, em thích lắm, rồi "a gừ, a gừ" nữa. Mẹ thích nhìn em cười và thích nghe em "a gừ a gừ" như thế lắm.

Khoản unchi thì em cũng giỏi hơn anh Chép nữa. Hồi đấy anh Chép hay bị khó đi ngoài, phải chọc mới đi được. Nhưng em Khanh thì hầu như hôm nào cũng unchi 1 lần, papa mới chỉ phải chọc cho em khoảng 2 lần thôi. Mà cứ ti mẹ nhiều là em lại khó đi ngoài. Chắc là tại sữa mẹ không tốt con nhỉ.

Mama đã làm xong các thủ tục để tháng sau em Khanh đi nhà trẻ cùng anh Chép rồi. Em Khanh còn bé thế này mà đã phải đi học, thương con gái của mẹ lắm. Nhưng lớp của con cũng có nhiều bạn bằng tháng tuổi con đấy, chắc sẽ vui lắm con nhỉ. Cả nhà mình cùng cố gắng nhé.

Friday, March 21, 2008

Gặp lại Shimako sensei

Không ngờ cả nhà lại có dịp gặp lại cô Shimako.
Chủ nhật tuần trước, trời nắng đẹp, cả nhà lại rồng rắn 2 cái xe đẩy đi dạo. Đang dừng ở trước cửa siêu thị Nakamura mua takoyaki thì thấy cô dựng xe để chuẩn bị vào siêu thị. Thế là bố mẹ bế Chép chạy đến chỗ cô, còn xe của em Khanh thì cứ để bên kia đường. Tất nhiên là cô vẫn nhớ Chép rồi, thế mà Chép chẳng nhớ cô gì cả. Chép quên cô hoàn toàn, thế mới chán chứ. Cô khen Chép lớn quá, béo ra nữa. Cô vẫn nhớ ngày xưa Chép ăn khoẻ lắm. Mẹ khoe là bây giờ Chép vẫn ăn khoẻ như thế, hihi. Rồi mẹ còn "khoe" thêm với cô là cả nhà mới có thêm em bé nữa. Cô tròn mắt ngạc nhiên hết sức, rồi cô được dẫn đến chỗ em Khanh đang nằm. Cô vẫn còn nhớ ngày trước anh Chép cũng dùng cái khăn mà em Khanh đang đắp bây giờ. Cô bảo chắc cả gia đình hạnh phúc lắm. Nói chuyện 1 lúc mà mẹ cũng chẳng kịp hỏi xem công việc của cô bây giờ ra sao. Cô Shimako đã nhiều tuổi rồi mà lúc nào cũng có kiểu chào cúi gập người rất thấp và cúi rất lâu, làm cho mẹ Chép cứ thấy ngại ngại thế nào ấy. Vẫn biết đấy là cách chào của người Nhật nhưng không thể nào bắt chước được.
Mới khoảng 1 năm không gặp cô mà đã thấy cô già đi rất nhiều. Vẫn mái tóc bạc ấy, vẫn dáng người ấy nhưng trông cô có vẻ không còn nhanh nhẹn như trước nữa. Đôi mắt cô không còn sáng như trước, nước da của cô hơi có vẻ như nước da của một người vừa ốm dậy. Không hiểu cô có gặp vấn đề gì về sức khoẻ không mà cô lại yếu đi nhanh thế. Gặp lại cô thấy vui nhưng thấy cô yếu đi thế này lại thấy buồn buồn. Mà cũng không biết cô đã về hưu chưa. Mẹ tệ thật, toàn nói linh tinh chuyện gì mà chẳng kịp hỏi cô gì cả.

Saturday, March 15, 2008

9 tháng trong bụng mẹ

Anh Chép sinh sớm 10 ngày còn em Khanh chui ra sớm có đúng 1 ngày thôi. Thời gian ở trong bụng mẹ của em Khanh như thế là cũng nhiều hơn anh Chép. Nhưng ngoài ra thời gian 9 tháng ở trong bụng mẹ của 2 anh em cũng rất khác nhau. Đúng là mang thai và sinh con dù đã trải qua, nhưng mỗi lần một khác. Mẹ ghi lại ra đây những điểm khác nhau suốt 9 tháng của 2 anh em nhé. 9 tháng đầu tiên đã khác nhau như thế này thì chắc tính tình của 2 anh em cũng không giống nhau đâu nhỉ.

Sức khoẻ của mẹ

Anh Chép

Em Khanh

Ốm nghén

Mẹ hầu như không ốm nghén, chỉ cảm thấy mệt trong 3 tháng đầu, suốt 9 tháng cho đến lúc sinh cũng không cảm thấy buồn nôn, chỉ nôn khan đúng 1 lần lúc nửa đêm do đói quá.

Mẹ nghén kinh khủng, suốt hơn 3 tháng đầu nôn liên tục, có ngày nôn đến 3 lần. Đói quá cũng buồn nôn, ăn no quá cũng nôn. Nôn xong cũng không có cảm giác muốn ăn nữa. Ngoài ra là mệt kinh khủng, có ngày chỉ nằm mà không làm được việc gì.

Ăn uống

Kể cả trong 3 tháng đầu mẹ cũng ăn khoẻ hơn bình thường, trước khi đi ngủ có khi lại ăn thêm ít bánh mì hay mì tôm vì đói quá.

Mẹ ăn rất nhiều cá chép, ruốc cá thì hầu như hôm nào cũng ăn.

3 tháng đầu do bị nghén nên mẹ chẳng ăn được mấy. Cảm giác thèm ăn cũng không có. Từ tháng thứ 5 trở đi thì mẹ ăn uống tốt hơn.

Mẹ có ăn cá nhưng không ăn cá chép mấy, vì Bố không đi câu được.

Tăng cân

Mẹ tăng hơn 10kg, và cảm thấy người khá nhẹ nhàng, ngay cả cho đến ngày sắp sinh, mẹ vẫn còn liều đi xe đạp được.

Mẹ tăng hơn 13kg, và cảm thấy nặng nề ngay từ tháng thứ 7. Đến tháng cuối thì hầu như mẹ đi lại cũng thấy khó, vận động thì chậm chạp, và mẹ đã phải thôi không đi xe đạp nữa. Bố cũng phải đi đón anh Chép thay mẹ. Và mẹ cũng phải cố gắng không được bế anh Chép nữa.

Thuốc thang

Mẹ không hề phải dùng đến 1 viên thuốc nào vì sức khoẻ của mẹ khá tốt.

Mẹ phải uống rất nhiều loại thuốc khác nhau, mặc dù mẹ biết điều này ảnh hưởng không tốt đến con.

Đầu tiên là thuốc cảm cúm vào tháng thứ 5, rồi thuốc chữa viêm họng (trong thời gian ở Pháp), thuốc chống co bóp tử cung (do ở tuần thứ 27 tử cung đã có dấu hiệu mở), viên sắt (do mẹ bị thiếu máu).

Nghe nhạc, đọc truyện

Mẹ thường xuyên áp tai nghe vào bụng cho Chép nghe nhạc cổ điển. Đêm nào mẹ cũng đọc truyện cho Bố nghe nên Chép cũng được nghe lây.


Mẹ hầu như không nghe nhạc và không đọc truyện buổi tối nữa vì bận và mệt quá.

Đi lại

Suốt thời gian mang thai mẹ ở Kyoto suốt, không hề đi đâu xa.

Mẹ đi lại khá nhiều. Đầu tiên là chuyến du lịch sang Pháp và Ý vào tháng thứ 5. Đây là chuyến đi xa nhất từ trước đến nay.

Sau đó là chuyến về Việt nam 10 ngày vào tháng thứ 7. Mẹ đi lại nhiều thế không biết con có mệt không.

Biểu hiện của con

Chép không hay đạp mấy, thường chỉ đạp lúc mẹ đi ngủ thôi.

Con đạp rất nhiều, hầu như cả ngày. Không hiểu con có khó chịu gì không mà đạp nhiều thế.


Friday, March 14, 2008

Nickname nào cho em Khanh?

Anh Chép thơm má em Khanh này!

Em Khanh gần tròn 2 tháng rồi mà cả nhà vẫn chưa quyết định được nickname cho em. Ai đến nhà cũng hỏi thế tên ở nhà của em là gì, mà bố mẹ vẫn chưa trả lời được.
Quá trình chọn tên cho em bắt đầu từ trước khi sinh em cơ. Đầu tiên là bố mẹ "giao nhiệm vụ" chọn tên cho dì Thu và chú Jerome (ưu tiên chú và dì nhất còn gì). Rồi chú J nghĩ ra cái tên ti-bu, tiếng Pháp có nghĩa là "một mẩu nhỏ". Nghe thì rất dễ thương, nhưng chẳng hiểu sao mẹ cứ thấy cái tên này nó nam tính thế nào ấy, hợp với con trai hơn. Papa thì bảo "nghe nó cứ giống giống Ti-tu, tên cái thằng con ông thị trưởng ở chỗ dì Thu ấy", buồn cười quá. Mà gọi là "một mẩu nhỏ" nhỡ về sau con gái lại bé xíu thì chết. Cái tên Ti-bu thế là không được duyệt. Chả biết chú J có buồn không nhỉ, hìhì.
Cái tên thứ 2 là do dì Francoise nghĩ ra. Sau khi biết bố mẹ Chép đang chọn nick cho Khanh, dì Francoise đã nghĩ ra 1 loạt tên Mailys (tên 1 loài hoa), Maissa, Maeva, Mina. Toàn những cái tên rất đẹp, đọc lên nghe rất du dương. Trong những cái tên này, mẹ ưng nhất cái tên Mina. Nhưng mẹ vẫn ngần ngừ chưa quyết định vì thấy nó không có vẻ gì thân quen cả, và sợ ông bà nội ngoại của Khanh khó đọc nữa. Thế là cái tên Mina vẫn nằm trong danh sách "dự bị".
Papa thì lại muốn gọi em Mai Khanh là "kobuta", trong tiếng Nhật có nghĩa là "con lợn con". Papa bảo tại vì em Mai Khanh ăn nhiều, ăn như heo ấy, hehe. Nhưng mẹ thì không chịu gọi con gái là buta đâu, chả đẹp gì cả. Sau này bạn trai con đến nhà lại thấy bố mẹ gọi là ỉn như thế thì chán lắm.
Bạn của mẹ thì bảo, anh tên là Chép rồi thì tên của em cũng đặt "loanh quanh" đâu đấy. Nhưng loanh quanh là cái gì, chả hiểu.
Mẹ nhìn con gái mà chưa nghĩ ra được cái tên nào thực sự hợp với con cả. Nên cứ gọi con là Khanh đã. Vụ nickname này phải cần có thêm thời gian con nhỉ. Hay là tại mẹ khó tính quá?!

Wednesday, March 12, 2008

Mong lắm Sakura

Hôm nay trời nắng ấm đẹp lắm, nhưng papa thì đến trường, anh Chép đi nhà trẻ nên chỉ có 2 mẹ con mình ra ngoài chơi với nhau thôi. Tiện thể mẹ đưa em ra Nikku mua mấy thứ nữa.Sau khi được mặc quần áo chỉnh tề để chuẩn bị đi chơi, trông em háo hức chưa, còn tròn xoe mắt lên nhìn mẹ nữa.
Mua các thứ ở Nikku xong, 2 mẹ con đi bộ ra bờ sông Kamo chơi. Trời nắng đẹp và gió nhẹ nên cũng có nhiều người bách bộ ở 2 bên bờ sông như mẹ con mình lắm. Em bắt đầu tỉnh ngủ và khóc đòi ăn nên mẹ cho em ti 1 bình 140cc đã pha sẵn từ ở nhà đem đi. Em ti hết ngay, rồi ngáp ngủ như thế này này, ra chiều buồn ngủ lắm rồi. Nhưng sau đấy thì em không chịu ngủ ngay mà mở mắt thao láo. Chắc là tại trời nắng sáng và tiếng ồn xung quanh làm em chú ý. Em cứ thức như thế cho đến lúc về đến nhà.
Dọc con đường gần sông Kamo là những hàng cây sakura trụi lá, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy rất nhiều mầm hoa, ẩn mình để chuẩn bị nở rộ khi trời nắng ấm, báo hiệu sự chia tay của mùa đông, nhường chỗ cho 1 mùa xuân ấm áp. Nhưng tự nhiên bắt gặp 1 cây sakura nhỏ xíu đã hé nở những bông hoa đầu tiên. Hoa nở sớm làm ai đi qua cũng phải dừng lại ngắm nhìn.

Monday, March 10, 2008

Chủ nhật đi chơi công viên

May quá, ngày chủ nhật trời nắng và ấm áp, bố mẹ đưa cả anh Chép và em Khanh ra ngoài chơi thôi. Đây là lần đầu tiên em Khanh được ra ngoài phơi nắng đấy. Cứ ở mãi trong nhà không khéo lại cớm nắng. Phải ra ngoài để tổng hợp ít vitaminD chứ nhỉ. Hôm nay cả nhà dậy muộn hơn mọi hôm, tắm cho em Khanh và chuẩn bị các thứ xong cũng phải gần 1h chiều mới ra khỏi nhà được. Mẹ nấu udon định đem đi cho anh Chép ăn, nhưng loanh quanh ở nhà đến quá giờ ăn trưa mà vẫn chưa đi được, Chép nhìn thấy udon thì đòi ăn luôn, thế là đành phải cho anh Chép ăn xong mới đi.

Anh Chép thấy em Khanh được nằm xe đẩy thì đòi, nên cũng phải cho anh Chép ngồi xe riêng. 2 anh em 2 xe, bố mẹ mỗi người 1 xe đẩy. Cả nhà đi bộ ra công viên gần siêu thị Nakamura. Vừa đến nơi thì thấy cả nhà bạn It-chan, bạn cùng lớp của CHép cũng đang chơi ở đó. 2 chị em It-chan và mấy bạn khác nhìn thấy Chép thì gọi toáng lên "Kien-chan, Kien-chan" rồi ra dắt Kiên vào chơi. Kiên mới đến thấy đông người quá nên vẫn còn hơi ngượng.

Chị gái của It-chan thì quý Kiên lắm, lăng xăng dẫn Kiên đi chơi.

Phải 1 lúc sau Kiên mới hăng hái tham gia các trò, nào là bập bênh này,

chơi cầu trượt này. Nhưng trượt 1 mình thì cư kêu "kowai" (sợ lắm) rồi mãi không chịu trượt xuống. Mẹ phải đứng cạnh hoặc là mẹ của bạn It-chan đứng cạnh cầm tay thì mới chịu tụt xuống. Thế mà bạn It-chan trượt được 1 mình cơ đấy. Chắc tại cái cầu trượt này cao hơn ở nhà trẻ, mà Chép lại không hay ra đây chơi nên không quen đây mà. Nhưng Chép trượt cùng với papa thì cười toe toét.
Trượt cầu trượt rồi thì chạy chơi khắp nơi. Sân rộng lắm, phía đằng kia còn có mấy anh chị đang tập karate nữa.
Rồi 2 bố con còn ngồi xích đu này. Chép khoái lắm, mỗi tội hở cả rốn ra thế kia mà chẳng để ý gì cả.
Chơi nhiều mệt quá, khát nước. Chị gái của It-chan còn đem nước trà đến tận nơi cho Chép uống. It-chan cũng lăng xăng chạy tới đòi uống cùng.Chị gái của It-chan biết quan tâm đến các em ghê.
Chơi các trò chán thì Chép quay sang nghịch cát và lấy que để vẽ. Hỏi Chép vẽ hình gì thì Chép bảo Chép vẽ hikoki (máy bay), tamago (quả trứng) rồi cả mặt trăng nữa.
Papa ơi, chụp Chép xong thì ra chơi với Chép nhé.

Chơi ở công viên 1 lúc thì cả nhà đi ra khu siêu thị Izumiya chơi. Trên đường đi anh Chép không chịu ngồi xe đẩy nữa mà đòi xuống đẩy xe như thế này đây. Thôi cứ để cho anh Chép đi bộ cho khoẻ người.

Em Khanh thì nằm xe đẩy suốt, lúc ở công viên ăn hết 1 bình 120cc xong rồi lim dim ngủ. Các anh chị chơi gần đó cứ thỉnh thoảng lại đến gần em Khanh để ngó, rồi khen "kawai, kawai". Hôm nay được đi chơi lần đầu tiên, em Khanh ngoan lắm. Mong rằng từ nay sẽ có nhiều ngày nắng ấm để cả nhà mình được đi chơi nhiều nhé.

Thursday, March 6, 2008

Những trò nghịch ngợm của Chép

Em Khanh 6 tuần tuổi

Hôm nay em Khanh tròn 6 tuần tuổi rồi đấy. 6 tuần hai mẹ con loanh quanh với nhau ở nhà, thế mà cũng thấy thời gian trôi nhanh vèo vèo. Suốt 6 tuần, ngoại trừ những lần đi khám ở bệnh viện, thì em Khanh cũng chưa được cho ra ngoài chơi lần nào, vì trời cứ lạnh, gió và tuyết suốt. Để đợi hôm nào nắng ấm thì cả 2 anh em ra ngoài chơi nhé. Mà tháng sau là mùa sakura rồi, 2 anh em tha hồ mà đi ngắm hoa, đẹp lắm.
6 tuần tuổi, em Khanh ăn cũng nhiều hơn, mỗi lần uống phải 1 bình sữa 140cc. Còn sữa của mẹ chỉ đủ làm "món khai vị" cho em thôi.
6 tuần tuổi, em Khanh đã ngủ được một mạch từ 10h tối đến 6h sáng rồi. Em thương mẹ không muốn mẹ phải thức đêm đấy mà. Về khoản này thì anh Chép thua em rồi đấy nhé. Phải đến tháng thứ 3 anh Chép mới ngủ cả đêm mà.
Em Khanh cũng ít bị sặc sữa hơn rồi. Thời gian đầu, em bú sữa hay mút nhanh mà chưa kịp nuốt nên hay bị ho và sặc sữa. Nhưng bây giờ đỡ hơn rồi. Con gái thì phải ăn uống từ từ chứ con.
Chàm sữa trên mặt em Khanh cũng đỡ nhiều rồi. Về nhà được khoảng gần 3 tuần thì mặt em nổi những mụn đỏ, hình như ở Việt nam gọi là chàm sữa thì phải. Đi khám 1 tháng, được bác sĩ cho thuốc để bôi, nhưng cũng không đỡ ngay. Có hôm mụn mọc khắp mặt, da bì bì, rồi mụn còn lan xuống cổ. Nhưng bây giờ da mặt em đỡ nhiều rồi, trông có vẻ trắng trắng ra rồi. Hình như em Khanh có nước da khác với anh Chép thì phải.
Em Khanh cũng biết ê a hóng chuyện rồi, còn cười rất tươi khi nghe bố mẹ nói chuyện nữa

Đây là đoạn băng video ghi lúc em Khanh được 1 tháng 4 ngày tuổi

Sunday, March 2, 2008

Lễ hội đón xuân

Tháng 2 có ngày Xuân phân, và cũng là ngày nghỉ lễ của Nhật. Đã thành thông lệ,cứ vào thời gian này, nhà trẻ của Chép lại tổ chức Lễ hội đón xuân. Lễ hội thường được tổ chức vào thứ 7, với các tiết mục do các cô và các cháu cùng biểu diễn. Năm nay, papa được phân công ở nhà trông em Khanh, còn mẹ sẽ đến trường tham dự lễ hội cùng Chép.
Đến lớp lúc 9h sáng, mẹ chào hỏi 2 cô phụ trách lớp Sumire của Chép vì lâu rồi không gặp. Sau đó mẹ phải để Chép ở lại lớp để lên hội trường tầng 2 nơi tổ chức Lễ hội. 9h15 hội trường mới mở cửa nên mẹ phải đứng xếp hàng một lúc. Nhiều bố mẹ cũng cố gắng đến sớm để được ngồi ở phía trên. Mẹ cũng tìm được 1 ví trí gần trên đầu để quay phim hay chụp ảnh cho dễ. Đầu tiên là bài phát biểu của cô hiệu trưởng. Cô nói qua về tình hình các lớp trong thời gian qua, về ý nghĩa của Lễ hội và nội dung của chương trình. Trong lúc cô phát biểu còn có 1 cô khác đứng nói bằng tay cho những người khiếm thính. Thế mới biết người tàn tật ở Nhật được quan tâm chu đáo đến thế nào.

Tiết mục đầu tiên được bắt đầu bằng đoạn băng video quay lớp Sumire của Chép.Đoạn băng ghi lại những hình ảnh Chép và các bạn lúc chơi trong phòng với các trò như cho búp bê ăn, xếp đoàn tàu, chơi nấu bếp, hay lúc đi dạo. Mẹ nhìn thấy Chép lúc thì mặc váy và đội khăn trên đầu trông đến buồn cười, lúc thì chạy nhảy với các bạn, hay lúc được cô hỏi "tên là gì" thì trả lời rất nhanh "Kien-chan". Chép và các bạn ở nhà trẻ trông thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Mẹ ghi lại đoạn băng này để papa và mọi người cùng xem nhé.



Sau khi xem hết đoạn băng video, mẹ và các mẹ khác của lớp sumire quay xuống lớp, cùng các con của mình tham gia gấp hình theo hướng dẫn của cô. Sắp đến lễ Hina matsuri nên cô hướng dẫn cách gấp hình búp bê con trai và con gái biểu tượng của lễ hội này. Chép cũng rất hào hứng gấp, vẽ và dán, nhưng Chép vẽ mặt thì loằng ngoằng, chứ không như mấy bạn biết vẽ cả mắt hình tròn. Các tác phẩm sau khi hoàn thành được dán lại lên cửa kính của lớp.
Sau đó mẹ lại đưa Chép lên hội trường xem các tiết mục khác. Có tiết mục của các mẹ hát bài Omochya no cha cha cha và tiết mục kịch Ông lão và củ cải do các cô biểu diễn rất thú vị. Chép ngồi xem chăm chú đến nỗi quên cả vỗ tay.
11h đến giờ ăn trưa. Mẹ cũng được tham gia giờ ăn với Chép. Nhưng các bạn ra rửa tay rồi ngồi vào ghế mà Chép cứ nhất định không chịu ra, cứ bắt mẹ bế suốt. Cô giáo cũng bảo mọi hôm các bạn ngồi vào ghế hết rồi mà Chép cứ "iya, iya" mãi sau mới chịu vào ngồi. Thế là hôm nay cô giáo kể tội Chép đấy. Chép ở nhà trẻ cũng khó bảo ghê.
Chép ngồi ăn cùng bàn với bạn Papu-chan người Mali Châu phi và 1 bạn người Nhật (nhưng hình như có bố là người Hawai). 2 bạn tự xúc ăn rất ngoan mà Chép mãi không chịu xúc, cứ đòi mẹ xúc cho như ở nhà. Có lúc lại còn ngồi thừ ra, rồi cứ chỉ tay vào bố mẹ bạn Papu-chan rồi nói "papu-chan no otousan, papu-chan no okasan". Đến lúc 2 bạn ăn xong rồi mà Chép vẫn còn nửa bát. Mẹ đành phải xúc cho Chép để ăn cho nhanh.

Suất cơm của Chép vẫn còn nguyên mà các bạn đã ăn gần xong rồi. Menu hôm nay là cơm cari thịt bò, và nộm rau horensho trộn táo và hamu
CIMG6075

Ăn xong Chép ra rửa tay, nhưng cũng mải nghịch cái vòi nước nên mãi mới rửa xong
CIMG6076

Trước khi về, Chép chụp ảnh với cô Ishii. Đây là cô giáo mà Chép yêu quý nhất ở nhà trẻ. Hôm nào không có cô ra đón thì thế nào Chép cũng khóc khi bố mẹ đi về. Có cô là Chép ngoan ngay, chạy đến rồi ngồi vào lòng cô. Cô Ishii hình như vẫn còn trẻ lắm, lúc nào cô cũng đeo hàm sắt ở răng. Hôm nay cô còn đánh đàn piano cho các tiết mục biểu diễn nữa.Không biết tháng 4 tới, cô có còn phụ trách lớp của Chép nữa không.
CIMG60771