Thursday, May 29, 2008

Mizu-ibo (mụn nước)

Cách đây phải đến 4 tháng, trên lưng của Chép xuất hiện những mụn nước (tiếng Nhật gọi là mizu-ibo). Lúc đầu chỉ là 2, 3 mụn thôi, và mẹ nghĩ là cũng không nghiêm trọng nên cứ để thế xem nó có tự hết không. Nhưng suốt mấy tháng mà không hết, mà con cũng có vẻ ngứa nên mẹ đưa đi khám bác sĩ. Bác sĩ bảo mụn này không có gì nguy hiểm, rồi nó sẽ tự khỏi nên cũng không cho thuốc. Đành nghe theo bác sĩ, nhưng vẫn chẳng thấy nó biến đi gì cả.
Đến hôm nọ cô giáo ở nhà lại bảo nên đi khám, vì Chép ngứa nên hay gãi. Mẹ đành đưa Chép đến clinic khác xem thế nào. Ông bác sĩ ở đây thì lại cho đến 3 loại thuốc: 2 loại thuốc uống và 1 loại để bôi. Đúng là mỗi bác sĩ một kiểu. Thử cho con uống xem có đỡ không. May mà thuốc ngọt hay sao ấy, nên con toàn gọi nó là...kẹo. Cứ 1 ngày 2 lần được ăn kẹo như thế Chép thích lắm.

Mẹ cũng phải tìm hiểu trên net về mizu-ibo xem thế nào:
- Mizu-ibo là một loại bệnh lây nhiễm virus trên da thường gặp. Thời gian ủ bệnh là 2 đến 7 tuần, trẻ từ 3 đến 15 tuổi thường mắc phải (chiếm đến 90%), trong đó nhiều nhất là độ tuổi 5-6.
- Bệnh này lây trực tiếp từ người sang người, qua tiếp xúc qua da (như ở bể bơi, hoặc có thể lây gián tiếp qua dùng chung khăn mặt).
- Biểu hiện bệnh: không đi kèm với đau hay ngứa (thế sao Chép hay gãi nhỉ), mụn hay xuất hiện trên người hơn là trên mặt, đầu hay tay chân (Chép thì có nhiều ở lưng, nách), mụn hơi phồng, mềm, có đường kính 1-2mm cho đến 4-5mm, màu da hay hơi đỏ.
- Phần lớn những mụn này sẽ tự nhiên biến đi, nhưng phải mất 5-6 tháng, hoặc có trường hợp lâu thì đến tận 3 năm.
- Phương pháp điều trị: có nhiều quan điểm khác nhau tuỳ theo bác sĩ. Những bác sĩ khoa da liễu thì thường áp dụng hình thức trị liệu tức thời, để hạn chế việc lây nhiễm. Nhưng bác sĩ khoa nhi thì thường để vậy vì đây là bệnh lành tính và có thể tự khỏi. Phương pháp trị liệu ở đây có thể dùng pinset để loại bỏ mụn đi, hoặc dùng thuốc dung dịch acid để bôi. Việc áp dụng phương pháp trị liệu hay để tự khỏi thì cần có ý kiến của bác sĩ, kết hợp với quan điểm của bố mẹ, và điều kiện của trẻ như độ tuổi, giới tính, có đi nhà trẻ hay trường dậy bơi hay không,...

Sunday, May 25, 2008

Anh Chép tròn 2 tuổi và 5 tháng

Anh Chép đeo khuyên tai làm dáng!

Dạo này mama quên cả đếm tuổi cho anh Chép, tệ thật. Hôm nay ngày 25/5/2008 thì mama nhớ rồi, vì mama đã phải ghi vào lịch trước cho khỏi quên mà. Hôm nay anh Chép tròn 2 tuổi và 5 tháng đấy. Ái chà, chẳng mấy chốc mà 3 tuổi đến nơi nhỉ. Từ trước đến nay mẹ hay "kể tội" anh Chép nhưng mà hôm nay mẹ sẽ nghĩ xem con trai mẹ có những tiến bộ gì nhé.

- Anh Chép đi vệ sinh "chuẩn" lắm rồi. Hồi đầu là toàn đi luôn ra quần, làm mẹ phải lau chùi đến là mệt, rồi dần dần anh Chép đã biết gọi mẹ để được đi vào bô, nhưng vẫn cần phải mẹ cởi quần cho. Còn bây giờ, chẳng cần gọi mẹ cũng chẳng cần mẹ cởi quần, anh Chép tự tụt quần bên cạnh cái bô rồi ngồi xuống tè hay unchi thôi. Thế có "sướng" không cơ chứ. Để anh Chép làm được như thế là bố mẹ cứ phải liên tục khen "anh Chép là oni-chan(anh trai) rồi mà, anh Chép ni-sai(2 tuổi) rồi mà" mỏi cả mồm lên mới được như thế đấy. Thôi cũng bõ công những ngày vất vả, bây giờ thì bố mẹ nhàn rồi.

- Anh Chép biết tự đếm từ 1 đến 10 rồi, bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật. Hồi đầu mới học thì hay nhầm lắm, toàn kiểu đếm luôn từ bốn, năm, sáu cho đến mười, hoặc tiếng Nhật thì đếm shichi (số7) rồi lại nana (cũng vẫn số 7, nhưng cách gọi khác) sửa mãi mới được. Bây giờ thì con đếm khá thành thạo. Lúc nào bố mẹ pha sữa mà đếm thìa sữa cho em Khanh là anh Chép cũng đếm theo. Hỏi "nan-sai (mấy tuổi rồi)" thì cũng biết giơ 2 ngón tay ra bảo "ni-sai (2 tuổi)". Hỏi "con thích mấy cái kẹo" thì giơ 4 ngón tay ra bảo "yon-ko (4 chiếc)". Từ 1 đến 5 thì con nhận thức được chính xác, nhưng từ 6 đến 10 thì con mới chỉ đếm như vẹt thôi, chứ cũng chưa hiểu rõ về mặt số lượng đâu.

- Con đã quen với việc tự đi bộ và cũng thích được đi bộ nữa. Ở nhà trẻ, mỗi sáng đi dạo là cả lớp nắm tay nhau đi bộ, mà cũng không phải gần lắm đâu. Khi thấy các bạn đều đi bộ thì chắc con cũng thấy mình phải tự cố gắng như các bạn. Bây giờ Chép đi bộ vài cây số là chuyện có thể làm được. Trừ 1 vài lúc mỏi quá bắt bố mẹ bế, còn hầu như là con đi bộ. Cái xe đẩy của con bị giấu đi rồi, không phải dùng đến nữa. Con trai phải cố gắng để có sức khoẻ nhé.

- Con biết yêu em và biết tỏ ra mình là anh trai đấy. Thấy em mút tay là con kéo tay em ra không cho em mút nữa. Thấy em ngủ, con cũng biết lấy chăn đắp cho em, nhưng có khi đắp cả lên mặt, nên sau đó mama phải sửa lại. Nghĩ là em đói con cũng biết lấy bình sữa nhét vào miệng em, nhưng lại là bình sữa chưa rửa. Thấy em nằm không có đồ chơi, con cũng biết chia đồ chơi cho em, mỗi tội là chắc em không thích ôtô như con đâu. Rồi còn bật nhạc, thay đổi bản nhạc và vặn tiếng to nhỏ cho em nữa. Anh Chép thực sự là yêu em lắm, nhưng nhiều lúc thấy mẹ bế em Khanh thì cũng chạy vào đòi mẹ bế. Thế là mẹ cũng phải bế anh Chép 1 tí cho con trai đỡ tủi thân, chứ không vài năm nữa lớn rồi chắc chẳng đòi bế nữa đâu, lúc đấy mẹ có muốn bế nữa cũng chẳng được ấy chứ.

Saturday, May 24, 2008

Em Khanh tròn 4 tháng

Em Khanh tròn 4 tháng được 2 ngày rồi nhưng hôm nay mama mới có thời gian ngồi viết cho con (mà không phải chỉ cho con đâu nhỉ, cho ông bà và mọi người cùng đọc, và cũng là viết cho cả mama nữa, để mama có thể ghi nhớ hình ảnh của con lúc này).

Em Khanh tròn 4 tháng nhưng cổ vẫn chưa đủ cứng, em vẫn chưa tự lẫy được, hình như là do cái đầu quá nặng, và người cũng nặng nữa. Thỉnh thoảng bố mẹ vẫn phải tập cho em nằm sấp xuống, nhưng cũng chỉ được 1 tí là em lại mỏi ngay. Nhưng mama cũng không sốt ruột lắm đâu, con khỏe mạnh là được rồi, đến một lúc nào đấy là con sẽ tự lẫy được thôi mà.

Khanh có vẻ như có sở thích rất khác với anh Chép. Hồi bằng tuổi Khanh, anh Chép có thể nằm chăm chú ngắm nhìn đồ chơi đến cả tiếng đồng hồ, nhưng Khanh thì khác. Bố mẹ tìm mua được đồ chơi có gắn nhạc rất hay, có hình động vật quay quay mà con cũng chẳng chịu nhìn. Mua về cho em Khanh mà anh Chép thì sán đến, bật cái nọ bật cái kia, rồi còn đọc tên từng con vật cho em Khanh nghe nữa, còn em Khanh thì chả quan tâm mấy. Em chỉ thích có mama hay ai đó bên cạnh để nói chuyện với em thôi. Mỗi lúc như thế là em cười duyên lắm, cái miệng thì rộng, cái mắt thì tít lại, chân tay thì lắc la lắc lư. Hoặc chỉ cần mẹ đứng ở xa vẫy tay là em cũng cười ngay rồi. Con gái của mẹ hay cười lắm. Dạo này hết nhăn trán như hồi đầu rồi, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn cau mày khi thấy anh Chép xuất hiện và nói to.

So với những tháng trước thì đầu em đã sạch gần hết "cứt trâu" rồi. Nhờ công lao tắm táp kỳ cọ của papa đấy. Nhưng trời nóng rồi, em hay ra mồ hôi lắm, nhất là ở đầu, ở cổ. Ngày nào cũng tắm mà cứ đến lúc tắm, giở quần áo ra là thấy ở cổ bám đầy "ghét", khiếp, mùi thì hôi không chịu được. Nhưng được cái da dẻ sờ mát lắm, thích ơi là thích.

Em Khanh bé thế này mà không được bố mẹ bế nhiều đâu. Có nhiều hôm mẹ bận việc, ra khỏi nhà từ 7h sáng lúc em Khanh còn chưa ngủ dậy, về đến nhà lúc 7h tối thì em Khanh lại ngủ luôn rồi, thế là mẹ chẳng được bế em tí nào. Có khi ăn cơm, dọn dẹp nhà cửa, tắm táp xong để đi ngủ rồi cũng quên luôn chưa kịp ngó con một tí. Đến lúc tắt điện đi ngủ mới muốn thơm vào má con cho đỡ nhớ thì papa lại không cho, vì bảo làm thế thì con ngủ không ngon. Nhưng kệ chứ, mama nhớ con lắm, không chạm được vào má con là không chịu đâu. Chắc là Khanh cũng nhớ mama lắm, nên đêm tỉnh dậy đòi uống sữa. Nhìn thấy mẹ em Khanh lại cười toét miệng, đạp tay đạp chân ra chiều thích lắm. Nhưng ban đêm nên mẹ chẳng nói chuyện được, chỉ thì thầm thôi vì sợ anh Chép tỉnh dậy mà. Thế là được bế con một tí. Thương con gái của mama ghê. Bé thế này mà không được quan tâm mấy nhỉ. Thôi để đến cuối tuần 2 mẹ con mình ở bên cạnh nhau cả ngày nhé.

Mama quên mất không kể thêm là con vẫn duy trì cái tật mút tay và không biết đến bao giờ mới bỏ được, và mẹ cũng không biết làm cách nào cho con bỏ được, nhìn xấu lắm.
Đây này, hết mút tay trái,
lại chuyển sang tay phải,
chưa thấy đã thì nhét cả 2 tay vào, mà làm sao mà nhét vừa cơ chứ. Mút 1 lúc thì nước dãi dính đầy ra tay, ra má.
Ngoài những lúc ngủ và ăn ra thì hầu như lúc nào con cũng mút tay, như là "con nghiện" ấy. Thấy mama chộp cảnh mút tay thì nhăn trán chứ gì.
Đây là 1 trong những giây phút hiếm hoi mà mama lừa lúc con bỏ 2 tay ra để chụp. Lúc nào mà cũng như thế này thì có phải xinh không, con gái của mama.

Wednesday, May 21, 2008

Lớn lên con làm nghề gì?

Đây là phán đoán của mẹ về nghề nghiệp của anh Chép. Để xem sau này có đúng không nhé.
  • Lái xe taxi: cứ nhìn thấy xe taxi ở đâu là Chép lại kêu toáng lên gọi "taxi taxi". Ra ngoài đường thì thế còn lúc ở nhà thì vác ghế ra ngoài sân ngồi...ngắm xe qua lại. Chả hiểu sao con lại yêu thích ôtô thế không biết, sau này con làm lái xe nhé. Quyển sách có hình các loại ôtô thì con lấy cái bút vẽ thêm vào từng chiếc ôtô những cái lòng vòng ở trên nóc, ra điều là biến nó thành cái xe taxi. Xe cứu thương, xe bus hay xe con, xe gì con cũng biến thành taxi hết.
  • Nhân viên đường sắt: Ở nhà trẻ Chép hay được các cô dẫn đi dạo chơi, mà hầu như lúc nào cũng đi qua cái đường sắt có tàu chạy qua. Khi có tàu thì thanh chắn tự động hạ xuống để mọi người dừng lại cho tàu đi qua. Cho nên cứ đến gần đường tàu là con lại nói "kankan kankan" rồi vừa nói vừa đưa tay ra giả vờ làm thanh chắn tàu, nâng lên hạ xuống. Về đến nhà con cũng lấy cái que, cái mắc áo hay bất cứ cái gì dài dài rồi giả vờ làm thanh chắn, nâng lên hạ xuống. Mẹ đi qua thì con chắn cái que ngay trước mặt, miệng nói "kankan" một lúc rồi mới nâng lên, kiểu như là "bây gìơ thì mẹ đi qua được rồi". Thế thì con có vẻ có "năng khiếu" làm nhân viên trực đường ray rồi đấy. Mà nghề này ở Nhật thì đã được tự động hoá bằng máy móc nhưng ở Việt nam vẫn còn duy trì đấy, con chả lo thất nghiệp đâu nhỉ.
  • Nhân viên điều khiển xe: lại vẫn liên quan đến ôtô nhưng nghề này hơi khác 1 tí. Ở ngoài đường con hay nhìn thấy có những người hướng dẫn cho ôtô đi sang phải sang trái, lùi hay tiến lên, nhất là những chỗ có công trình xây dựng phải hướng dẫn cho xe tải hay xe trộn bê tông đi vào hay đi ra. Những người này thường hét rất to "alright alright" hay "back back" "Ok ok". Thế là con cũng bắt chước ngay, nhưng nói theo đúng cái giọng Nhật "ô lai, ô lai" "ba-ku ba-ku" mà con nói cũng to chả kém gì người ta. Đến nhà trẻ cũng kể lại cho cô giáo nghe là "ô lai ô lai", chẳng hiểu cô có hiểu con diễn tả cái gì không. Có xe nào đang lùi hay tiến mà nghe thấy con hét lại tưởng thật thì chả biết sẽ thế nào nhỉ.
  • Người mẫu: 1 nghề khác hẳn với 3 nghề trên. Nhưng con vốn mang nhóm máu của giới văn nghệ sĩ, lại thêm khoản rất biết tạo dáng trước ống kính của papa nên mẹ hoàn toàn có thể nghĩ rằng con khá hợp với nghề người mẫu, hehe. Mỗi tội muốn làm người mẫu thì con phải củng cố thêm chiều cao 1 tí nữa, không người ta lại gọi thành "người mẩu".

Đấy, hiện tại thì mama thấy con có "thiên hướng" phù hợp với những ngành này. Sau này khi chọn nghề nghiệp con nên tham khảo ý kiến này của mama xem thế nào nhé. Biết đâu lại có ích, nhỉ?

Sunday, May 18, 2008

Em Khanh đầu to và anh Chép bắng nhắng

Em Khanh thì ngoan lắm, đúng là con gái có khác (trộm vía). Em chẳng mấy khi cần bố mẹ ru ngủ, mà tự nằm ngủ (tất nhiên là phải có thêm cái khoản "mút cẳng gà" hỗ trợ), em ăn cũng rất đúng giờ, mà ăn là ăn hết luôn chứ không ăn lai rai như anh Chép. Bố mẹ nhiều khi bận việc nhà hay trông anh Chép mà chẳng có nhiều thời gian bế em hay chơi với em, nhưng em vẫn chịu nằm chơi 1 mình. Em Khanh có 1 đặc điểm là đầu hơi bị to (chắc là giống papa), nên được gần 4 tháng rồi mà em vẫn chưa tự lẫy được, và cổ vẫn chưa đủ cứng. Bác sĩ khám nói là không sao nhưng ở nhà phải chịu khó tập cho em lẫy. Trông em lẫy này, lúc đầu thì cũng ngẩng được cao rồi nhìn bên nọ bên kia, nhưng chỉ được 1 lúc là lại gục đầu xuống giường, trông đến là tội nghiệp.

Còn anh Kiên thì lắm trò lắm. Cái quần anh không mặc mà lại chụp lên đầu như thế này này, rồi còn làm dáng cho papa chụp ảnh nữa chứ. Thực ra papa còn chụp 1 kiểu ảnh toàn thân rất chi là sexy của anh Chép nữa cơ, nhưng mà khó mà có thể đưa lên public cho mọi người xem được. Sau này anh Kiên lớn mà đưa cái ảnh đấy cho vợ anh xem thì vợ anh có mà cười vỡ bụng. Cởi quần ra để đi vệ sinh thì nhanh lắm, nhưng mặc vào thì đến là khó.


2 anh em mỗi người một tính một nết nhưng cho đến giờ thì có vẻ hoà thuận lắm. Anh Kiên còn cầm bình sữa cho em ăn này, rồi nằm cạnh em rất tình cảm nữa. Nhưng em Khanh thì có vẻ chả thích mấy cái giọng cười nói oang oang của anh Chép. Đang yên đang lành mà nghe thấy anh Chép cười toáng lên là thế nào em Khanh cũng nhăn mặt nhăn mũi lại, kiểu như là người đâu mà ăn nói vô duyên thế không biết.
Đấy, anh Chép thì tình cảm với em thế mà em nó có thích đâu cơ chứ, mặt đang nhăn nhó đây này.

Saturday, May 17, 2008

Tại sao mẹ hay cáu với Chép?

- Vì con cứ suốt ngày đòi xem Tom and Jerry, xem hết tập này đến tập khác, đến lúc ăn cơm con cũng không chịu ra ăn, đến lúc đi ngủ cũng không chịu đi ngủ đúng giờ. Rồi vừa xem con lại vừa hý hoáy nghịch cái máy tính của mẹ, bấm hết nút này đến nút khác. Mẹ muốn dùng máy cũng không được.
- Vì con cứ tự động trèo lên cái ghế ăn của con mà không cho ai động vào người. Con bảo con muốn tự làm. Nhưng cái ghế đấy cao lắm, nhỡ ngã thì sao. Thế mà con nhất định không chịu.
- Vì con không chịu tự xúc ăn mà cứ bắt mẹ phải bón cho từng thìa, mặc dù papa bảo lúc mẹ không có nhà thì con vẫn ăn ngoan. Rồi ăn được vài thìa thì con lại trèo ra khỏi ghế, bắt mẹ bế, thế là cả con và mẹ ăn mãi mới hết 1 bữa cơm. Chẳng hôm nào con ngồi ăn từ đầu bữa đến cuối bữa cho nghiêm túc, không thì lại bắt mẹ bật tivi để vừa ăn vừa xem. Mẹ thấy con không chịu ăn thì đành chiều con, bật tivi cho con xem, nhưng rồi thành quen, bây giờ không bỏ được.
- Vì con đi vệ sinh xong là không chịu mặc quần ngay, cứ chạy lông nhông như thế, mẹ nói đến mỏi cả mồm là như thế trông xấu lắm, mà phải 5 lần 7 lượt con mới chịu chìa chân ra cho mẹ mặc. Papa mặc cho con, con cũng không chịu, cứ đòi phải mama làm cho. Mà con biết tự mặc quần từ lâu rồi nhưng sao con không chịu mặc?
- Vì trước khi đi ngủ con không chịu đánh răng. Có hôm thì mẹ hát cho con nghe bài "Mẹ mua cho Kiên bàn chải xinh, như các anh Kiên đánh răng 1 mình..." thì con tự đánh răng ngoan lắm, nhưng chỉ được vài hôm là lại chán. Có hôm thì mẹ cũng đi đánh răng để con nhìn thấy mà bắt chước, cũng được mấy hôm con làm theo rất ngoan. Nhưng sau đó thì chả có cách nào, con cứ ngúng ngoẩy, rồi còn nghịch cái bàn chải cho nó bẩn đen xì ra vì con kì cọ đi lung tung. Thế thì làm sao mà mẹ không cáu được cơ chứ.
- Vì mẹ cứ bảo một đằng thì con làm một nẻo. Mẹ bảo con dọn đồ chơi thì con lại cố tình ném đi lung tung, mẹ bảo con chỉ được vẽ vào quyển vở thì con vẽ hết ra giường, ra bàn, ra máy tính, mẹ bảo con không được nằm vào nôi của em nhưng con cứ nằm, làm cho nó bị cong đi gần gẫy, papa lại phải sửa lại.

Còn nhiều nhiều lắm những việc mà con làm cho mẹ phải cáu, thậm chí còn phải tét cho con vào mông. Rồi con thì khóc nức nở, mẹ thì phải 1 lúc mới lấy lại được bình tĩnh. Hôm nọ đi họp ở nhà trẻ, mẹ cũng được nghe cô giáo nói về lứa tuổi của con, cái tuổi rất thích làm trái ý người lớn, bảo làm cái này thì lại đi làm cái kia, để chứng tỏ cái "tôi" của mình. Mẹ cũng đã rất cố gắng nhẹ nhàng, kiên nhẫn để giảng giải cho con hiểu là phải làm thế này mà không được làm thế kia, nhưng không phải lúc nào mẹ cũng thành công, cộng với hôm nào mẹ bận nhiều việc, người mệt mỏi thì mẹ lại càng dễ cáu với Chép.
Con hiểu là mẹ không chiều con, nhưng việc mẹ phải cáu với con để con nghe lời cũng là thể hiện "sự bất lực" của mẹ, lúc đấy mẹ đã không nghĩ ra được cách nào tốt hơn để con nghe lời. Nhưng mẹ đã tự hứa với mình rằng, mẹ sẽ không đánh mắng con khi mẹ chưa giải thích cho con hiểu, một cách nhẹ nhàng nhất. Mẹ tin là con sẽ biết lắng nghe mẹ, nghe lời mẹ để không bao giờ mẹ còn phải nặng lời với con nữa. Mẹ sẽ kiên nhẫn, phải kiên nhẫn.

Thursday, May 8, 2008

Kiểu tóc mới của em Khanh

Golden Week cả nhà được nghỉ hẳn 4 ngày liền, nhưng chẳng đi đâu cả, vì 2 anh em vẫn chưa khỏi hẳn. Cũng may là có đợt nghỉ này để cả nhà nghỉ ngơi lấy lại sức. Bây giờ thì 2 anh em đã khoẻ hẳn, ăn uống trở lại "phong độ" như trước rồi.
4 ngày nghỉ ở nhà chỉ có đúng hôm cuối là cho anh Chép ra ngoài chạy nhảy. Mới khỏi ốm nhưng anh Chép vẫn phải đi bộ từ nhà cho đến khu siêu thị Izumiya dài mấy cây số. Thỉnh thoảng cũng bắt mama bế dọc đường, nhưng mama cứ bế được 1 lúc là lại "giả vờ" kêu mệt để anh Chép tự xuống đi bộ. Đến lúc về thì anh Chép mệt quá, có lúc còn bò cả ra đường ấy.
4 ngày nghỉ nằm nhà ăn uống, ngủ và xem phim. Anh Chép thì được xem Tom and Jerry còn bố mẹ thì cũng giải quyết xong 3 phim liền: The Lake house có 2 diễn viên yêu thích là Keanu Reeves và Sandra Bullock đóng, phim United 93 nói về vụ 11 tháng 9 và phim Dòng máu anh hùng của Việt nam. Nói chung cả 3 phim này xem đều được, nhất là phim United 93, xem xong thì cảm thấy đi máy bay hơi bị sợ, hihi.
4 ngày nghỉ, papa cũng tranh thủ cắt tóc cho em Khanh. Tóc Khanh dầy lắm (hình như giống tóc bố), mà đầu lại nhiều "cứt trâu" nữa chứ. Gội đầu mãi mà vẫn chưa hết. Bây giờ trời nóng, mồ hôi ra nhiều thì ngửi mùi...kinh lắm. Bế con gái mà chẳng thấy thơm tho gì. Tắm 1 lần 1 ngày nhưng vẫn thấy hôi. Có hôm trước khi đi nhà trẻ, papa cũng phải tranh thủ tắm thêm cho Khanh 1 lần nữa, không thì đến nhà trẻ các cô lại chẳng dám bế.

Đây là kiểu đầu húi cua của em Khanh này. Đã bảo là papa cắt tóc cho con gái thì phải cắt sao cho nữ tính vào, thế mà papa vẫn cứ xoẹt 1 cái cho nhanh. Hậu quả là sau khi cắt tóc xong, đưa em Khanh ra siêu thị chơi thì bà ngồi cạnh hỏi có phải con trai không. Khổ thế cơ chứ.




Còn đây là tác phẩm của anh Chép ở nhà trẻ nhân dịp ngày Kodomo no hi (giống ngày Tết thiếu nhi ở Việt nam). Các cô làm sẵn cho hình cá chép, còn anh Chép chỉ việc dán hình tròn xanh đỏ tím vàng vào thôi.

Saturday, May 3, 2008

Chép nói ngọng

Chép phải tiếp xúc với 2 ngôn ngữ một lúc nên có vẻ như ngôn ngữ nào cũng bị chậm, tiếng Việt thì chậm hơn trẻ con ở Việt nam, còn tiếng Nhật thì chậm hơn trẻ con Nhật. Điều đấy cũng dễ hiểu thôi. Vì ở nhà trẻ các cô và các bạn chỉ nói tiếng Nhật nên Chép tiếp thu bằng tiếng Nhật, nhưng về nhà thì lại nghe bố mẹ nói tiếng Việt, nên Chép không được "ôn lại" những gì học ở nhà trẻ. Mà Bố mẹ thì không biết ở nhà trẻ Chép đã học thêm được những từ gì. Nhiều khi Chép nói ra những "từ mới" học ở nhà trẻ làm bố mẹ rất ngạc nhiên, nhưng có khi mẹ nghe mãi mà vẫn chẳng hiểu là Chép muốn nói gì. Đấy là bởi vì Chép thì hơi ngọng, mà trình độ tiếng Nhật của mẹ thì chưa đủ đến mức mà có thể hiểu được những từ "ngọng" của con. Mẹ thử liệt kê ra xem Chép ngọng tiếng Nhật như thế nào nhé:

Không phát âm được "ru" và "re". Chẳng hạn trong tiếng Nhật có từ kore (cái này) thì Chép toàn nói thành kô-dê. Rồi kuruma (ôtô) thì nói thành ku-du-ma, ofuro (tắm) thì thành o-fu-do. Nhưng cũng bắt đầu bằng "R" nếu là ringo (quả táo) hay kirin (hươu cao cổ) thì Chép vẫn nói được.

Không phát âm được "S". Sakana (con cá) thì Chép toàn nói thành a-ka-na, sửa mãi vẫn chưa được. Hay nhiều khi âm S bị biến thành âm T như Usagi (con thỏ) thì thành u-ta-gi, sensei (cô giáo) thì thành ten-tei nghe đến là buồn cười.

Có những từ thì Chép nói chỉ có bố mẹ may ra mới hiểu được, chứ người ngoài nghe thì chắc là chịu. Chẳng hạn, khi qua đường, các xe ở đường cắt ngang phải dừng lại vì đèn đỏ, thì thay vì nói "su-top-pu" (dừng lại) theo kiểu Nhật thì con lại nói thành "su-páp-pự", lại còn hét rất to ở giữa đưòng nữa, tay thì giơ ra chặn kiểu như là bắt người khác phải dừng lại ấy. Rồi "ji-ten-sya" (xe đạp) thì Chép cũng thấy khó phát âm, toàn nói thành "zin-zin-sya" thôi.

Còn nhiều những từ khác mà Chép nói chưa chuẩn, nghe thì thấy ngộ nghĩnh, nhưng muốn sửa cho con mà vẫn chưa được. Có lúc Chép hứng lên tuôn ra 1 tràng dài, đủ các từ lẫn lộn nhau, thì đợi Chép nói xong, papa quay sang hỏi mẹ "mama, dịch hộ cái". Nhiều lúc mama cũng chịu, chả "phiên dịch" nổi xem con nói gì, khổ thế đấy.

Không hiểu lớn hơn nữa thì Chép có tự sửa được cái tật nói ngọng này không nhỉ. Anh Trí ở nhà hồi 2 tuổi cũng ngọng líu ngọng lo, mà toàn ngọng kiểu mất phụ âm đầu "em ép àm ì ấy" thì có nghĩ là "em Chép làm gì đấy". Thế mà bây giờ anh Trí cũng nói năng ngon lành rồi. Mẹ mong đến ngày con trai có thể nói chuyện được với mẹ thật nhiều.