Thursday, July 31, 2008

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái (phần cuối)

Point 18: Hãy ghi lại tên những quyển sách đã đọc
Bố mẹ hãy ghi lại tên những quyển sách mà con đã đọc. Để biết được khi con 2 tuổi thì đã đọc được những quyển sách nhan đề như thế này. Nếu ghi chép xem con đã đọc được bao nhiêu quyển, bao nhiêu trang thì đứa trẻ sẽ cảm thấy được khuyến khích đọc thật nhiều để tăng số thành tích ấy của bản thân.
Những ghi chép này là rất cần thiết để biết được quá trình phát triển của trẻ. Cứ mỗi 1 quyển sách đọc thêm được nghĩa là đứa trẻ đã tiến thêm được 1 chút trong quá trình phát triển về mặt tinh thần.

Point 19: Hãy rèn luyện thói quen tra cứu, tìm tòi
Cho trẻ sử dụng loại từ điển dễ tra cứu dành cho trẻ em. Hãy cho trẻ dùng từ điển đó để tra nghĩa của từ, hay cách viết đúng chữ hán.
Chẳng hạn khi biết địa chỉ rồi nhưng được người khác đưa lên xe dẫn đi thì chúng ta cảm thấy rất khó nhớ đường. Nhưng nếu tự dùng bản đồ, rồi vừa đi vừa hỏi đường thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu. Cũng tương tự như thế, trẻ con sẽ dễ tiếp nhận kiến thức nếu chúng tự tìm, mất công để tra cứu hơn là được cha mẹ dậy cho.
Ngay cả đối với những trẻ khó dậy theo cách đơn điệu, thì bằng cách này cũng có thể học được một cách chính xác mà không hề cảm thấy đơn điệu. Do đó nên cho trẻ làm quen từ sớm với từ điển.

Point 20: Hãy nuôi dậy con theo "4 chữ tê"
Cuối cùng, kiến thức quan trọng trong việc nuôi dậy trẻ từ khi sinh ra cho đến khi 1 tuổi, đó là giáo dục bằng "4 chữ tê". 4 chữ tê đó là 1) aijyo wo kakete (hãy yêu thương), 2) te wo kakete (hãy bỏ thời gian và tâm huyết), 3) kotoba wo kakete (hãy dùng lời nói, 4) homete (hãy khen ngợi)
Hiện nay có xu hướng ngày càng tăng những trường hợp đứa trẻ khi sinh ra thì khoẻ mạnh, nhưng sau 1 năm, chỉ vì thiếu cách giáo dục "4 chữ tê" này mà trở thành đứa trẻ có biểu hiện tự kỷ.
Hãy nên biết rằng trẻ con hiểu được tất cả những gì bố mẹ nói, nên ngay từ khi còn trẻ thơ nếu được nuôi dậy với nhiều tình thương yêu thì đứa trẻ sẽ có được tâm hồn phong phú và năng lực tiếp thu hoàn toàn khác. Hãy dùng phương châm "4 chữ tê" này để nuôi dưỡng trẻ khoẻ mạnh cả về tinh thần và thể lực.

Wednesday, July 30, 2008

For you

Quen

Những vất vả thường ngày
Nhà cửa và con cái
Lâu rồi cũng thành quen
Mặc dù không phải dễ

Nhưng nỗi buồn trống trải
Liệu ai có thể quen?
Bởi quen được, nghĩa là:
Khi lòng người khô cạn

Nỗi cô đơn, hiu quạnh
Qua tháng năm chất chồng
Ta chỉ quen với nó
Khi lòng đã hoá băng

Còn nỗi nhớ triền miên
Trong những ngày xa cách
Khi mà đã thấy quen
Là đã vơi nỗi nhớ

Em biết
Mình không thể nào quen...

10:27pm ngày 30/7/2008

Tuesday, July 29, 2008

Nhật kí những ngày papa đi vắng

Ngày thứ ba
Tưởng là đã hết mùa mưa rồi, thế mà hôm nay trời lại đổ mưa rào rào sau những ngày nóng đến kinh người. Sáng ra đưa 2 anh em đi học, may mà trời chưa mưa. Nhưng chỉ sau đấy 1 tí thì mưa như trút nước. Đến tận 5h chiều mama đi đón 2 anh em trời vẫn mưa. Đã mua cho anh Chép 1 cái áo mưa loại dành cho trẻ con từ mấy tuần trước rồi nhưng áo rộng thùng thình, mama mặc vẫn còn rộng. Em Khanh nằm xe thì có nilon trùm rồi. Mama thì mặc áo mưa, 1 tay thì đẩy xe, 1 tay thì che ô cho anh Chép. Lúc đầu anh Chép cũng đòi cầm ô, nhưng chỉ đi được 10m thì chán, bắt mẹ cầm. Mà anh Chép có chịu đi vào trong ô đâu, cứ hết đi nhanh lại đi chậm, có lúc còn ngồi xuống ngó cái xe ôtô đi đằng xa. Mưa mỗi lúc một to. Đã thế chân em Khanh lại thỉnh thoảng thò ra ngoài cái nilon che mưa nên mama cứ phải dừng lại để cho chân em vào trong, nhưng cũng chỉ được 1 lúc, rồi lại thò ra ngoài. Cái nilon cũng đọng đầy nước, làm nó trũng xuống, sát đến tận mặt em, thế là em kéo tay, túm cái nilon cho luôn vào mồm cắn. Mama và anh Chép cũng ướt khá nhiều. Đã thế anh Chép lại cứ đi vào những chỗ nước đọng trên đường, ướt hết cả giầy. Mama thì cũng phải lái cái xe theo hướng đi của anh Chép để còn che ô. Đến là mệt. Sao tiến từng mét một chậm thế không biết. Mưa thì cứ xối xả. Giá có papa ở nhà thì anh Chép đã được đi xe đạp cùng papa rồi. Mà hôm nay anh Chép đã cố gắng lắm rồi, vừa đi vừa bám vào xe của em Khanh, mama 1 bên, anh Chép 1 bên. Khổ thân con trai. Về đến nhà, được mama khen, anh Chép vui lắm. Giá mà có papa ở nhà thì mẹ con mình đã không vất vả đến thế con trai nhỉ.

Ngày thứ tư: Lỗi tại mẹ
Sáng ra, chuẩn bị đến trường, anh Chép lại đòi đi xe đạp, bắt mama đi cùng, còn để em Khanh ở nhà. Mama đành phải "đút lót" cho 2 cái kẹo mới chịu đi bộ. Nhưng phải dặn là khi nào đến trường thì phải ăn hết 2 cái kẹo mới được vào lớp, vì hôm qua cô giáo đã nhắc nhở khi thấy anh Chép đến lớp mà mồm vẫn ngậm kẹo. Thế là đi được nửa đường thì há to mồm cho mama nhìn thấy là anh Chép đã ăn hết kẹo, rồi còn hét toáng lên gọi cô giáo, ý là cô nhìn mồm Chép không còn kẹo đâu đấy. Đến chiều, mama đi đón 2 anh em về. Trời lại xầm xì, lác đác vài hạt mưa. May mà về gần đến nhà thì trời mới mưa nặng hạt hơn, chỉ lấm tấm ướt áo 1 tí. Hôm nay mọi việc có vẻ như xuôn xẻ.
Nhưng không phải vậy.
8h tối, sau khi em Khanh đã uống sữa xong, anh Chép và mama cũng đã ăn cơm xong, anh Chép đang mải chơi với 3 hộp pudding vừa lấy từ tủ lạnh ra để chuẩn bị ăn tráng miệng. Mama cũng đã dọn dẹp các thứ xong nên lôi máy tính ra cắm (thực ra hôm nay mama đã định để máy tính ở lab nhưng cuối cùng nghĩ thế nào lại đem về). Cắm xong cái máy tính, quay ra thì thấy em Khanh cứ như đang nhai cái gì đấy. Anh Chép thì ngồi cạnh, 3 hộp pudding đã được bóc ra khỏi giấy nilon. Nghĩ là anh Chép nhét cái gì đấy vào miệng em, mama hỏi nhưng anh Chép không nói. Mama móc tay vào miệng em nhưng không thấy gì, nên nghĩ là chắc không phải. Thế mà mama vừa quay ra check mail 1 tí mà tự nhiên em Khanh nôn thốc nôn tháo. Mama sợ quá, vỗ vào lưng em nhưng em vẫn tiếp tục nôn. Hoá ra trong chỗ sữa nôn ra có lẫn 1 miếng nilon nhỏ. Chắc anh Chép đưa vào mồm em hoặc là đưa cho em cầm rồi em nhét vào mồm rồi. Khổ thân con gái quá. Mama không để ý gì cả. Nếu không phải là miếng nilon mà là 1 cái gì khác thì không biết sẽ thế nào. Papa biết thế nào cũng mắng mama cho mà xem. Hôm nay, lúc anh Chép ăn kẹo, cũng đã gí vào mồm em 1 tí rồi mới nhét vào mồm ăn. Mama phải để ý các con hơn thôi. Mama thật tệ quá.

Monday, July 28, 2008

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái (tiếp)

Point 16: Cho con vận động đầy đủ
Không nên giáo dục phiến diện chỉ về mặt tri thức. Hãy nên coi trọng việc giáo dục về tất cả các mặt sức khoẻ, vận động, đạo lý, kỷ luật, tình cảm ngay từ khi trẻ 0 tuổi.
Đối với trẻ lên 2, hãy cho trẻ đi bộ đều đặn hàng ngày. Hãy bắt đầu tập cho trẻ chạy với khoảng cách 10m, 20m mỗi ngày.
Nếu bắt đầu ngay từ lúc này, thì sau này trẻ sẽ có được năng lực vận động tốt. Cũng nên cho trẻ tập với xà đơn. Phương pháp tập với xà đơn này rất hiệu quả giúp trẻ có được cơ bắp và tăng sức dẻo dai của cơ thể. Có thể tập bằng cách bám 2 tay vào thanh xà và di chuyển từ đầu này sang đầu kia, hay quay vòng.

Point 17: Hãy làm quyển sổ từ
Để tăng vốn từ cho trẻ, hãy áp dụng phương pháp sau. Tạo quyển sổ từ. Trong quyển sổ, hãy đánh số trang bằng chữ a, i,...(theo bảng chữ của Nhật). Trên mỗi trang, bố mẹ hãy ghi bên phải chữ cái theo thứ tự a, i đó. Tiếp theo, hãy yêu cầu trẻ viết những từ bắt đầu bằng chữ cái đó trên mỗi trang. Cứ tìm thêm được từ nào thì lại viết thêm vào trang đó. Hãy chia các từ ra danh từ, động từ, tính từ để dậy trẻ. Bằng cách này trẻ sẽ có được những kiến thức chính xác, và vốn từ trở nên phong phú một cách đáng ngạc nhiên.

(còn nữa)

Những ngày tiếp theo...

Ngày thứ hai
Chủ nhật. 2 anh em được nghỉ ở nhà. Nhưng mẹ thì không được nghỉ. Ngày Chủ nhật đối với mama có khi còn mệt hơn cả ngày thường. Nhất là Chủ nhật này lại không có papa nữa.

Sáng ra anh Chép ngủ dậy, câu đầu tiên là "papa wa?" (nghĩa là hỏi papa đi đâu). Vì mọi hôm đi ngủ mà papa chưa về, đến sáng hôm sau ngủ dậy thấy papa nằm cạnh là Chép nói ngay "okaeri" (papa đã về rồi đấy à). Nhưng hôm nay thì chẳng thấy papa đâu cả. Mama phải giải thích là papa đi vắng mấy hôm nữa cơ.

Hôm nay 3 mẹ con ở nhà suốt, chẳng đi đâu. Papa đi vắng nên mama và anh Chép ăn uống cũng linh tinh (papa mà biết thế nào cũng mắng). Bữa sáng: nori và onigiri, bữa trưa: ramen+thịt gà luộc, bữa tối: cơm rang + thịt bò viên rán. Tại cơm nguội còn thừa nhiều quá, mama nấu có 1 tí cơm mà 2 mẹ con ăn mãi không hết.

Hôm nay, mama cũng "đầu hàng" không cho Chép ngủ trưa được. Em Khanh thì đã ngủ rồi mà Chép cứ nhảy uỳnh uỳnh trên giường. Mama buồn ngủ quá, ngủ quên đi mất 20p mà dậy vẫn thấy Chép tỉnh như sáo. Thôi, chả ngủ nữa. Cả 3 mẹ con dậy đọc sách vậy. Hết đọc sách, rồi vẽ tranh, rồi lại xem sách. Thời gian trôi chậm thế nhỉ. Mà chẳng thấy papa gọi điện về. Mãi rồi cũng đến 5h chiều. Mama cho anh Chép đi tắm. Anh Chép tắm là thời gian mama được yên tĩnh nhất, thảnh thơi nhất để làm những việc khác. Vì anh Chép thích ngâm bồn lắm, vừa ngâm vừa rót ra rót vào mấy cái bình nước, bảo là để pha sữa. Trong lúc anh Chép tắm thì mama cũng tắm luôn cho em Khanh. Như thế thì em Khanh cũng sẽ không bị anh Chép giật mất cái khăn để lau người như mọi lần nữa.

Đến tối, phải đánh răng cho anh Chép trước khi đi ngủ. Hôm nay thì mama không đưa papa ra doạ được như mọi hôm rồi. Chép ghét bị papa đánh răng cho lắm, chả hiểu là từ bao giờ. Mam cứ giả vờ đem cái bàn chải ra, rồi nếu Chép cứ ngoây ngoẩy không chịu để mama đánh răng cho, là mama lại nói "papa, onegai" (nghĩa là nhờ papa đánh răng cho Chép đi), thế là Chép "iya iya" rồi để cho mama đánh ngay. Nhưng hôm nay, papa đi vắng, đành phải "giở" chiêu mới thôi "mama đánh răng cho Chép nhé, không con sâu nó chui vào răng đấy, đánh răng để mai mama mua kẹo cho" đủ các kiểu rồi cũng đánh xong được cái răng.
3 mẹ con ngủ lúc nào cũng chẳng biết nữa. 1h30 sáng thì papa gọi điện. Papa đang ở nhà bác Châu bác Giang rồi. Hành lý bị thất lạc nhưng cũng đã được chuyển đến. Tiếc là anh Chép không thức để nói chuyện với papa. Anh Chép đã nghĩ sẵn những điều cần nói với papa rồi đấy. Lần sau papa nhớ gọi vào ban ngày nhé.

Thế là cũng qua được 1 ngày. Thật là dài. Còn những 7 ngày nữa cơ đấy.

Saturday, July 26, 2008

Ngày đầu tiên papa vắng nhà

Hôm nay papa lên đường đi Chicago (Mỹ) rồi. Papa đi mà chẳng có mẹ con mình. Hồi trước mama cũng dự định là cả nhà sẽ đi chơi chuyến này đấy, nhưng bài vở của mama trì trệ quá, em Khanh còn bé quá nên đành phải thôi. Chứ nếu cả nhà mình mà đi thì phải đi 2, 3 tuần ấy, chứ đi 1 tuần như papa thì mệt lắm. Nhưng mama vẫn luôn "ấp ủ" một chuyến sang Mỹ chơi, vì có nhà bác Giang bác Châu ở đấy sẽ tha hồ được đưa đi chơi, và vì một nước Mỹ có quá nhiều thứ đáng để xem. Không biết dì Hương có nghĩ như thế không nhỉ.

Nhưng mọi dự định đành phải hoãn lại. Papa đi 1 mình rồi. Giờ này papa đã bay được khoảng gần 3 tiếng rồi đấy. Một chuyến bay rất dài. Không biết papa có mệt không.

Nhưng nếu papa có ở nhà thì chắc chắn sẽ mệt, hihi.

1 ngày không có papa. Mama phải "chiến đấu" với 2 anh em. Mặc dù là thứ 7 nhưng mama dự định đưa 2 anh em đi nhà trẻ rồi lên lab. Sáng ra nào là nấu ăn sáng cho anh Chép, cho anh Chép ăn, tắm cho em Khanh, cho em Khanh uống sữa, thay quần áo cho 2 anh em, chuẩn bị quần áo và sổ liên lạc đem đến trường. Bao nhiêu là việc phải thực hiện trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Có papa ở nhà thì papa đã giúp mama hơn 1 nửa số việc đấy rồi. Thế mà bây giờ mama phải làm tất. Chóng cả mặt. May mà anh Chép ăn ramen cũng ngoan. 9h kém 10 mới ra khỏi nhà. Đi bộ đến trường cũng phải mất gần 15p. Nhưng cứ đến đoạn nào ngã ba, ngã tư là anh Chép dừng lại đòi đi đường khác. Vì mọi hôm papa đèo đi bằng xe đạp cứ cho đi lòng vòng, nên anh Chép không chịu đi đường cũ. Trời thì mới sáng ra đã nắng chang chang, đã thế anh Chép còn cứ ngồi xuống không chịu đi, còn kéo tay mẹ đòi rẽ sang đường khác. Mama phải giở ra các chiêu, nào là "đến trường được tắm pool thích lắm, thế hôm qua con tắm pool với bạn nào?", rồi là "ah, đã đến chỗ đèn đỏ rồi, có cái xe vừa chạy qua", rồi là "tiếng con gì kêu đấy nhỉ, ve à? kêu to quá nhỉ". Mãi rồi cũng đến nơi. Chưa gì anh Chép đã mô hôi mồ kê nhễ nhại. Vào sân một cái, thấy các bạn đang nghịch cát cùng cô là sà vào nghich luôn, quên cả baibai mama. Mama đưa em Khanh vào lớp.

Mấy hôm nay thỉnh thoảng em Khanh hơi sốt, có lúc các cô đo được ở nhà trẻ là 38 độ, nhưng về nhà mama không thấy sốt gì cả. Nhiệt độ lên xuống rất thất thường. Hôm nay vừa đến, cô giáo cũng đo luôn thì 38.3. Chả hiểu sao, khoảng 10p sau đo lại thì xuống 37.8. Chắc do trời nóng quá nên nhiệt độ cơ thể lên xuống. Nhưng 37.8 thì vẫn vượt qua mức 37.5 cho phép rồi. Mama đành phải đưa em Khanh về thôi. Thế là chẳng lên lab được rồi. Em Khanh cố gắng lên nhé. Con mà ốm vào lúc này là mama không xoay xở được đâu. Tí nữa 2 mẹ con mình lại đi bộ đến trường đón anh Chép đấy. Lần này 2 mẹ con mình sẽ mua kẹo để thưởng cho anh Chép nhé, để anh Chép còn ngoan mà đi bộ về nhà nữa chứ. Mama phải dùng cái "hạ sách" đấy thôi.

Bây giờ thì mama đang hát bài Hard to say I am sorry (có lẽ phải đổi thành Hard to say goodbye nhỉ), có câu even lovers need a holiday... far away... from each other... của ban nhạc Chicago (trùng hợp phết nhỉ)

Missing you xxx

Friday, July 25, 2008

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái (tiếp)

Point 14: Hãy luyện trí nhớ cho trẻ
Bố mẹ hãy luyện trí nhớ cho trẻ ngay từ khi trẻ con nhỏ. Về điểm này hãy học theo cách giáo dục trẻ ngay từ khi 0 tuổi như bố của thi hào Goethe đã làm đối với ông. Bố của Goethe là một người nghiêm khắc theo kiểu nhà binh, nhưng ông đã thực hiện việc giáo dục một cách thực sự đối với Goethe. Ông rất yêu thương đứa con trai duy nhất của mình, và đã dậy cho con rất nhiều thứ ngay từ khi còn nhỏ. Ông bế cậu bé Goethe trên tay, vừa đi dạo ngoài phố vừa truyền đạt kiến thức cho con. Ông cũng làm rất nhiều cách để cậu bé Goethe vừa chơi vừa học được kiến thức.
Ở Đức có rất nhiều những bài đồng dao đơn giản và dễ hiểu, bố của Goethe đã tập cho Goethe thuộc rất nhiều những bài đồng dao này. Chúng có thể được nhớ bằng cách truyền miệng, và rất có tác dụng trong việc làm phong phú vốn từ của Goethe. Bằng cách đó năng lực của Goethe dần được phát triển, và khi chưa đầy 4 tuổi Goethe đã bắt đầu được dậy đọc, và cũng chủ yếu học qua những quyển sách lời bài hát.
Khi Goethe lớn hơn 1 chút, bố đưa Goethe đi dạo ở trong thành phố và ngoại ô của Frankfurt, vừa đi vừa kể cho Goethe nghe về địa lý và lịch sử của chúng.
Trong việc giáo dục Goethe, cũng không thể bỏ qua những kết quả của bà mẹ. Bà là một người kể chuyện rất giỏi, và khi Goethe được 2 tuổi thì ngày nào bà cũng kể chuyện cho Goethe nghe.
Không nên coi thường việc rèn trí nhớ cho trẻ như thế này. Bố mẹ nên biết rằng khi trẻ 2, 3 tuổi là lúc chúng có 1 trí nhớ thiên tài. Nếu càng rèn luyện trí nhớ cho trẻ ngay từ lúc này thì trẻ sẽ phát triển thành 1 đứa trẻ hết sức thông minh. Cũng nên dậy cho trẻ cách thuộc bảng cửu chương khi trẻ được 3 tuổi.
Nhưng cần phải hiểu rằng nếu không luyện tập liên tục thì những gì đã ghi nhớ được cũng sẽ bị mai một. Nếu bố mẹ muốn phát triển nó thực sự trở thành tài năng của con mình thì hãy thực hiện việc giáo dục một cách mới mẻ và liên tục.

Point 15: Dậy trẻ tư duy
Việc rèn luyện trí nhớ không thôi thì chưa đủ. Để nâng cao năng lực của trẻ, thì khi trẻ sau 3 tuổi, phải coi trọng việc dậy trẻ tư duy.
Càng dậy trẻ tư duy nhiều, thì khi trẻ lên 6 tuổi, khả năng tư duy của trẻ càng được nâng cao.
Hoạt động ghi nhớ và hoạt động tư duy được thực hiện ở nhưng nơi hoàn toàn khác nhau trong đại não. Việc ghi nhớ được thực hiện ở thuỳ não bên, còn tư duy được thực hiện ở thuỳ não trước. Hoạt động của thuỳ não trước sẽ tốt nếu được rèn luyện, nhưng nếu không hoạt động của nó sẽ trở nên kém, chậm chạp đi. Những phần nào của não mà không được tác động thì sẽ không phát triển hay là thoái hoá đi, dần dần không hoạt động được nữa.
Nếu chỉ dậy trẻ ghi nhớ mà không dậy tư duy thì chỉ số thông minh (IQ) của trẻ không được nâng cao. Nếu dậy trẻ tư duy thì mới làm tăng chỉ số thông minh (IQ). Một trong những phương pháp dậy trẻ mang tính vừa học vừa chơi là chơi trò giải đố để bắt trẻ suy nghĩ.

(còn nữa)

Thursday, July 24, 2008

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái (tiếp)

Point 11: Không cho con xem tivi
Hãy đừng cho con xem tivi. Các giáo sư của trường Đại học quốc gia Australia đã công bố rằng nếu cho trẻ con xem tivi thì cấu trúc của đại não sẽ bị phá vỡ. Ngoài ra, từ tivi phát ra dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20,000 volts, gây ảnh hưởng không tốt đến thuỳ não trước (phần tạo ra năng lực suy nghĩ) của con người, và người ta cũng cảnh báo rằng sự tích tụ này trong vài chục năm sau sẽ có thể gây ra bệnh máu trắng.
Ở Nhật, cũng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng nếu cho trẻ xem tivi thì đại não sẽ bị ảnh hưởng, làm tăng chiều hướng của hiện tượng tự kỷ.

Point 12: Nên dậy chữ từ sớm cho trẻ
Hãy cố gắng dậy chữ cho trẻ ngay từ sớm. Để nâng cao khả năng đọc sách cho trẻ, hãy tạo cho trẻ có thói quen đọc thầm. Trẻ 4, 5 tuổi nếu có được thói quen đọc thầm thì tốc độ đọc sách sẽ rất nhanh, và có được năng lực đọc sách tốt.Tuy nhiên, khi dậy chữ cho trẻ 1, 2 tuổi thì cần lưu ý những điểm sau. Ban đầu, khi dậy cho trẻ lúc 0 tuổi, thì hầu như sẽ không nhìn thấy được hiệu quả, có vẻ như là không có tiến triển gì. Thế nhưng nếu cứ kiên trì rèn luyện liên tục, thì khi trẻ lớn lên, năng lực của trẻ sẽ được nâng cao rõ rệt so với những trẻ bình thường.
Bố mẹ cũng nên lưu ý rằng cho dù trẻ đã nhớ được mặt chữ thì cũng cần phải có thời gian phát triển cần thiết để trẻ có được khả năng đọc. Ngoài ra, quan trọng hơn cả việc dậy chữ cho trẻ, người mẹ cần phải 1) nói chuyện thật nhiều với con, 2) đọc truyện tranh cho con nghe, 3) một điều hết sức quan trọng nữa là kể đi kể lại cho con nghe vài lần, rồi để con có thể kể lại câu chuyện đó. Trẻ con có thể kể tóm tắt lại câu chuyện là điều rất quan trọng, bởi vì nó đòi hỏi một năng lực rất tốt.
Từ khi trẻ 2, 3 tuổi, bố mẹ hãy tập cho con bằng cách kể đi kể lại các câu chuyện cho con nghe.

Point 13: Hãy dậy lặp đi lặp lại nhiều lần
Để phát triển năng lực cho trẻ, cần phải dậy đi dậy lại nhiều lần cho trẻ cùng một việc. Hãy nên biết rằng để đứa trẻ có thể thành thạo 1 việc thì phải cần ít nhất là 3 tháng. Chẳng hạn, khi trẻ đã nhớ được chữ "a i u e o" thì phải mất ít nhất 3 tháng trẻ mới có thể đọc được chúng thành thạo. Điều này được lý giải từ hoạt động của đại não của người. Con người để có thể làm được 1 việc nào đó một cách tự nhiên, không gặp khó khăn gì là khi những tế bào thần kinh của não liên kết với nhau, tác động lẫn nhau, tạo thành một mạng lưới (network). Khi mạng lưới được hình thành thì con người mới có thể thực hiện được việc đó một cách dễ dàng.

(còn nữa)

Wednesday, July 23, 2008

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái (tiếp)

Point 6: Hãy đưa con đi dạo hàng ngày
Khi trẻ được 1 tuổi, 2 tuổi hãy đưa trẻ đi dạo hàng ngày. Khi đó không chỉ là đi lòng vòng chơi mà hãy vừa đi vừa nói chuyện với trẻ. Hãy nói cho trẻ nghe về khung cảnh thiên nhiên đang nhìn thấy trước mặt. Hãy tìm những chủ đề về hòn đá, cây cỏ để nói cho trẻ nghe. Để làm được như thế thì bố mẹ cũng cần phải học, tìm hiểu trước. Hãy nuôi dưỡng trẻ trở nên gần gũi với thiên nhiên. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này không phải là theo chủ nghĩa nhồi nhét kiến thức, mà hãy khơi dậy ở trẻ sự hứng thú, và theo đó để nói chuyện cho trẻ nghe.

Point 7: Không kể những câu chuyện đáng sợ
Không được làm trẻ sợ run lên bằng cách kể những câu chuyện đáng sợ. Không nên doạ trẻ theo kiểu nếu không ngoan thì con quỷ sẽ đến đấy. Bởi vì như thế trẻ sẽ bị tổn thương rất lớn về tinh thần. Đến khi trẻ học lớp 3, lớp 4 sẽ sợ không dám đi toilet 1 mình nữa.

Point 8: Không sử dụng những ngôn từ cấm đoán
Không nên giáo dục trẻ bằng những từ ngữ cấm đoán, phủ định. Bố mẹ thường hay mắng con cái bắt đầu hay kết thúc bằng từ "không được" kiểu như "không được dùng kéo vì nguy hiểm lắm", "không được xé giấy" "không được đi ra ngoài". Điều này sẽ làm mất đi tính tích cực của trẻ. Khi trẻ muốn dùng kéo, bố mẹ hãy để cho trẻ dùng và quan sát con cẩn thận. Nếu con thích ra ngoài, hãy đi theo con ra. Nên để cho trẻ biết được sự nguy hiểm bằng sự trải nghiệm. Nếu chỉ giáo dục con bằng cách tránh những điều đó đi thì khi trẻ đi học cũng sẽ không làm được gì cùng với các bạn mà chỉ đứng tách ra để nhìn thôi.

Point 9: Không cư xử với con theo kiểu phủ nhận
Trước mặt những bà mẹ khác không nên dùng những từ phủ định để nói về con mình theo kiểu "con nhà tôi hay thiếu bình tĩnh" "con nhà tôi không muốn làm" hay "con nhà tôi không chịu nghe lời". Đây là những từ ngữ mà bố mẹ không bao giờ nên dùng. Bởi vì trẻ con sẽ bị giáo dục đúng theo lối bị phủ nhận đó.

Point 10: Khi khen con hãy khen ngợi hành vi cụ thể
Ngược lại, nếu chỉ khen con "con tôi giỏi quá" thì cũng không được. Như thế sẽ biến trẻ thành tự phụ. Không phải là khen trẻ, mà hãy khen hành vi mà trẻ đã làm. Nếu khen như thế thì bao nhiêu cũng tốt. Chẳng hạn khen con 1 cách cụ thể như là "con làm được như thế thật là giỏi, con giỏi lắm" thì con bạn sẽ trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn.

(còn nữa)

20 điểm quan trọng trong việc nuôi dậy con cái

Trong quá trình nuôi dậy con từ lúc 0 tuổi, có rất nhiều điểm cần lưu ý. Tác giả Shichida Makoto đã tổng hợp thành 20 điểm quan trọng như dưới đây.

Point 1: Hãy nói chuyện với con
Ngay sau khi con chào đời, hãy nói chuyện nhiều với con. Hãy nói cho con tên của từng đồ vật xung quanh. Nếu sớm trò chuyện với con thì sau này con bạn sẽ trở thành đứa trẻ có khả năng nói chuyện 1 cách phong phú tới mức đáng ngạc nhiên.

Point 2: Hãy bế con ra ngoài chơi
Hãy bế con ra ngoài, và nói chuyện cho con nghe về những thứ mà con nhìn thấy. Không nên để con nằm trên xe nôi mà hãy bế con trên tay và nói chuyện với con. Tình mẫu tử, kết hợp với hiệu quả của việc nghe mẹ kể chuyện bên tai sẽ giúp trẻ trở thành đứa trẻ thông minh.

Point 3: Hãy kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích
Hãy kể cho con nghe thật nhiều những câu chuyện cổ tích. Không nên nghĩ rằng những câu chuyện chẳng hạn như cậu bé sinh ra từ quả đào là không hiện thực, vô lý và phi logic. Chính từ những câu chuyện siêu tưởng ấy mà tạo cho trẻ có khả năng lý giải được thế giới trìu tượng, thế giới siêu hình hay thế giới của những điều ước được sáng tạo ra. Không nên nuôi dậy con thành đứa trẻ chỉ có cứng nhắc một cách thực tế.
Những bức tranh, những tiểu thuyết, tất cả là do con người tạo nên từ thế giới siêu tưởng, siêu hình chứ không phải từ hiện thực. Nếu không hiểu được thế giới siêu tưởng, hư cấu thì sẽ không sáng tạo được nền văn hoá nhân loại. Những người tạo chỉ biết có hiện thực thì sẽ không hiểu được thế giới của nghệ thuật.
Việc kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích còn đem lại 1 hiệu quả nữa, đó là giúp trẻ nâng cao khả năng hiểu được những câu chuyện đang được nghe. Khi trẻ hiểu được nội dung câu chuyện, tưởng tượng ra được khung cảnh, thì nếu bố mẹ kể cho con nghe 1 cách có cảm xúc, thì tâm hồn con trẻ sẽ được nuôi dưỡng một cách phong phú, có cảm xúc vui, buồn, lo lắng, theo ngữ cảnh của câu chuyện.
Được nuôi dưỡng như vậy, trẻ sẽ hình thành được năng lực chú ý lắng nghe câu chuyện của người khác, khi đi học sẽ chú ý lắng nghe lời giảng của thầy cô.

Point 4: Hãy cho trẻ xem truyện tranh
Từ khi trẻ mới được 4, 5 tháng, hãy cho trẻ xem những quyển truyện tranh và nói chuyện với trẻ về những bức tranh một cách dễ hiểu. Thời gian chỉ ngắn thôi cũng tốt. Đầu tiên không phải là đưa sách cho trẻ để trẻ tự xem, mà hãy đem sách vào tầm nhìn của trẻ và nói chuyện với trẻ. Khi làm như vậy thì lúc đầu có thể trẻ không thể hiện sự quan tâm lắm, nhưng dần dần não trẻ sẽ hình thành những tín hiệu đối với truyện tranh, và khi trẻ trên dưới 1 tuổi, chúng sẽ biểu lộ rõ sự vui thích khi được xem truyện tranh.
Có những đứa trẻ 1.5 tuổi mới được cho xem truyện tranh thì chúng chẳng biểu hiện sự quan tâm gì cả. Lúc này bố mẹ không biết phải làm như thế nào. Để 1 đứa trẻ tự nhiên trở nên thích truyện tranh là điều không thể. Phải kiên nhẫn, cho trẻ xem truyện tranh từng chút một mỗi ngày thì não trẻ mới hình thành được mạch dẫn thể hiện sự quan tâm đối với truyện tranh.

Point 5: Hãy cho trẻ tiếp xúc với những bản nhạc, những bức họa nổi tiếng
Mỗi ngày hãy cho trẻ nghe những bản nhạc nổi tiếng từ 1 đến 2 lần.
Ngoài ra, hãy trang trí trong phòng những bức tranh hay các tác phẩm điêu khắc đẹp. Nhưng điều quan trọng là không phải chỉ trang trí như vậy, mà hãy nói cho trẻ nghe về những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc đó.
Hãy thỉnh thoảng thay đổi những bức tranh đang treo. Ít nhất là 1 tháng 1 lần hãy treo bức tranh khác.


Mẹ Chép lược dịch theo quyển 「赤ちゃん・幼児の知力と才能を伸ばす本」 七田 眞
(còn nữa)  

Tuesday, July 22, 2008

Bống Khanh tròn 6 tháng

IMG_8252

IMG_8253

6 tháng đầu tiên của em Khanh. Mẹ đọc sách thấy nói rằng 6 tháng đầu đời này quan trọng lắm. Nếu được chăm sóc và giáo dục tốt thì có ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn trưởng thành sau này. Mama thì không có điều kiện ở bên cạnh con suốt 6 tháng, mà từ tháng thứ 3 con đã phải đi nhà trẻ rồi. Như thế thì không biết là mama đã "chăm sóc con tốt" chưa nhỉ? Nhưng con gái biết thương mẹ lắm.

  • Con không bắt bố mẹ phải bế và ru ngủ, con tự nằm ngủ trên giường mặc dù đôi khi cũng khóc gắt ngủ.
  • Con biết ngủ đúng giờ, lại không dậy đêm nên từ hồi sinh con ra mẹ không phải mất ngủ đêm bao giờ. Chỉ có dạo này là con dậy rất sớm lúc 5h, 6h sáng vì nóng quá hoặc đòi uống sữa.
  • Con uống sữa rất ngoan mà mẹ chưa bao giờ phải ép con ăn cả. Con chỉ khóc khi nào nóng hoặc đói bụng. Con khi no, con chẳng quấy khóc, mà nằm chơi hoặc nhoẻn miệng cười với mẹ.
  • Dạo này con hay cười lắm. Khuôn mặt con lúc nào cũng tươi tắn. Nhìn thấy mẹ từ đằng xa là con đã nhoẻn miệng cười. Cái điệu cười rất duyên. Càng nhìn càng thấy yêu, con gái ạ.
  • Dạo này con gái đã biết "chịu đựng" hơn rồi. Anh Chép có chạm vào người con hay ôm con mạnh 1 tí thì con cũng không khóc như hồi trước nữa, mà có khi lại cười với anh 1 cái. Có lúc anh Chép còn gối cả đầu lên người con mà con cũng không khóc đâu nhé. Mama cứ tưởng con gái hơi 1 tí là khóc nhè, thế mà không phải. Con cũng gan lì lắm. Papa bảo sau này cho con gái đi học võ để "trị" ông anh. Anh Chép có động vào em là em "đá" ngay.
  • Con gái vẫn mút tay và con thêm cả mút chân rồi. Con đưa được chân lên mồm mút ngon lành. Cái gì con cầm được là sẽ đưa ngay vào mồm. Những cái nào sạch thì mama vẫn để cho con "thưởng thức".
  • Con rất sợ nóng và ngủ ngon nếu bật điều hoà. Về khoản này thì hình như con hợp với bà ngoại đây. Lúc nào chỉ bật quạt là người con nóng nhễ nhại, sờ vào thì nhớp nháp, ngủ thì quay bên nọ bên kia. Nhưng nếu bật điều hoà thì con thấy dễ chịu ngay, đang ngủ ọ ẹ thì cũng hết ọ ẹ luôn, ngủ im thin thít. Nhưng bật điều hoà cả đêm thì sợ lạnh nên mẹ hay tắt đi để bật quạt. Y như rằng được 1 lúc là con lại ngọ ngoạy. Cứ chiều con gái thế này thì cuối tháng mama méo mặt vì trả tiền điện thôi.
Con gái có cái mắt to, mũi hơi tẹt, miệng rộng và cái trán như "sân bay", lại còn dô nữa. Papa bảo trời mưa khéo không ướt mũi vì cái trán dô nó che hết rồi mà. Hừm, papa chỉ có hay nói xấu người ta. Cả nhà yêu con nhiều lắm!

Saturday, July 19, 2008

Phóng sự ảnh Lễ hội mùa hè ở nhà trẻ 18/7/2008

Mùa hè đến rồi. Tháng 7, tháng 8 là mùa của lễ hội và pháo hoa. Người Nhật từ người lớn đến trẻ nhỏ diện yukata để đi xem hội. Tuần trước là lễ hội Gion nổi tiếng của Kyoto nên từ khắp nơi người ta đổ xô đến Kyoto. Nhà Chép chỉ cách trung tâm lễ hội có 2 ga tàu nhưng mấy hôm chính của lễ hội lại vào ngày thường, bố mẹ thì đều bận cả nên cả nhà mình không đi được. Với lại trời nắng nóng kinh khủng. Với thời tiết này mà ngồi ngoài đường cả mấy tiếng để xem các đoàn xe thì khéo không chịu nổi mất. Thôi để dịp khác vậy, để 2 anh em lớn hơn một chút đã.
Thế nhưng 2 anh em cũng có lễ hội mùa hè của riêng mình rồi. Đấy là Lễ hội tổ chức ở nhà trẻ, hôm 18/7. Để chuẩn bị cho lễ hội này, các cô đã phải thành lập những tiểu ban phụ trách từng hoạt động một do chính các phụ huynh đảm nhiệm. Năm nay mẹ Chép cũng ở trong ban tổ chức, đại diện cho lớp của anh Chép, với nhiệm vụ là phụ trách trò chơi làm quạt giấy. Ban tổ chức cũng phải họp hành mấy lần, cắt giấy trang trí, phân công nhiệm vụ. Lẽ ra là mama cũng rất muốn papa tham gia đánh trống nữa, nhưng papa kêu bận không chịu tham gia. Tiếc thế. Vì năm ngoái mama cũng đã xem màn biểu diễn trống rất ấn tượng rồi.
Lễ hội bắt đầu từ 6h chiều hôm 18/7. May mà năm nay trời không mưa như năm ngoái. Mama phải có mặt từ 5h để kê bàn ghế và chuẩn bị cho trò chơi dán quạt giấy cũng với các okasan khác. Cũng chỉ mất khoảng 30p, sau đó mama vẫn kịp sang đón 2 anh em thì papa mới tới nơi. Lễ hội được tổ chức ở nhà trẻ của các anh chị trên 3 tuổi, ở ngay bên cạnh nhà trẻ của 2 anh em Chép. Nếu sang năm mà nhà mình vẫn ở Kyoto thì anh Chép sẽ chuyển sang nhà trẻ này khi lên 3 tuổi đấy.
Papa thì vừa trông anh Chép vừa quay phim, chụp ảnh. Mama thì phụ trách em Khanh.

Ngoài sân được trang trí bằng rất nhiều thứ màu sắc sặc sỡ. Những thứ này hầu hết đều do các cô hướng dẫn cho các cháu tự làm. Chẳng hạn như những cái tượng trưng cho chuông gió như ở dưới đây là tác phẩm của lớp anh Chép đấy. Cái chuông gió có gắn tên của anh Chép cũng được trang trí bằng những màu sắc và những hình dán ngộ nghĩnh mà cũng không kém phần "nghệ thuật" nhỉ.
IMG_8218
Papa chụp cận cảnh cái chuông gió do anh Chép làm này.
IMG_8216
Lễ hội sẽ được khai mạc bằng màn biểu diễn trống. Chép chạy khắp sân, ra vẻ hứng thú lắm, thỉnh thoảng lại dừng lại xem mọi người chuẩn bị. Đội hình đánh trống có cô hiệu trưởng, 1 vài cô giáo và hầu hết là phụ huynh của học sinh. Năm nay còn có cả 1 cụ bà rất già cũng tham gia nữa. Trông cụ khéo phải gần 80 rồi cũng nên, thế mà vẫn đánh chả kém ai.
IMG_8223
Ái chà, anh Chép được cô giáo buộc khăn lên đầu để chuẩn bị tham gia rước kiệu cùng các bạn đây. Năm nay anh Chép lớn rồi nên được tham gia. Trông con trai có dáng của 1 tay phu kiệu gớm.
IMG_8224
Chép trong hàng ngũ của đội rước kiệu, lúc chuẩn bị xuất phát. Đội hình này đứng ngay cạnh khu trò chơi câu bóng, nên các "phu kiệu" cứ 1 tí lại chạy ra nghịch bóng, các cô tập hợp mãi mới được. Anh Chép thì một tay nắm tay cô giáo, 1 tay lại nắm vào quần, cứ như chuẩn bị đi shikko (tè) ấy, trông chán thế không biết, mất cả dáng đi.
IMG_8229
Đây, bắt đầu rước kiệu ra sân rồi. wat-shoi wat-shoi, vừa rước vừa phải hô lên như thế. Nhưng lớp của Chép chỉ cần đi thành hàng lối là cũng tốt lắm rồi. Một tay thì bám vào cái dây thừng. Chép cứ vừa đi vừa ngó nghiêng vì lạ.
IMG_82311
Phù, cả cô lẫn cháu ngồi nghỉ 1 tí đã, mệt quá.
IMG_82361
Mama bế em Khanh ra xem anh Chép biểu diễn này. Đến giờ ăn rồi nhưng em Khanh vẫn chưa khóc đòi ăn đâu nhé. Chắc tại không khí nhộn nhịp làm em thích quá. Anh Chép từ đằng xa đang giơ tay chữ V kia kìa. Hôm nay anh Chép giỏi ghê con nhỉ.
IMG_8234

Chép dán quạt giấy này. Chả hiểu đang nghĩ gì mà mặt cứ thừ ra. Mồ hôi mồ kê nhễ nhại vì nóng.
IMG_82461
Cô giáo Hara của em Khanh hôm nay trông xinh quá. Mầu yukata tím này rất hợp với cô. Mama cứ hay trêu em Khanh giống cô Hara vì 2 cô cháu đều tròn tròn.
IMG_82491

Anh Chép được papa dẫn đi tham gia hầu hết các trò chơi, nào là ném vòng, bowling, câu bóng, dán quạt, mỗi trò chơi xong thì được thưởng 1 cái gì đó, chẳng hạn như ném vòng xong thì được1 cái kẹo, câu bóng thì được quả bóng câu được, dán quạt xong thì cũng được cầm quạt đem về. Còn mama thì phải cho em Khanh vào corner dành riêng cho baby để uống sữa, vì em đói quá không chịu được nữa rồi. Mama chỉ mang bình và sữa mà quên không đem theo nước, làm cô Hara phải đem sang nhà trẻ của Khanh để pha hộ.
Lễ hội được kết thúc bằng màn bắn pháo hoa, nhưng anh Chép không muốn chờ đến lúc đấy, chắc tại cậu mệt và đói quá rồi. Bố mẹ thì chuẩn bị để đi về nhưng vẫn còn nán lại thêm 1 tí để chụp với cô Hara 1 kiểu ảnh làm kỉ niệm. Anh Chép thì chạy đi đâu mất, làm bố mẹ sau đấy tìm mãi không thấy đâu. Hoá ra là anh Chép đã chạy ra ngoài cổng, đứng chờ ở đúng cái xe đạp của papa để đi về. Khổ thân con trai, chắc muốn về lắm rồi mà. Mama đã mua sẵn đồ ăn rồi, nhưng thôi để về nhà rồi ăn vậy. Đây là lễ hội mùa hè lần thứ 2 của anh Chép và là lần đầu tiên của em Khanh đấy.

Reported by mẹ Chép

Friday, July 18, 2008

"Đáng sợ trẻ lên 2"

Trong tiếng Nhật có từ "kyofu no ni sai ji" hay có thể dịch là "trẻ lên 2 đáng sợ".
Đây là hiện tượng thường gặp ở những trẻ vừa mới lên 2, kéo dài trong khoảng 4 đến 6 tháng. Cũng có thể gọi đây là thời kỳ phản kháng đầu tiên.
Trẻ 2 tuổi là lứa tuổi bắt đầu tách khỏi bố mẹ, bước sang giai đoạn tự lập với suy nghĩ cái gì cũng muốn tự làm bằng sức của mình. Bởi vì chúng muốn được thử làm mọi thứ bằng khả năng của mình.
Chính vì thể mà trẻ ở độ tuổi này sẽ chống đối lại ngay khi bị người lớn nói là "không được làm". Hay nếu không được làm nhưng gì mình định làm thì chúng có thể sẽ nổi khùng lên. Cũng có khi là trẻ sẽ gào khóc lên vì tức giận, thể hiện sự không vừa ý, bất mãn khi bản thân mình muốn làm gì đó mà lại không được làm.
Vì thế, để vượt qua được giai đoạn này, người lớn cần phải có cách giáo dục nhẹ nhàng và thú vị, để tạo cho trẻ dần dần có được sự tự tin vào khả năng của bản thân mình, đồng thời phải chú ý dậy trẻ về mặt ngôn ngữ. Những đứa trẻ được dậy kỹ năng và biết sử dụng ngôn ngữ một cách phong phú sẽ không nói những điều ngang bướng, không quậy phá làm bố mẹ phải bực mình.
Những đứa trẻ nào hiểu rằng chúng tự làm được những việc xung quanh mình, sử dụng đồ vật khéo léo, biết cách diễn đạt dễ dàng những suy nghĩ của bản thân thì những đứa trẻ đấy sẽ không chứa đựng sự bất mãn hay không vừa ý.
Khi trẻ khóc, người lớn hãy để mình cùng có tâm trạng như của trẻ để dậy chúng, truyền đạt cho chúng về điều ấy bằng ngôn ngữ. Nếu chỉ có quát mắng thì sẽ không thể dễ dàng vượt qua giai đoạn "trẻ lên 2 đáng sợ" này được.
Khi trẻ con biết cách thể hiện, diễn đạt đầy đủ rằng tại sao chúng muốn vậy, và chúng đang có tâm trạng như thế nào thì cuộc sống hàng ngày sẽ trở nên xuôn xẻ hơn. Những đứa trẻ không phát triển đầy đủ về khả năng ngôn ngữ thì sẽ không được thuận lợi như thế.
Cho dù người lớn có đoán được suy nghĩ của trẻ thì cũng không nên nói tranh những điều mà trẻ muốn nói. Làm như thế thì sẽ tạo nên đứa trẻ không biết diễn đạt những gì mình muốn, ít vốn từ và chứa đựng sự không vừa ý. Việc lắng nghe những suy nghĩ của trẻ là rất quan trọng.
Khi trẻ hiểu được ngôn ngữ, hiểu những gì bố mẹ nói thì bố mẹ không cần phải quát mắng cũng có thể dậy cho con các nguyên tắc và kỷ luật một cách dễ dàng.
Hãy nuôi dậy con bằng cách đừng làm hộ những việc mà con trẻ đang làm, hãy quan sát con, hãy để con có đủ tự tin để tự mình làm.
Nếu giai đoạn này trẻ được giáo dục có năng lực ngôn ngữ tốt, khéo léo trong việc sử dụng đồ vật thì hiện tượng "trẻ lên 2 đáng sợ" cũng sẽ không xuất hiện.
Bí quyết để phát huy sự ham học hỏi ở trẻ là không phải cái gì bố mẹ cũng quát "không được làm". Mà bố mẹ hãy quan sát trẻ, để trẻ có được sự tự tin trong những việc mình đang làm, hãy khen ngợi con, để khuyến khích niềm hứng thú của trẻ nhỏ.

Dịch tham khảo theo quyển 「赤ちゃん・幼児の知力と才能を伸ばす本」của Shichida Makoto

Thursday, July 17, 2008

Con gái ơi, mama gọi con là Bống nhé

Bống. Cá bống. Cái tên nghe cũng được đấy chứ.
Thực ra người đầu tiên gọi con gái là Bống là chú Tuệ. Chú ấy đến nhà chơi hồi Khanh mới sinh, và chú ấy gọi luôn con là Bống. Chú ấy bảo chẳng có lý do gì cả, chỉ vì chú ấy thích gọi con là Bống. Đúng là cái chú Tuệ này thật buồn cười, trả lời thế mà cũng gọi là trả lời. Ấy thế mà bây giờ mama thấy cái tên Bống đấy lại hay. Nhưng mà có lý do hẳn hoi đấy nhé.
Papa bảo cá bống ăn tham lắm, câu bằng mồi gì cũng được. Thế là thấy giống Khanh rồi. Khanh chẳng bao giờ chê sữa cả. Khanh chỉ khóc lúc nào đói thôi. Còn no bụng rồi thì chẳng khóc làm gì cho mệt, tốn kalo. Papa lại còn hay trêu con theo kiểu đem bình sữa đến vung vẩy trước mặt cho con thèm đã, chứ chưa đút vào mồm ngay, làm con cuống lên, cái mồm cứ đớp đớp, mắt thì dõi theo bình sữa. Rồi chờ thêm 1 lúc nữa mà vẫn chưa thấy được ăn thì thế nào cũng cáu. Papa thì thấy con thế thì "thích" lắm, lần nào cũng "giở cái bài đấy ra". Papa "câu" con bằng "mồi" sữa đấy, có dễ không. Thế cho nên con giống con cá Bống rồi.
Anh thì là Chép, còn em thì là Bống, cũng là cá cả. Cá Chép và cá Bống, cá nào kho cũng ngon. Cả mama và papa đều thích 2 cái món này, có khi là thích nhất trong các thể loại cũng nên. Cho nên gọi con là Bống thì mama cũng thích lắm.
Từ nay mama và mọi người sẽ gọi con gái là Bống nhé. Con có thích không?

Cái Bống là cái Bống bang
Khéo sảy khéo sàng cho mẹ nấu cơm
Mẹ Bống đi chợ đường trơn,
Bống ra gánh giúp chạy cơn mưa rào...

Bống dễ thương chưa, biết ra gánh giúp mẹ chạy cơn mưa rào cơ đấy. Mama đang mong con gái lớn nhanh để sau này giúp mama nhặt rau, nấu cơm nữa. Mama mong lắm...

Sunday, July 13, 2008

12/7 Em Khanh lẫy được rồi

Cả nhà đợi mãi rồi cũng đến ngày em Khanh biết lẫy. Ở Việt nam mọi người hay bảo trẻ con có thể "trốn lẫy" nhưng hình như ở Nhật không có khái niệm này. Nếu trốn lẫy thì làm sao trẻ con tập bò hay tập ngồi được nhỉ.

Em Khanh đã cố gắng xoay nghiêng người từ mấy tuần nay rồi, nhưng chỉ vặn được nửa người dưới, còn cái đầu nặng thì không thể nào mà xoay được. Thế mà hôm thứ 7 vừa rồi (12/7) em Khanh đã xoay được cả cái đầu, tức là cả người ở vị trí úp xuống giường, thế là bố mẹ "tính" là em đã lẫy được rồi. Gọi là "tính" vì cái kiểu lẫy của em cũng chẳng giống ai. Như anh Chép hồi xưa lúc biết lẫy thì đặt nằm xuống giường một cái là đã lẫy một cách nhẹ tênh, hở ra 1 cái là lại thấy lẫy rồi. Nhưng em Khanh thì lẫy chậm chạp lắm, mãi mới lật được cái người, lật xong rồi thì mệt quá không ngẩng được cái đầu lên, úp luôn mặt xuống giường nghỉ 1 lúc, rồi mới ngẩng đầu lên, rồi lại úp xuống nghỉ 1 lúc, cứ thế cứ thế vài lần thì kêu ré lên vì mệt. Trông em lẫy nặng nề lắm, buồn cười lắm. Nhưng mà thế là em cũng cố gắng lắm rồi. Biết lẫy rồi thì con sẽ tha hồ mà nhìn ngắm xung quanh nhỉ.

Dạo này em Khanh cũng thích chơi đồ chơi hơn rồi. Chả bù cho mấy tháng trước thì chỉ liếc đồ chơi 1 tí rồi lại quay đi, chả quan tâm mấy. Nhưng bây giờ Khanh thích nhìn những thứ nhiều mầu sắc, thích giật cái đồ chơi có nhạc, thích được xem truyện tranh. Nhất là lúc nào anh Chép ngồi bên cạnh đọc líu lo truyện về chiếc xe cứu hoả hay các loại máy bay, tàu điện là em Khanh cười khoái trí lắm. Những lúc đấy mama cứ để cho 2 anh em thoải mái chơi với nhau để surf net, hehe.

Cái video em Khanh tập lẫy thì mama sẽ cho lên sau vậy. Tạm thời là mấy cái ảnh đã nhé.
Trông em Khanh nằm ngủ dạng chân ra này. Xấu nhỉ.
IMG_8157
Lúc nào nằm chơi cũng dạng tay dạng chân ra.
IMG_8159
"Người mình nóng nhễ nhại thế này mà anh Chép cứ thích ôm"
IMG_8160

Tuesday, July 8, 2008

Làm thế nào để giáo dục ý thức cho con?

Con trai của mama đã được 2 tuổi 6 tháng rồi. Chẳng mấy chốc mà con sẽ bước sang tuổi thứ 3. Người ta bảo trẻ con sau 3 tuổi thì tự nhiên sẽ ngoan hẳn lên, dễ bảo, chứ không bướng bỉnh như cái tuổi lên 2 này. Thế có nghĩa là mama còn phải "chịu đựng" cái tính khó bảo, hay làm trái lời ba mẹ này thêm khoảng 6 tháng nữa con nhỉ.

Dạo này là mama cũng biết kiên nhẫn với con hơn rồi nên con không hay bị la mắng hay ăn đòn nữa. Mà thực ra nói nhẹ nhàng với con lại là 1 cách hay, con có thể không nghe ngay nhưng 1 lúc sau thì sẽ nghe, vì thực ra con hiểu đâu là đúng sai, đâu là cái được làm và cái không được làm, nhưng con không muốn làm theo ngay vì "muốn chứng tỏ cái tôi" của mình, hay muốn khám phá, hay đơn giản là "chỉ không muốn làm theo ngay". Nhưng con thích sự khuyên bảo nhẹ nhàng sau đó.

Hoặc có nhà sư phạm đã từng nói "Trẻ con có thể không nghe lời nhưng chúng sẽ bắt chước". Người làm gương cho con trẻ chính là bố mẹ và những người xung quanh. Chép hay bắt chước 1 số "thói xấu" của bố mẹ như đóng cái cửa bếp bằng chân, để quần áo linh tinh trên giường, thích xem tivi trong lúc ăn cơm, hay kiểu ném đồ chơi từ xa vào thùng của papa. Chép rất hay quan sát cách bố mẹ làm 1 cái gì đó và bắt chước theo, đôi khi còn nhắc nhở nếu bố mẹ quên, như tắt đèn trong khu vệ sinh, đóng cửa khu vệ sinh, hay để đồ vào đúng vị trí.

Giáo dục ý thức từ bé cho con là điều quan trọng. Ở nhà trẻ con đã được học từ việc rửa tay trước khi ăn, ngồi ăn đúng chỗ, lau tay đúng vào khăn của mình, lau chỗ mình làm bẩn, để sách vào nơi quy định sau khi xem xong, cất đồ chơi đúng chỗ sau khi chơi xong, tự mặc quần áo, tự có trách nhiệm đối với những đồ vật của bản thân. Ở nhà thì ý thức của con "kém" hơn thì phải. Bút chì màu thì con vứt khắp nơi, đồ chơi cũng không xếp vào đúng chỗ,... Có lẽ ở nhà trẻ thì con bắt chước các bạn cùng làm, cùng chơi, nhưng ở nhà thì bố mẹ chưa làm vậy để con bắt chước nhỉ? Từ nay để giáo dục ý thức cho con thì mama sẽ phải xem lại ý thức của mình thế nào đã nhỉ. Nghe thì có vẻ to tát nhưng cả nhà mình sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày thôi.

Hôm nay mama định viết về những tiến bộ của anh Chép cơ, thế mà chẳng hiểu sao lại viết lung tung sang cái này. Đành phải thay đổi cái subject 1 chút nhỉ.

Sunday, July 6, 2008

Saturday, July 5, 2008

7/7 Lễ hội sao Tanabata

Sắp đến ngày 7/7 là ngày Lễ hội sao ở Nhật (Tanabata). Lễ hội này bắt nguồn từ một truyền thuyết có nội dung gần giống như chuyện Ngưu lang và Chức nữ ở Việt nam. Những ngày này ở khắp nơi người ta treo những cành tre có trang trí hình búp bê bằng giấy hình con trai và con gái, tượng trưng cho người con trai và con gái bị Ngọc hoàng trừng phạt mỗi năm chỉ được gặp nhau đúng 1 lần vào mùa mưa ngâu. Trên cây còn treo rất nhiều những lời chúc của mọi người cầu nguyện những điều tốt lành và sức khoẻ sẽ đến với bản thân và gia đình mình.

Cách đây mấy hôm nhà trẻ của 2 anh em đã chuẩn bị rất nhiều cành tre và hình trang trí để các gia đình đem về nhà treo. Đây là truyền thống hàng năm được nhà trẻ tổ chức, và đây cũng là năm thứ 3 kể từ khi anh Chép bắt đầu đi nhà trẻ, gia đình mình cũng treo cành tre trong nhà. Năm nay có thêm em Khanh nên hình trang trí cũng nhiều hơn. Mama viết những lời chúc cầu mong cho 2 anh em luôn mạnh khoẻ, anh Chép ngoan và yêu em Khanh, em Khanh thì chóng biết lẫy, rồi chúc sức khoẻ ông bà nội ngoại và chúc papa có 1 chuyến đi thành công.

Đây là cành cây trang trí ở nhà. Các cô đã làm sẵn cho bố mẹ hình trang trí, chỉ việc treo lên thôi. Còn các dải giấy nhiều mầu sắc cũng được các cô làm sẵn để bố mẹ ghi lên đó lời chúc.
IMG_8072

IMG_8071

Đây là "miếng dưa hấu" anh Chép tự làm ở nhà trẻ để đấy. Dưa hấu cũng là món daikobutsu (ưa thích) của anh Chép mà.
IMG_8074

Còn đây là dấu chân của em Khanh này, nhỏ xíu.
IMG_8077

Anh Chép đứng trước những cành cây Tanabata ở khu siêu thị Qanat, tay thì cầm quả bóng vừa đi xin được, mồm thì làm trò với mama. Ở đây cũng để sẵn giấy và bút để mọi người ghi vào đó lời chúc của mình rồi treo lên cây. Papa và mama cũng ghi lời chúc dành cho 2 anh em và treo lên đó rồi. Mong rằng tất cả những lời chúc của mọi người đều thành hiện thực nhỉ.
IMG_8112

Em Khanh cũng ngước mắt lên ngắm này. Đây là lễ hội Tanabata đầu tiên của con đấy.
IMG_8124

Papa này.
IMG_8118

Mama này.
IMG_8116

Hôm nay trời nóng kinh khủng, cả nhà đi siêu thị để tránh nóng.
À hôm qua em Khanh vừa đi tiêm chủng BCG rồi. Lẽ ra phải tiêm từ 2 tháng trước cơ, nhưng mama không đưa em đi được, phải để đến tận tháng thứ 5. Em Khanh không khóc đâu. Được mẹ đón về sớm, tiêm xong, 2 mẹ con còn rẽ qua siêu thị mua thức ăn. Về đến nhà vẫn còn được khoảng 2 tiếng trước khi anh Chép về, nên 2 mẹ con có thời gian yên tĩnh nằm chơi với nhau nhỉ.

Wednesday, July 2, 2008

Báo cáo thành tích

Mama vừa nhận được thông báo chiều cao, cân nặng của 2 anh em sau đợt kiểm tra sức khoẻ được tổ chức định kỳ ở nhà trẻ.

Em Khanh (5 tháng): 65.2cm và 7.1kg

Anh Chép (2 tuổi 6 tháng): 89.6cm và 12.5kg


Chiều cao của em Khanh thì thế là tạm ổn (mama đang kỳ vọng con gái sau này trở thành "chân dài" đấy, hihi), nhưng cân nặng thì hình như chỉ tăng 400g so với 2 tháng trước. Mama nghĩ là sau đợt bị đi ngoài con cũng bị sút cân nhiều, mặc dù nhìn thì vẫn có vẻ "núng nính" đến mức mà papa cứ kêu là con "béo". Béo đâu mà béo con nhỉ. Mà hôm qua (1/7) mama đã thấy cái răng đầu tiên nhú lên ở hàm dưới rồi đấy nhé. Hình như con chỉ mọc có mỗi 1 chiếc. Bây giờ có răng thì không chỉ mút tay mà con có thể cắn rồi đấy, hihi.

Chiều cao của anh Chép thì có vẻ tăng đáng kể, và cũng sàn sàn so với các bạn cùng lớp (nhưng thua bạn Papu-chan cao to). Con không thích uống sữa tươi những lại thích sữa chua lắm. Có hôm ăn 1 lúc hết 2, 3 hộp liền. Cân nặng thì cũng tàm tạm. Ăn thịt cá nhiều hơn ăn cơm và rau. Hôm nào hứng lên thì mới ăn rau. Còn cơm thì mama phải lừa cho vừa xem tivi vừa nhét, được miếng nào hay miếng đấy. Nhưng nếu nắm cơm thành onigiri thì thích lắm, ăn hết cả nắm luôn. Nghiện ăn nấm kinh khủng. Hôm nào có món lẩu thì ăn no căng 1 bụng toàn thịt với nấm.

Đấy là mama sơ qua 1 chút về chiều cao, cân nặng để báo cáo với ông bà. Kết thúc bài bằng 1 câu nói của nhà sư phạm Sasaki nào đó về nuôi dạy con cái (các cô ở nhà trẻ ghi cho các bậc phụ huynh tham khảo):

子供が「いいこ」になると、可愛がるおかあさんがいる。しかし子供は、可愛がられると「いいこ」になるのである。

Tạm dịch là: Có những bà mẹ yêu con khi thấy con ngoan. Nhưng thực ra trẻ con nếu được yêu thương thì sẽ trở thành con ngoan.
Thật đáng để suy ngẫm nhỉ!