Monday, July 27, 2009

Trở về

"Cuộc đời là những chuyến đi", đó là điều mà mọi người thường nói. Nhưng mama nghĩ: người ta chỉ nhận ra hạnh phúc thực sự của cuộc sống vào những thởi điểm trở về nhà. Và cả gia đình mình đang chuẩn bị trở về nhà với ý nghĩa ấy.

Chuyến đi của mama với dự định ban đầu chỉ là 2 năm, thế mà cuối cùng dài ra thành 6 năm. 6 năm cũng đủ để cho a single girl biến thành a wife, rồi thành a mother của 2 nhóc. 6 năm đủ để cho cả gia đình mình gắn bó với Kyoto, yêu mến nơi này với con sông Kamo hiền hoà, và 4 mùa cảnh sắc chẳng đâu đẹp bằng. Xa Kyoto sẽ thấy buồn lắm, nhớ lắm. Nhưng cho dù ở đây, gia đình mình có nhiều bạn bè tốt, các con được đến nhà trẻ với môi trường giáo dục đáng tin cậy, môi trường sống và chất lượng dich vụ không có gì phải phàn nàn, và rất rất nhiều những điều tốt đẹp khác, thì nơi đây vẫn không phải là nơi gia đình mình thuộc về nó.

Gia đình mình sẽ trở về nơi có ông bà nội ngoại đang chờ đón từng ngày, nơi có các bác các cô các chú, các anh chị em họ hàng thân thích đông đến mức mà các con chưa thể nhớ hết ngay được. Nơi ấy có thể không bằng nước Nhật về điều kiện sống, về chất lượng giáo dục. nhưng ở nơi ấy có tình yêu thương của mọi người. Nơi ấy là Quê hương

Cảm xúc trước lúc trở về nhà thật lẫn lộn. Phải chia tay với những gì đã gắn bó với mình suốt một thời gian dài không phải là điều dễ dàng. Những con đường hàng ngày vẫn đưa đón con đi học leng keng tiếng tàu điện, những khuôn mặt của các thầy cô và các bạn của con, những lễ hội mùa hè hay những lễ hội thể thao, những ngày đông tuyết lạnh cóng hay những ngày hè oi bức, cả những ngày mưa làm cả nhà mình đi xe đạp đến là vất vả. Tất cả rồi sẽ trở thành những ký ức xa xăm. Và một ngày nào đó khi các con lớn lên, bố mẹ sẽ kể lại cho nghe nhé.

Cuộc đời có bao lâu mà cứ đi xa mãi. Cuộc đời có bao lâu mà cứ dong ruổi mãi trên những chuyến đi. Hãy trở về nhà thôi.

Thursday, July 23, 2009

Lễ hội mùa hè

Lễ hội mùa hè năm nay cũng giống như mọi năm, được tổ chức vào dịp tháng 7 cho cả 2 nhà trẻ Yosei nyuji và nhà trẻ yosei. Trời nóng nực, lại thêm những trận mưa làm cho không khí càng oi bức. Hôm đấy papa bận nên chỉ có mama đưa 2 anh em đi. Lễ hội bắt đầu lúc 6h chiều. Mama đến đón 2 anh em lúc 5h, vội vàng về nhà ăn cơm để quay lại nhà trẻ cho kịp giờ. Trên đường về mama đã dặn trước anh Kiên là hôm nay phải ăn cơm nhanh nhé, để còn đi lễ hội. Thế là 2 anh em ăn ngoan lắm, vèo một cái mỗi người hết một bát cơm, rồi mama cũng ăn qua loa để đi.

Thế mà đến nơi cũng đã quá 6h, hình như cả 3 mẹ con không được xem màn khai mạc. Thôi đành dẫn 2 anh em đi chơi các trò. Đầu tiên là trò làm quạt giấy uchiwa. Mỗi anh em được phát 1 cái uchiwa rồi có thể dán hay vẽ lên đó để trang trí. Khanh thì chỉ thích cầm bút màu vẽ ngệch ngoạc thôi. Hôm nay được mama mặc cho bộ jimbei nhìn rất hợp cảnh nhé. Ai nhìn cũng khen kawaii~. Anh Kiên thì mải mê dán hết hình nọ đến hình kia lên quạt. Mama vừa phải bế em Khanh, vừa phải khoác cái túi đựng camera và máy quay phim nặng trịch. Mama cũng muốn quay phim lắm, nhưng không thể làm được trong không gian chật và nóng, rồi lại còn phải để mắt 2 anh em nữa. Cuối cùng chỉ chụp vội vàng mấy cái ảnh để làm kỷ niệm.


Sau đấy anh Kiên còn được chơi trò ném bóng, câu cá, câu bóng, nhưng mama không chụp thêm được cái ảnh nào. Đến 7h mama với em Khanh lại còn phải ngồi làm uketsuke đóng hanko cho các anh chị và các bạn vào chơi nữa. Em Khanh cứ giữ khư khư cái con dấu, đóng lung tung lên cái quạt mà anh Kiên nhờ cầm hộ. Đến lúc về đến nhà anh Kiên cứ phàn nàn là tại sao cái quạt lại nhem nhuốc như thế.
Hôm nay mama còn gặp cô Azuma trước đây phụ trách lớp của Kiên nữa. Năm nay cô xin nghỉ nên không còn đi làm nữa. Gặp lại cô chỉ muốn chụp ảnh và hỏi chuyện cô mà anh Kiên chẳng nhận ra cô gì cả, cứ kéo tay mama đòi đi. Mama chỉ kịp bảo cô là cả nhà mình sắp về Việt nam, và muốn xin địa chỉ của cô. Cô bảo sẽ đưa địa chỉ cho cô Ishii sau. Thế có chán không cơ chứ.

Đến gần 8h thì anh Kiên cứ đòi đi về. Trời thì mưa lất phất. Đứng ngoài sân còn bị bao nhiêu muỗi đốt nữa chứ. Sắp đến màn bắn pháo hoa rồi mà lại không được xem, mama đành cho 2 anh em về nhà sớm để nghỉ ngơi. Mama cũng thấy mệt vì cả ngày làm đủ thứ, 2 anh em cũng mệt muốn về đi ngủ sớm. Lễ hội mùa hè năm nay là lễ hội cuối cùng của 2 anh em đấy. Sau này về Việt nam, ngồi ôn lại những kỷ niệm thì sẽ lại thấy nhớ những lễ hội như thế này lắm đây.

Friday, July 10, 2009

Các tác phẩm mới

Dạo này Chép rất hứng thú với trò xếp hình bằng block. Cứ xếp xong hình nào là phải bắt mama chụp ảnh bằng được rồi mới phá đi. Mama cũng thích chụp lại các tác phẩm của Chép, rồi dần dần sẽ có được 1 bộ sưu tập kha khá cho mà xem. Với lại tác giả chẳng mấy khi xếp lại tác phẩm lần thứ 2 cả đâu.
Dưới đây là một số các tác phẩm được thực hiện trong tuần trước.

Cả nhà nắm tay nhau (new version)

Cả nhà nắm tay nhau (old version)

Con bò
(đấy là tên do Kiên đặt, còn mama lại nhìn thấy giống con bọ cánh cam hơn nhỉ)

Con cá

Con bọ dừa !?
(nhìn ngang)

Con bọ dừa
(nhìn từ đằng sau)

Monday, June 29, 2009

Những video clips đáng nhớ của MJ

I Want You Back
Cậu bé 10 tuổi Michael Jackson trình diễn ca khúc "I Want You Back" cùng các anh em trong nhóm Jackson 5 trong show của Ed Sullivan năm 1968.

Billie Jean
Michael biểu diễn "Billie Jean" tại chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập hãng đĩa Motown, hãng đĩa đầu tiên Michael gia nhập với các anh em trong nhóm Jackson 5. Đây là lần đầu tiên Michael trình diễn điệu nhảy Moonwalk trước công chúng.

Remember The Time
Màn trình diễn "Remember The Time" năm 1993 ở lễ trao giải thưởng âm nhạc Soul Train. Michael bị trật mắt cá chân nên không thể nhảy, nhưng Michael vẫn ngồi trên chiếc ngai vàng Pharaoh và dành cho khán giả màn trình diễn không chê vào đâu được. Sau đó Michael ngồi trên xe lăn ra nhân 3 giải thưởng danh giá.

They Don't Care About Us
Video clip "They Don't Care About Us" phiên bản trong tù. Có lẽ mọi người không lạ gì với phiên bản "They Don't Care About Us" quay ở Brazil, nhưng Michael còn thực hiện một video khác của ca khúc này lấy bối cảnh trong tù, với những hình ảnh khá nhạy cảm của các em bé bị bỏ đói, cảnh sát đánh đập người dân, các vụ thả bom... Video clip này đã bị cấm trình chiếu trên MTV còn một số đài khác chỉ dám chiếu vào lúc nửa đêm.

Black or White, Will You Be There
Màn trình diễn ca khúc "Black or White" và "Will You Be There" của Michael lại lễ trao giải thưởng MTV năm 1992.

You were there
Ca khúc "You were there" dành tặng cho Sammy Davis Jr. Michael chỉ biểu diễn ca khúc này duy nhất một lần tại buổi lễ sinh nhật lần thứ 60 của Sammy Davis.

Smooth Criminal
Màn trình diễn "Smooth Criminal" tại Bucharest, Rumani trong tour diễn vòng quanh thế giới Dangerous năm 1992. Trong màn trình diễn này Michael thực hiện cú đổ người 45 độ về phía trước nhờ vào chiếc giầy nam châm chống trọng lực.

Cheater
Còn đây là ca khúc rất hay của Michael nhưng không phải ai cũng biết đến, "Cheater". Ca khúc này nằm trong album Bad nhưng hồi đó không được phát hành, sau này "Cheater" được phát hành trong bộ đĩa "The Ultimate Collection" của Michael.

The Way You Make Me Feel
Michael trình diễn ca khúc "The Way You Make Me Feel" cùng Britney Spears tại chương trình kỷ niệm 30 năm ca hát của Michael.

Nguồn: WTT

Saturday, June 27, 2009

Video ngày Mẹ cùng Kiên đến lớp (Hoikusanka)



Video này mama vừa quay hôm 26/6 vừa rồi. Hôm đấy là ngày Bố mẹ cùng đến lớp với con, chơi với con và ăn trưa cùng con ở nhà trẻ. Đầu tiên cả lớp Sakura của Kiên ra chơi ở ngoài sân. Nhiều trò lắm, nào là lấy xẻng xúc cát, nặn dango bằng cát, pha nước hoa quả bằng bột phẩm màu của cô,...Kiên chạy chơi hết trò này đến trò khác. Hôm nay có mama chơi cùng nên Kiên vui lắm, làm cái gì cũng là để cho mama. Chơi xong thì quần áo cũng ướt và lấm lem hết cả. Thay quần áo xong thì chuyển sang phần chơi ở trong lớp. Kiên hý hoáy với khu đồ hàng nấu ăn, một lúc sau thì còn mặc thêm cả váy vào nữa.

Sau đó đến phần làm đồ thủ công. Hôm nay các cô hướng dẫn bố mẹ làm 1 chiếc sổ bọc bằng bìa vải. Miếng vải thì bố mẹ đã chuẩn bị sẵn để đem đi. Cách làm cũng đơn giản. Kiên giúp mama quết hồ để dán miếng vải lên tấm bìa. Cuối cùng là viết tên Kiên vào 1 miếng label để các cô dùng bàn là dính lên mặt vải. Thành phẩm vẫn chưa được đem về vì còn phải đợi các cô hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng đấy nữa.

11h30 đến giờ ăn cơm trưa. Hôm nay menu của Kiên ngon lắm: có cá hồi rán, salát rau trộn vừng, cơm trộn gobo, súp miso. Bố mẹ cũng có 1 đĩa riêng mỗi thứ một ít để nếm. Đầu bếp là ông Hayashi-san mà Kiên có vẻ rất yêu quý, hôm nào đi về cũng vẫy tay rồi chào rõ to. Món ăn thì ngon nhưng Kiên ăn không tập trung. Mama lại phải bón cho từng thìa. Nhìn bạn gái bên cạnh ăn thêm cơm và rau mà Kiên vẫn chưa ăn hết một nửa thức ăn. Bạn Ichi và Hibiki còn chạy lung tung khắp phòng làm Kiên cứ mải nhìn theo, ra vẻ cũng muốn làm như thế lắm. Vì mải quay đầu nhìn nên Kiên làm đổ hết bát súp ra quần áo, mama phải dẫn Kiên về phòng thay quần áo khác. Việc này làm mama bực mình lắm. Cuối cùng khi các bạn đã ăn xong hết thì chỉ còn Kiên và Ichi vẫn ngồi ăn. Kiên chắc chỉ ăn xong trước bạn Ichi khoảng 1 thìa cơm gì đấy.

12h mama tạm biệt Kiên để Kiên chơi nốt buổi chiều ở nhà trẻ. Kiên khóc không muốn cho mama đi làm cô giáo phải bế Kiên dỗ dành. Thôi cố gắng lên con trai. Ngày mai là thứ 7 cả nhà mình tha hồ có nhiều thời gian mà chơi với nhau nhỉ.

Tuesday, June 23, 2009

Một nền giáo dục đáng mơ ước?

Nếu so sánh chất lượng nhà trẻ của Nhật với Việt nam thì tất nhiên ai cũng có thể nghĩ ngay rằng nhà trẻ của Nhật thì tốt hơn hẳn. Ở Nhật không hề có chuyện cô giáo đánh đập các cháu, cô giáo ăn bớt khẩu phần ăn của cháu, cũng không có chuyện bố mẹ phải "chạy" xin cho con vào trường tốt. Ở đây mama có thể yên tâm khi gửi các con đi nhà trẻ. Mỗi ngày đến lớp đối với con là một niềm vui. Thậm chí, ngày chủ nhật ngủ dậy, con hỏi sao hôm nay không đi nhà trẻ.

Ở nhà trẻ các cô dạy con biết ngăn nắp, biết hoạt động tập thể, biết sáng tạo qua những trò nặn đất sét hay vẽ tranh, rồi chạy nhảy ngoài trời, học hát. Với môi trường như thế này, mama có thể nghĩ là con sẽ được rèn luyện và phát triển tốt, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Nhưng thế này đã phải là cách giáo dục tốt nhất chưa? Câu trả lời là CHƯA khi mama được đưa đi tham quan 1 nhà trẻ với một phương pháp giáo dục hoàn toàn khác ở ngay Kyoto.

Nhà trẻ đấy có tên gọi là Syushichi Hoikujo(朱七保育所).

Bố mẹ được cô Fujimoto giới thiệu về một mô hình giáo dục ở bậc nhà trẻ hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn thông thường, và khi thấy cô gợi ý về ngày Open day của nhà trẻ thì bố mẹ muốn đến tham quan ngay. Nhưng vì ngày Open Day chính thức thì bố mẹ lại có việc bận, nên cô Fujimoto đã sắp xếp 1 buổi thăm quan khác, chỉ có riêng cô và bố mẹ đến thôi.

9h45p bố mẹ và cô đã có mặt ở nhà trẻ. Từ cổng bước vào, mama đã thấy 1 khung cảnh hoàn toàn khác so với nhà trẻ của Khanh và Kiên. Giữa sân có "núi" đất cao, rồi có cái cầu trượt tự tạo bằng gỗ rất đơn sơ. Khung cảnh này được tái tạo giống như trường học của nước Nhật vài chục năm trước. Cả cô lẫn trò đang nghịch đất, nghịch bùn, người lấm lem. Cô Fuji bảo đây là công trình do phụ huynh và nhà trường tự làm, và thỉnh thoảng được sửa sang lại. Các cháu chơi toàn bằng tay, không hề có dụng cụ đồ chơi kiểu như xẻng hay thùng được bán đầy ngoài cửa hàng. Tiếc là lúc bọn trẻ chơi thì không chụp được ảnh, vì cô hiệu trưởng vẫn chưa đến để xin phép.

Toàn bộ các gian nhà được làm bằng gỗ, giống như khung cảnh của nước Nhật thời xa xưa. Sàn gỗ và cầu thang gỗ sẽ được các anh chị lớp 5 tuổi lau vào buổi sáng. Các thùng đựng đồ quần áo cũng đều là các thùng gỗ, chứ không phải là rổ nhựa như ở nhà trẻ của Kiên. Tất cả tạo nên một không gian gần gũi với thiên nhiên, không hề có dấu ấn của những sản phẩm công nghiệp tiện nghi thường thấy.

Mama đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vào đến khu nhà bếp thì thấy ngay mấy cái đựng cơm (ohitsu) bằng gỗ như hình dưới. Cơm nấu xong, được cho vào những cái ohitsu này rồi mới xới ra cho các cháu ăn. Đây là nồi đựng cơm truyền thống của Nhật, được làm bằng gỗ, có nắp đậy. Cơm đã nấu xong, cho vào hộp gỗ này sẽ có tác dụng hút nước từ hạt cơm, nhờ thế mà hạt cơm sẽ ngon hơn. Thế mới biết thế nào là sự cầu kỳ của người Nhật trong nghệ thuật ẩm thực. Dường như thấy mama vẫn chưa tin lắm vào công dụng của nó, một cô nấu bếp còn bê hẳn một chiếc ohitsu có đựng cơm vừa nấu xong để mama ăn thử. Gạo mà các cô nấu là gạo xát thô, ăn vào đã có cảm giác khang khác so với gạo thường, ăn xong thì thấy có vị ngọt. Mặc dù không cảm nhận được rõ ràng hiệu quả của chiếc ohitsu này, mama vẫn muốn đem 1 chiếc về Việt nam để dùng. Mà giá của nó không hề rẻ tí nào, 1 chiếc như thế này cũng hơn 9000 yên, vì chỉ có các nghệ nhân mới có thể làm ra được.
Gần ngay chiếc bàn đặt ohitsu này, mama còn nhìn thấy 2 lọ mơ muối, giống như ở Việt nam mọi người vẫn hay ngâm mơ cả năm để lấy nước uống. Cô hiệu trưởng giải thích đây là những quả mơ được hái từ ngoài vườn kia, ngâm cho các cháu uống. Mama chỉ còn biết trầm trồ thán phục về việc có thể được uống nước mơ ở nhà trẻ như thế này.

Khu nhà bếp không rộng lắm, có cửa làm bằng kính trong suốt để từ bên ngoài có thể nhìn vào được. Điều đặc biệt nữa là nhà bếp được sắp xếp nằm ở vị trí mọi người phải đi qua để lên tầng 2, chứ ở nhà trẻ của Kiên thì mama chưa bao giờ được thăm quan cái nhà bếp cả. Nhìn vào bếp thì có thể nhận ngay ra là rất nhiều rau. Cô Fuji giải thích là rau ở đây được chọn là những loại rau ít dùng hoá chất, và tất cả thức ăn đều được nấu bằng tay, chứ không mua sẵn. Những nhà trẻ nào chất lượng không tốt thì có thể hay dùng những nguyên liệu được chế biến sẵn ở siêu thị hay đồ đông lạnh, còn ở đây thì không.

Đến 10h có một lớp được đi dạo. Mama thắc mắc là tại sao chẳng có ai đội mũ cả, thì cô hiệu trưởng trả lời rằng như thế để cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện thể lực. Mama thấy thật khâm phục quá vì trời cực kỳ nắng nóng. Thảo nào mà cả trường đứa nào đứa nấy đen trùi trũi và trông rất rắn rỏi. Trẻ em ở đây cũng ăn mặc quần áo rất giản dị, không hề có hình character của phim hoạt hình như superman hay Anpanman, bởi những hình ảnh đấy tác động không tốt đến trẻ. Rồi không có trẻ nào mặc bỉm cả, chỉ mặc pant thôi. Vì nếu mặc bỉm trẻ sẽ không cảm nhận được lúc nào đã shikko.

Đến giờ tập rizumu (thể dục theo nhịp) của các lớp. Ở đây mama được chứng kiến các động tác chạy, vừa chạy vừa nhảy cao, rồi vừa chạy vừa nhảy dây theo nhịp đàn piano. Cô hiệu trưởng cũng phân tích tác dụng của việc tập theo nhịp, nhưng để giải thích cặn kẽ thì mất rất nhiều thời gian. Người ta đã nghiên cứu và chỉ ra rằng tuỳ theo nhịp điệu mà lượng hormon của cơ thể sản sinh ra cũng khác nhau. Việc tập này giúp tạo tư thế tốt cho cơ thể, và giúp trí não phát triển. Cô còn chỉ cho bố mẹ 1 em bị bệnh bại não nhưng đã tập đi được và theo được các bạn ở tất cả các động tác, chỉ có điều em di chuyển chậm hơn. Nhìn em cố gắng tập động tác vừa chạy vừa nhảy dây mà thấy xúc động ghê. Các bạn thì chạy còn em cứ cố gắng từng bước một, dừng lại để bước qua dây, rồi lại khập khiễng đi tiếp, cho đến hết 1 vòng mới thôi. Mama cũng cảm thấy là để tập cho trẻ bị bại não có thể đi lại gần được như bình thường thế này quả là 1 kỳ công. Cô hiệu trưởng lại chỉ sang 2 em khác mắc bệnh tự kỷ. Mặc dù có khiếm khuyết nhưng các em đều được tham gia vào môi trường học tập và rèn luyện giống như các bạn.

Cô hiệu trưởng đang dẫn mama lên thăm quan phòng của lớp 5 tuổi. Ở đây trẻ được chơi ngoài trời là chính, bởi cô giải thích là trẻ từ 0 đến 6 tuổi phải được học ngoài thiên nhiên, được trải nghiệm bằng những gì thực tế nhất, đấy mới là cách để phát huy trí não của trẻ. Còn những việc dạy đơn thuần như dạy con số hay dạy chữ, đấy chỉ là việc dạy một cách khiên cưỡng, vì học xong trẻ có thể quên ngay. Nhưng ở đây, ngoài các hoạt động ngoài trời thì trẻ cũng có 1 số hoạt động ở trong nhà, như vẽ tranh, hay khâu vá. Cô cho xem mỗi trẻ có 1 hộp riêng đựng kéo, kim khâu và chỉ khâu. Những chiếc rẻ lau sàn là do các em tự mình khâu viền lại, rồi nếu dùng lâu chỗ nào bị rách thì các em tự mình khâu lại chỗ đó. Mặc dù đường khâu còn vụng về nhưng trẻ mới 5 tuổi dùng được kim để khâu thế này thật đáng ngạc nhiên. Việc này cũng giúp trẻ có được tinh thần trách nhiệm đối với những đồ vật của mình.

Các phòng học ở đây cũng không hề đươc trang trí gì, hầu như để mộc mạc và giản dị, với các đồ đạc đều bằng gỗ. Dường như môi trường ở đây không hề có dấu ấn của các sản phẩm công nghiệp thời hiện đại ở một nước Nhật văn minh. Các phòng cũng không hề có bất cứ một loại đồ chơi bằng nhựa nào, bởi những đồ chơi đấy được cho là không tốt cho sự phát triển của trẻ. Các cô giáo ở đây cũng không có ai son phấn cả, bởi trẻ em, nhất là akachan nếu sờ vào sẽ không tốt. Đúng là 1 môi trường no chemical.

Có lẽ hôm nay cô được tiếp 2 vị khách đặc biệt từ Việt nam nên cô dẫn đi tham quan cả 1 nơi chưa bao giờ được dành để tham quan. Ngay cả cô Fuji đi cùng cũng chưa bao giờ được biết. Đấy là 1 gian phòng washitsu khá rộng dùng để uống trà đạo. Các cô giáo ở đây sẽ pha trà đạo theo đúng kiểu syado để các cháu thưởng thức. Và lớp 5 tuổi khi chuẩn bị tốt nghiệp ra trường sẽ ngủ lại 1 đêm ở căn phòng này. Ở trong 1 không gian như thế này hẳn sẽ làm cho tâm hồn người ta trở nên thuần khiết hơn.


Đến 11h30 các cháu chuẩn bị ăn trưa. Tất cả các món ăn được bày ra 1 cái đĩa to cho mỗi cháu 1 đĩa, và các cháu ăn bốc, không hề dùng thìa hay dĩa. Bốc từ cơm, cho đến rau, cá, kể cả soup miso. Mama được giải thích là khi bốc bằng tay thì các cháu mới cảm nhận được bằng các đầu ngón tay những thứ khác nhau, và kích thích sự phát triển của trí não. Lớp 0 tuổi cũng tương tự, cô thì nhón thức ăn nhét vào mồm cháu, còn cháu thì bốc được cái gì thì bốc.

Mô hình giáo dục gần gũi với thiên nhiên kiểu này làm mama nhớ đến phương pháp giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Ông cũng quan niệm là phải giáo dục trẻ trong môi trường thiên nhiên, với những gì gần gũi nhất, thực tế nhất, bằng trải nghiệm của bản thân, chứ không phải bằng sách vở, và những kiến thức trìu tượng.

Mô hình này cũng làm mama nhớ lại cái thời trẻ con, chỉ toàn chơi đồ hàng bằng lá cây, viên sỏi, chứ đâu có những đồ chơi cầu kỳ, nhiều tính năng như bây giờ. Cái nào tốt hơn cái nào thì cũng phải nghiên cứu mới biết được, hoặc nhiều khi cũng là do quan điểm của mỗi người. Nhưng phải công nhận rằng giáo dục theo cách như thế này sẽ làm đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất, trong sáng về tâm hồn, và có một tuổi thơ với đúng nghĩa của nó.

Saturday, June 20, 2009

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Một cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami. Phải công nhận rằng cuốn này hay và sâu sắc hơn Rừng Nauy rất nhiều. Murakami đã dẫn người đọc vào những cung bậc rất sâu trong suy nghĩ, tình cảm của con người. Không phải ai cũng có thể viết về những chiều sâu tâm tưởng bằng một giọng văn hết sức giản dị, gần gũi như vậy. Hoá ra cuộc đời này, đôi khi người ta cứ đi tìm một cái gì đó ở phía Tây mặt trời. Liệu có cái gì ở phía tây mặt trời? Người ta có thể có tất cả: hạnh phúc gia đình, tiền bạc, sự kính trọng,.. nhưng sao vẫn thấy một cái gì đó không đủ. Nên cứ phải đi tìm mãi. Rồi cuối cùng như một người dân sống ở thảo nguyên Siberi, vứt bỏ mọi thứ để đi về phía mặt trời ở phía Tây, đi mãi, đi mãi, không ăn không uống, cho đến lúc gục xuống đất và chết. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, mà rất có thể được lấy khuôn mẫu từ chính tác giả, đã gần như vứt bỏ đằng sau lưng gia đình và sự nghiệp để đi tìm cho mình cái phần thiếu hụt ấy ở người bạn gái bí ẩn từ hồi còn trung học. Nhưng rồi sự biến mất không một lời giải thích của cô bạn gái đã làm cho anh đứng lại và nhìn về phía đằng sau lưng mình, nơi đó có sự hiện diện của tình yêu thương gia đình và những gì thực tại nhất. Còn đằng trước anh, liệu có cái gì không? Chưa chắc. Mà nếu có cái gì đó thì nó cũng chỉ dành cho anh, cho riêng anh mà thôi. Mà giờ đây anh không thể chỉ sống cho riêng mình. Kết thúc của cuốn tiểu thuyết là nhân vật chính trở về với gia đình của mình, sống trong thực tại và hiện tại. Nhưng biết đâu sau này, thể nào cũng có lúc anh lại thấy cuộc sống của mình thiếu thiếu một cái gì đó và lại đi tìm....

(Copy from Yahoo 360 blog)

Đã đặt mua cuốn 1Q84, cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Haruki Murakami. Nhưng không biết đến lúc nào mới bắt đầu đọc được đây. Phải đến cả năm nay chả động tay vào một cuốn sách (truyện) nào. Suốt ngày "đầu tắt mặt tối" với chuyện ở lab, chuyện con cái, nhà cửa. Đành rằng công việc nào chẳng có niềm vui trong đấy, công việc nào chẳng có ý nghĩa của nó, nhưng chẳng có gì có thể sánh được với thú vui của việc nằm đọc một cuốn sách hay. Hy vọng rằng thờì gian sắp tới mình sẽ sắp xếp được cuộc sống một cách tốt hơn, để có thời gian và tâm hồn enjoy những sở thích và thú vui của riêng mình.

Saturday, June 13, 2009

Càng lớn càng hư

Trẻ con càng lớn thì càng biết nhiều, mà càng biết nhiều thì càng hư. Thật chẳng sai tí nào. Em Khanh ngày trước thì bố mẹ bón cho cái gì là ăn cái đấy, đặt nằm ngủ là ngủ, đến giờ chơi là ngồi chơi một mình. Chỉ trừ lúc em ốm chứ còn nuôi em thấy nhàn hơn anh Kiên hồi trước. Tưởng là con gái thì sẽ ngoan lắm đây, bé thì lúc nào cũng nghe lời bố mẹ, bố mẹ không phải quát mắng nhiều như cái anh cả kia, lớn lên thì sẽ nhặt rau, nấu cơm, rửa bát giúp mẹ, mẹ sẽ không phải lúi húi một mình trong bếp nữa. Đang hí hửng tưởng cô con gái yêu sẽ ngoan lắm thì dạo này hư rồi. Tại vì con gái lớn hơn rồi, biết nhiều hơn hồi trước rồi. Mới 1 tuổi rưỡi mà đã hư thế này, sang giai đoạn 2 tuổi thì sẽ bực mình nhiều đây.

Con gái rất hay ngúng ngoẩy
Cái kiểu ngúng ngoẩy này đúng là của cái "đồ con gái". Đang ăn được nửa bữa cơm thì quay ra ngúng ngoẩy, không chịu ăn nữa, đầu lắc lia lịa. Rồi chỉ tay sang bát cơm của anh Kiên hay của papa đòi ăn cái món trong đấy cơ. Papa đành phải làm thế này: xúc thìa cơm từ bát của Khanh, rồi vòng sang bát của papa, giả vờ như vừa xúc từ đấy rồi mới bón cho Khanh. Thế mới chịu ăn. Rồi con gái bây giờ cũng biết món nào ngon để kén chọn rồi. Đang ăn thịt mà chuyển sang rau luộc thì đừng hòng ăn. Rau thì phải nấu canh, mà canh thì phải thật ngon, có hương vị kiểu như canh thịt nạc hay canh miso, chứ canh suông thì cũng chả thích, thế nào cũng ngúng ngoẩy không chịu ăn. Có khi cho vào mồm rồi, nhai được vài cái rồi thì nhả hết ra, rơi hết ra quần áo, rơi cả xuống sàn.

Rất hay lành chanh
Đây cũng là cái tính kiểu con gái (hoá ra con gái "tệ" hơn con trai nhiều nhỉ, hay là mama thiên vị?). Anh đang chơi thì cứ xông vào giật đồ chơi rồi phá của anh, làm anh cáu lên đánh cho một phát vào đầu. Chơi đồ của mình thì không thích cứ phải thích cái gì anh đang chơi mới được. Nhưng giật được rồi thì lại vứt đấy, chả thèm chơi nữa. Con gái đúng là chỉ giành giật cho "sướng" thôi chứ có ý thích về cái đồ chơi đấy đâu, nên mới gọi là lành chanh.
Thấy anh Kiên mặc quần áo, đi giầy để chuẩn bị đến trường là cũng cuống quýt đòi papa phải mặc quần áo cho mình, mồm thì cứ hét lên kiểu rất ghen tị

Rất hay ăn vạ
Vì con lành chanh nên nhiều lần bị anh Kiên ẩn hay đánh, và chỉ chờ có thế là con nhệch mồm ra ăn vạ ngay, mắt thì quay ra cầu cứu mama. Nhệch mồm ra nhưng mắt vẫn ráo hoảnh, có tí nước mắt nào đâu. Hoặc lần nào giật đồ chơi của anh bị mama mắng thì cũng mếu máo. Mama phải mắng con như thế để anh Kiên thấy là bố mẹ công bằng, ai hư thì sẽ bị mắng, chứ con có bị oan ức gì đâu.
Rồi đỉnh điểm là có lúc con giận hờn cái gì là con ngồi khóc rất dai, khóc mà chẳng rõ nguyên nhân. Kiểu khóc này của con làm mama rất bực, vì chẳng biết con khóc vì cái gì. Dỗ con kiểu gì con cũng lắc đầu. Bế lên cũng vẫn khóc. Bầy đồ chơi cũng không thèm. Mama hát cũng không xong. Rồi, con cứ khóc một lúc đi. Cứ mỗi lần ngoạc mồm ra là 2 dòng nước mắt lại tong tỏng rơi xuống. Cứ thế giàn giụa nước mắt. Cái mồm lại còn nhòn nhọt nữa, nhìn ghét thế không biết. Đúng lúc đang ngoạc mồm ra thì anh Kiên chìa ra cho 1 tờ giấy màu. Cái mồm vẫn cứ ngoạc ra mà chưa kịp đóng lại. Mama bảo "Khanh arigato anh Kiên đi". Như mọi lần là thế nào cũng toe toét rồi gật đầu một cái. Nhưng lần này vì đang hờn dỗi nên chẳng muốn cám ơn cám iếc gì, cái mồm vẫn cứ há ra như cái chữ 0 một lúc làm mama phát phì cười. Rồi được vài giây, nhớ ra là đang khóc, lại tiếp tục khóc, tay vẫn cầm tờ giấy màu. Sau đấy thì anh Kiên hát bài "Con cò bé bé, nó đậu cành tre...". Nghe anh Kiên hát thì bắt đầu nín khóc, mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào anh, 2 hàng nước mắt vẫn đọng trên má. Cái mặt thì làm ra vẻ "người ta đang khóc còn hát cái nỗi gì" làm mama cứ nằm mà ôm bụng cười nhìn con. Thế là con nín khóc, bắt đầu trèo lên người mama để chơi. Mama để ý cứ phải tầm 8h rưỡi tối trở đi là con mới ngoan, chứ con trước đấy là hay dở trò lắm. Không hiểu là vì cái lẽ làm sao.

Tuesday, June 9, 2009

Những trò mới

Đây là tác phẩm của anh Kiên, một tác phẩm thực sự mà mẹ không cần phải đặt trong dấu ngoặc kép nữa. Tác phẩm được đặt tên là "Nhà mình 4 người đang nắm tay nhau". Tự nhiên, sáng ra, vừa mới chui ra khỏi chăn, Kiên đã đi lấy những miếng nhựa yêu thích này rồi bắt đầu xếp. Đầu tiên Kiên xếp 2 hình ở giữa, Kiên gọi đấy là mama đang nắm tay Kiên. Mama vẫn đang nằm trong chăn, nhỏm dậy xem thì tròn xoe mắt vì sự sáng tạo bất ngờ của con trai. Rồi mama bảo Kiên đi tìm các miếng ghép khác để xếp papa và em Khanh nữa. Kiên xếp papa đang nắm tay mama, với toàn miếng ghép màu xanh (chắc tại papa đen, hihi), rồi còn thừa miếng màu nào thì Kiên xếp nốt thành em Khanh. Em Khanh thì nắm tay anh Kiên. Thật tuyệt. Một tác phẩm hoàn hảo mà đến mama cũng chưa nghĩ ra được. Mama đánh giá cao tính nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm đấy.
----------------------

Dạo này 2 anh em có rất nhiều trò mới để nghịch, mà toàn bằng những thứ hết sức đơn giản, nhưng nghịch và hò hét vui lắm.

Cắt giấy
Anh Kiên bây giờ biết dùng kéo để cắt giấy rồi. Chỉ có điều vẫn hay cầm kéo vung vẩy trước mặt em, trông rất nguy hiểm, nên mama không muốn cho anh Kiên chơi kéo gần em. Giấy để cắt thì là bất kể loại giấy báo nào không dùng đến. Có lần tự động lấy giấy cắt bị mama mắng nên bây giờ muốn cắt giấy nào là xin phép mama đàng hoàng. Trên giấy có đủ hình linh tinh, hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Anh Kiên cứ ngồi cắt theo những hình ấy. Rồi học cả chữ số trên báo nữa. Bây giờ Kiên nhớ được chính xác số 3 và số 8 rồi. Còn các số khác thì vẫn còn hay quên. Cắt được hình nào thì bắt đầu lấy tay vo viên lại, lấy nước bọt nhấm nhấm rồi viên viên thành dango (viên bột). Cái kiểu này chắc là học ở nhà trẻ đây. Cái trò cắt giấy này cũng hay, Kiên ngồi im chơi, nhà yên tĩnh được 1 tí, nhưng sau khi chơi xong thì sàn nhà đầy giấy vụn. Mama toàn phải giục mãi Kiên mới nhặt hết các giấy cho vào túi rác.

Gấp hình
Papa lấy giấy màu hay giấy báo gấp thành hình máy bay để Kiên ném lung tung khắp nhà, vừa ném vừa cười khanh khách. Rồi còn có kiểu phi máy bay vào người em nữa. Có lần papa gấp cho cái máy bay bằng giấy lịch, to đùng, phi trúng vào người đau lắm, nên mama lại bắt anh Kiên chỉ được ném về phía tường thôi. Có lẽ phải học thêm cách gấp 1 số hình nữa để Kiên chơi nhỉ.

Thổi túi bóng
Hôm trước mua được 2 quả bóng về thổi lên cho anh em mỗi người một quả. Chơi được mấy hôm thì vỡ. Papa nghĩ ra cách lấy túi nilon mỏng (loại hay để sẵn ở siêu thị để đựng đồ) thổi hơi rồi buộc túm vào, thế là anh Kiên có 1 "quả bóng bay" trong suốt. Tung lên tung xuống, chạy đuổi bắt chán thì 2 bố con còn nghĩ ra trò hay hơn. Để 1 vật nhỏ lên trên túi bóng, rồi lấy 2 tay vỗ 2 bên bụp một cái, thế là cái vật đó bay bắn lên cao. Kiên khoái chí, làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. May mà Kiên vỗ nhẹ nên đồ chơi đặt bên trên không bay cao và xa lắm, chứ papa thì còn cho nó bay trúng cả cái bóng đèn, hay là đặt cái giỏ ở xa để ngắm cho rơi trúng cái giỏ nữa. Hoá ra là papa còn khoái chơi hơn cả con.

Chơi thuyền
Cái bể bơi bằng nhựa, mua từ hồi anh Kiên mới sinh để anh Kiên nghịch nước, mới được lấy ra thổi lên cho 2 anh em chơi. Không ngờ 2 anh em lại thích đến thế. Em ngồi trong, còn anh ở bên ngoài kéo "thuyền" đi khắp nhà. Có lúc kéo nhanh làm em ngã dúi dụi. Hay có khi anh Kiên còn nhấc cao 1 đầu lên làm em Khanh suýt ngã ra ngoài. May mà bây giờ em Khanh cũng phản xạ nhanh hơn rồi nên lồm cồm bò ra ngoài được. Hay cả 2 anh em ngồi trong, em ôm người anh, còn anh thì giả vờ cầm dây phi như phi ngựa. Cái trò này 2 anh em chơi cùng được với nhau nên Khanh thích lắm.

Đấy là các trò trong nhà thôi, nhưng nhà mình chật nên không có không gian để chơi. Chơi một lúc thì nhà cửa lanh tanh bành hết cả lên. Ra công viên, chơi ở bên ngoài trời vẫn dễ chịu và thoải mái hơn. Em Khanh thì nghịch cát, còn anh Kiên thì đủ các trò, trèo leo, trượt, chạy nhảy, đá bóng, xe đạp, xích đu, bây giờ trò nào Kiên cũng chơi được hết rồi. Kể cả cái jungle gym bây giờ Kiên cũng treo được cao rồi, chứ không rón rén như trước kia nữa. Dù sao thì con vẫn đang ở độ tuổi phải có bố mẹ canh chừng bên cạnh chứ chưa chơi được một mình như các anh chị lớn. Bao giờ con lớn, đi chơi được 1 mình thì bố mẹ nhàn hơn nhỉ. Mẹ thì lúc nào cũng chỉ mong được đến lúc nhàn nhã thôi. Bao giờ cho đến lúc ấy nhỉ.

Tuesday, June 2, 2009

Côn trùng đốt

Sang hè rồi nên bắt đầu thấy nhiều muỗi, kiến và các loại côn trùng. Đến chiều mà không đóng cửa sổ là thế nào muỗi cũng bay vào nhà.

Trời nắng và khô ráo nên ở nhà trẻ, 2 anh em toàn được chơi ở ngoài sân và vườn. Mama cũng thích các con được vận động ở ngoài trời lắm, nhưng khổ cái là toàn bị muỗi đốt. Anh Chép thì toàn bị đốt vào mặt. Chưa khỏi vết đốt này thì đã có thêm vết đốt khác. Các cô cũng bôi thuốc tiệt trùng vào vết muỗi đốt nhưng không hết ngay được. Da của Chép lại không nhanh lành nên vết muỗi đốt mà cũng phải vài ngày mới hết. Nhìn mặt trông lấm tấm vết muỗi đốt buồn cười lắm. Mà muỗi ở nhà trẻ nhìn toàn là muỗi to. Muỗi bay cả vào trong phòng đốt các cháu. Các cô có treo các lọ cắm que hương đuổi muỗi ở nhiều chỗ nhưng chắc cũng không có tác dụng nhiều.

Em Khanh thì còn bị đốt tệ hơn. Tuần trước bị sưng ở gót chân, nhưng mama không để ý. Papa nói mới biết. Sau đó thì nó cũng hết dần. Vài hôm sau thì lại bị sưng ở bàn tay trái, sưng căng cả bàn tay lên như quả bóng. Mama vội đưa đi khám. Ông bác sĩ bảo "chắc là đi nhà trẻ phải không, bị côn trùng đốt đấy" rồi cho thuốc bôi và thuốc uống chống dị ứng. 2 hôm sau thì cũng đỡ. Bàn tay gần trở lại bình thường thì mới nhìn thấy rõ vết châm.

Rồi đến sáng hôm nay thì lại chuyển sang bàn tay phải. Lần này thì con sưng to hơn lần trước. Chắc là sưng thế này con khó chịu và ngứa lắm, lại không cầm nắm được cái gì. Thảo nào đêm qua con ngủ không ngon giấc. Mama đành phải đến nhà trẻ nói chuyện cụ thể với cô xem thế nào.

Mama bảo cô chắc là do côn trùng đốt nhưng không biết là con gì. Có phải ong không? Cô bảo chắc không phải ong, vì ong đốt thì Khanh sẽ khóc ngay vì đau. Hay là kiến? Muỗi? Cô bảo những bạn khác cũng bị đốt nhưng chỉ vết bé thôi, chứ không sưng như Khanh thế này. Papa thì nghĩ là da con nhạy cảm hơn bình thường, nên cho dù có bị muỗi hay kiến đốt thì cũng sưng to lên như vậy. Cô bảo sẽ bôi thuốc tiệt trùng và theo dõi. Vì bàn tay bị sưng của con cũng hơi nóng nữa. Nếu tiến triển xấu đi thì chắc là nên đến bệnh viện khám.

Khổ thân con gái. Nhiều lúc muốn mặc quần áo dài cho con để tránh muỗi đốt, thì con lại bị nóng, vã hết mồ hôi ra. Mặc quần áo cộc thì lại sưng hết cả tay cả chân lên như thế này. Mà mùa hè thì mới chỉ bắt đầu thôi.

Sunday, May 31, 2009

Kế tiếp chuyện về anh Kiên

1. Ngang như cua
Kiên nhiều lúc rất bướng bỉnh, bố mẹ có bảo gì là cứ thích nói ngược lại. Vẫn biết là cái tuổi này thì trẻ con như thế là bình thường, nhưng nhiều lúc thấy bực mình lắm cơ, ngang như cua ấy.
Mama: Kiên, sao con lại tranh giành đồ chơi của em thế. Con phải nhường em chứ.
Kiên: iya, iya (không thích)
Mama: Con là anh trai thì phải biết nhường em chứ. Thế ai là anh trai?
Kiên: Khanh-chan.
Mama: Thế Kiên thì sao?
Kiên: Kiên là akachan (vừa nói vừa nằm vào lòng mẹ như em bé)
Mama: thế được rồi, Kiên làm akachan nhé. Akachan thì không được ăn nhiều này, không được đi xe đạp này, thế có được không?

2. Tiếng Việt ngọng
2 mẹ con đang đi đến trường, thấy đằng xa có cái xe ôtô chở rác...
Mama: Kiên ơi, đằng kia có xe gomi syusyusha (xe thu gom rác) kìa.
Kiên: đúng rồi, xe gomi syusyusha. Nhìn xa trông bé nhỉ.
Mama: ừ, nhìn từ xa thì bé nhưng lại gần chắc là to đấy.
Kiên: bùn cười nhờ
Mama: chẳng có gì buồn cười cả
Kiên: không bùn cười nhờ

3. Lúc nào cũng là Hôm qua...
Kiên vẫn chưa phân biệt thời gian trong quá khứ và thời tương lai một cách chính xác. Chẳng hạn nói về điều gì trong quá khứ thì toàn là hôm qua thế này, hôm qua thế nọ.
Tự nhiên sáng ra, vừa mới chui đầu ra khỏi chăn đã tuôn ra 1 tràng: Hôm qua (từ thêm vào của người dân vùng Kansai), ông bà , dì Hương béo béo , sang đây nhờ. Tại sao?
Mama: con kinh nhỉ, lại nói dì Hương là béo béo cơ à. Ông bà và dì Hương sang đây thăm Kiên mà.
Kiên: Tại sao?
Mama: vì ông bà và dì Hương nhớ Kiên nên muốn gặp Kiên mà.
Kiên: à, thế à.

4. Con trai hư là tại bố
Nhiều khi papa rất hay "phát ngôn" những từ nghe rất "phản cảm" nhé. Kiên nghe được 1 lần là từ lần sau nhớ ngay, áp dụng ngay. Đây đang là ở Nhật, nên con biết mấy từ đấy thì chỉ có papa dậy, không còn ai khác.
Chẳng hạn như, đang chơi với em Khanh, thấy em Khanh lấy mất đồ chơi, Kiên lập tức giằng lại, mắng em vài câu rồi kết thúc bằng "Hít le Khanh". Mama nghe thấy Kiên nói lần đầu tiên, ngạc nhiên quá hỏi lại: Kiên, sao con lại nói em thế. Con học của ai đấy?
Kiên (trả lời tỉnh bơ): papa.

Rồi lần khác, mama đang nằm cho Kiên và Khanh ngủ, papa ngồi phòng ngoài. Khanh mãi không chịu ngủ, cứ bò đi bò lại khắp nơi. Kiên tức quá, gọi papa: Papa ơi, vào mà xứ lý Khanh đi này.

Mama đưa kéo cho Kiên cắt giấy. Kiên định cắt cái hình tròn, nhưng hình tròn có sẵn trên giấy bé quá, Kiên không cắt được đành đưa cho mẹ nhờ mẹ cắt hộ. Mama cầm kéo cắt cho Kiên. Kiên nhìn thấy mama cắt được liền buông 1 từ gọn lỏn: "Chính xác". Mama phì cười, quay sang papa: Đấy, chắc nó lại học được cái từ này từ anh nhỉ.

Thursday, May 28, 2009

Mất chiếc áo khoác


Chiếc áo khoác mà Kiên đang mặc trong ảnh là chiếc áo các cô chú bác ở Kyoto tặng Kiên hồi sinh nhật 1 tuổi. Nhưng áo này size 95 nên phải đến hồi 2 tuổi rưỡi Kiên mới diện được. Mama thấy con trai mặc rất hợp, lại là quà tặng nên định sau này giữ lại làm kỷ niệm.
Thế mà đợt cuối đông vừa rồi, mặc đến nhà trẻ rồi treo ở mắc áo, đến chiều đến đón Kiên chẳng thấy chiếc áo đâu nữa. Bảo cô thì cô nói sẽ tìm lại ở nhà trẻ xem sao. Nhưng 1, 2 tuần sau thấy cô bảo vẫn chưa tìm thấy, cô sẽ hỏi các bà mẹ khác xem có ai cầm nhầm không. Rồi đến vài tuần sau cô vẫn bảo là chưa thấy đâu cả. Đến tận bây giờ là được vài tháng rồi, thì hình như là cô quên hẳn, không nói tới nữa. Chẳng lẽ mama lại thỉnh thoảng phải nhắc lại cô, thấy cũng ngại. Chắc có ai đó cầm nhầm về nhà, giặt xong rồi cất đi, vì đã sang hè, nên không để ý rồi. Tiếc thật. Mà cái áo đấy có ghi tên Kiên cơ đấy. Ở Nhật này thì chẳng có chuyện "cầm nhầm" đồ của nhau nên cũng chẳng nên nghĩ nhiều, nhưng vẫn thấy tiêng tiếc. Nhớ lại ngày xưa dì Thu đi nhà trẻ ở Việt nam, thỉnh thoảng lại thấy mất cái áo len hay cái gì đó, về nhà cứ mách mẹ là "cô giáo lấy của con". Buồn cười không cơ chứ. Nhưng trẻ con thì có biết nói dối đâu, nên có khi thế thật ấy chứ.

Saturday, May 23, 2009

Chuyện trước lúc đi ngủ

Bây giờ, sau lúc tắt đèn đi ngủ là mama lại nằm nói chuyện với Chép một lúc. Lúc thì mama kể chuyện, lúc thì mama hỏi chuyện linh tinh để Chép trả lời. Kể chuyện thì mama vẫn hay kể đi kể lại truyện Pinôkiô hay truyện Cô bé quàng khăn đỏ. Còn chuyện linh tinh thì có nhiều chuyện để nói lắm, nào là chuyện ở nhà trẻ hôm nay ăn món gì, hay chuyện hôm nay Kiên đã hư vì không tự xúc cơm ăn. Nhiều hôm papa cứ phải nhắc là 2 mẹ con thôi không nói chuyện nữa để ngủ. Gớm, cả một ngày có khi chỉ có mỗi cái lúc tắt đèn đi ngủ này là thảnh thơi nhất để nói chuyện ấy chứ.

Chẳng hạn như...

Mama đang kể cho Kiên nghe truyện Cô bé quàng khăn đỏ, đến đoạn cô bé xách giỏ bánh đi vào rừng, khi đi qua chỗ những cây dâu tây chín đỏ, cô bé đã không nghe lời mẹ dặn mà dừng lại ăn dâu tây. Cô bé ăn hết quả này đến quả khác, đến lúc lạc sâu vào trong rừng lúc nào không hay. Thế là cô bé gặp chó sói,...

Đến đây mama dừng lại hỏi Kiên: Thế nếu là Kiên thì con có dừng lại ăn dâu tây không, hay là đi tiếp?

Kiên: Kiên ăn dâu tây

Mama: nhưng như thế là không nghe lời mẹ dặn đấy. Mama lại hỏi lại: Thế Kiên ăn hay đi tiếp?

Kiên (vẫn khăng khăng): Kiên ăn

Mama: nhưng nếu Kiên ăn là sẽ gặp chó sói đấy. Thế Kiên quyết định ăn hay đi tiếp?

Kiên (vẫn không thay đổi ý định): Kiên ăn

Thế thì đành chịu rồi. Cả bố lẫn mẹ đều buồn cười vì thấy Kiên tham ăn quá. Dâu tây là một trong số những món khoái khẩu của Kiên mà.

1 tháng sau...

Mama (lại tiếp tục kể lại truyện Cô bé quàng khăn đỏ): ...Cô bé xách giỏ bánh đi vào trong rừng. Dọc đường cô bé thấy có rất nhiều cây dâu tây, quả to, chín mọng, cô bé định dừng lại ăn. Thế nếu là Kiên thì con sẽ ăn hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp

Mama (ngạc nhiên lắm): Thế Kiên không thích ăn dâu à? Dâu ngon và to lắm.

Kiên: Thế là hư. Kiên đi tiếp.

Mama (đành phải thay đổi nội dung một chút): Cô bé quàng khăn đỏ cũng quyết định là sẽ nghe lời mẹ dặn, không ăn dâu mà đi tiếp. Đi được một đoạn, cô bé lại thấy bên đường có rất nhiều zeri (một loại thạch), nào là zeri cam này, zeri dâu này, zeri táo này. Thế Kiên sẽ dừng lại ăn zeri hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp.

Mama (vẫn chưa thấy thuyết phục con trai thay đổi quyết định nên vẫn tiếp tục muốn thử con trai thêm 1 lần nữa): Cô bé quàng khăn đỏ cũng quyết định không ăn zeri mà đi tiếp. Đi được một đoạn nữa, cô bé lại thấy bên đường có rất nhiều ice-cream (toàn món Kiên cực kỳ thích). Thế Kiên sẽ dừng lại ăn hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp.

Có vẻ như hôm nay không có món gì làm cho con trai thay đổi quyết định được. Dạo này con trai biết phân biệt thế nào là hư, thế nào là ngoan rồi mà. Cô bé quàng khăn đỏ không nghe lời mẹ dặn mà dừng lại ăn dâu thì là hư, nếu nghe lời mẹ, không la cà dọc đường thì là ngoan. Không tự xúc cơm ăn thì là hư, tự xúc ăn thì là ngoan. Kiên đánh em hay giành đồ chơi thì hư, yêu em và nhường em đồ chơi là ngoan,...

Một hôm khác...

Vẫn truyện Cô bé quàng khăn đỏ, vẫn đoạn dừng lại ăn dâu hay đi tiếp. Mama hỏi Kiên: Kiên dừng lại ăn dâu hay đi tiếp?

Papa (đang ở bên cạnh chen ngang vào): vừa đi vừa ăn

Thế là Kiên trả lời: đi là ăn.

Mama hỏi đi hỏi lại bao nhiêu lần thì Kiên vẫn cứ trả lời là "vừa đi vừa ăn", thế có chán không cơ chứ, hỏng hết cả truyện.

Một chuyện khác...

Để Kiên thực sự bắt đầu ngủ, mama kết thúc bằng cách chúc Kiên ngủ ngon: Mama chúc Kiên ngủ ngon. Kiên chúc mama đi.

Kiên: Chúc mama ngủ ngon.

Mama: Kiên chúc papa và em Khanh nữa đi

Kiên: Chúc Papa ngủ ngon. Chúc em Khanh ngủ ngon. Chúc tàu điện ngủ ngon.

Mama: ừ đúng rồi, trời tối rồi, tàu điện chắc cũng về đi ngủ rồi.

Kiên: Tàu điện ngủ đi, Kiên vỗ lưng cho

Mama: Kiên vỗ lưng cho tàu điện ngủ nữa cơ à?

Kiên: vì tàu điện hôm nay ngoan mà.

Mama: Thế à, tàu điện ngoan thế nào?

Kiên: Bởi vì là nhớ, tàu điện đánh răng

Mama: tàu điện có răng à? Răng ở chỗ nào nhỉ?

Kiên: Răng ở bên trong ý

Mama: Tàu điện làm gì có răng. Nhưng tàu điện ngoan vì chở hành khách.

Kiên: giống xe bus và ôtô nhỉ

Mama: ừ, nhưng tàu điện chở được nhiều người hơn

Kiên: tại sao?

Mama: vì tàu điện dài hơn mà

Kiên và mama cứ nói chuyện theo kiểu này thì chẳng biết đến lúc nào mới bắt đầu ngủ được. Mama đành phải bắt Kiên "chúc ngủ ngon" lại một lần nữa rồi nằm im để ngủ.

Sunday, May 17, 2009

Costume Museum

Một ngày thứ 7, hai vợ chồng gửi con đi nhà trẻ rồi tham gia một chương trình đến thăm Bảo tàng trang phục (風俗博物館) ở Kyoto, do 1 hội tình nguyện viên tổ chức. Thực ra nếu không vì cái nội dung giới thiệu là sẽ được mặc thử kimono thì mình cũng không quan tâm đến thế.

Nhưng hoá ra ngoài việc được khoác thử cái kimono vào người thì còn được nghe giới thiệu về phong tục truyền thống của hoàng gia Nhật bản thời đại Heian khá thú vị, mà suốt bao nhiêu năm học tiếng Nhật và sinh sống ở Nhật rồi mình vẫn chưa hiểu gì mấy.

Có nghe giới thiệu, dù chỉ là những nét cơ bản thôi cũng có thể thấy được sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong các quy định hà khắc của Hoàng gia. Từ cách ăn mặc quần áo bao nhiêu lớp, màu gì và hoa văn gì cho phù hợp với địa vị, với thời tiết trong năm, cho đến cách để tóc, tóc dài của phụ nữ nếu đã có chồng thì để một chút vạt tóc ra đằng trước, còn nếu chưa có chồng thì phải để ra sau lưng. Rồi cách sắp đặt bày biện các món ăn, mà tất cả các đồ dùng từ nhỏ nhất đều có tên gọi riêng. Mấy bà người Nhật tham gia còn lấy giấy bút ra ghi lại những tên gọi đấy, chứ mình thì chịu. Có ghi lại thì cũng không thể nào mà nhớ được. Ảnh phía dưới tái hiện lại quang cảnh các bà các cô trong Hoàng gia ngồi sau một bức rèm để xem các trò biểu diễn ở ngoài sân. Cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người giới thiệu không nói thêm là: trong số những vạt áo để lộ ra bên ngoài, có cái là người thật ngồi đằng sau, nhưng có cái chỉ là tượng trưng, tức là chỉ có quần áo xếp như vậy nhưng không hề có người ngồi. Sự bày đặt như vậy sẽ khiến từ bên ngoài nhìn vào có sự cân đối, hài hòa và hiểu (nhầm) rằng đang có nhiều người thưởng thức chương trình. Thế mới hiểu các truyền thống và quy tắc của Nhật mang đậm tính hình thức đến thế nào.


Tất cả khung cảnh sinh hoạt của Hoàng gia thời kỳ Heian đều được tái hiện lại bằng mô hình thu nhỏ. Trong đó có gian phòng tái hiện cảnh ở cữ của phụ nữ trong Hoàng gia. Tất cả mọi người đều mặc trang phục màu trắng, mọi đồ vật đều được bọc vải trắng. Nghe hướng dẫn viên giải thích là ngay cả khi Masako-vợ của thái tử Naruhito hiện thời, khi sinh công chúa Aiko ở trong 1 bệnh viện công của thành phố vào năm 2001, thì căn phòng cũng được bày biện chỉ 1 màu trắng như thế này. Quả là không hề thấy dễ chịu, thoải mái một chút nào. Chẳng thế mà cô Masako không thể chịu đựng nổi quá nhiều những quy tắc bất di bất dịch của Hoàng gia (mình mà là cô ấy thì chẳng đời nào lại chịu đổi cái cuộc sống tự do của Oxford hay Havard lấy hàng tá những cái quy định này làm gì)


Một gian phòng khác tái hiện cảnh có người chết. Tất cả bao trùm một màu đen. Người Nhật quan niệm màu trắng là hiện thân của sự sống, còn màu đen là hiện thân của sự chết. Một phụ nữ sống trong Hoàng cung khi cảm thấy mình sắp chết thì sẽ làm lễ cắt tóc. Đây là lần cắt tóc duy nhất trong đời. Bà sẽ đưa tóc qua một tấm mành để 1 nhà sư ở phía bên kia có thể cắt tóc mà không nhìn thấy được mặt. Làm như thế để sau khi chết, linh hồn được siêu thoát lên cõi niết bàn.

Dưới đây là màn khoác thử kimono. Đây chỉ là lớp ngoài cùng của bộ trang phục truyền thống của Hoàng gia, nên chỉ đơn giản là khoác vào người, chứ không mặc cầu kỳ, thắt dây obi như kimono vẫn thường thấy.

Trông mình như 1 cô gái trong cung cấm nhỉ, hehe. Có điều hồi đấy phụ nữ chắc chẳng ai hé miệng ra cười bao giờ. Lúc nào cũng là 1 khuôn mặt trắng bệch và chiếc miệng được bôi đỏ chót, chúm chúm lại.
Bộ kimono của nam thì mặc phức tạp hơn. Mấy bà Nhật loay hoay mãi mới mặc được cho papa. Hừm, trông papa mặc chẳng hợp chút nào. Phụ nữ được yêu cầu ngồi thấp hơn đàn ông. May mà mình không phải là người của Hoàng gia, nhỉ.

Saturday, May 16, 2009

Đối đáp

1. Ai...nhất...?

Mama: Nhà mình ai lớn nhất nhỉ?
Kiên: Papa
Mama: Đúng rồi. Thế nhà mình ai bé nhất nhỉ?
Kiên: Khanh-chan
Mama: Nhà mình ai đen nhất nhỉ?
Kiên: Papa và Kiên
Mama: Nhà mình ai trắng nhất nhỉ?
Kiên: Mama và em Khanh
Mama: Nhà mình ai ngoan nhất nhỉ?
Kiên: Kiên-chan (trả lời rõ to)
Mama: Hừm, thế nhà mình ai hư nhất nhỉ?
Kiên: em Khanh
Mama: Thỉnh thoảng em Khanh mới hư thôi mà. Thế nhà mình ai nói to nhất nhỉ?
Kiên: Kiên-chan (trả lời lí nhí ra vẻ ngượng ngịu)
Mama: Nhà mình ai đáng sợ nhất nhỉ?
Kiên: Mama (vừa nói vừa cười nheo mắt)
Papa chen ngang: đến bố mày còn sợ nữa là
Mama: Thế nhà mình ai kawai (dễ thương) nhất nhỉ?
Kiên: Mama (con trai biết nịnh mama thế chứ)

2. Tại sao?

Kiên bắt đầu trước: Nhà mình có 4 người nhỉ (vừa nói vừa giơ 4 ngón tay ra)
Mama: ừ, đúng rồi, nhà mình có 4 người
Kiên: tại sao?
Mama: vì nhà mình có papa, mama, Kiên và Khanh là 4 người
Kiên: tại sao?
Mama: vì mama sinh ra Kiên và em Khanh
Kiên: tại sao?
Mama: vì mama yêu Kiên và yêu em Khanh
Kiên: à thế à (ngừng một lúc). Thế còn papa?
Mama: ừ, mama cũng yêu cả papa nữa
Kiên: tại sao?
Đến đây thì mama cũng không nhớ là đã trả lời Kiên thế nào nữa, hay là mama đã không trả lời được nhỉ, hêhê.

Thursday, May 14, 2009

Và em đã tự đứng lên...

Động tác yêu thích của em Khanh

Ngày 11/5/2009 quả là một ngày đáng nhớ - em Khanh đã tự đứng được mà không phải vịn tay vào cái gì, mặc dù chỉ được mấy giây thôi, nhưng em đã làm đi làm lại như thế nhiều lần. Hôm đấy mama đi vắng cả ngày nên chỉ nghe papa kể lại thôi. Con gái không biết điều này làm cả nhà vui thế nào đâu. Bằng tuổi con thì anh Kiên đã đi vững rồi, còn các bạn trong lớp con thì đã đi được từ lâu mặc dù kém con mấy tháng. Mama biết là con gái chậm mà, nhưng "đến hẹn lại lên" con nhỉ. Dạo này mama thấy con gái tiến bộ nhiều lắm.

Con đã biết bò bằng đầu gối rồi (yotsubai) mặc dù trước đó con đã có thể ngồi hay vịn đứng. Lẽ ra theo tiến trình đúng thì phải là bò-ngồi-vịn đứng, thì tiến trình của con lại là ngồi-vịn đứng-bò. Nhưng không sao, từ nay biết bò rồi thì cơ bụng và chân của con sẽ cứng cáp hơn nhiều đấy. Tư thế này rất tốt cho sự phát triển của cơ thể, tạo sự cân bằng để sau này con có thể đi được. Con biết bò bằng đầu gối rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn cứ bò bằng bụng, như là để đỡ tốn sức hay sao ấy. Nhưng việc con biết bò bằng đầu gối quả là một điều nằm ngoài dự đoán của bố mẹ. Bố mẹ cứ nghĩ đến tuổi này rồi thì con sẽ bỏ qua giai đoạn bò để tập đi luôn rồi cơ đấy (kiểu như ở VN gọi là trốn bò ấy). Thế mà con không "trốn" đâu, con quyết tâm phải vượt qua cái bài "bò đầu gối" này. Kiểu phát triển của con đúng là chẳng giống ai.

Dạo này con biết đòi nhiều thứ lắm. Đang ăn cơm thì lại chỉ tay vào cốc nước để đòi uống nước, uống nước xong thì lại chỉ tay vào món nọ hay món kia đòi ăn. Rồi có khi lại chỉ tay lên cao, chỗ mama hay cất bánh kẹo hay hoa quả để đòi ăn món khác. Vừa chỉ tay, mồm vừa nói "măm, măm" hay "ưm ưm".

Con cũng đã hiểu nghĩa được một số từ mà bố mẹ nói. Bảo tắt đèn đi ngủ là con ngửa đầu, chỉ tay vào bóng đèn. Bảo chuẩn bị mặc áo khoác là con chỉ tay vào chỗ mắc quần áo. Bố mẹ mặc quần áo chuẩn bị ra ngoài là con vẫy tay baibai ngay. Papa còn kể là ở nhà trẻ con đã biết chỗ cất giầy của con rồi đấy.

Con biết nhìn và bắt chước một số trò anh Kiên chơi đấy. Chẳng hạn như bỏ cái gì vào hộp, hay đẩy ôtô chuyển động. Dạo này còn thích nấp sau cánh cửa để ú oà. Thấy mọi người có vẻ sợ là cười khoái chí lắm.

Con cũng tự bám vào cái xe micky và đẩy đi khắp nhà. Mỗi tội là vẫn chưa biết chỉnh hướng, nên cái xe mà đâm vào tường không đi được nữa chịu, lại é é kêu để gọi mọi người đến quay xe cho. Có hôm anh Kiên nhiệt tình đi quay xe cho em suốt. Em lái xe chạm vào đâu là anh hăng hái quay xe cho em để em đẩy đi. Thỉnh thoảng cũng ra dáng ông anh chu đáo đấy.

Mama đang cứ lo là con có khi phải 2 tuổi mới biết đi như dì Hương ấy. Thế nhưng con cố gắng vượt dì đi nhé. Cháu là phải hơn dì chứ. Nhưng cái khoản đầu to thì không cần hơn đâu con ạ.

Wednesday, May 13, 2009

Chỉnh đốn lại anh cả (tiếp)

Ghen tị với em
Từ chuyện ăn cơm muốn được mẹ xúc cho như em Khanh, chuyện gì anh Kiên cũng so sánh với em, rồi ghen tị ra mặt. Thấy mẹ nói với em Khanh "lại đây mama bế nào" thì anh Kiên đang ở đâu lại chạy ngay vào ngồi chắn ở giữa đòi mẹ bế hoặc đu luôn lên người mẹ. Thấy em đang ngồi ghế ăn cơm, anh Kiên cũng chạy vào đòi ngồi cái ghế đấy, bắt em Khanh phải ra ngoài. Em Khanh vẫn còn bé, chưa biết gì nên phải chịu anh, chứ khi nào em lớn vài tuổi nữa thì 2 anh em lại tranh giành nhau to ấy chứ. Mà không biết lúc đấy anh Kiên lớn hơn rồi thì có biết nhường nhịn em gái không.

Đồ chơi thì em giật của anh, anh lại giật lại của em, chẳng mấy khi nhường em bao giờ. Bố mẹ cứ nói đến mỏi cả mồm "con nhường cho em đi, con là anh trai cơ mà", nhưng chẳng có tác dụng gì. Kiên lúc nào cũng trả lời thẳng cánh: "iya iya". Rồi có khi lại cho cái ô tô chạy chèn cả vào bàn tay của em. Bị bố mẹ nhắc nhở nhiều quá về việc "phải nhường cho em, phải yêu em, không được làm em khóc, không được đánh em" nên anh Kiên nhiều lúc tỏ ra không thích cô em gái tí nào.

Bố mẹ cũng biết ý, nên em Khanh mà hư là cũng lớn tiếng quát em Khanh ngay, để anh Kiên biết là đứa nào hư thì cũng sẽ bị mắng, không phải chỉ riêng gì anh Kiên đâu. Hôm nọ, thấy em Khanh hư, papa bảo "để papa xử lý". Một lúc sau, đến giờ đi ngủ, em Khanh vẫn chưa chịu nằm xuống mà cứ bò lổm ngổm khắp nơi, anh Kiên thấy thế gọi papa đang ở phòng ngoài "papa ơi, vào xử lý em Khanh đi", làm mama chết cười vì khả năng bắt chước như 1 con vẹt của con.

Luôn phải hỏi đi hỏi lại
Mama rất ghét và rất bực mình với cái kiểu này của con. Mời con ăn cái gì thì cứ phải mời đến 3, 4 lần. Lần thứ nhất con bảo là không ăn. Mời lần thứ 2 vẫn cứ bảo là không ăn. Nhưng mama mà cất đi định không cho ăn nữa là thế nào cũng "á, Kiên ăn, Kiên ăn". Đã nhắc con mãi là "ăn thì phải bảo ngay là ăn, đừng có cái kiểu như thế nữa", nhưng cái tính vẫn chưa suy xuyển tí nào. Papa ra lệnh là từ nay chỉ nói 1 lần thôi, không ăn là kiên quyết không cho ăn nữa, nhưng mà khổ, thế thì có mà chả ăn được cái gì. Vụ này vẫn chưa biết cách giải quyết thế nào đây. Mà hầu như chuyện gì cũng thế chứ không phải riêng cái vụ ăn uống.

Mama đến đón con ở nhà trẻ, giục con mỏi mồm là đứng lên xếp đồ chơi để đi về mà phải đến vài lần con cũng chưa chịu làm. Chắc tại vẫn muốn chơi tiếp. Rồi mama phải bảo "mama đi về trước đây, baibai nhé" thì mới vội vội vàng vàng vứt đồ chơi vào giỏ để đi về.

Rồi hay có kiểu giục đi shikko (đi tè) thì không chịu đi ngay, cứ mải chơi, đến lúc chạy vào toilet thì luôn ở trong tình trạng kéo quần xuống không kịp. Ở nhà thì toilet ngay gần, chạy vào cũng vẫn kịp, mặc dù cũng có vài lần ướt ra quần. Nhưng hôm nào đang ở ngoài đường thì có phải lúc nào cũng thấy ngay cái toilet trước mặt đâu. Thấy con túm túm tay vào quần, mama hỏi con có muốn đi shikko không, thì con cứ lắc đầu không. Đến lúc mặt nhăn nhó bảo mama là muốn đi shikko thì 2 mẹ con chạy đi tìm cái toilet đến 5 phút mà vẫn chưa đến nơi. Con chịu không được nữa thế là tè luôn ra quần, ngay giữa đường. Hoặc có hôm thì papa cho tè luôn bên vệ đường, gần đường sắt. Hôm qua đi học, 2 bố con nhìn thấy một con wanchan (con chó) unchi ngoài đường, papa bảo Kiên "thế là ngoan hay hư", Kiên trả lời "thế là hư, phải về nhà đi vào toilet chứ", papa lại hỏi "thế hôm nọ đứa nào đi shikko ngoài đường nhỉ", Kiên nhớ lại chuyện hôm nọ thì thấy ngượng lắm. Không biết từ nay về sau có rút kinh nghiệm không.

Wednesday, May 6, 2009

Chỉnh đốn lại anh cả


Anh cả Kiên đã thực sự chia tay được với Tom and Jerry, chia tay với màn hình tivi và máy tính, nhưng đấy mới chỉ là một phần nhỏ trong số những cái "hư" của anh Kiên thôi. Bây giờ mama mới hiểu ra rằng muốn luyện một thói quen tốt cho trẻ phải bắt đầu từ lúc còn bé, chứ để càng lớn càng khó bảo, khó sửa và khó bỏ. Các cụ có nói "dạy con từ thuở còn thơ" cấm có sai, nhưng chính xác hơn nữa thì có khi phải là "dậy con từ lúc dưới 3 tuổi" ấy. Dạo này mama thấy anh Kiên khó bảo kinh khủng.

Không tự xúc ăn
Hơn 1 tuổi con đã biết cầm thìa xúc ăn rồi, thế mà đến tận bây giờ, cứ ăn cơm ở nhà là bắt mama bón. Ớ lớp thì tất nhiên là con vẫn tự xúc ăn, nhưng ở nhà thì hoàn toàn không. Mama chiều con, muốn con ăn được nhiều, muốn con ăn gọn gàng sạch sẽ không bị rớt ra ngoài, muốn con ăn nhanh để con dọn dẹp, nên đã "thoả hiệp" bón cho con ăn.Và đấy là sự bắt đầu, là nguyên nhân của tình trạng "mama phải bón cho ăn" kéo dài đến tận bây giờ. Cũng có thể có nguyên nhân từ phía em Khanh, con thấy bố mẹ bón cho em nên cũng muốn được như thế, muốn được giống như em. Cũng chính vì thế mà mama muốn "chiều" con một chút. Nhưng mama thấy là cái thói quen xấu này càng ngày càng ngấm vào người con. Cứ đến bữa cơm thì bắt đầu mè nheo, không chịu ngồi vào ghế ngay , rồi đặt bát cơm trước mặt con là con ngúng nguẩy, kêu "mama, bón cho Kiên". Mama thì bón cho con từng thìa một, còn con thì chẳng chú ý vào thức ăn, chơi cái nọ, mó cái kia, có lúc lại còn nằm dài ra nhà, hoặc đang ăn thì chạy vào phòng trong lấy đồ chơi.

Thế mà hôm nào không có mama ở nhà thì thấy papa bảo là con ăn ngoan lắm. Papa cứ để trước mặt con 1 bát cơm và 1 bát thức ăn là con ngồi tự xúc, ăn hết. Vì papa còn phải bón cho em Khanh, có ai để con mè nheo nữa đâu.

Thế có nghĩa là "con hư tại mama" rồi, papa vẫn bảo thế. Đành phải chỉnh đốn con cái vụ ăn uống này thôi. Đã bắt đầu việc bắt con tự xúc ăn 2 hôm nay rồi, và hôm đầu tiên thì con khóc sưng mắt. Nhưng khóc rồi thì con vẫn phải ăn, con có không ăn thì mama cũng quyết tâm để cho con nhịn 1 bữa. Sau đấy thì con cũng tự ăn.

Đến tối, 2 mẹ con nằm cạnh nhau, mama bảo "Kiên không tự ăn thế là hư đấy"
Kiên: tại sao?
Mama: vì Kiên lớn rồi, Kiên 3 tuổi rồi còn gì, thì Kiên phải tự xúc ăn chứ
Kiên: ah, thế à. Thế em Khanh không tự xúc ăn, em Khanh hư
Mama: em Khanh còn bé lắm, chưa biết tự xúc đâu. Khi nào em Khanh lớn như anh Kiên, biết cách cầm thìa ăn cơm mà em Khanh không tự ăn thì mới hư.
Kiên: à thế à.

Con ngày càng hay so sánh, và ngày càng thể hiện rõ sự ghen tị với em. Nếu bố mẹ có mắng con, mà sau đấy không mắng em Khanh vì 1 lỗi tương tự là thế nào con cũng nhắc nhở "Bố mẹ mắng đi", hoặc quát cả em thay bố mẹ theo kiểu "anh Kiên quật cho bây giờ".

(còn nữa)

Thursday, April 30, 2009

Koi-nobori 2009

Vào thời gian này ở Nhật sẽ thấy rất nhiều koi-nobori (những dải hình cá chép) treo ở khắp nơi như trước cửa các gia đình, ở các khu mua sắm hay ở trường học. Bởi ngày 5/5 hàng năm là ngày lễ dành cho trẻ con (giống như ở VN là ngày 1/6). Koi-nobori bao giờ cũng gắn hình con cá chép màu đen, to nhất tượng trưng cho ông bố trong gia đình, sau đó là hình cá chép màu đỏ hay xanh, tượng trưng cho những đứa con trai. Nhà nào có nhiều con trai thì treo thêm nhiều hình cá chép, với ước mong những đứa con luôn có sức khoẻ và sự mạnh mẽ.

Hôm qua là ngày lễ, được nghỉ nên cả nhà mình đi chơi ở Takatsuki, tham gia lễ hội Koi-nobori trên sông Akura-gawa, nơi có treo 1000 dải koi-nobori đủ sắc màu sặc sỡ.

Koinobori- Akutagawa,Takatsuki

Koinobori - Akutagawa, Takatsuki

Chương trình lễ hội bắt đầu từ 10h sáng với nhiều tiết mục âm nhạc và dancing nghe có vẻ rất thú vị, nhưng cả nhà mình đến nơi thì cũng đã 12h trưa, đúng giờ nghỉ ăn trưa. Khắp nơi mọi người trải bạt ra ngồi ăn, ở các quán lưu động bán mì xào, takoyaki hay cơm hộp, người xếp hàng dài chờ mua. Papa cũng tìm được 1 chỗ mát để trải bạt ra ngồi, còn mama thì chạy đi mua đồ ăn. Nhưng nhìn các dãy dài xếp hàng mà ngán ngẩm quá. May thế nào mà mama lại nhìn thấy sát dãy xếp hàng có mấy bà bán cơm, chạy vội sang mua ngay được 3 hộp trong số 4 hộp cuối cùng còn lại. May thế cơ chứ. Giá mà có thời gian chuẩn bị cơm từ nhà thì đỡ mệt hơn kiểu ăn uống như thế này.

1h30 chiều các tiết mục lại bắt đầu. Có dàn nhạc của một đội trung học biểu diễn, rồi đến tiết mục bamboo dance của Philippines, street dance, đánh trống,...Nhất là màn đánh trống khá ấn tượng với 1 tay trống nhí đánh rất hăng say và bài bản. Mama đang mải quay video màn đánh trống thì nghe thấy tiếng gọi "mama, mama" như của anh Chép. Hoá ra là anh Chép chạy đi tìm mama một mình, papa không theo kịp, nên anh Chép cứ vừa đi vừa gọi trong cái rừng người đông như kiến ấy. May mà mama nghe thấy.

Người Nhật quả là biết thu hút khách từ các tiết mục lễ hội truyền thống, đem lại lợi ích cả về mặt văn hoá lẫn kinh tế, thật đáng để học tập.

Saturday, April 25, 2009

Hiroshima- địa danh lịch sử

Trong chuyến sang Nhật lần này, ông đề xuất được đi Hiroshima, mặc dù Hiroshima cũng cách Kyoto đến cả vài trăm km. Hiroshima, chứ không phải thủ đô Tokyo, bởi đó là địa danh đã đi vào lịch sử nhân loại với vụ nổ bom nguyên tử năm 1945. Nếu Nagasaki gần hơn thì có lẽ là ông cũng đã muốn đi cả Nagasaki nữa cũng nên.

Thế là papa "nhận được lệnh" lên đường đưa ông đi Hiroshima. Ông sẽ đi theo kiểu hơi "bụi" một chút, tức là 11h đêm sẽ lên bus từ Kyoto, 6h sáng đến Hiroshima, chơi một ngày, rồi đến tối lại lên bus quay lại Kyoto. Kể ra thì con cháu cũng hơi phân vân, không biết ông có đi được theo kiểu này không. Nhưng phần vì đi shinkansen hơi tốn tiền, phần vì bus đêm đi khá thoải mái, phần nữa là vì ông lại muốn "khám phá", muốn "thử sức" nên quyết định cuối cùng là sẽ đi bus. Bà ngoại thì không theo được ông nên chỉ có papa và ông ngoại đi thôi.

Cuối cùng thì ông cũng đặt chân lên thành phố Hiroshima, đi thăm Công viên tưởng niệm hoà bình, đến tận nơi vị trí quả bom nguyên tử thả xuống, xem toà nhà nổi tiếng còn sót lại sau vụ nổ bom, xem Viện bảo tàng có lưu giữ những hình ảnh và đồ vật đã bị cháy, bị biến hình sau vụ nổ để tận mắt chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh. Và đây chính là điểm đến có ý nghĩa nhất đối với ông trong suốt toàn bộ chuyến đi. Bởi địa danh này gắn liền với lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là 1 trong số rất nhiều những "di sản văn hoá" mà ông đã từng ghé thăm. Và thế là ông sẽ có nhiều chuyện để kể với bạn bè của ông khi trở về nhà.

A-bomb Dome, toà nhà còn sót lại sau vụ nổ bom, mặc dù nó chỉ cách trung tâm của vụ nổ có 150m.
A-bomb Dome- Hiroshima

Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử
Peace Memorial Park- Hiroshima

"Cổng hoà bình" có ghi chữ "hoà bình" bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Ông tìm mãi mới thấy chữ hoà bình bằng tiếng Việt.
Peace Memorial Park-Hiroshima

Papa với ông còn kịp ghé vào Thành Hiroshima
Hiroshima Castle

Và thăm đảo Miyajima với cổng đền nổi tiếng, một trong 3 nơi được coi là đáng đi nhất của nước Nhật (Nihon sankei)
Miyajima- Hiroshima

Hiroshima cũng là điểm đến cuối cùng trong chuyến sang Nhật chơi lần này. Giờ này thì ông bà đã bay được khoảng 2 tiếng rồi. Ông bà sẽ lại trở về với khung cảnh quen thuộc ở Hà nội, ồn ào đấy, bụi bặm đấy nhưng là going home. Ông sẽ lại được vác vợt đi đánh tennis hàng sáng và bà thì có thể sang buôn chuyện dưa cà dưa lê với các bà hàng xóm.

Con cháu sẽ sớm có ngày trở về nhà với ông bà, ông bà đừng buồn nhé.

Thursday, April 23, 2009

Nara thanh bình và cổ kính

Nara nằm ngay cạnh Kyoto nên nếu không đến đây thì quả là một thiếu sót. Bởi trước cả Kyoto, Nara đã từng được chọn là thủ đô của nước Nhật.

Xuống ga Nara, đi bộ một lúc là sẽ thấy ngay một khung cảnh đầy màu xanh, với thảm cỏ trải rộng có những chú shika đang nhởn nhơ gặm cỏ hay túm tụm lại khi có khách du lịch cho ăn bánh senbei. Quần thể công viên Nara này còn bao gồm các ngôi chùa và đền nổi tiếng, viện bảo tàng, hồ nước. Việc lựa chọn đi Nara vào ngày thường quả là một quyết định đúng đắn, vì như thế sẽ ít khách du lịch hơn, sẽ tha hồ ngắm khung cảnh bát ngát trong sự yên tĩnh và khoáng đạt.

Ông ngoại và papa cũng mua 1 xấp bánh senbei cho lũ shika. Bọn này sống hoang dã nhưng có vẻ như đã quen với việc được khách du lịch cho ăn. Vừa cầm gói bánh từ cửa hàng ra là chúng đã bám theo để xin ăn. Có người còn bị chúng cắn luôn cả tờ giấy hướng dẫn du lịch đang cầm ở tay nữa. Những biển hiệu giao thông có hình shika để cảnh báo cho lái xe phải cẩn thận nếu có shika chạy qua đường chắc chỉ có thể thấy ở Nara.

Deers in Nara

Vào năm 710, Nara được chọn làm nơi để xây dựng kinh đô, có tên là Heijou. Thời đó kinh đô Heijou được xây dựng dựa trên nguyên mẫu kinh đô Trường An của nhà Đường bên Trung quốc, và phồn thịnh trong khoảng 70 năm. Thời kỳ này đạo Phật rất được coi trọng.
Khoảng giữa thời đại Nara liên tục xảy ra mất mùa, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết, tranh chấp nổ ra giữa tầng lớp quý tộc và tăng lữ. Thiên Hoàng Shoumu là người tin tưởng Phật pháp nên đã cầu nguyện chư Phật để trấn an lòng bách tính, bảo vệ quốc gia. Ngài cho xây ngôi chùa Toudai-ji (Đông Đại Tự) ở Nara, trong điện chính chính thờ tượng Đại Phật bằng đồng dát vàng cao 16m. Đây làngôi chùa chính của phái Phật giáo Hoa Nghiêm ở Nara. Chùa được Thiên Hoàng Shoumu phát nguyện xây dựng vào năm 745, điện Phật chính thờ Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Phật Nara), sau bị thiêu hủy trong cuộc binh biến do Danjou Hisahide gây ra. Chùa được trùng tu thời Edo và là công trình gỗ lớn nhất Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều tượng Phật là tài sản văn hóa của đất nước.


Ông bà chụp ảnh bên ngoài chùa Toudaiji.
Todai Temple

Bức Đại Phật ở đây quả là khổng lồ, với khuôn mặt dài hơn 5m, riêng cái tai đã dài hơn 2m. Phía bên ngoài có để 1 bức tượng gỗ của 1 nhà truyền giáo Phật pháp nổi tiếng thời đó, mà bây giờ người Nhật tin rằng nếu bị đau yếu ở đâu trên cơ thể thì đến đây, sờ vào phần đó trên bức tượng thì sẽ khỏi bệnh. Bà ngoại đang bị đau chân và đau răng. Sờ vào chân tượng thì dễ rồi, nhưng chẳng có cách nào sờ được vào răng của ngài cả. Thôi, bà ngoại đành ráng chịu vậy.

Đi lang thang trong quần thể công viên này rộng lớn này phải mất khá nhiều thời gian. Thấy trên bản đồ có đánh dấu 2 cái hồ nước nên papa dẫn cả nhà đi tìm. Hoá ra 1 trong 2 cái hồ nước này rất đẹp, nếu không đến thì thật đáng tiếc. Giữa hồ có 1 gian nhà bằng gỗ, có thể đi cầu sang. Cũng có thể thuê thuyền để chèo quanh hồ, giống như ở Hồ Tây ở Hà nội vậy. Vẫn là 1 khung cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch.
Nara

Chùa Kofukuji cũng nổi tiếng với tháp 5 tầng và tháp 3 tầng.
Kofuku Temple (Nara)

Sunday, April 19, 2009

Ngày thứ 7 ở Koryuji và Arashiyama

Ngày thứ 7, bà giáo tiếng Nhật của papa rủ cả nhà đi chơi. Cô hẹn ở ga Kitano-Habubaicho để đi theo tuyến Arashiyama line. Đã vài lần đi Arashiyama rồi nhưng chưa bao giờ mama đi theo đường này. Dọc tuyến đường sắt này có rất nhiều các ngôi chùa nổi tiếng như Koryuji, Myoshinji, Ryoanji, và cuối cùng là Arashiyama. Nhưng để dừng lại ở tất cả các điểm nổi tiếng ấy thì không đủ thời gian, và cũng tốn kém vì chỗ nào cũng mất phí. Cuối cùng mọi người quyết định là sẽ ghé vào Koryuji rồi sau đó đến thẳng Arashiyama.

Ở Kyoto thì có quá nhiều chùa nổi tiếng, nhưng Koryuji thì nổi tiếng vì có bức tượng phật là bảo vật quốc gia. Khu vườn phía trước chùa chính rộng và rất đẹp. Cô giáo giải thích là "ở Kyoto thì ít công viên nên những khu vườn trong chùa này được tự do đi lại như công viên, không thu phí". Cô nói vậy chứ mama thấy ở Kyoto có khá nhiều công viên cho trẻ con đấy chứ.

Đi qua mấy gian lễ rất lớn thì mới thấy chỗ thu vé ở sâu phía trong. Chỗ này chỉ bán vé cho khách vào xem bảo vật quốc gia thôi. Vé chỗ này những 700 yên/người, đắt hơn tất cả các điểm thăm quan khác của Kyoto. Đến đây thì cô bảo cô ngồi ngoài vì cô đã đi nhiều lần rồi. Vé đắt vậy thì cô vào xem nhiều làm gì. Vào đến nơi thì chỉ thấy đúng 1 gian phòng, bày khá nhiều tượng phật xung quanh. Có 12 vị la hán, rồi phật bà quan âm, ông thiên lôi. Đối với những người không hiểu phật pháp như mama thì đúng là đọc chẳng hiểu gì, nhìn tượng phật cũng không hiểu đây là nhân vật nào, và các hoạ tiết điêu khắc có ý nghĩa gì. Nhưng có mấy bức tượng được xếp vào là bảo vật quốc gia thì đúng là đáng để chiêm ngưỡng. Những bức tượng này được làm bằng gỗ, có kích thước lớn, và chạm trổ tinh vi. Không hiểu sao ngày xưa người ta có thể làm được những tác phẩm như vậy. Rất tiếc ở đây không được chụp ảnh nên có muốn xem lại thì chỉ có cách đến trả 700 yên để được xem tận mắt thôi. Đúng là một kiểu kinh doanh rất hiệu quả của người Nhật. Xem hết 1 lượt rồi vẫn muốn ngồi lại để được đắm mình vào một không gian được bao quanh bởi các bức tượng trầm mặc và yên tĩnh. Không biết cõi niết bàn của những vị bồ tát hay la hán này thế nào nhỉ. Dọc đường ra bên ngoài có treo 10 điều răn của phật.

Cô và đứa cháu 2 tuổi đang ngồi đợi trên bãi cỏ, dưới tán cây. Chỗ ngồi này thật mát mẻ, thoáng đãng và dễ chịu. Cả nhà ngồi xuống chuyện trò với cô. Hoá ra chủ đề mà cô quan tâm là về cuộc chiến tranh Việt nam. Cô đã sang VN 2 lần rồi, đã vào đến Củ chi để chui xuống tầng hầm hẹp đến mức mà những người béo như cô khó có thể chui vào được, rồi nếm loại sắn là thức ăn hồi đấy của những chiến sĩ cộng sản rồi, thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở SG mà những bức ảnh phần lớn là của phóng viên ảnh nổi tiếng của Nhật bản chụp. Cô còn đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bằng tiếng Nhật rồi, đã sang thăm trường Chu Văn An ở HN là nơi ĐTT theo học hồi cấp 3 rồi, đã gặp gỡ và nói chuyện với bà mẹ VN anh hùng nào đó có đến 7 người con trai chết trong chiến tranh rồi. Cuộc chiến tranh VN đem lại nhiều ám ảnh đối với thế hệ của cô, vì hồi đó ngày nào Nhật cũng đưa tin về cuộc chiến tranh trên các chương trình thời sự. Rồi những xác lính Mỹ chết trận, trước khi được đưa về quê nhà ở Mỹ, được chở đến Yokohama để thẩm mỹ lại xác cho đẹp. Nước Nhật, người Nhật hồi đấy cũng kiếm được nhiều tiền nhờ cuộc chiến tranh này. Rồi cô bảo người VN chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, nhưng những bà mẹ Mỹ có con chết trong chiến tranh cũng đau khổ nhiều lắm. Thì đúng rồi, cuộc chiến nào mà chẳng gây ra tổn thất cho cả 2 bên. Cô là một người nói khá nhiều, lại về hưu rồi nên có nhiều thời gian. Cứ ngồi nói chuyện với cô cả ngày thế này cũng không hết chuyện.

Chùa Koryuji, nơi có bức tượng phật là bảo vật quốc gia
Koryuji Temple

Mọi người tiếp tục lên tàu đến Arashiyam để ăn trưa. Ăn xong thì đi Monkey Park. Chỗ này có nhiều khỉ sống hoang dã, chắc Kiên thích lắm đây. Nhưng cô giáo thì bảo cô sợ khỉ lắm, mọi người thích đi thì cô đi cùng thôi, chứ đến Arashiyama nhiều lần rồi nhưng cô cũng chưa bao giờ lên đến chỗ này.

Hoá ra là khỉ sống ở trên đỉnh núi. Để trèo lên đến tận nơi thì đường dốc và khá dài. Thằng cháu cô mới 2 tuổi, không chịu đi bộ, lại còn kêu sợ khỉ nên cô cứ phải vừa leo núi vừa bế cháu, đến là mệt. Chẳng bù cho Kiên dắt tay bà đi phăm phăm, 2 bà cháu lên đến đỉnh núi trước tiên. Bà cứ khen mãi thằng cháu đi bộ giỏi quá.

Đường lên Monkey Park ở Arashiyama
Đường lên công viên khỉ

Nhìn khỉ ở vườn bách thú thì không sao chứ nhìn khỉ chỉ cách mình có vài bước chân cũng thấy hơi ghê ghê. Người ta bảo không được nhìn thẳng vào mắt khỉ, không thì nó sẽ tấn công mình. Bọn khỉ này chả sợ độ cao gì cả, cứ chạy băng băng ở dốc núi hay ngồi thu lu ở mép đá. Khắp nơi có các nhân viên đứng để canh trừng lũ khỉ, và cho bọn khỉ ăn để chúng vào chụp ảnh với du khách.

Trên đỉnh núi Arashiyama, nơi có các chú khỉ sống hoang dã
2825

Trên đỉnh núi có 1 gian nhà để du khách vào ngồi nghỉ và cho khỉ ăn. Bọn khỉ bám trên hàng rào sắt, quăng người từ chỗ nọ sang chỗ kia để xin thức ăn, thỉnh thoảng còn shikko bừa bãi nữa chứ. Mama nói đùa là bây giờ thì người biến thành động vật để cho các chú khỉ tự do bên ngoài nhìn ngắm rồi. Mà đúng là bọn khỉ này sướng thật, sống tự do với thiên nhiên, chả phải lo nghĩ gì. Mama mua 1 túi khoai lang để Chép và papa cho khỉ ăn.

Chép cho khỉ ăn khoai lang
Kiên cho khỉ ăn khoai

Sau đó cả nhà còn đi dạo 1 lúc trong khu rừng tre của Arashiyama. Tre ở đây cứ già là sẽ bị chặt đi để được trồng bằng những cây tre mới, nên tất cả mới có cùng một mầu xanh đẹp như vậy. Chỉ tiếc là đã hết mùa sakura nên không được ngắm Arashiyama với sắc mầu sakura nữa.

Rừng tre ở Arasiyama
Trong rừng tre Arashiyama

Chép đứng cạnh 1 chiếc xe kéo dành cho khách du lịch, giống kiểu xích lô của Việt nam
Xe người kéo đặc trưng của Kyoto