Friday, February 27, 2009

Cuộc chiến với chiếc tivi (phần 2)

Con bắt đầu biết chú ý đến chiếc tivi khi papa thử cho con xem phim hoạt hình T&J từ hồi con mới 1 tuổi rưỡi. Đầu tiên là con tò mò, có khi thấy sợ nhưng rồi con nhanh chóng thích xem, xem những tập ngắn, xem đi xem lại vẫn thấy thích, rồi chuyển sang phải xem tập mới thì mới thấy thích, rồi bây giờ là phải xem thể loại tập dài như là phim ấy. Con tập trung kinh khủng, vừa xem vừa cười khanh khách, rồi còn nhớ nội dung để diễn tả cho mama, hay bắt chước một số hành động hay âm thanh của các nhân vật trong phim. Ngoài phim T&J thì con không thích các thể loại phim khác. Nhưng cứ nhìn thấy trên màn hình vi tính có hiện ra cái hình chiếu video clip nào có cái hình tam giác play là thế nào cũng di chuột vào cái tam giác đấy để bật lên xem.

Con cũng thích xem tivi vì bản thân mama cũng nghiện món tivi của Nhật. Tivi của Nhật có nhiều kênh, nhiều chương trình giải trí hấp dẫn khủng khiếp. Có thời kỳ hôm nào mama cũng phải xem, cứ tối là phải vừa bật tivi lên vừa xem vừa ăn. Thế cho nên là con cũng được xem ké. Con cũng thích các chương trình động vật, các game show. Mỗi hôm một chương trình khác nhau nên xem chẳng bao giờ thấy chán. Lúc đấy mama cũng được cô giáo cảnh bảo không nên cho con vừa ăn vừa xem, nhưng mama chưa biết làm cách nào để cai nghiện cho con, cho cả mama nữa.

Rồi nhà mình chuyển nhà, mama đã định vứt hẳn chiếc tivi đi, nhưng phần vì chưa vứt được (ở Nhật muốn vứt là phải mất tiền), phần vì vẫn còn luyến tiếc nên nó vẫn được giữ lại. Tuy nhiên, nó không còn được để ở vị trí trung tâm nữa. Nhà chật nên nó được giúi vào một góc, hơi khuất. Giai đoạn đấy bố mẹ bận đủ thứ việc, từ sáng đến tối nên chả có thời gian đâu mà nghĩ đến chiếc tivi nữa. Về đến nhà là lao vào cơm nước, cho Kiên ăn, Khanh ăn, rồi lại dọn nhà vì đồ đạc vẫn ngổn ngang. Nên tự dưng chiếc tivi bị quên lãng. Cho đến tận bây giờ.

Mama không ngờ là mình có thể tách rời cái tivi một cách dễ dàng đến thế. Bây giờ hầu như mama mù tịt về các tin tức ở Nhật, từ vụ bắt 85 người Việt nam liên quan đến đường dây ăn trộm ở Tokyo, xét xử quan chức của PCI, hay tin nóng hổi của giới geinojin ở Nhật, hoàn toàn mama không biết một tí gì, chỉ biết được cái tít qua các trang web đưa tin của Việt nam thôi. Hoá ra sống mà không có cái tivi cũng chả sao, hơi lạc hậu một tí nhưng lại được cái nhẹ nhàng, đơn giản. Papa cũng từng nói về gia đình 1 người bạn Nhật ở lab chẳng bao giờ biết đến xem tivi là gì, lúc đấy mama thấy ngạc nhiên lắm, vì tivi cũng có bao nhiêu thứ bổ ích đấy chứ. Nhưng rồi mama cũng nghĩ bổ ích thì có đấy, nâng cao hiểu biết thời sự đấy, nhưng cũng có đầy chương trình chỉ để giết thời gian. Bây giờ cả nhà mình gần như không biết đến sự hiện diện của cái tivi nữa, mama thấy mừng lắm. Nhất là con trai, không còn nhớ để đòi bật tivi như trước đây nữa.

Nhưng khoản nghiện T&J thì vẫn rất nặng. Về đến nhà là đòi bật. Đến bữa ăn là đòi bật. Rồi còn mặc cả là "bật cho xem thì mới ăn". Mama sai lầm là đã nhân nhượng con, vì muốn con ăn cho xong bữa nên toàn chặc lưỡi bật lên cho con xem. Thế là mama thì đứng xúc cho con từng thìa một, con thì dán mắt vào màn hình. Như thế thì con cũng có biết là đang ăn cái gì để thưởng thức đâu cơ chứ. Tình trạng này càng kéo dài càng nghiêm trọng nên cách đây khoảng 2 tuần mama kiên quyết không bật cho con xem, mà bắt con ngồi ở ghế để ăn xong rồi mới xem. Lúc đấy con đã khóc rất kinh khủng, nhưng mama mặc cho con khóc. Khóc chán xong thì cũng phải ăn. Nhưng ăn xong thì mama vẫn bật cho con xem như đã hứa.

Nhưng bây giờ phải chuyển sang bước tiếp theo là bắt con đoạn tuyệt hoàn toàn với T&J. Sẽ rất khốc liệt đây. Được mấy ngày hôm nay rồi. Con cũng có nhắc đến việc cho con xem T&J nhưng mama sẽ nói lảng sang chuyện khác, gợi ý cho con chơi trò khác hay bảo con đem sách ra để mama đọc cho nghe. Con bắt đầu hứng thú với việc đọc sách rồi nên con quên ngay bạn T&J, cả buổi tối không thấy đòi nữa. Hoặc con đòi xem thì mama đánh lạc hướng bằng cách cho con ăn kẹo, rồi đọc truyện. Thế là con bị lôi kéo ngay. Ăn nhiều kẹo còn tốt hơn là xem tivi, hehe (không biết mệnh đề này có sai lầm không nhỉ).

Mama cũng định là buổi tối thì sẽ cất hẳn cái máy tính đi, không để con nhìn thấy nữa, nhưng thỉnh thoảng còn chat nói chuyện với ông bà, để ông bà ngắm cháu nên cũng không cất hẳn đi được. ông bà cũng lo cho thằng cháu bị nghiện tivi nên đang gợi ý là chỉ chat vào một số ngày nhất định trong tuần thôi, chẳng hạn như thứ 3, 5, 7 gì đó.

Mama biết là cách nuôi dậy con nhiều khi hơi bị cứng nhắc, ngay cả chuyện xem tivi này. Không phải mama sẽ mãi mãi, hoàn toàn không cho con xem một chút nào nữa. Chắc hẳn là không phải thế rồi. Nhưng để con biết hứng thú, biết quan tâm đến những trò khác, biết vận động đầu óc, rồi dần dần con trưởng thành, biết tự chủ trong cuộc sống của mình, biết nên xem bao nhiêu là đủ, xem cái gì là cần thiết, để không bị lệ thuộc vào nó, thì bây giờ mama buộc phải cứng nhắc như thế. Tất cả cũng là vì tương lai của con thôi, con trai ạ.

Cuộc chiến sẽ vẫn còn tiếp tục...

Thursday, February 26, 2009

Cuộc chiến với chiếc tivi (phần 1)

Hôm thứ 3 vừa rồi mama đi họp lớp cho anh Chép, được các cô thuyết giảng về tác hại của chiếc tivi mà mama thấy sợ quá, thấy cần phải lên kế hoạch và quyết tâm tách con trai ra khỏi chiếc tivi (mà cụ thể là bạn Tôm và Jerry), không thì bố mẹ sẽ làm hỏng con mất.

Trước tiên là phải kể xem tivi (kể cả video, DVD,...) có những tội gì nào. Khi còn ở độ tuổi akachan (em bé) hay mẫu giáo, nếu cho trẻ xem tivi thì trẻ sẽ ngoan ngoãn, hiền lành ngồi im xem nên bố mẹ nhàn (giống hệt nhà mình, nhất là từ hồi có em Khanh, bố mẹ muốn Chép ngồi im 1 chỗ không phá phách thì lại bật T&J lên cho xem). Trẻ thích tivi sẽ dần trở nên thụ động, thích được người khác bày cho chơi, bình thản và thản nhiên trước những kích động mạnh hay mới mẻ đang nhìn thấy, và không tự chơi. Đến tuổi tiểu học, trung học, từ chỗ thích tivi trẻ sẽ trở nên thích chơi game, chơi net, trẻ sẽ trở nên yếu kém về những trò vận động, yếu kém về khả năng tự suy nghĩ, và thản nhiên trước những kích động mạnh. Rồi đến tuổi trưởng thành, trẻ sẽ trở thành người ngại làm việc, ngại giao tiếp, và do ít kinh nghiệm nên không tự tin vào bản thân. Chỉ đọc qua những điều này thôi là mama đã thấy sợ và lo lắng quá.

Dưới đây là 10 check points liên quan đến mức độ nghiện tivi. Mama cũng áp dụng trả lời với anh Kiên xem thế nào nhé:
1. Tắt tivi đi là không thích: 〇 (nếu đã bật cho con xem rồi mà tắt đi là thế nào cũng kỳ kèo để được xem thêm, có khi là chảy nước mắt luôn)
2. Chậm phát triển ngôn ngữ × (ngôn ngữ của con thì mama chưa thấy có gì đáng lo lắm)
3. Khó hướng ánh mắt để nhìn × (mắt con khá tinh, nhìn máy bay bay chỉ có 1 cái chấm nhỏ mà con cũng nhìn thấy, nhưng nhiều lúc cứ hay thẫn thờ người ra lắm, chả hiểu là nghĩ cái gì)
4. Hay nói nhiều âm lạ △ (nhiều lúc con bắt chước tiếng động hay gì đó mà mama cũng chả hiểu là con muốn diễn tả cái gì)
5. Không quan tâm đến trẻ khác × (ngược lại là đằng khác, con rất hay quan sát người khác và các bạn khác chơi, sau khi nhìn kỹ rồi con bắt chước theo)
6. Sợ mọi người △ (có vẻ như con vẫn nhát, ở chỗ đông người chưa chủ động hoà đồng ngay, có thể là vì mama cũng ít đưa con đi chơi, và môi trường là ở Nhật nên dù sao mẹ con mình không hoà đồng hoàn toàn được )
7. Ngoài lúc xem tivi thì hầu như không cười × (điều này cũng không đúng, con cười nhiều, có lúc cười nhăn nhở, thấy tàu điện chạy qua cũng nói "buồn cười nhờ" mà mama chả thấy buồn cười gì cả)
8. Cứ chỉ lặp đi lặp lại một trò chơi △ (hừm, có vẻ hơi đúng, vì con rất hay chơi mỗi trò ôtô và tàu điện, cứ nằm dài ra nhà rồi cho xe chạy qua chỗ này chỗ khác)
9. Không quan tâm đến truyện tranh × (hồi trước là thế nhưng dạo này con thích mama đọc cho nghe lắm, kể cả truyện bằng tiếng Việt, nhiều hôm mãi chẳng cho đi ngủ)
10. Cứ liên tục nói về nội dung các chương trình của tivi △ (hơi hơi đúng, con mà xem xong T&J là thế nào cũng bắt chước mấy cái tiếng kêu trong phim, rồi miêu tả xem Tôm chạy đuổi theo J thế nào, nghe phát chán)

Kết quả là có 1 dấu , 4 dấu △ và 5 dấu ×. Như thế có nghĩa là mức độ nghiện tivi của con cũng chưa đến mức nghiêm trọng lắm, nhưng nếu không can thiệp ngay thì sẽ nhanh chóng trở thành nghiêm trọng, con sẽ dính chặt lấy cái màn hình vi tính đến lúc không thể gỡ ra được. Mama thấy cần phải làm ngay cái gì đó để tách con ra khỏi T&J và đã thu được một số kết quả, ngay trước cả khi tham gia buổi họp này cho con. Nhưng sau buổi họp này thì mama thấy cần phải kiên quyết hơn, cứng rắn hơn trước những đòi hỏi của con. Về những tiến bộ ban đầu, mama sẽ viết cụ thể vào phần sau.

Monday, February 23, 2009

Mùa hoa mơ hoa mận

Tiết trời vẫn lạnh nhưng cây cối đã đâm chồi, hoa đã nở báo hiệu xuân sang. Tháng 2 là tháng của hoa mận hoa mơ nên mọi người cũng rủ nhau đi ngắm hoa. Hoa ume (dịch là mận hay mơ nhỉ) không nở rộ như hoa anh đào nên phải nhìn gần mới thấy đẹp, chứ chụp lên ảnh không thấy đẹp mấy. Thấy nhà bạn Kuma đi ngắm hoa ở KitanoTenmangu nên nhà mình cũng đến đấy xem. Địa điểm này cũng không quá xa nên đi thấy tiện.
Khu đền này khá rộng và có hẳn một khu vườn riêng trồng ume. Đầu tiên là vào đền lễ. Mọi người chờ xếp hàng dài để rung chuông, nhưng nhà mình có trẻ em, ngại xếp hàng lắm. Mama và anh Chép chỉ tung đồng xu và lễ thôi, chứ không rung chuông. Anh Chép phải cầm 2 tay 2 đồng xu để tung thì mới chịu. Hôm nay em Khanh cũng không được ngồi xe đẩy nên phải bế suốt.
Được một lúc thì em Khanh có vẻ chú ý đến các bông hoa. Chỉ ngón tay bé xíu vào hoa, rồi túm lấy bông hoa để ngắt.
Hoa ume trông cũng gần giống như cành đào Tết ở nhà ấy nhỉ. Hôm Chủ nhật cả nhà đi chơi thì trời không có nắng, se se lạnh, dự báo thời tiết là chiều có mưa nên cứ vừa phải ngắm hoa vừa nhìn trời. May mà hôm đấy đến 5h chiều mới mưa nên vẫn ngắm hoa và chụp ảnh thoải mái.
Anh Chép hôm nay không hiểu ăn gì mà chạy lắm thế, chạy khắp nơi. Thỉnh thoảng còn cứ sờ tay vào người qua lại, mama bảo không được sờ thì lại càng sờ, làm mama toàn phải xin lỗi người ta. Rồi lại đến trò vặt hoa. Thấy cành hoa nào thấp là chạy lại vặt. Bị mama nhắc thì lại cười nhăn nhở rồi chạy ra chỗ khác. Mãi mới túm lại để chụp 1 kiểu ảnh.
Em Khanh được ngồi nghỉ thấy rất thoải mái, còn thè cái lưỡi ra. Thỉnh thoảng còn được cho đứng xuống đất chơi nên thích lắm.
Đây là khu vườn trồng ume, có bán vé riêng. Mỗi vé lại được đổi lấy bánh và chè để vừa ngồi nghỉ, vừa ăn bánh vừa ngắm hoa. Anh Chép và em Khanh chén bánh ngon lành. Chè cũng được làm từ vị ume, uống hơi chua chua thế mà anh Chép thích lắm, uống hết cả cặn. Riêng khu vườn này trồng khoảng 1000 cây, nếu tính toàn bộ đền là 2000 cây, với khoảng 50 loại ume khác nhau.
Đi hết khu vườn thì có 1 cây cầu đỏ bắc ngang. Anh Chép sau đấy chạy qua cầu, sang bên kia mà mama đuổi mãi không kịp. Papa thì đang phải bế em Khanh vì em ngủ rồi. Chỗ này lại cao nên có vẻ như nguy hiểm, thế mà mama mãi mới túm được anh Chép.
Em Khanh nằm ngủ luôn rồi này. Sau đấy cả nhà đi bus về hyakumanben ăn trưa rồi mới về nhà. Về đến nhà một lúc lâu sau thì mưa to. Thế là nay quá, vẫn đi chơi được mà không bị mưa. Anh Chép thì hào hứng lắm sau 1 ngày đi chơi. À, mama với anh Chép còn rẽ qua mua takoyaki cho anh Chép nữa vì cả ngày đi chơi anh Chép đã ăn được mấy đâu. Nhưng takoyaki thì chén ngon lành lắm. Tự dưng dạo này cả nhà mình lại thích cái món này.

Sunday, February 22, 2009

Họp phụ huynh cho em Khanh

Tóc có một dúm mà cũng buộc được lên, cái mồm thì dẩu ra trông "ghét" không?

Hôm thứ 6 vừa rồi lớp Omomo của em Khanh tổ chức họp phụ huynh. Họp từ 5h chiều mà đến tận 7h kém mới xong. Bao nhiêu là nội dung. Papa thì phải đón cả Khanh và Kiên về trước.

Đầu tiên là phụ huynh trình bày về tình hình của con cái lúc ở nhà, những điều vui, dễ thương của con mình, hay những vấn đề đáng lo lắng. Mama đến hơi muộn một tí nên không được nghe các bà mẹ khác nói về con mình ra sao. Vừa đến là thấy cô bắt trình bày ngay. Khanh thì tất nhiên là mama lo lắng vì thấy con chậm hơn các bạn khác, nhưng gần đây con vịn đứng được rồi thì mama thấy vui và yên tâm hơn nhiều. Còn về vấn đề ăn uống thì mama thấy không có gì phải lo lắng cả. Về điểm này thì 2 cô phụ trách hoàn toàn đồng ý và rất hào hứng kể chuyện ăn của Khanh ở lớp. Cứ mới chỉ nhìn thấy cô khoác cái yếm vào là Khanh biết ngay là sắp được ăn, nhưng thấy cô lại cho bạn khác ăn trước là thế nào cũng kêu "e- e-". Khanh mà chịu đựng được thì cũng chỉ chờ được sau 1 bạn là cùng, chứ không chờ lâu hơn được đâu. Cô bảo thế đấy. Con gái mama ở nhà cũng có khác gì đâu. Cho ăn hết phần của mình rồi mà nhìn thấy anh Chép ăn hay bố mẹ ăn là lại bò lại kêu e e để xin. Về khoản nấu cho Khanh thì từ khi cô bảo Khanh được 1tuổi nghĩa là cũng kết thúc giai đoạn ăn dặm, thì có thể nấu cho Khanh ăn cùng với bố mẹ, không nhất thiết phải nấu riêng nữa. Thế là mama cũng cắt khẩu phần ăn riêng của Khanh mà nấu chung với cả nhà luôn, thấy đỡ mất thời gian hơn nhiều. Mà con gái hình như thích ăn như thế hơn thì phải. Có bà mẹ cũng than phiền cái khoản nấu đồ ăn dặm cho con, nên toàn dùng babyfood, làm mọi người cười ồ lên. Bạn Chelsy người Nigieria thì cũng ăn khoẻ, có khi còn hơn Khanh nhiều (mẹ bạn ấy cũng to thế kia cơ mà). Mẹ bạn ấy còn cho bạn ấy ăn cả các món có hạt tiêu cay theo kiểu Nigieria mà bạn ấy vẫn ăn ngon lành. Còn các cô thì quá ngạc nhiên nhưng cũng phải công nhận là mỗi gia đình có kiểu nuôi dạy và chăm sóc con cái khác nhau, và tất nhiên là mỗi nước cũng vậy. Cô lại quay sang hỏi ở VN thế nào (có vẻ như 2 bà mẹ ngoại quốc rất được các cô và mọi người quan tâm). Mama bảo cô là ở Việt nam, trẻ ăn cháo đến năm 3 tuổi chứ không ăn cơm sớm như ở Nhật. Mà cháo thì tất cả trộn lẫn vào với nhau chứ không để riêng ra như ở đây. Hồi Khanh về VN cũng được bà nấu cháo trộn các thứ vào nhau như thế cho ăn. Cô hỏi thế Khanh có ăn không. Mama bảo Khanh ăn chứ, ăn hết, nhưng có khi chẳng biết mùi vị cái gì ra cái gì.

Phần thứ 2 là các cô trình bày về tình hình của các cháu ở nhà trẻ. Cô Hara thì thấy các cháu không chỉ phát triển về cơ thể mà còn phát triển rất rõ về nhận thức và tình cảm. Như Khanh mà có cô của lớp khác sang bế là thế nào cũng khóc. Nhưng sau đó thì đến giai đoạn biết tự chơi, cô muốn đi đâu thì nói là cô ra ngoài một tí là các cháu có vẻ như cũng hiểu hết. Các cô bảo "đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ không hiểu gì cả, chúng hiểu hết đấy". Vì thế khi muốn trẻ chờ thì hãy nói với trẻ rằng "mẹ đang bận cái này, con chờ một chút", rồi khi xong việc hãy bế trẻ lên và nói "con ngoan quá, mẹ cám ơn con vì đã chờ mẹ", như thế trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Khi thay bỉm cho trẻ cũng vậy, vừa thay vừa nhẹ nhàng nói chuyện với con, chứ cô ví dụ luôn 1 bà mẹ trong lớp cứ thay bỉm cho con là nâng một phát cái mông của con lên, nhét cái bỉm vào, làm cả lớp lại cười ầm lên.

Cô Sasada thì trình bày rất dài về cách nuôi dạy con cái. Tóm lại là những ý như thế này:
- Có rất nhiều sách dạy cách nuôi dạy con cái. Tất cả những điều viết trong các cuốn sách ấy đều đúng, nhưng không phải tất cả đều phù hợp với gia đình của mình. Các bà mẹ hãy đọc và lựa chọn những gì phù hợp với gia đình mình, với con của mình.
- Hãy để con mình được trải nghiệm nhiều thứ, đừng có lúc nào cũng nói "không được" với con. Kể cả bị ngã, bị đau thì cũng hãy để trẻ được trải qua để biết thế nào là đau. Kể cả những cái gì nguy hiểm (tất nhiên là trong giới hạn) cũng nên để cho trẻ biết.
- 3 năm đầu đời là giai đoạn bản lề cho cả cuộc đời. Giai đoạn này là nền tảng để hình thành nhân cách khi trẻ trưởng thành. Bố mẹ hãy thể hiện tình yêu thương với con mình, chứ thấy con chơi 1 mình thì không nên kệ con chơi mà hãy bế con âu yếm con.

Phần thứ 3 là đọc truyện tranh. Cô đọc cho phụ huynh nghe 2 quyển, để xem cảm nhận của phụ huynh khi nghe truyện là gì, từ đó áp dụng cho việc đọc sách cho con nghe ở nhà. 2 quyển truyện này rất hay, để hôm nào mama mượn về nhà đọc cho Khanh và Kiên nghe. Nhưng mama cũng bảo cô là hình như Khanh chẳng quan tâm gì đến truyện tranh cả. Mama có đọc cho nghe thì toàn giằng xuống rồi nhìn ngắm như 1 thứ đồ chơi, được một tí là vứt sang chỗ khác. Chắc phải từ từ thì con mới thích nhỉ.

Phần cuối cùng là cô hiệu trưởng thông báo chính sách mới của nhà trẻ từ tháng 4. Từ trước đến nay nhà trẻ đều cung cấp cho các cháu yếm quàng cổ và khăn lau tay khi ăn, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn (khiếp, ảnh hưởng cả tới các cháu), và sự chênh lệch giữa nhà trẻ công và nhà trẻ tư (nhà trẻ tư thì thường phụ huynh phải chịu nhiều khoản chi phí hơn), nên từ tháng 4 thì phụ huynh phải tự chuẩn bị cho con mình yếm quàng cổ và khăn lau tay. Các cô cũng cho xem mẫu và dặn thêm là có thể mua khăn ở cửa hàng 100Y shop cho rẻ. Đấy, thế là ít nhất mama cũng phải chuẩn bị cho Khanh 5, 6 bộ vì mỗi ngày phải đem đến lớp 2 bộ. Lại phải chuẩn bị khâu khâu vá vá đấy, phiền nhỉ.

Tuần sau thì lại họp phụ huynh cho anh Chép, không biết là có thêm chính sách nào nữa không đây.

Friday, February 20, 2009

Hãy nhẹ nhàng với con đi

Dạo này mama rất hay cáu gắt với con trai. Tội nghiệp con. Chẳng hạn như bài vở mà không xuôn xẻ hay có việc gì đang phải lo lắng, suy nghĩ là thế nào mama cũng rất dễ cáu. Cái tính xấu này của mama chưa sửa được mà có khi ngày càng nghiêm trọng lên thì phải. Vì cuộc sống cứ càng ngày lại càng có bao nhiêu thứ phải lo lắng mà con. Rồi mama lại đem cái lo lắng ấy về nhà, và trút một phần lên con trai bé bỏng. Con chỉ hơi làm trái ý mama một tí là bị quát rồi. Con chơi với em mà giành đồ chơi, rồi ẩn em ngã là lại bị quát nữa. Rồi sáng ra mà con cứ lằng nhằng không chịu ăn sáng ngay để con đi học là con cũng sẽ bị mắng. Rồi còn bao nhiêu lý do khác để con có thể bị mắng nữa. Mẹ thật khâm phục những bà mẹ nào dịu dàng, biết bảo ban con nhẹ nhàng mà không phải quát mắng. Mama thì chưa làm được như thế đâu con ạ.

Nhiều lúc mama cũng cố gắng để làm cho cái đầu bớt căng khi về đến nhà, thảnh thơi đi, đỡ mệt đi để có thể ngồi đọc truyện cho con nghe, chơi với con một cách vui vẻ. Nhiều hôm mấy mẹ con chơi với nhau vui ơi là vui, đọc truyện Pinôkiô hay vẽ tàu điện. Con có vẻ bắt đầu hứng thú với những câu chuyện bằng tiếng Việt rồi đấy. Mới chỉ đọc cho con có vài lần là con đã nhớ tên bạn Pinôkiô mũi dài và bắt mama đọc tiếp những đoạn còn đang đọc dở. Mama cũng cố gắng mỗi ngày mượn 1 quyển truyện khác nhau ở nhà trẻ về để đến tối đọc cho con nghe. Mama cũng đọc lại sách xem ở độ tuổi lên 3 này thì nên chơi và dạy con những gì. Nhưng mama vẫn chưa thực hiện được 1 phần nhỏ những điều viết trong các cuốn sách ấy. Mama cũng mua cho con cái gậy và quả bóng chày mà con rất thích, rồi đồ chơi thổi bong bóng xà phòng nữa để cuối tuần cả nhà ra công viên chơi nhé.

Quát mắng không phải là một phương pháp giáo dục tốt, chắc hẳn là như thế rồi. Nhưng để có thể bảo ban con một cách nhẹ nhàng thì mama cần phải rèn luyện thêm. Không thì mama sẽ biến thành 1 bà già cáu có và đáng ghét mất.

Sunday, February 15, 2009

Tình yêu còn sống hay đã chết?

Hôm nay đọc được một bài rất hay trên Vietimes nói về tình yêu nên muốn copy lại vào blog.

Mỗi một năm, nhân loại lại có một ngày Tình yêu. Ngày này, đối với hầu hết mọi người là ngày để cho họ một lần nữa đặt lại câu hỏi: “Tình yêu còn hay đã chết?”. Và có không ít người đã từng kêu lên: Tình yêu đã chết lâu rồi. Nhưng cũng rất nhiều người tin chắc rằng: Tình yêu chỉ là ảo ảnh trong cuộc sống này mà thôi.

Chúng ta từng đọc rất nhiều những cuốn sách, những bộ phim… về tình yêu. Nhưng chúng ta không tin đó là sự thật có trên thế gian này. Chúng ta cho đó chỉ là khát vọng của con người về tình yêu mà thôi. Nhưng thực tế, nhiều người chúng ta đã đi qua những ngày tháng của một tình yêu như thế. Vậy tại sao chúng ta lại không tin? Bởi chúng ta muốn những ngày tháng đó phải được kéo dài mãi mãi trong suốt cuộc đời mình với một người yêu cụ thể bằng xương bằng thịt và không được phép đổi thay. Chính vì thế mà khi những ngày tháng kỳ diệu của tình yêu đó đã không còn thì chúng ta lại rơi vào một thực trạng vô cùng thảm hại. Thay vào những ngày tháng kỳ diệu trước đó là sự ngờ vực và đôi khi thù hận. Và không ít người trong chúng ta ở trong thảm cảnh đó lại cho rằng những ngày tháng diệu kỳ bên người đàn bà hay đàn ông của mình chỉ là sự giả dối và nhầm lẫn.

Chính chúng ta mới là những kẻ nhầm lẫn chứ những ngày tháng diệu kỳ trước đó là có thật. Chúng ta là con người, và trong chúng ta lúc nào cũng ẩn giấu những con thú của chủ nghĩa sở hữu. Chủ nghĩa sở hữu đã vật chất hóa tình yêu mà lẽ ra nó chỉ là sự tinh thần hóa mà thôi. Tôi có hỏi nhiều người đàn ông, đàn bà và thấy rằng: trong cuộc đời, họ đã yêu không chỉ một người đàn bà hay một người đàn ông. Và với những người đàn bà, đàn ông khác nhau ấy, họ vẫn yêu với một niềm mê đắm, đầy dâng hiến trong một thời gian nào đó cho dù dài hay ngắn. Thế nhưng, khi người đàn bà hay người đàn ông rời xa họ thì họ lại cho rằng những gì cả hai người mê đắm và hiến dâng chỉ là ảo ảnh thậm chí là giả dối. Và đến người đàn ông, đàn bà sau đó họ lại yêu đắm mê và dâng hiến. Cả hai không giả dối. Cả hai đã mê đắm và dâng hiến thật. Nhưng cả hai đã không “tinh thần hóa” vĩnh viễn tình yêu của họ.

Họ đã “vật chất hóa” tình yêu ấy. Thuật ngữ “vật chất hóa” mà tôi đang nói đến không phải là một dục vọng. Trong trường hợp này, “vật chất hóa” đối với bạn là người yêu của bạn phải là người có nét mặt ấy, giọng nói ấy, chiều cao ấy… à nếu khác đi thì bạn không chịu nổi và không chấp nhận. Và khi bạn yêu người khác thì bạn lại “vật chất hóa” nét mặt, giọng nói, chiều cao…khác. Nhưng bạn phải thừa nhận với tôi rằng bạn vẫn mang một tình cảm như thế. Tôi cũng là người trải qua những trạng thái ấy. Nhưng tôi không thể nói dối rằng người tôi đang yêu lúc này thì tôi không yêu bằng người tôi đã yêu cách đây 30 năm.

Có một người tôi đã yêu và một năm sau khi chia tay người đó tìm tôi và nguyền rủa tôi đã yêu cô một cách giả dối vì cô nhận ra cô ấy bỏ tôi đi mà tôi không hề đau đớn. Quả thực tôi không đau đớn mặc dù rất buồn. Vì những ngày chúng tôi hạnh phúc bên nhau đẹp đẽ và mạnh mẽ hơn tất cả những đau đớn sau đó. Và tôi chỉ sống với những ngày tháng hạnh phúc đó. Tại sao chúng ta lại không lưu giữ lại những ngày tháng đắm mê và hạnh phúc mà lại trách móc, nguyền rủa và thù hận nhau. Tại sao chúng ta lại không thừa nhận những ngày tháng đắm mê hạnh phúc với người mình yêu lại không phải là tình yêu đích thực. Hiện thực cũng cho thấy có biết bao người đàn ông, đàn bà sống mãi với ký ức của những ngày tháng hạnh phúc với người đàn ông, đàn bà trước đó của mình trong khi họ vẫn sống hạnh phúc với mối tình hiện tại. Một mối tình đẹp trong quá khứ của chồng ta, của vợ ta không thể là sự xấu xa đối với cá nhân ta. Bởi tất cả những vẻ đẹp và sự dâng hiến trong tình yêu chỉ thuộc về cái đẹp và mãi mãi như thế. Nếu chồng ta, vợ ta tôn trọng vẻ đẹp và sự dâng hiến đắm mê với người yêu xưa cũ của mình thì chồng ta, vợ ta sẽ tôn trọng tình cảm mà họ đang có với ta.

Cũng như một cái cây không phải ngày nào hoa cũng nở rộ. Chúng ta không thể nghi ngờ hay nguyền rủa cái cây kia khi nó phải sống qua những ngày đông giá lạnh. Điều quan trọng nhất của cái cây là nó chứa đựng bản chất của những mùa hoa trong từng thớ gỗ của nó mà không hề thay đổi. Nó chỉ đợi một ngày đẹp trời là bừng nở những bông hoa. Và mùa hoa đầu hay mùa hoa cuối của một cái cây không bao giờ được so sánh mùa nào là hoa thật còn mùa nào là hoa giả cho dù những bông hoa của mùa sau không bao giờ nở ở cùng một chỗ nhất định trên cành giống màu hoa trước. Và đời sống của chúng ta cũng vậy, cho dù có những đổi thay nhưng nó phải luôn luôn chứa đựng trong nó vẻ đẹp và sự dâng đắm mê hiến như là bản chất ra hoa của những cái cây. Khi chúng ta hiểu vậy, chúng ta sẽ không rơi vào tuyệt vọng yếu hèn và cũng không ghen tuông một cách vô lối với người mình đang yêu về một quá khứ của họ.

Khi hiểu vậy, chúng ta sẽ tin vào sự kỳ diệu trong cuộc sống quá nhiều mệt mỏi này. Và chúng ta sẽ sống trong náo nức dù là những náo nức âm thầm để đợi một ngày kỳ diệu tình yêu hiện ra. Với ý do đó, chúng ta sẽ không bao giờ thấy cuộc sống này tẻ nhạt hay tuyệt vọng. Tình yêu không bao giờ chết cũng như phép thiêng trong cuộc sống này không bao giờ mất đi. Và có thể nó chỉ hiện ra trong cuộc đời ta với một khoảnh khắc thì vẻ đẹp và sự đắm mê của nó vĩnh viễn ở lại trong ta và mãi mãi là tài sản vô giá của ta. Nếu chúng ta thấu hiểu được điều đó, chúng ta đã quá đủ hạnh phúc để bước đi trên thế gian này cho đến khi nằm xuống.

Hạnh Nguyên

Nguồn http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/6278/index.viet

Saturday, February 7, 2009

Con gái của mẹ đã tiến bộ như thế nào

Con gái của mama dạo này tiến bộ nhiều lắm nhé. Làm mẹ phải ngạc nhiên đấy. Vì tiến trình phát triển của con gái có vẻ chậm hơn so với mức tiêu chuẩn, chậm hơn so với anh Chép (tất nhiên là thế rồi vì lúc nào anh Chép cũng như con choi choi ấy), nên mẹ không khỏi lo lắng, sốt ruột, và cũng chính vì thế mà mỗi bước tiến bộ của con làm mẹ thấy vui hơn rất nhiều.

Bây giờ thì mama có thể chắc chắn một điều là con gái không bị bệnh gì về thần kinh, về cơ vận động mà chỉ đơn giản là con có tiến trình phát triển riêng của con và mama phải kiên nhẫn để dõi theo tiến trình ấy. Để nói được một điều chắc chắn ấy quả là không đơn giản chút nào. Con thì phải trải qua bao nhiêu xét nghiệm chiếu, chụp này nọ, còn mama thì phải qua bao nhiêu giây phút lo lắng mà chẳng biết làm gì ngoài việc cầu trời phật phù hộ cho con gái của mama. Rồi thì tất cả cũng đã qua với một kết quả ngọt ngào nhất là con gái của mama hoàn toàn bình thường. Hai chữ "bình thường" ấy sao mà đáng quý đến thế. Nó đem đến cho cả nhà mình sự bình yên, con gái ạ.

Chỉ trong 2, 3 tháng vừa qua mà con đã làm thêm được rất nhiều nhé. Con vẫn bò (trườn) khắp nhà để chơi, nhưng sau đó thì con vịn lên cái ghế của anh Chép rồi chổng mông lên như thế này này. Cái mông lại còn ngoáy bên nọ ngoáy bên kia nữa chứ. Lần đầu tiên thấy con làm được như thế là bố mẹ thấy mừng lắm rồi. Cái ghế này cũng không cao lắm nên con vịn được dễ dàng. Rồi dần dần con thành thạo hơn, vịn được khéo hơn, nhanh hơn, rồi cứ mải mê chơi với cái ghế đấy suốt cả buổi tối. Thò ngón tay qua khe ghế, hay sờ vào hình bạn gấu vẽ trên ghế. Đầu tiên thì con chống đầu gối rồi dần dần chân thẳng ra và nâng được mông cao lên. Động tác này là tốt cho cơ bụng của con, để con có thể bò được bằng đầu gối. Nhưng rồi suốt 1 thời gian mama vẫn không thấy con bò bằng đầu gối gì cả. Papa thì nói đùa rằng "con gái tôi không bao giờ muốn bò bằng đầu gối đâu". Mà ở Việt nam cũng có khái niệm "trốn bò" đấy thôi. Hay là con trốn bò thật nhỉ. Thực ra ở độ tuổi này, bò rất tốt cho sự phát triển cân bằng của cơ thể.

Hết vịn vào cái ghế thì con vịn sang cái hộp đồ chơi. Thực sự là nhà kiểu Nhật thì không có nhiều chỗ cho con vịn. Chỉ có cái ghế, cái đồ chơi này mà lại có vẻ hơi thấp, rồi có cái tủ quần áo nữa. Trông cái người thì cong ra, cái mông thì chổng lên, cái mặt thì vênh lên làm "mặt xấu". Đây là cái kiểu mặt xấu mama dậy cho đấy, trông rõ là buồn cười.
Bây giờ con ngồi thạo rồi, đang bò là tự ngồi lên được ngay, ngồi vững lắm, 2 tay cầm 2 đồ chơi để chơi được. Con ngồi chơi một mình thì không sao nhưng nếu ngồi gần anh Chép là thế nào cũng có chuyện. Anh trai thì thỉnh thoảng cũng biết pha trò cho em cười sằng sặc đấy, nhưng nhiều lúc trành choẹ với em, thấy em lấy mất đồ chơi thì phải giằng ngay lại bằng được, nên em đang ngồi bị anh đẩy cho ngã luôn ra nhà. Khổ thân em, lúc đấy mà bố mẹ không để ý là thế nào cũng bị đổ kềnh ra. Cái đầu thì to rồi nên anh có khi chỉ hơi chạm 1 tí là cũng có thể nghiêng ngả người rồi ngã bổ chửng. Lúc đấy anh thì bị mắng nên mếu máo khóc, còn em thì ngã đau nên cũng ăn vạ khóc to lên. 2 anh em làm thành dàn đồng ca, đến đau cả đầu.
Con gái còn tiến bộ thêm một bước nữa là vịn đứng thẳng người lên rồi. Cứ tường thuật kiểu này lại làm mama nhớ đến cái hình tiến hoá của khỉ thành người mà ngày xưa học ở trường ấy. Khỉ thì mất đến bao nhiêu triệu năm ấy nhỉ, thế mà con gái chỉ mất có vài tháng thôi mà, mama còn sốt ruột cái nỗi gì. Thế mama lại đi so sánh con với khỉ à. Bây giờ biết vịn đứng rồi thì con thích vịn đứng lắm. Ngồi một tí không chịu là vịn đứng lên ngay. Có khi lại chỉ bám có 1 tay vào tủ rồi đứng nghịch. Mama chỉ sợ anh Chép lại gần con lúc đấy thì con lại ngã. Tuy biết ngồi và vịn đứng nhưng bác sĩ vẫn khuyên là nên cho con bò, bò vượt chướng ngại vật nhiều hơn là ngồi hay vịn đứng như thế.
Đấy, con gái 1 tuổi đầu mà làm được như thế rồi đấy. Đối với các bà mẹ khác thì có thể đây là điều bình thường, nhưng đối với mama thì điều bình thường này quả là 1 điều kỳ diệu con gái ạ. Con gái cố gắng lên nhé. Mẹ mong lắm sớm đến ngày được nhìn thấy con gái đi vững trên 2 bàn chân xinh xinh của mình.