Thursday, April 30, 2009

Koi-nobori 2009

Vào thời gian này ở Nhật sẽ thấy rất nhiều koi-nobori (những dải hình cá chép) treo ở khắp nơi như trước cửa các gia đình, ở các khu mua sắm hay ở trường học. Bởi ngày 5/5 hàng năm là ngày lễ dành cho trẻ con (giống như ở VN là ngày 1/6). Koi-nobori bao giờ cũng gắn hình con cá chép màu đen, to nhất tượng trưng cho ông bố trong gia đình, sau đó là hình cá chép màu đỏ hay xanh, tượng trưng cho những đứa con trai. Nhà nào có nhiều con trai thì treo thêm nhiều hình cá chép, với ước mong những đứa con luôn có sức khoẻ và sự mạnh mẽ.

Hôm qua là ngày lễ, được nghỉ nên cả nhà mình đi chơi ở Takatsuki, tham gia lễ hội Koi-nobori trên sông Akura-gawa, nơi có treo 1000 dải koi-nobori đủ sắc màu sặc sỡ.

Koinobori- Akutagawa,Takatsuki

Koinobori - Akutagawa, Takatsuki

Chương trình lễ hội bắt đầu từ 10h sáng với nhiều tiết mục âm nhạc và dancing nghe có vẻ rất thú vị, nhưng cả nhà mình đến nơi thì cũng đã 12h trưa, đúng giờ nghỉ ăn trưa. Khắp nơi mọi người trải bạt ra ngồi ăn, ở các quán lưu động bán mì xào, takoyaki hay cơm hộp, người xếp hàng dài chờ mua. Papa cũng tìm được 1 chỗ mát để trải bạt ra ngồi, còn mama thì chạy đi mua đồ ăn. Nhưng nhìn các dãy dài xếp hàng mà ngán ngẩm quá. May thế nào mà mama lại nhìn thấy sát dãy xếp hàng có mấy bà bán cơm, chạy vội sang mua ngay được 3 hộp trong số 4 hộp cuối cùng còn lại. May thế cơ chứ. Giá mà có thời gian chuẩn bị cơm từ nhà thì đỡ mệt hơn kiểu ăn uống như thế này.

1h30 chiều các tiết mục lại bắt đầu. Có dàn nhạc của một đội trung học biểu diễn, rồi đến tiết mục bamboo dance của Philippines, street dance, đánh trống,...Nhất là màn đánh trống khá ấn tượng với 1 tay trống nhí đánh rất hăng say và bài bản. Mama đang mải quay video màn đánh trống thì nghe thấy tiếng gọi "mama, mama" như của anh Chép. Hoá ra là anh Chép chạy đi tìm mama một mình, papa không theo kịp, nên anh Chép cứ vừa đi vừa gọi trong cái rừng người đông như kiến ấy. May mà mama nghe thấy.

Người Nhật quả là biết thu hút khách từ các tiết mục lễ hội truyền thống, đem lại lợi ích cả về mặt văn hoá lẫn kinh tế, thật đáng để học tập.

Saturday, April 25, 2009

Hiroshima- địa danh lịch sử

Trong chuyến sang Nhật lần này, ông đề xuất được đi Hiroshima, mặc dù Hiroshima cũng cách Kyoto đến cả vài trăm km. Hiroshima, chứ không phải thủ đô Tokyo, bởi đó là địa danh đã đi vào lịch sử nhân loại với vụ nổ bom nguyên tử năm 1945. Nếu Nagasaki gần hơn thì có lẽ là ông cũng đã muốn đi cả Nagasaki nữa cũng nên.

Thế là papa "nhận được lệnh" lên đường đưa ông đi Hiroshima. Ông sẽ đi theo kiểu hơi "bụi" một chút, tức là 11h đêm sẽ lên bus từ Kyoto, 6h sáng đến Hiroshima, chơi một ngày, rồi đến tối lại lên bus quay lại Kyoto. Kể ra thì con cháu cũng hơi phân vân, không biết ông có đi được theo kiểu này không. Nhưng phần vì đi shinkansen hơi tốn tiền, phần vì bus đêm đi khá thoải mái, phần nữa là vì ông lại muốn "khám phá", muốn "thử sức" nên quyết định cuối cùng là sẽ đi bus. Bà ngoại thì không theo được ông nên chỉ có papa và ông ngoại đi thôi.

Cuối cùng thì ông cũng đặt chân lên thành phố Hiroshima, đi thăm Công viên tưởng niệm hoà bình, đến tận nơi vị trí quả bom nguyên tử thả xuống, xem toà nhà nổi tiếng còn sót lại sau vụ nổ bom, xem Viện bảo tàng có lưu giữ những hình ảnh và đồ vật đã bị cháy, bị biến hình sau vụ nổ để tận mắt chứng kiến sự kinh hoàng của chiến tranh. Và đây chính là điểm đến có ý nghĩa nhất đối với ông trong suốt toàn bộ chuyến đi. Bởi địa danh này gắn liền với lịch sử, chứ không chỉ đơn thuần là 1 trong số rất nhiều những "di sản văn hoá" mà ông đã từng ghé thăm. Và thế là ông sẽ có nhiều chuyện để kể với bạn bè của ông khi trở về nhà.

A-bomb Dome, toà nhà còn sót lại sau vụ nổ bom, mặc dù nó chỉ cách trung tâm của vụ nổ có 150m.
A-bomb Dome- Hiroshima

Đài tưởng niệm các nạn nhân của vụ nổ bom nguyên tử
Peace Memorial Park- Hiroshima

"Cổng hoà bình" có ghi chữ "hoà bình" bằng tất cả các thứ tiếng trên thế giới. Ông tìm mãi mới thấy chữ hoà bình bằng tiếng Việt.
Peace Memorial Park-Hiroshima

Papa với ông còn kịp ghé vào Thành Hiroshima
Hiroshima Castle

Và thăm đảo Miyajima với cổng đền nổi tiếng, một trong 3 nơi được coi là đáng đi nhất của nước Nhật (Nihon sankei)
Miyajima- Hiroshima

Hiroshima cũng là điểm đến cuối cùng trong chuyến sang Nhật chơi lần này. Giờ này thì ông bà đã bay được khoảng 2 tiếng rồi. Ông bà sẽ lại trở về với khung cảnh quen thuộc ở Hà nội, ồn ào đấy, bụi bặm đấy nhưng là going home. Ông sẽ lại được vác vợt đi đánh tennis hàng sáng và bà thì có thể sang buôn chuyện dưa cà dưa lê với các bà hàng xóm.

Con cháu sẽ sớm có ngày trở về nhà với ông bà, ông bà đừng buồn nhé.

Thursday, April 23, 2009

Nara thanh bình và cổ kính

Nara nằm ngay cạnh Kyoto nên nếu không đến đây thì quả là một thiếu sót. Bởi trước cả Kyoto, Nara đã từng được chọn là thủ đô của nước Nhật.

Xuống ga Nara, đi bộ một lúc là sẽ thấy ngay một khung cảnh đầy màu xanh, với thảm cỏ trải rộng có những chú shika đang nhởn nhơ gặm cỏ hay túm tụm lại khi có khách du lịch cho ăn bánh senbei. Quần thể công viên Nara này còn bao gồm các ngôi chùa và đền nổi tiếng, viện bảo tàng, hồ nước. Việc lựa chọn đi Nara vào ngày thường quả là một quyết định đúng đắn, vì như thế sẽ ít khách du lịch hơn, sẽ tha hồ ngắm khung cảnh bát ngát trong sự yên tĩnh và khoáng đạt.

Ông ngoại và papa cũng mua 1 xấp bánh senbei cho lũ shika. Bọn này sống hoang dã nhưng có vẻ như đã quen với việc được khách du lịch cho ăn. Vừa cầm gói bánh từ cửa hàng ra là chúng đã bám theo để xin ăn. Có người còn bị chúng cắn luôn cả tờ giấy hướng dẫn du lịch đang cầm ở tay nữa. Những biển hiệu giao thông có hình shika để cảnh báo cho lái xe phải cẩn thận nếu có shika chạy qua đường chắc chỉ có thể thấy ở Nara.

Deers in Nara

Vào năm 710, Nara được chọn làm nơi để xây dựng kinh đô, có tên là Heijou. Thời đó kinh đô Heijou được xây dựng dựa trên nguyên mẫu kinh đô Trường An của nhà Đường bên Trung quốc, và phồn thịnh trong khoảng 70 năm. Thời kỳ này đạo Phật rất được coi trọng.
Khoảng giữa thời đại Nara liên tục xảy ra mất mùa, dịch bệnh hoành hành khiến nhiều người chết, tranh chấp nổ ra giữa tầng lớp quý tộc và tăng lữ. Thiên Hoàng Shoumu là người tin tưởng Phật pháp nên đã cầu nguyện chư Phật để trấn an lòng bách tính, bảo vệ quốc gia. Ngài cho xây ngôi chùa Toudai-ji (Đông Đại Tự) ở Nara, trong điện chính chính thờ tượng Đại Phật bằng đồng dát vàng cao 16m. Đây làngôi chùa chính của phái Phật giáo Hoa Nghiêm ở Nara. Chùa được Thiên Hoàng Shoumu phát nguyện xây dựng vào năm 745, điện Phật chính thờ Đại Phật Tỳ Lô Giá Na (Đại Phật Nara), sau bị thiêu hủy trong cuộc binh biến do Danjou Hisahide gây ra. Chùa được trùng tu thời Edo và là công trình gỗ lớn nhất Nhật Bản, nổi tiếng với nhiều tượng Phật là tài sản văn hóa của đất nước.


Ông bà chụp ảnh bên ngoài chùa Toudaiji.
Todai Temple

Bức Đại Phật ở đây quả là khổng lồ, với khuôn mặt dài hơn 5m, riêng cái tai đã dài hơn 2m. Phía bên ngoài có để 1 bức tượng gỗ của 1 nhà truyền giáo Phật pháp nổi tiếng thời đó, mà bây giờ người Nhật tin rằng nếu bị đau yếu ở đâu trên cơ thể thì đến đây, sờ vào phần đó trên bức tượng thì sẽ khỏi bệnh. Bà ngoại đang bị đau chân và đau răng. Sờ vào chân tượng thì dễ rồi, nhưng chẳng có cách nào sờ được vào răng của ngài cả. Thôi, bà ngoại đành ráng chịu vậy.

Đi lang thang trong quần thể công viên này rộng lớn này phải mất khá nhiều thời gian. Thấy trên bản đồ có đánh dấu 2 cái hồ nước nên papa dẫn cả nhà đi tìm. Hoá ra 1 trong 2 cái hồ nước này rất đẹp, nếu không đến thì thật đáng tiếc. Giữa hồ có 1 gian nhà bằng gỗ, có thể đi cầu sang. Cũng có thể thuê thuyền để chèo quanh hồ, giống như ở Hồ Tây ở Hà nội vậy. Vẫn là 1 khung cảnh vắng vẻ, tĩnh mịch.
Nara

Chùa Kofukuji cũng nổi tiếng với tháp 5 tầng và tháp 3 tầng.
Kofuku Temple (Nara)

Sunday, April 19, 2009

Ngày thứ 7 ở Koryuji và Arashiyama

Ngày thứ 7, bà giáo tiếng Nhật của papa rủ cả nhà đi chơi. Cô hẹn ở ga Kitano-Habubaicho để đi theo tuyến Arashiyama line. Đã vài lần đi Arashiyama rồi nhưng chưa bao giờ mama đi theo đường này. Dọc tuyến đường sắt này có rất nhiều các ngôi chùa nổi tiếng như Koryuji, Myoshinji, Ryoanji, và cuối cùng là Arashiyama. Nhưng để dừng lại ở tất cả các điểm nổi tiếng ấy thì không đủ thời gian, và cũng tốn kém vì chỗ nào cũng mất phí. Cuối cùng mọi người quyết định là sẽ ghé vào Koryuji rồi sau đó đến thẳng Arashiyama.

Ở Kyoto thì có quá nhiều chùa nổi tiếng, nhưng Koryuji thì nổi tiếng vì có bức tượng phật là bảo vật quốc gia. Khu vườn phía trước chùa chính rộng và rất đẹp. Cô giáo giải thích là "ở Kyoto thì ít công viên nên những khu vườn trong chùa này được tự do đi lại như công viên, không thu phí". Cô nói vậy chứ mama thấy ở Kyoto có khá nhiều công viên cho trẻ con đấy chứ.

Đi qua mấy gian lễ rất lớn thì mới thấy chỗ thu vé ở sâu phía trong. Chỗ này chỉ bán vé cho khách vào xem bảo vật quốc gia thôi. Vé chỗ này những 700 yên/người, đắt hơn tất cả các điểm thăm quan khác của Kyoto. Đến đây thì cô bảo cô ngồi ngoài vì cô đã đi nhiều lần rồi. Vé đắt vậy thì cô vào xem nhiều làm gì. Vào đến nơi thì chỉ thấy đúng 1 gian phòng, bày khá nhiều tượng phật xung quanh. Có 12 vị la hán, rồi phật bà quan âm, ông thiên lôi. Đối với những người không hiểu phật pháp như mama thì đúng là đọc chẳng hiểu gì, nhìn tượng phật cũng không hiểu đây là nhân vật nào, và các hoạ tiết điêu khắc có ý nghĩa gì. Nhưng có mấy bức tượng được xếp vào là bảo vật quốc gia thì đúng là đáng để chiêm ngưỡng. Những bức tượng này được làm bằng gỗ, có kích thước lớn, và chạm trổ tinh vi. Không hiểu sao ngày xưa người ta có thể làm được những tác phẩm như vậy. Rất tiếc ở đây không được chụp ảnh nên có muốn xem lại thì chỉ có cách đến trả 700 yên để được xem tận mắt thôi. Đúng là một kiểu kinh doanh rất hiệu quả của người Nhật. Xem hết 1 lượt rồi vẫn muốn ngồi lại để được đắm mình vào một không gian được bao quanh bởi các bức tượng trầm mặc và yên tĩnh. Không biết cõi niết bàn của những vị bồ tát hay la hán này thế nào nhỉ. Dọc đường ra bên ngoài có treo 10 điều răn của phật.

Cô và đứa cháu 2 tuổi đang ngồi đợi trên bãi cỏ, dưới tán cây. Chỗ ngồi này thật mát mẻ, thoáng đãng và dễ chịu. Cả nhà ngồi xuống chuyện trò với cô. Hoá ra chủ đề mà cô quan tâm là về cuộc chiến tranh Việt nam. Cô đã sang VN 2 lần rồi, đã vào đến Củ chi để chui xuống tầng hầm hẹp đến mức mà những người béo như cô khó có thể chui vào được, rồi nếm loại sắn là thức ăn hồi đấy của những chiến sĩ cộng sản rồi, thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh ở SG mà những bức ảnh phần lớn là của phóng viên ảnh nổi tiếng của Nhật bản chụp. Cô còn đọc Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bằng tiếng Nhật rồi, đã sang thăm trường Chu Văn An ở HN là nơi ĐTT theo học hồi cấp 3 rồi, đã gặp gỡ và nói chuyện với bà mẹ VN anh hùng nào đó có đến 7 người con trai chết trong chiến tranh rồi. Cuộc chiến tranh VN đem lại nhiều ám ảnh đối với thế hệ của cô, vì hồi đó ngày nào Nhật cũng đưa tin về cuộc chiến tranh trên các chương trình thời sự. Rồi những xác lính Mỹ chết trận, trước khi được đưa về quê nhà ở Mỹ, được chở đến Yokohama để thẩm mỹ lại xác cho đẹp. Nước Nhật, người Nhật hồi đấy cũng kiếm được nhiều tiền nhờ cuộc chiến tranh này. Rồi cô bảo người VN chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, nhưng những bà mẹ Mỹ có con chết trong chiến tranh cũng đau khổ nhiều lắm. Thì đúng rồi, cuộc chiến nào mà chẳng gây ra tổn thất cho cả 2 bên. Cô là một người nói khá nhiều, lại về hưu rồi nên có nhiều thời gian. Cứ ngồi nói chuyện với cô cả ngày thế này cũng không hết chuyện.

Chùa Koryuji, nơi có bức tượng phật là bảo vật quốc gia
Koryuji Temple

Mọi người tiếp tục lên tàu đến Arashiyam để ăn trưa. Ăn xong thì đi Monkey Park. Chỗ này có nhiều khỉ sống hoang dã, chắc Kiên thích lắm đây. Nhưng cô giáo thì bảo cô sợ khỉ lắm, mọi người thích đi thì cô đi cùng thôi, chứ đến Arashiyama nhiều lần rồi nhưng cô cũng chưa bao giờ lên đến chỗ này.

Hoá ra là khỉ sống ở trên đỉnh núi. Để trèo lên đến tận nơi thì đường dốc và khá dài. Thằng cháu cô mới 2 tuổi, không chịu đi bộ, lại còn kêu sợ khỉ nên cô cứ phải vừa leo núi vừa bế cháu, đến là mệt. Chẳng bù cho Kiên dắt tay bà đi phăm phăm, 2 bà cháu lên đến đỉnh núi trước tiên. Bà cứ khen mãi thằng cháu đi bộ giỏi quá.

Đường lên Monkey Park ở Arashiyama
Đường lên công viên khỉ

Nhìn khỉ ở vườn bách thú thì không sao chứ nhìn khỉ chỉ cách mình có vài bước chân cũng thấy hơi ghê ghê. Người ta bảo không được nhìn thẳng vào mắt khỉ, không thì nó sẽ tấn công mình. Bọn khỉ này chả sợ độ cao gì cả, cứ chạy băng băng ở dốc núi hay ngồi thu lu ở mép đá. Khắp nơi có các nhân viên đứng để canh trừng lũ khỉ, và cho bọn khỉ ăn để chúng vào chụp ảnh với du khách.

Trên đỉnh núi Arashiyama, nơi có các chú khỉ sống hoang dã
2825

Trên đỉnh núi có 1 gian nhà để du khách vào ngồi nghỉ và cho khỉ ăn. Bọn khỉ bám trên hàng rào sắt, quăng người từ chỗ nọ sang chỗ kia để xin thức ăn, thỉnh thoảng còn shikko bừa bãi nữa chứ. Mama nói đùa là bây giờ thì người biến thành động vật để cho các chú khỉ tự do bên ngoài nhìn ngắm rồi. Mà đúng là bọn khỉ này sướng thật, sống tự do với thiên nhiên, chả phải lo nghĩ gì. Mama mua 1 túi khoai lang để Chép và papa cho khỉ ăn.

Chép cho khỉ ăn khoai lang
Kiên cho khỉ ăn khoai

Sau đó cả nhà còn đi dạo 1 lúc trong khu rừng tre của Arashiyama. Tre ở đây cứ già là sẽ bị chặt đi để được trồng bằng những cây tre mới, nên tất cả mới có cùng một mầu xanh đẹp như vậy. Chỉ tiếc là đã hết mùa sakura nên không được ngắm Arashiyama với sắc mầu sakura nữa.

Rừng tre ở Arasiyama
Trong rừng tre Arashiyama

Chép đứng cạnh 1 chiếc xe kéo dành cho khách du lịch, giống kiểu xích lô của Việt nam
Xe người kéo đặc trưng của Kyoto

Friday, April 17, 2009

Mùa xuân của ông bà ở Kyoto

Kyoto với 1 môi trường sống hoàn toàn khác hẳn với những gì đã quen thuộc với ông bà ở Hà nội, nhưng chính vì thế mà ông bà có nhiều cái để "khám phá" (từ mà bà hay dùng để nói về ông khi ông muốn đi chơi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều những điều mới mẻ ở một nơi xa lạ này).

Ở đây khác Hà nội vì thay vì đi xe máy hay ôtô, ông bà phải đi bộ, đi bus hay đi tàu. Ở nhà, ông bà có riêng khoảng thời gian dành cho việc đi dạo bộ để giữ gìn sức khoẻ, nhưng ở đây thì có khi phải đi bộ suốt cả ngày. Đi bộ ra ga, ra bến bus, đi nhà trẻ, đi chợ, và nhất là những lúc đi bộ ngắm cảnh đền, chùa hay các khu thăm quan nổi tiếng. Đi bộ nhiều đến nỗi mà bà chỉ chăm chăm tìm chỗ nào có ghế để ngồi nghỉ, rồi cho ông muốn đi đâu xem thì đi, bà ngồi đợi. Nhưng có lẽ ông bà thích nhất là đi bộ ra bờ sông Kamogawa vào lúc sáng sớm. Con cháu vẫn còn đang ngủ thì ông bà đã dậy mở cửa đi từ lúc nào rồi. Ra sông ngắm hoa, và ngắm cá chép. Bây giờ hoa tàn gần hết rồi thì có cá là mối quan tâm lớn nhất của ông bà. Thì ở VN làm gì có chỗ nào nhìn được cá rõ đến thế, gần đến thế và nhiều đến thế. Ông bà nhìn những con cá chép to hàng bao nhiêu kg ấy thì suýt xoa rằng chẳng bao giờ mua được ở VN con cá như thế, rồi có mua được thì cũng phải hàng bao nhiêu trăm nghìn 1 kg, đắt lắm, quý lắm. Cứ thế. Đi đến đoạn sông nào là ông bà cũng phải ngó xuống tìm xem có cá không. Đi vào chùa hay đền mà có ao thì cũng lại tìm cá. Có lẽ cá là chủ đề lớn nhất của ông bà trong những chuyến đi dạo hay đi chơi.

Sang đây, thay vì đi ôtô thì ông đi xe đạp, mặc cho con cháu ngăn cản vì sợ ông lâu ngày không đi, đường xá lại không thông thuộc, xe lại đi làn bên trái chứ không đi bên phải như ở VN. Nhưng ông vẫn cứ đi. Ông tự tin là ông đi được. Ông bảo đi xe đạp ở đây sướng lắm, đi đến đâu thì vứt xe ở đấy, không cần khoá mà chẳng sợ mất, lại không phải mất tiền gửi xe. Xe đạp lại được đi trên vỉa hè rộng, chẳng phải tránh ôtô hay xe máy như ở VN, nên đi dễ lắm. Có hôm trời mưa ông còn đạp xe 1tay cầm ô nữa. Thế có nguy hiểm không cơ chứ. Nhưng vẫn là cái tính "thích mạo hiểm và muốn khám phá" của ông.

Sang đây ông bảo đi đến đâu cũng thấy di sản văn hoá thế giới. Sao mà lắm di sản thế. Từ 1000 năm hay hàng trăm năm trước mà người ta vẫn gìn giữ được, ghê thật. Ở VN thì chẳng giữ được gì, nghĩ mà tiếc. Ông trầm trồ trước các di sản, còn bà thì đi chơi theo kiểu "đến nơi chụp được cái ảnh là xong, đi làm gì lắm, chỗ nào chẳng giống chỗ nào". Chịu bà. Cho nên bà hay ngồi ngoài. Hoặc là mua vé 500 yên rồi bà vào những cũng chỉ đi loanh quanh được một tí là lại tìm ngay chỗ nào để ngồi xuống. Cả nhà trêu bà "bà đi thế thì mới chỉ hết 200 yên thôi, làm sao mà hết 500 được".

Còn hơn 1 tuần nữa là ông bà về Việt nam rồi. Chắc là ông bà cũng nhớ phở VN này, nhớ ôtô hay xe máy ở VN này, hay đơn giản là được ngồi bàn ăn bằng ghế ở VN thay vì ngồi chiếu như ở đây này. Thời gian còn lại ông bà tranh thủ đi chơi thật nhiều, thưởng thức thật nhiều vào nhé. Không sau này về VN rồi lại ngồi ngớ những ngày ở Kyoto tuyệt đẹp đấy.

Yasaka shrine
Ông bà trước cổng đền Yasaka

2470
Ông bà rung chuông để lễ theo phong tục của người Nhật

2478
Bên trong đền

Heian jingu
Ông bà ngồi ngắm cá trong vườn của đền Heian, khu đền lớn nhất của Kyoto

Chùa bạc
Ông bà ở phía trong chùa Bạc, ngôi chùa nổi tiếng với hình cát được cào phẳng và khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp

2506
Một mình ông đang "khám phá" thiên nhiên

Monday, April 13, 2009

Hanami

Sau 1 tuần bận rộn, cuối tuần vừa rồi cả nhà mình cũng đi hanami được một cách thư thái. Mà không đi nhanh thì sakura cũng rụng hết mất. Sakura dọc bờ sông mà cũng đã rụng mất một nửa, và chuyển sang lá xanh nhiều rồi. Hôm nay cả nhà đi dọc bờ sông và ngắm hoa ở Vườn thực vật. Chỗ này có khu sakura rủ rất đẹp. Có lẽ loại hoa này lâu tàn hơn các loại khác. Khắp nơi mọi người ngồi ngắm hoa và ăn uống rất đông, tìm mãi mới được một chỗ ngồi đẹp dưới tán hoa, ngồi xuống mà hoa rủ xuống tận mặt. Em Khanh thì cứ túm cành hoa rồi vặt hoa xuống nghịch. Đến lúc cả nhà đứng lên thì cành hoa cũng bị em vặt mất gần một nửa, nhưng bảo mãi em không được.

IMG_2422

IMG_2337

Ông bà bây giờ hôm nào cũng đi dạo ra bờ sông để ngắm hoa và ngắm cá chép. Cứ sáng sớm ra là ông bà đã dậy đi rồi. 8h sáng về nhà ăn sáng rồi lại đi tiếp đến tận chiều mới về. Bà xách theo cơm hộp đi để ăn dọc đường, chứ bà không thích vào quán ăn, vừa kêu đắt vừa kêu là ăn không hợp. Có hôm 2 ông bà cũng bị đi lạc ở bờ sông, nhưng may mà cũng tìm được đường về. Bây giờ thì ông bà tự tin là sẽ không bao giờ bị lạc đường nữa vì đã quen thuộc với các đoạn sông và nhánh sông rồi. Không khí và quang cảnh 2 bên bờ sông làm ông bà thích lắm. Hoa sakura thì nở rộ 2 bên bờ sông, dưới lòng sông thì tràn ngập hoa cải vàng, rồi chim chóc, cá nữa, tha hồ mà ngắm, không sợ không khí ô nhiễm, không sợ xe cộ qua lại.
IMG_2446

Còn rất nhiều ảnh đẹp nữa chưa kịp post, còn bao nhiêu chỗ vẫn chưa kịp đi. Phải đi gấp gáp tranh thủ thôi, trong tháng 4 này.

Tuesday, April 7, 2009

Khai giảng năm học mới

Sau gần 1 tuần nghỉ ngơi và đi chơi với ông bà thì 2 anh em cũng đã bắt đầu buổi học đầu tiên của năm học mới vào hôm qua. Năm học của Nhật bắt đầu vào tháng 4 nên khắp nơi thấy nhộn nhịp lễ khai giảng để nhập học cho học sinh mới.
Từ tháng 4 này, em Khanh chuyển sang lớp tanpopo của nhà trẻ Yosei nyuji, còn anh Kiên chuyển sang lớp sakura của nhà trẻ Yosei. Hai trường khác nhau nhưng ở ngay gần nhau.
Từ tháng 4 các cô giáo cũng được phân công nơi công tác mới, cô thì chuyển sang trường khác, cô thì chuyển sang lớp khác, cô thì nghỉ hưu. 1 tin vui với Kiên là cô Ishii yêu quý được chuyển sang nhà trẻ Yosei của Kiên, nhưng có điều là cô phụ trách lớp khác. Nhưng như thế cũng là tốt lắm rồi, vì cô vẫn có thể gặp Kiên và chơi với Kiên hàng ngày. Còn cô Azuma thì nghỉ việc. Cô Hara của em Khanh thì chuyển sang nhà trẻ khác. Hôm chia tay cô khóc, mama cũng chẳng kịp xin địa chỉ của cô.

Hôm đầu tiên vào lớp mới, mama đưa Kiên còn papa thì đưa em Khanh. Bao nhiêu là thủ tục, bao nhiêu là những cái mới phải làm quen. Mama phải chuẩn bị cho anh Kiên 1 hộp bút 16 màu, một hộp đất nặn, 1 hộp case đựng đất nặn, 1 lọ hồ dán, 1 cái cốc và 1 bàn chải đánh răng. Tất cả được ghi tên đầy đủ để đánh dấu. Bởi vì các cô sẽ dậy vẽ, dậy nặn đất sét và dậy cách đánh răng. Sáng ra anh Kiên đeo balô có đầy đủ những thứ ấy, vẻ mặt hăm hở lắm. Nhưng đến nơi thì bắt đầu thuỗn ra vì thấy khung cảnh lạ quá, đông các bạn quá, mà toàn là các anh chị lớn hơn. May mà vẫn có bạn Masayo, bạn Icchi, bạn Hibiki, bạn Ta để chơi cùng. Các cô tập hợp tất cả các cháu để giảng giải cái gì đó, mỗi cháu được đeo 1 cái nafuda ghi tên họ trên cánh tay, có lẽ vì các cô chưa nhớ hết tên.

Mama về đến nhà thì thấy papa kể chuyện đưa em Khanh vào lớp mới. Khanh khóc ghê lắm vì toàn cô giáo lạ. Cô nào bế cũng lắc đầu rồi khóc, chỉ sang papa bế là lại cười tươi tỉnh. Chắc con gái cũng phải mất cả ngày hôm nay để làm quen đây.

1 năm học mới lại bắt đầu. Mong các con sẽ nhanh chóng quen với bạn mới, cô giáo mới và học được nhiều điều mới.

Thursday, April 2, 2009

Ông bà và dì Hương ở Kyoto

Ông bà và dì Hương sang Kyoto đã được đúng 1 tuần rồi mà mama chưa có thời gian để update blog. Dì Hương chỉ có đúng 8 ngày ở Nhật nên phải tận dụng thời gian đưa ông bà và dì đi chơi. Giờ này thì dì đang vi vu ở Tokyo rồi, sáng mai mới về đến nhà để ngày kia quay lại SG.
1 tuần vừa rồi cả nhà cũng đi chơi được nhiều nơi, nhưng có vài hôm thời tiết xấu. Hoa sakura vẫn chưa nở nhiều, hầu như mới chỉ nở khoảng 30-50% nên chưa thấy đẹp.
Post tạm vài cái ảnh của 1 tuần vừa rồi nhé.

Chùa Kyomizu, Kyoto
Kyomizudera

Ông bà rửa tay trước khi vào chùa (Kyomizu, Kyoto)
Kyomizudera

Chùa Ninnaji, Kyoto
Ninaji

Thành Osaka, Osaka
Osaka Castle

Kobe harbor, Kobe city
Kobe harborland

Công viên tưởng niệm trận động đất hansin ở Kobe năm 1995
Kobe- Earthquake Memorial Park

Chinatown ở Kobe, một trong 3 khu chinatown lớn nhất ở Nhật
Kobe-China Town