Sunday, May 31, 2009

Kế tiếp chuyện về anh Kiên

1. Ngang như cua
Kiên nhiều lúc rất bướng bỉnh, bố mẹ có bảo gì là cứ thích nói ngược lại. Vẫn biết là cái tuổi này thì trẻ con như thế là bình thường, nhưng nhiều lúc thấy bực mình lắm cơ, ngang như cua ấy.
Mama: Kiên, sao con lại tranh giành đồ chơi của em thế. Con phải nhường em chứ.
Kiên: iya, iya (không thích)
Mama: Con là anh trai thì phải biết nhường em chứ. Thế ai là anh trai?
Kiên: Khanh-chan.
Mama: Thế Kiên thì sao?
Kiên: Kiên là akachan (vừa nói vừa nằm vào lòng mẹ như em bé)
Mama: thế được rồi, Kiên làm akachan nhé. Akachan thì không được ăn nhiều này, không được đi xe đạp này, thế có được không?

2. Tiếng Việt ngọng
2 mẹ con đang đi đến trường, thấy đằng xa có cái xe ôtô chở rác...
Mama: Kiên ơi, đằng kia có xe gomi syusyusha (xe thu gom rác) kìa.
Kiên: đúng rồi, xe gomi syusyusha. Nhìn xa trông bé nhỉ.
Mama: ừ, nhìn từ xa thì bé nhưng lại gần chắc là to đấy.
Kiên: bùn cười nhờ
Mama: chẳng có gì buồn cười cả
Kiên: không bùn cười nhờ

3. Lúc nào cũng là Hôm qua...
Kiên vẫn chưa phân biệt thời gian trong quá khứ và thời tương lai một cách chính xác. Chẳng hạn nói về điều gì trong quá khứ thì toàn là hôm qua thế này, hôm qua thế nọ.
Tự nhiên sáng ra, vừa mới chui đầu ra khỏi chăn đã tuôn ra 1 tràng: Hôm qua (từ thêm vào của người dân vùng Kansai), ông bà , dì Hương béo béo , sang đây nhờ. Tại sao?
Mama: con kinh nhỉ, lại nói dì Hương là béo béo cơ à. Ông bà và dì Hương sang đây thăm Kiên mà.
Kiên: Tại sao?
Mama: vì ông bà và dì Hương nhớ Kiên nên muốn gặp Kiên mà.
Kiên: à, thế à.

4. Con trai hư là tại bố
Nhiều khi papa rất hay "phát ngôn" những từ nghe rất "phản cảm" nhé. Kiên nghe được 1 lần là từ lần sau nhớ ngay, áp dụng ngay. Đây đang là ở Nhật, nên con biết mấy từ đấy thì chỉ có papa dậy, không còn ai khác.
Chẳng hạn như, đang chơi với em Khanh, thấy em Khanh lấy mất đồ chơi, Kiên lập tức giằng lại, mắng em vài câu rồi kết thúc bằng "Hít le Khanh". Mama nghe thấy Kiên nói lần đầu tiên, ngạc nhiên quá hỏi lại: Kiên, sao con lại nói em thế. Con học của ai đấy?
Kiên (trả lời tỉnh bơ): papa.

Rồi lần khác, mama đang nằm cho Kiên và Khanh ngủ, papa ngồi phòng ngoài. Khanh mãi không chịu ngủ, cứ bò đi bò lại khắp nơi. Kiên tức quá, gọi papa: Papa ơi, vào mà xứ lý Khanh đi này.

Mama đưa kéo cho Kiên cắt giấy. Kiên định cắt cái hình tròn, nhưng hình tròn có sẵn trên giấy bé quá, Kiên không cắt được đành đưa cho mẹ nhờ mẹ cắt hộ. Mama cầm kéo cắt cho Kiên. Kiên nhìn thấy mama cắt được liền buông 1 từ gọn lỏn: "Chính xác". Mama phì cười, quay sang papa: Đấy, chắc nó lại học được cái từ này từ anh nhỉ.

Thursday, May 28, 2009

Mất chiếc áo khoác


Chiếc áo khoác mà Kiên đang mặc trong ảnh là chiếc áo các cô chú bác ở Kyoto tặng Kiên hồi sinh nhật 1 tuổi. Nhưng áo này size 95 nên phải đến hồi 2 tuổi rưỡi Kiên mới diện được. Mama thấy con trai mặc rất hợp, lại là quà tặng nên định sau này giữ lại làm kỷ niệm.
Thế mà đợt cuối đông vừa rồi, mặc đến nhà trẻ rồi treo ở mắc áo, đến chiều đến đón Kiên chẳng thấy chiếc áo đâu nữa. Bảo cô thì cô nói sẽ tìm lại ở nhà trẻ xem sao. Nhưng 1, 2 tuần sau thấy cô bảo vẫn chưa tìm thấy, cô sẽ hỏi các bà mẹ khác xem có ai cầm nhầm không. Rồi đến vài tuần sau cô vẫn bảo là chưa thấy đâu cả. Đến tận bây giờ là được vài tháng rồi, thì hình như là cô quên hẳn, không nói tới nữa. Chẳng lẽ mama lại thỉnh thoảng phải nhắc lại cô, thấy cũng ngại. Chắc có ai đó cầm nhầm về nhà, giặt xong rồi cất đi, vì đã sang hè, nên không để ý rồi. Tiếc thật. Mà cái áo đấy có ghi tên Kiên cơ đấy. Ở Nhật này thì chẳng có chuyện "cầm nhầm" đồ của nhau nên cũng chẳng nên nghĩ nhiều, nhưng vẫn thấy tiêng tiếc. Nhớ lại ngày xưa dì Thu đi nhà trẻ ở Việt nam, thỉnh thoảng lại thấy mất cái áo len hay cái gì đó, về nhà cứ mách mẹ là "cô giáo lấy của con". Buồn cười không cơ chứ. Nhưng trẻ con thì có biết nói dối đâu, nên có khi thế thật ấy chứ.

Saturday, May 23, 2009

Chuyện trước lúc đi ngủ

Bây giờ, sau lúc tắt đèn đi ngủ là mama lại nằm nói chuyện với Chép một lúc. Lúc thì mama kể chuyện, lúc thì mama hỏi chuyện linh tinh để Chép trả lời. Kể chuyện thì mama vẫn hay kể đi kể lại truyện Pinôkiô hay truyện Cô bé quàng khăn đỏ. Còn chuyện linh tinh thì có nhiều chuyện để nói lắm, nào là chuyện ở nhà trẻ hôm nay ăn món gì, hay chuyện hôm nay Kiên đã hư vì không tự xúc cơm ăn. Nhiều hôm papa cứ phải nhắc là 2 mẹ con thôi không nói chuyện nữa để ngủ. Gớm, cả một ngày có khi chỉ có mỗi cái lúc tắt đèn đi ngủ này là thảnh thơi nhất để nói chuyện ấy chứ.

Chẳng hạn như...

Mama đang kể cho Kiên nghe truyện Cô bé quàng khăn đỏ, đến đoạn cô bé xách giỏ bánh đi vào rừng, khi đi qua chỗ những cây dâu tây chín đỏ, cô bé đã không nghe lời mẹ dặn mà dừng lại ăn dâu tây. Cô bé ăn hết quả này đến quả khác, đến lúc lạc sâu vào trong rừng lúc nào không hay. Thế là cô bé gặp chó sói,...

Đến đây mama dừng lại hỏi Kiên: Thế nếu là Kiên thì con có dừng lại ăn dâu tây không, hay là đi tiếp?

Kiên: Kiên ăn dâu tây

Mama: nhưng như thế là không nghe lời mẹ dặn đấy. Mama lại hỏi lại: Thế Kiên ăn hay đi tiếp?

Kiên (vẫn khăng khăng): Kiên ăn

Mama: nhưng nếu Kiên ăn là sẽ gặp chó sói đấy. Thế Kiên quyết định ăn hay đi tiếp?

Kiên (vẫn không thay đổi ý định): Kiên ăn

Thế thì đành chịu rồi. Cả bố lẫn mẹ đều buồn cười vì thấy Kiên tham ăn quá. Dâu tây là một trong số những món khoái khẩu của Kiên mà.

1 tháng sau...

Mama (lại tiếp tục kể lại truyện Cô bé quàng khăn đỏ): ...Cô bé xách giỏ bánh đi vào trong rừng. Dọc đường cô bé thấy có rất nhiều cây dâu tây, quả to, chín mọng, cô bé định dừng lại ăn. Thế nếu là Kiên thì con sẽ ăn hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp

Mama (ngạc nhiên lắm): Thế Kiên không thích ăn dâu à? Dâu ngon và to lắm.

Kiên: Thế là hư. Kiên đi tiếp.

Mama (đành phải thay đổi nội dung một chút): Cô bé quàng khăn đỏ cũng quyết định là sẽ nghe lời mẹ dặn, không ăn dâu mà đi tiếp. Đi được một đoạn, cô bé lại thấy bên đường có rất nhiều zeri (một loại thạch), nào là zeri cam này, zeri dâu này, zeri táo này. Thế Kiên sẽ dừng lại ăn zeri hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp.

Mama (vẫn chưa thấy thuyết phục con trai thay đổi quyết định nên vẫn tiếp tục muốn thử con trai thêm 1 lần nữa): Cô bé quàng khăn đỏ cũng quyết định không ăn zeri mà đi tiếp. Đi được một đoạn nữa, cô bé lại thấy bên đường có rất nhiều ice-cream (toàn món Kiên cực kỳ thích). Thế Kiên sẽ dừng lại ăn hay đi tiếp?

Kiên: Kiên đi tiếp.

Có vẻ như hôm nay không có món gì làm cho con trai thay đổi quyết định được. Dạo này con trai biết phân biệt thế nào là hư, thế nào là ngoan rồi mà. Cô bé quàng khăn đỏ không nghe lời mẹ dặn mà dừng lại ăn dâu thì là hư, nếu nghe lời mẹ, không la cà dọc đường thì là ngoan. Không tự xúc cơm ăn thì là hư, tự xúc ăn thì là ngoan. Kiên đánh em hay giành đồ chơi thì hư, yêu em và nhường em đồ chơi là ngoan,...

Một hôm khác...

Vẫn truyện Cô bé quàng khăn đỏ, vẫn đoạn dừng lại ăn dâu hay đi tiếp. Mama hỏi Kiên: Kiên dừng lại ăn dâu hay đi tiếp?

Papa (đang ở bên cạnh chen ngang vào): vừa đi vừa ăn

Thế là Kiên trả lời: đi là ăn.

Mama hỏi đi hỏi lại bao nhiêu lần thì Kiên vẫn cứ trả lời là "vừa đi vừa ăn", thế có chán không cơ chứ, hỏng hết cả truyện.

Một chuyện khác...

Để Kiên thực sự bắt đầu ngủ, mama kết thúc bằng cách chúc Kiên ngủ ngon: Mama chúc Kiên ngủ ngon. Kiên chúc mama đi.

Kiên: Chúc mama ngủ ngon.

Mama: Kiên chúc papa và em Khanh nữa đi

Kiên: Chúc Papa ngủ ngon. Chúc em Khanh ngủ ngon. Chúc tàu điện ngủ ngon.

Mama: ừ đúng rồi, trời tối rồi, tàu điện chắc cũng về đi ngủ rồi.

Kiên: Tàu điện ngủ đi, Kiên vỗ lưng cho

Mama: Kiên vỗ lưng cho tàu điện ngủ nữa cơ à?

Kiên: vì tàu điện hôm nay ngoan mà.

Mama: Thế à, tàu điện ngoan thế nào?

Kiên: Bởi vì là nhớ, tàu điện đánh răng

Mama: tàu điện có răng à? Răng ở chỗ nào nhỉ?

Kiên: Răng ở bên trong ý

Mama: Tàu điện làm gì có răng. Nhưng tàu điện ngoan vì chở hành khách.

Kiên: giống xe bus và ôtô nhỉ

Mama: ừ, nhưng tàu điện chở được nhiều người hơn

Kiên: tại sao?

Mama: vì tàu điện dài hơn mà

Kiên và mama cứ nói chuyện theo kiểu này thì chẳng biết đến lúc nào mới bắt đầu ngủ được. Mama đành phải bắt Kiên "chúc ngủ ngon" lại một lần nữa rồi nằm im để ngủ.

Sunday, May 17, 2009

Costume Museum

Một ngày thứ 7, hai vợ chồng gửi con đi nhà trẻ rồi tham gia một chương trình đến thăm Bảo tàng trang phục (風俗博物館) ở Kyoto, do 1 hội tình nguyện viên tổ chức. Thực ra nếu không vì cái nội dung giới thiệu là sẽ được mặc thử kimono thì mình cũng không quan tâm đến thế.

Nhưng hoá ra ngoài việc được khoác thử cái kimono vào người thì còn được nghe giới thiệu về phong tục truyền thống của hoàng gia Nhật bản thời đại Heian khá thú vị, mà suốt bao nhiêu năm học tiếng Nhật và sinh sống ở Nhật rồi mình vẫn chưa hiểu gì mấy.

Có nghe giới thiệu, dù chỉ là những nét cơ bản thôi cũng có thể thấy được sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong các quy định hà khắc của Hoàng gia. Từ cách ăn mặc quần áo bao nhiêu lớp, màu gì và hoa văn gì cho phù hợp với địa vị, với thời tiết trong năm, cho đến cách để tóc, tóc dài của phụ nữ nếu đã có chồng thì để một chút vạt tóc ra đằng trước, còn nếu chưa có chồng thì phải để ra sau lưng. Rồi cách sắp đặt bày biện các món ăn, mà tất cả các đồ dùng từ nhỏ nhất đều có tên gọi riêng. Mấy bà người Nhật tham gia còn lấy giấy bút ra ghi lại những tên gọi đấy, chứ mình thì chịu. Có ghi lại thì cũng không thể nào mà nhớ được. Ảnh phía dưới tái hiện lại quang cảnh các bà các cô trong Hoàng gia ngồi sau một bức rèm để xem các trò biểu diễn ở ngoài sân. Cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người giới thiệu không nói thêm là: trong số những vạt áo để lộ ra bên ngoài, có cái là người thật ngồi đằng sau, nhưng có cái chỉ là tượng trưng, tức là chỉ có quần áo xếp như vậy nhưng không hề có người ngồi. Sự bày đặt như vậy sẽ khiến từ bên ngoài nhìn vào có sự cân đối, hài hòa và hiểu (nhầm) rằng đang có nhiều người thưởng thức chương trình. Thế mới hiểu các truyền thống và quy tắc của Nhật mang đậm tính hình thức đến thế nào.


Tất cả khung cảnh sinh hoạt của Hoàng gia thời kỳ Heian đều được tái hiện lại bằng mô hình thu nhỏ. Trong đó có gian phòng tái hiện cảnh ở cữ của phụ nữ trong Hoàng gia. Tất cả mọi người đều mặc trang phục màu trắng, mọi đồ vật đều được bọc vải trắng. Nghe hướng dẫn viên giải thích là ngay cả khi Masako-vợ của thái tử Naruhito hiện thời, khi sinh công chúa Aiko ở trong 1 bệnh viện công của thành phố vào năm 2001, thì căn phòng cũng được bày biện chỉ 1 màu trắng như thế này. Quả là không hề thấy dễ chịu, thoải mái một chút nào. Chẳng thế mà cô Masako không thể chịu đựng nổi quá nhiều những quy tắc bất di bất dịch của Hoàng gia (mình mà là cô ấy thì chẳng đời nào lại chịu đổi cái cuộc sống tự do của Oxford hay Havard lấy hàng tá những cái quy định này làm gì)


Một gian phòng khác tái hiện cảnh có người chết. Tất cả bao trùm một màu đen. Người Nhật quan niệm màu trắng là hiện thân của sự sống, còn màu đen là hiện thân của sự chết. Một phụ nữ sống trong Hoàng cung khi cảm thấy mình sắp chết thì sẽ làm lễ cắt tóc. Đây là lần cắt tóc duy nhất trong đời. Bà sẽ đưa tóc qua một tấm mành để 1 nhà sư ở phía bên kia có thể cắt tóc mà không nhìn thấy được mặt. Làm như thế để sau khi chết, linh hồn được siêu thoát lên cõi niết bàn.

Dưới đây là màn khoác thử kimono. Đây chỉ là lớp ngoài cùng của bộ trang phục truyền thống của Hoàng gia, nên chỉ đơn giản là khoác vào người, chứ không mặc cầu kỳ, thắt dây obi như kimono vẫn thường thấy.

Trông mình như 1 cô gái trong cung cấm nhỉ, hehe. Có điều hồi đấy phụ nữ chắc chẳng ai hé miệng ra cười bao giờ. Lúc nào cũng là 1 khuôn mặt trắng bệch và chiếc miệng được bôi đỏ chót, chúm chúm lại.
Bộ kimono của nam thì mặc phức tạp hơn. Mấy bà Nhật loay hoay mãi mới mặc được cho papa. Hừm, trông papa mặc chẳng hợp chút nào. Phụ nữ được yêu cầu ngồi thấp hơn đàn ông. May mà mình không phải là người của Hoàng gia, nhỉ.

Saturday, May 16, 2009

Đối đáp

1. Ai...nhất...?

Mama: Nhà mình ai lớn nhất nhỉ?
Kiên: Papa
Mama: Đúng rồi. Thế nhà mình ai bé nhất nhỉ?
Kiên: Khanh-chan
Mama: Nhà mình ai đen nhất nhỉ?
Kiên: Papa và Kiên
Mama: Nhà mình ai trắng nhất nhỉ?
Kiên: Mama và em Khanh
Mama: Nhà mình ai ngoan nhất nhỉ?
Kiên: Kiên-chan (trả lời rõ to)
Mama: Hừm, thế nhà mình ai hư nhất nhỉ?
Kiên: em Khanh
Mama: Thỉnh thoảng em Khanh mới hư thôi mà. Thế nhà mình ai nói to nhất nhỉ?
Kiên: Kiên-chan (trả lời lí nhí ra vẻ ngượng ngịu)
Mama: Nhà mình ai đáng sợ nhất nhỉ?
Kiên: Mama (vừa nói vừa cười nheo mắt)
Papa chen ngang: đến bố mày còn sợ nữa là
Mama: Thế nhà mình ai kawai (dễ thương) nhất nhỉ?
Kiên: Mama (con trai biết nịnh mama thế chứ)

2. Tại sao?

Kiên bắt đầu trước: Nhà mình có 4 người nhỉ (vừa nói vừa giơ 4 ngón tay ra)
Mama: ừ, đúng rồi, nhà mình có 4 người
Kiên: tại sao?
Mama: vì nhà mình có papa, mama, Kiên và Khanh là 4 người
Kiên: tại sao?
Mama: vì mama sinh ra Kiên và em Khanh
Kiên: tại sao?
Mama: vì mama yêu Kiên và yêu em Khanh
Kiên: à thế à (ngừng một lúc). Thế còn papa?
Mama: ừ, mama cũng yêu cả papa nữa
Kiên: tại sao?
Đến đây thì mama cũng không nhớ là đã trả lời Kiên thế nào nữa, hay là mama đã không trả lời được nhỉ, hêhê.

Thursday, May 14, 2009

Và em đã tự đứng lên...

Động tác yêu thích của em Khanh

Ngày 11/5/2009 quả là một ngày đáng nhớ - em Khanh đã tự đứng được mà không phải vịn tay vào cái gì, mặc dù chỉ được mấy giây thôi, nhưng em đã làm đi làm lại như thế nhiều lần. Hôm đấy mama đi vắng cả ngày nên chỉ nghe papa kể lại thôi. Con gái không biết điều này làm cả nhà vui thế nào đâu. Bằng tuổi con thì anh Kiên đã đi vững rồi, còn các bạn trong lớp con thì đã đi được từ lâu mặc dù kém con mấy tháng. Mama biết là con gái chậm mà, nhưng "đến hẹn lại lên" con nhỉ. Dạo này mama thấy con gái tiến bộ nhiều lắm.

Con đã biết bò bằng đầu gối rồi (yotsubai) mặc dù trước đó con đã có thể ngồi hay vịn đứng. Lẽ ra theo tiến trình đúng thì phải là bò-ngồi-vịn đứng, thì tiến trình của con lại là ngồi-vịn đứng-bò. Nhưng không sao, từ nay biết bò rồi thì cơ bụng và chân của con sẽ cứng cáp hơn nhiều đấy. Tư thế này rất tốt cho sự phát triển của cơ thể, tạo sự cân bằng để sau này con có thể đi được. Con biết bò bằng đầu gối rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn cứ bò bằng bụng, như là để đỡ tốn sức hay sao ấy. Nhưng việc con biết bò bằng đầu gối quả là một điều nằm ngoài dự đoán của bố mẹ. Bố mẹ cứ nghĩ đến tuổi này rồi thì con sẽ bỏ qua giai đoạn bò để tập đi luôn rồi cơ đấy (kiểu như ở VN gọi là trốn bò ấy). Thế mà con không "trốn" đâu, con quyết tâm phải vượt qua cái bài "bò đầu gối" này. Kiểu phát triển của con đúng là chẳng giống ai.

Dạo này con biết đòi nhiều thứ lắm. Đang ăn cơm thì lại chỉ tay vào cốc nước để đòi uống nước, uống nước xong thì lại chỉ tay vào món nọ hay món kia đòi ăn. Rồi có khi lại chỉ tay lên cao, chỗ mama hay cất bánh kẹo hay hoa quả để đòi ăn món khác. Vừa chỉ tay, mồm vừa nói "măm, măm" hay "ưm ưm".

Con cũng đã hiểu nghĩa được một số từ mà bố mẹ nói. Bảo tắt đèn đi ngủ là con ngửa đầu, chỉ tay vào bóng đèn. Bảo chuẩn bị mặc áo khoác là con chỉ tay vào chỗ mắc quần áo. Bố mẹ mặc quần áo chuẩn bị ra ngoài là con vẫy tay baibai ngay. Papa còn kể là ở nhà trẻ con đã biết chỗ cất giầy của con rồi đấy.

Con biết nhìn và bắt chước một số trò anh Kiên chơi đấy. Chẳng hạn như bỏ cái gì vào hộp, hay đẩy ôtô chuyển động. Dạo này còn thích nấp sau cánh cửa để ú oà. Thấy mọi người có vẻ sợ là cười khoái chí lắm.

Con cũng tự bám vào cái xe micky và đẩy đi khắp nhà. Mỗi tội là vẫn chưa biết chỉnh hướng, nên cái xe mà đâm vào tường không đi được nữa chịu, lại é é kêu để gọi mọi người đến quay xe cho. Có hôm anh Kiên nhiệt tình đi quay xe cho em suốt. Em lái xe chạm vào đâu là anh hăng hái quay xe cho em để em đẩy đi. Thỉnh thoảng cũng ra dáng ông anh chu đáo đấy.

Mama đang cứ lo là con có khi phải 2 tuổi mới biết đi như dì Hương ấy. Thế nhưng con cố gắng vượt dì đi nhé. Cháu là phải hơn dì chứ. Nhưng cái khoản đầu to thì không cần hơn đâu con ạ.

Wednesday, May 13, 2009

Chỉnh đốn lại anh cả (tiếp)

Ghen tị với em
Từ chuyện ăn cơm muốn được mẹ xúc cho như em Khanh, chuyện gì anh Kiên cũng so sánh với em, rồi ghen tị ra mặt. Thấy mẹ nói với em Khanh "lại đây mama bế nào" thì anh Kiên đang ở đâu lại chạy ngay vào ngồi chắn ở giữa đòi mẹ bế hoặc đu luôn lên người mẹ. Thấy em đang ngồi ghế ăn cơm, anh Kiên cũng chạy vào đòi ngồi cái ghế đấy, bắt em Khanh phải ra ngoài. Em Khanh vẫn còn bé, chưa biết gì nên phải chịu anh, chứ khi nào em lớn vài tuổi nữa thì 2 anh em lại tranh giành nhau to ấy chứ. Mà không biết lúc đấy anh Kiên lớn hơn rồi thì có biết nhường nhịn em gái không.

Đồ chơi thì em giật của anh, anh lại giật lại của em, chẳng mấy khi nhường em bao giờ. Bố mẹ cứ nói đến mỏi cả mồm "con nhường cho em đi, con là anh trai cơ mà", nhưng chẳng có tác dụng gì. Kiên lúc nào cũng trả lời thẳng cánh: "iya iya". Rồi có khi lại cho cái ô tô chạy chèn cả vào bàn tay của em. Bị bố mẹ nhắc nhở nhiều quá về việc "phải nhường cho em, phải yêu em, không được làm em khóc, không được đánh em" nên anh Kiên nhiều lúc tỏ ra không thích cô em gái tí nào.

Bố mẹ cũng biết ý, nên em Khanh mà hư là cũng lớn tiếng quát em Khanh ngay, để anh Kiên biết là đứa nào hư thì cũng sẽ bị mắng, không phải chỉ riêng gì anh Kiên đâu. Hôm nọ, thấy em Khanh hư, papa bảo "để papa xử lý". Một lúc sau, đến giờ đi ngủ, em Khanh vẫn chưa chịu nằm xuống mà cứ bò lổm ngổm khắp nơi, anh Kiên thấy thế gọi papa đang ở phòng ngoài "papa ơi, vào xử lý em Khanh đi", làm mama chết cười vì khả năng bắt chước như 1 con vẹt của con.

Luôn phải hỏi đi hỏi lại
Mama rất ghét và rất bực mình với cái kiểu này của con. Mời con ăn cái gì thì cứ phải mời đến 3, 4 lần. Lần thứ nhất con bảo là không ăn. Mời lần thứ 2 vẫn cứ bảo là không ăn. Nhưng mama mà cất đi định không cho ăn nữa là thế nào cũng "á, Kiên ăn, Kiên ăn". Đã nhắc con mãi là "ăn thì phải bảo ngay là ăn, đừng có cái kiểu như thế nữa", nhưng cái tính vẫn chưa suy xuyển tí nào. Papa ra lệnh là từ nay chỉ nói 1 lần thôi, không ăn là kiên quyết không cho ăn nữa, nhưng mà khổ, thế thì có mà chả ăn được cái gì. Vụ này vẫn chưa biết cách giải quyết thế nào đây. Mà hầu như chuyện gì cũng thế chứ không phải riêng cái vụ ăn uống.

Mama đến đón con ở nhà trẻ, giục con mỏi mồm là đứng lên xếp đồ chơi để đi về mà phải đến vài lần con cũng chưa chịu làm. Chắc tại vẫn muốn chơi tiếp. Rồi mama phải bảo "mama đi về trước đây, baibai nhé" thì mới vội vội vàng vàng vứt đồ chơi vào giỏ để đi về.

Rồi hay có kiểu giục đi shikko (đi tè) thì không chịu đi ngay, cứ mải chơi, đến lúc chạy vào toilet thì luôn ở trong tình trạng kéo quần xuống không kịp. Ở nhà thì toilet ngay gần, chạy vào cũng vẫn kịp, mặc dù cũng có vài lần ướt ra quần. Nhưng hôm nào đang ở ngoài đường thì có phải lúc nào cũng thấy ngay cái toilet trước mặt đâu. Thấy con túm túm tay vào quần, mama hỏi con có muốn đi shikko không, thì con cứ lắc đầu không. Đến lúc mặt nhăn nhó bảo mama là muốn đi shikko thì 2 mẹ con chạy đi tìm cái toilet đến 5 phút mà vẫn chưa đến nơi. Con chịu không được nữa thế là tè luôn ra quần, ngay giữa đường. Hoặc có hôm thì papa cho tè luôn bên vệ đường, gần đường sắt. Hôm qua đi học, 2 bố con nhìn thấy một con wanchan (con chó) unchi ngoài đường, papa bảo Kiên "thế là ngoan hay hư", Kiên trả lời "thế là hư, phải về nhà đi vào toilet chứ", papa lại hỏi "thế hôm nọ đứa nào đi shikko ngoài đường nhỉ", Kiên nhớ lại chuyện hôm nọ thì thấy ngượng lắm. Không biết từ nay về sau có rút kinh nghiệm không.

Wednesday, May 6, 2009

Chỉnh đốn lại anh cả


Anh cả Kiên đã thực sự chia tay được với Tom and Jerry, chia tay với màn hình tivi và máy tính, nhưng đấy mới chỉ là một phần nhỏ trong số những cái "hư" của anh Kiên thôi. Bây giờ mama mới hiểu ra rằng muốn luyện một thói quen tốt cho trẻ phải bắt đầu từ lúc còn bé, chứ để càng lớn càng khó bảo, khó sửa và khó bỏ. Các cụ có nói "dạy con từ thuở còn thơ" cấm có sai, nhưng chính xác hơn nữa thì có khi phải là "dậy con từ lúc dưới 3 tuổi" ấy. Dạo này mama thấy anh Kiên khó bảo kinh khủng.

Không tự xúc ăn
Hơn 1 tuổi con đã biết cầm thìa xúc ăn rồi, thế mà đến tận bây giờ, cứ ăn cơm ở nhà là bắt mama bón. Ớ lớp thì tất nhiên là con vẫn tự xúc ăn, nhưng ở nhà thì hoàn toàn không. Mama chiều con, muốn con ăn được nhiều, muốn con ăn gọn gàng sạch sẽ không bị rớt ra ngoài, muốn con ăn nhanh để con dọn dẹp, nên đã "thoả hiệp" bón cho con ăn.Và đấy là sự bắt đầu, là nguyên nhân của tình trạng "mama phải bón cho ăn" kéo dài đến tận bây giờ. Cũng có thể có nguyên nhân từ phía em Khanh, con thấy bố mẹ bón cho em nên cũng muốn được như thế, muốn được giống như em. Cũng chính vì thế mà mama muốn "chiều" con một chút. Nhưng mama thấy là cái thói quen xấu này càng ngày càng ngấm vào người con. Cứ đến bữa cơm thì bắt đầu mè nheo, không chịu ngồi vào ghế ngay , rồi đặt bát cơm trước mặt con là con ngúng nguẩy, kêu "mama, bón cho Kiên". Mama thì bón cho con từng thìa một, còn con thì chẳng chú ý vào thức ăn, chơi cái nọ, mó cái kia, có lúc lại còn nằm dài ra nhà, hoặc đang ăn thì chạy vào phòng trong lấy đồ chơi.

Thế mà hôm nào không có mama ở nhà thì thấy papa bảo là con ăn ngoan lắm. Papa cứ để trước mặt con 1 bát cơm và 1 bát thức ăn là con ngồi tự xúc, ăn hết. Vì papa còn phải bón cho em Khanh, có ai để con mè nheo nữa đâu.

Thế có nghĩa là "con hư tại mama" rồi, papa vẫn bảo thế. Đành phải chỉnh đốn con cái vụ ăn uống này thôi. Đã bắt đầu việc bắt con tự xúc ăn 2 hôm nay rồi, và hôm đầu tiên thì con khóc sưng mắt. Nhưng khóc rồi thì con vẫn phải ăn, con có không ăn thì mama cũng quyết tâm để cho con nhịn 1 bữa. Sau đấy thì con cũng tự ăn.

Đến tối, 2 mẹ con nằm cạnh nhau, mama bảo "Kiên không tự ăn thế là hư đấy"
Kiên: tại sao?
Mama: vì Kiên lớn rồi, Kiên 3 tuổi rồi còn gì, thì Kiên phải tự xúc ăn chứ
Kiên: ah, thế à. Thế em Khanh không tự xúc ăn, em Khanh hư
Mama: em Khanh còn bé lắm, chưa biết tự xúc đâu. Khi nào em Khanh lớn như anh Kiên, biết cách cầm thìa ăn cơm mà em Khanh không tự ăn thì mới hư.
Kiên: à thế à.

Con ngày càng hay so sánh, và ngày càng thể hiện rõ sự ghen tị với em. Nếu bố mẹ có mắng con, mà sau đấy không mắng em Khanh vì 1 lỗi tương tự là thế nào con cũng nhắc nhở "Bố mẹ mắng đi", hoặc quát cả em thay bố mẹ theo kiểu "anh Kiên quật cho bây giờ".

(còn nữa)