Saturday, January 31, 2009

Các con chọn gì trong ngày thôi nôi


Rồi sau này các con sẽ trở thành những người như thế nào?

Vào ngày con tròn 1 tuổi, bố mẹ thường hay đưa ra một số đồ cho con chọn, xem con có thiên hướng gì về sau. Điều này chưa chắc đã đúng mà chỉ là một phong tục dân gian thôi, nhưng hoá ra phong tục này không chỉ có ở Việt nam mà Nhật bản hay Hàn quốc cũng có. Có lẽ đây là 1 kiểu bói toán được du nhập từ Trung Quốc(?). Ở Nhật bản người ta gọi phong tục này là erabi-tori. Những đồ vật cũng được quy định khác nhau tuỳ theo vùng miền, và có lẽ cũng thay đổi theo thời gian. Nhưng về cơ bản những thứ hay được dùng là cuộn chỉ hay sợi chỉ (tượng trưng cho sự trường thọ, sống lâu), gạo (tượng trưng cho sự đủ ăn, hay thiên hướng làm nông nghiệp), tiền (tượng trưng cho sự giầu có, hay thiên hướng làm thương nhân, buôn bán, hoặc có khi người ta cũng dùng bàn tính), bút và vở (tượng trưng cho thiên hướng học hành giỏi giang). Hoặc người ta lại dự đoán thiên hướng nghề nghiệp của đứa trẻ qua việc cho chọn bàn tính (thiên hướng làm kế toán), bút chì (thiên hướng làm nhà văn) hay cái kéo (thiên hướng làm nhà tạo mẫu, thiết kế hay làm đẹp). Nói chung là tuỳ theo quan điểm của bố mẹ, chứ chẳng có quy tắc cụ thể nào. Ở Việt nam thì mama cũng không rõ là có quy định những thứ gì nữa, nhưng cứ thử cho vui xem thế nào thôi.

Ngày sinh nhật 1 tuổi của anh Kiên, sau khi đã tiệc tùng no say rồi thì bố mẹ nhớ ra là phải thử cho con chọn xem thế nào. Bố mẹ đem ra vài thứ, cũng chả rõ là nó tượng trưng cho cái gì cụ thể: 1 cái bút, 1 cái thìa, 1 cái que nhựa đồ chơi, lại 1 cái dài dài đồ chơi nữa (bố mẹ để nhiều cái dài dài thế để cho nó giống với cái bút đấy), 1 cái kẹo (thay cho gạo), 1 tờ tiền 1000Y (chắc ngày xưa người ta dùng vàng nhỉ), 1 cái ôtô đồ chơi mà con vẫn thích. Xếp tất cả các thứ ra rồi cho con ở cách xa khoảng 3m, con bò nhanh như "tên bắn" đến (phải nói là con bò nhanh thật) rồi 1 tay lấy ngay chiếc bút, còn tay kia lấy ngay cái que nhựa. Để mama "phán" xem là con trai mama có thiên hướng gì nhé: vì con lấy chiếc bút nên có vẻ con cũng ham học đấy, nhưng sau đó con lại còn thích cả chiếc que nhựa đồ chơi, nghĩa là con cũng ham chơi nữa. hừm, sau này không biết là con có chăm chỉ học hành không nhỉ. Sau đó bố mẹ lại thử 1 lần nữa, cho con ra xa để con bò lại gần xem lần thứ 2 thì con chọn cái gì. Lần này thì bố mẹ được 1 phen cười vỡ bụng vì con chọn ngay tờ tiền 1000Y. Chắc là sau này con trai sẽ giầu có đấy, bố mẹ chả phải sợ đâu. Mẹ cười to quá làm con trai sợ không biết chuyện gì đang xảy ra nên mếu luôn. Cái đoạn này cũng được quay video hết rồi, để vài chục năm nữa xem lại xem có đúng không nhé.

Đến lượt em Khanh 1 tuổi thì hôm sinh nhật em, bố mẹ quên mất việc này. Để đến hôm sau vậy (chắc là bói chệch 1 ngày vẫn "thiêng" thôi). Em Khanh là con gái nên bố mẹ để hơi khác một chút: 1 cái bút, 1 cái thước kẻ, 1 lọ nước hoa, 1 cái gương, 1 thỏi son (toàn những đồ con gái xem con gái của mama sau này có điệu đà không nhé), 1 cái bánh, 1 cái bàn tính, 1 tờ tiền yên (lần này papa rút trong ví ra cả tờ 1 man nhé). Em Khanh được đặt ra xa một chút để bò gần lại, nhưng lần này hơi khác ở chỗ là mama phải giữ chặt anh Kiên không để anh Kiên xông vào cướp, còn papa thì quay video. Đến nơi thì cái em Khanh chọn đầu tiên là cái bánh (cái này thì không hề nằm ngoài dự đoán của bố mẹ nhỉ, em thì chỉ có ăn là nhất thôi, papa bảo đúng là con pig), rồi 1 tay cầm bánh 1 tay chọn thêm cái bút. Phù, thế là mama thở phào nhẹ nhõm rồi, con gái không chỉ biết có ăn mà còn chăm chỉ học hành nữa. Đúng rồi con nhỉ, có học thì mới có cái mà ăn, mà có ăn thì mới có sức mà học, "có thực mới vực được đạo" ấy mà. Vẫn muốn thử lần thứ 2 nên mama lại bế em Khanh ra xa, nhưng tay em vẫn cầm chặt cái bánh không chịu bỏ ra, mama chỉ lấy được mỗi cái bút. Lần thứ 2 thì em chọn cái bàn tính điện tử, chứ không hề để ý đến tờ tiền nhé. Chắc con gái có khiếu kinh doanh, làm kế toán hay đếm tiền đây. Thế cũng không đến nỗi tồi, nhất là trong thời buổi này "phi thương bất phú" con nhỉ. Sau này con cố gắng học thật giỏi ở trường, ra ngoài xã hội thì làm ăn giỏi, kiếm được nhiều tiền, để có nhiều cái mà ăn nhé. À mà con gái chẳng để ý gì đến son phấn làm đẹp nhỉ, chắc là mải học mải làm ăn quá đây. Con gái cũng nên điệu đà một chút chứ, nếu không thì đầu to, răng khểnh, trán dô thế kia nhỡ sau này ê sắc thì khổ. Hêhê.

Tuesday, January 27, 2009

Thơ xuân khai bút

Xuân ơi, đừng đến nhé
Cho ai đó nhớ quê
Nhớ mưa phùn ngày Tết
Đền chùa toả khói hương

Xuân ơi, đừng đến nhé
Cho ai thấy lẻ loi
Ngắm người đi chơi Tết
Mỗi bóng mình với ta

Xuân ơi, đừng đến nhé
Cho ai thấy già thêm
Tất bật lo cơm, áo
Hằn sâu khoé mắt em

Xuân ơi, đừng đến nhé
Bởi đến rồi lại đi
Mùa xuân đâu ở lại
Như bóng câu qua thềm

Hay Xuân đừng đến vội
Để người mãi chờ mong

Xuân Kỷ Sửu 2009

Monday, January 26, 2009

Đón Tết Kỷ Sửu 2009

Tối 30 Tết cả nhà đi dự party đón Giao thừa của KG như mọi năm. Năm ngoái em Khanh còn bé quá chưa đi được nhưng năm nay cả nhà mình đi được rồi. Có hơi vất vả một tí, vì bố mẹ mỗi người phải phụ trách 1 đứa, chả ăn được mấy cũng chả nói chuyện được mấy. Nhưng lâu ngày gặp bạn bè cũng thấy vui, được nghe các cô chú ca hát cũng thấy có không khí xuân lắm. Kiên thì chỉ ăn được có vài miếng rồi chạy đi lung tung, rồi papa phải phục vụ hết đi shikko rồi lại đòi đi unchi, mệt cả người. Đến lúc muốn chụp ảnh cả nhà thì phải đi tóm cổ mãi mới lôi vào được, cứ đòi đi tìm bánh kẹo và dưa hấu để ăn. Chỉ có em Khanh là ngoan, ăn hết cháo đem ở nhà đi, lại uống hết bình sữa, rồi cứ thấy có ca nhạc là vỗ tay, đập chân có vẻ enjoy lắm.
Về đến nhà là gần 11h, hai anh em đặt xuống giường là ngủ ngay, chả cần phải ru với vỗ, vì buồn ngủ quá rồi. Kiên buồn ngủ quá thì dọc đường về cứ cáu loạn cả lên, papa có đi trước một tí cũng cáu, gào khóc toáng lên ngoài đường. Vì buồn ngủ quá đây mà. 2 đứa ngủ rồi thì bố mẹ vẫn đủ thời gian để gọi điện chúc tết ông bà nội ngoại, thắp hương cúng tất niên và ăn tất niên nữa (vì lúc nãy đã ăn được mấy đâu, về đến nhà mới thấy đói). 12h ở Nhật nhưng mới là 10h ở Việt nam, chưa đến giao thừa, nhưng chẳng thức được, ngày mai bố mẹ có nhiều việc lắm, chứ có được nghỉ Tết như ở Việt nam đâu.
Năm nay nhà mình có mâm ngũ quả rất đẹp, có chuối, bưởi, táo, quýt và quả kanki. Papa lại còn đi bẻ 1 cành quất ở dưới tầng lên nữa (kiểu như đi hái lộc ở Việt nam ấy nhỉ, ai mà cũng hái như papa thế này thì cái cây quất của bà chủ nhà chắc trụi luôn).
Tết năm nay bố mẹ vẫn cố gắng để làm đủ các món như mọi năm. Tiếp nối truyền thống của ông bà nội ngoại nhỉ. Có các món này thì mới thấy có không khí Tết một chút, cho dù là ở xa quê. Papa nói phải "quan trọng là cái không khí ấy".
Bánh chưng thì đi đặt, bánh gói bằng lá chuối nhưng ăn cũng ngon lắm, anh Chép hào hứng ăn hết 1 miếng. Xôi gấc, thịt chân giò luộc, thịt gà luộc, canh măng, giò xào, nem là bố mẹ làm. Món giò xào của papa thành công mỹ mãn vì mua được thịt thủ lợn, các món khác cũng đều ngon cả. Trước khi ngồi vào mâm, bụng đói meo, tưởng ăn được nhiều lắm, thế mà cũng chỉ hết được 1/10. Chắc mâm này phải ăn hết mấy ngày Tết mới hết ấy.

Anh Chép thò cả tay vào bốc bánh chưng ăn. Cả bữa anh ấy chỉ ăn được 1/8 cái bánh chưng, vài miếng giò xào và vài cái măng, rồi lại chạy loăng quăng, đem truyện tranh ra đọc. Chả bù cho em Khanh, đã ăn hết cháo rồi mà thấy cả nhà ăn lại bò ra, trèo lên chân papa, mồm kêu "măm măm". Papa đành phải gỡ thịt gà bón thêm cho, hết miếng nào là lại thấy "măm măm" đòi ăn miếng khác. 2 anh em, đứa thì phải chạy theo bón cho từng miếng, đứa thì cứ bám lấy đòi ăn, đuổi đi không đi.

Sang năm mới, chúc ông bà nội ngoại luôn khoẻ mạnh, chịu khó tập thể dục, giao lưu và đi chơi đây đó cho khoẻ người. Chúc cả nhà mình luôn có sức khoẻ, nhiều niềm vui, nhiều may mắn trong năm mới Kỷ Sửu 2009. Có thể đây là cái Tết cuối cùng phải xa nhà nhỉ. Mong lắm được đón Tết với ông bà và mọi người ở nhà, để được thưởng thức cái không khí Tết thực sự là Tết rồi đấy.

Friday, January 23, 2009

Sinh nhật 1 tuổi của em Khanh

Khanh-chan, cả nhà chúc mừng sinh nhật 1 tuổi của con yêu. Hôm nay ở lớp các cô và các bạn cũng tổ chức tanyobi cho con nhỉ. Thấy cô bảo là từ sáng con đã rất phấn khích rồi, chắc con biết hôm nay là sinh nhật của con mà. Nhưng mà ở nhà trẻ thì chỉ có bánh cake và nến tượng trưng thôi, con chả ăn được. Con là cứ phải cái gì ăn được cơ. Nhìn thấy đồ ăn một cái là vận động nhanh hẳn lên, mặt mũi tươi tỉnh hẳn lên. Mama cứ đùa là sao con giống dì Hương thế: đầu to và tham ăn. Sau này khéo 2 dì cháu lại chứ tranh nhau ăn ấy chứ nhỉ.
Hôm nay mama làm tặng con 1 cái bánh cake nho nhỏ. Bánh cake thì ngọt lắm nên chắc con chỉ ăn được quả dâu tây thôi. Mama làm thêm mấy bát zeri dâu và cherry cho anh Chép nữa, chắc là anh Chép sẽ thích.
Bữa tối nay có món hamburger thịt bò cho cả 2 anh em. Em Khanh thì ăn nhiệt tình lắm, nhưng anh Chép thì phải bón cho từng thìa, mà cứ ngúng ngoẩy đòi ăn xúc xích ở trong tủ lạnh. Mama bón mãi cho anh Chép chẳng hết bát cơm nên đành phải đi rán thêm xúc xích. Ăn tối xong vẫn chưa được lấy bánh cake ra ngay vì còn phải đợi papa đến 8h30 mới về. Anh Chép đã phát hiện ra cái bánh cake để trên cao nên cứ tí lại đòi lấy xuống. Còn em Khanh trong lúc chờ đợi cũng phải chén thêm 2 hộp sữa chua.
Papa vừa mở cửa vào là anh Chép nói ngay "papa ăn bánh kê-ki đi". Vừa để cái bánh ra bàn là anh Chép đã xông đến định nhón quả dâu, rồi em Khanh cũng bám lấy cái bàn để với bánh. Mama phải giữ cả 2 anh em không cho động vào bánh để papa còn đi tìm nến. Nhưng tìm mãi chả thấy đâu, chán thế, đành phải bắt đầu mà không có nến. Vì em Khanh muốn ăn lắm rồi. Đến chụp ảnh cũng chẳng chụp được nghiêm chỉnh, vì nhoáng 1 cái là hai anh em bốc mấy quả dâu ăn luôn. Em Khanh thì 2 tay 2 quả to đùng, cho vào mồm luôn cả 1 quả, mama sợ con nghẹn phải móc mãi mới ra rồi bón cho từng miếng. Anh Chép cũng ăn nhanh chả kém, nhoáng một cái là 2 anh em ăn hết cả dâu trên bánh và dâu thừa trong khay. Bánh cake thì nhoe nhoét kem, phần cho bố mẹ.
Đến tiết mục zeri đem ở trong tủ lạnh ra. Mama đang định bầy mấy quả cherry lên để chụp ảnh thì anh Chép cứ đòi lấy ăn. Bầy 3 quả thì đến lúc giơ máy ảnh lên là chỉ còn 1 quả, chả chụp được đẹp. 2 anh em ăn cứ nháo nhào cả lên. Em Khanh ăn bao nhiêu dâu tây, nước dâu chảy bẩn hết cả áo mới vừa thay. Anh Chép có dĩa cũng chẳng chịu cầm, cái gì cũng bốc tay bẩn hết cả.


Em Khanh đang chồm đến cái bánh đây này. Mama phải giữ em thật chặt để cho papa còn chụp ảnh trước khi em cướp được quả dâu tây.

Trông con gái như bà cụ non ấy nhỉ. Thích vịn đứng lên để chơi lắm, nhưng ở nhà chỉ có cái đồ chơi này là hơi cao 1 tí để em vịn, nhưng cứ phải gù gù lưng ấy.

Đây là lời chúc của mama nhân dịp Sinh nhật 1 tuổi của con gái (còn papa chúc thế nào thì kệ papa)

Đứng lên nào con gái
Hãy tự mình bước đi
Đi rồi con sẽ thấy
Phía trước có bao điều...

Khi con còn thơ bé
Mẹ dắt từng bước con
Nếu chẳng may vấp ngã
Mẹ nâng dậy, con yêu.

Sau này con khôn lớn
Vững bước trên đường đời
Có ngã cũng đừng sợ
Tự đứng dậy nhé con.

Mẹ dù không cạnh bên
Vẫn dõi theo con đấy
Con gái đi vững bước
Mẹ mỉm cười phía sau.

CHÚC CON GÁI MAU BIẾT ĐI CON NHÉ!

Monday, January 19, 2009

Triển lãm tranh

Thứ 7 vừa rồi cả nhà lại được đi xem tranh của anh Kiên dự triển lãm. Anh Kiên có nhiều tác phẩm lắm rồi. Chắc ở nhà trẻ tuần nào anh chẳng "sáng tác" ra được 1 cái. Mỗi người còn có 1 ngăn riêng để đựng các tác phẩm của mình. Đến cuối năm thì các cô sẽ "bàn giao" lại hết cho phụ huynh. Năm ngoái mama đã được đem về nhà 1 cái phong bì cỡ lớn đựng tất cả các tác phẩm của anh Chép trong năm 2008. Mama đã đem hết về Việt nam cất ở nhà ông bà rồi. Sau này anh Kiên mà có phòng riêng thì treo tất cả lên để trang trí nhé. Hoặc mama sẽ làm riêng cho con 1 phòng trưng bày các "tác phẩm nghệ thuật theo trường phái trìu tượng" nhỉ. Biết đâu sau này người ta biết đánh giá đúng các tác phẩm của con, hehe.
Không biết sau 1 năm thì tác phẩm của anh Kiên có gì mới không nhỉ. Còn em Khanh thì bé quá, chưa vẽ được gì nên các cô chỉ chụp ảnh em và các bạn để dự triển lãm thôi.
Phong trưng bày vẫn được bố trí giống như năm ngoái, các tranh được chia theo độ tuổi, từ 0 đến 5 tuổi. Tranh của anh Kiên thuộc lớp 2 tuổi, mặc dù anh Kiên đã lên 3 rồi cơ đấy. Mẹ và anh Kiên đang đi tìm xem tranh của anh Kiên treo ở đâu nào. Nhưng anh Kiên chẳng tìm thấy vì tranh treo cao quá, mà anh Kiên cũng chẳng có hứng thú đi ngắm tranh, chỉ nhìn 1 tí là lại chạy nhảy đi lung tung.
Em Khanh thì được papa cho nằm luôn xuống sàn để bò, tranh thì chả ngắm, nhưng thấy papa chụp ảnh thì cười tươi lắm.
Đây, tác phẩm của anh Kiên đây rồi. Hỏi anh Kiên là "con vẽ cái gì đấy" thì Kiên trả lời là "hikoki"(máy bay). Mama nhìn chẳng thấy giống cái máy bay gì cả. Mà nhìn cái tranh này mama nhớ ngay đến cái tranh con vẽ năm ngoái, cũng hao hao như thế. Cái màu đỏ là cái con vẽ năm nay, cái màu xanh ở dưới là cái con vẽ năm ngoái. Con vẽ cách nhau 1 năm sao mama thấy giống nhau thế nhỉ. Kể ra con vẽ được 2 cái tranh gần giống nhau thế là giỏi đấy. Nhưng cái tranh năm ngoái thì con bảo là con cua, còn tranh năm nay con lại bảo là cái máy bay. Đúng là tranh trìu tượng, hiểu thế nào mà chả được, con nhỉ. Bây giờ cứ cầm bút vẽ là thế nào con cũng bảo con vẽ máy bay, tàu điện hay ôtô, hoặc bắt bố mẹ vẽ cho xem. Hôm nọ con vẽ cái đường ray tàu điện giống lắm, cũng kẻ 2 đường song song rồi các thanh ở giữa, y như thật ấy.

Mama và em Khanh bên dưới tác phẩm của anh Kiên. Các tác phẩm của các anh chị khác cũng trìu tượng không kém nhỉ.
Papa còn cho em Khanh đứng 1 tí để chụp ảnh, nhưng chỉ được mấy giây thôi là phải đỡ em rồi. Đây là các tác phẩm của các anh chị 4, 5 tuổi. Phải công nhận là trẻ con Nhật vẽ rất tốt, biết tưởng tượng và thể hiện ý tưởng bằng màu sắc. Không biết sau này 2 anh em về Việt nam thì có được học vẽ ở mẫu giáo không nhỉ. Chẳng biết ngày xưa mama được dạy vẽ thế nào, chứ bây giờ chưa chắc mama đã vẽ được như các bạn 4, 5 tuổi này đâu.
Đến lúc sang Qanat chơi thì lại được thưởng thức gian trưng bày tranh dự thi theo chủ đề "Vẽ từ nội dung các câu chuyện" của các anh chị tiểu học. Tranh ở đây mới gọi là đáng ngạc nhiên chứ. Mới học tiểu học gì mà vẽ giỏi thế không biết. Bế em Khanh đi xem tranh một lúc thì em luôn mồm "măm măm măm". Đang thưởng thức nghệ thuật thì con lại chỉ nghĩ đến ăn. Chán quá.

Friday, January 16, 2009

5 ngày nữa em Khanh tròn 1 tuổi

Con gái của bố mẹ ơi, con sắp tròn 1 tuổi rồi đấy. 1 năm vừa rồi quả là vất vả con gái nhỉ, vì biết bao nhiêu lần phải đi khám này, phải nằm viện này, phải cuống cuồng lên những lúc con sốt hay ho này. Mong rằng con gái lên 2 thì phải cứng cáp hơn nhé, khỏe hơn nhé, chóng biết đi để còn chơi nhiều trò với anh Chép nữa nhé.

1 tuổi con đã có 8 cái răng rồi. Rằng hàm trên thì "to như bàn cuốc", răng hàm dưới thì nghiêng bên nọ nghiêng bên kia, chẳng thẳng hàng gì cả. Mama trêu là sau này khéo lại tốn tiền $ để mà chỉnh lại hàm răng ấy chứ. Nhưng được cái răng của con sắc lắm, cắn anh Chép thì anh Chép cũng phải sợ. Mà lâu lâu rồi chưa thấy con mọc thêm răng nhỉ. Con gái xem thế nào đi nhé.

1 tuổi con đã biết chắp tay itadakimasu trước lúc ăn cơm, biết vẫy tay để baibai này, nhất là lúc nào nghe giọng bà ngoại bảo "vẫy tay chào bà đi" là thế nào con cũng vẫy ngay, con nghe giọng bà tinh thế. Nhưng lúc bố mẹ bảo con vẫy tay chào bố mẹ lúc đưa con đi nhà trẻ là thế nào con cũng lắc đầu, hoặc không chịu vẫy. Chắc là con không thích chia tay bố mẹ nhỉ. Con còn biết đưa tay lên mồm "oa oa oa" để nghịch này, biết vỗ tay này. Con bắt đầu thích bắt chước và làm theo bố mẹ rồi đấy.

Con đã biết tự cầm bình sữa để ăn rồi. Lúc đầu cầm bình bé, sau cầm được cả bình to. Nhưng con lười lắm, có bố mẹ cầm hộ là bỏ tay ra ngay. Bình to thì cầm được một lúc, mỏi tay quá thỉ chả cầm được nữa, quay ra nghịch bình sữa, lăn bên nọ bên kia hay cầm ngược cả đi. Con cầm thanh cà rốt hay thanh bánh dài là ăn nhanh lắm. Ăn gần hết rồi, chỉ còn một mẩu bé tí là con biết chuyển sang tay bên kia để ăn nốt. Đúng là về cái khoản ăn của con thì mama không có gì phải phàn nàn. Nếu có phàn nàn thì chắc là chỉ lo con ăn nhiều quá, đầy bụng thì lại không tốt đâu.

Con thích tranh giành đồ chơi với anh Chép lắm, nhưng lấy được của anh xong thì con chẳng thèm chơi mà vứt đấy luôn, rồi lại xông vào tranh tiếp đồ chơi khác mà anh đang chơi. Anh Chép nhiều lúc bực mình với em lắm, cứ hét toáng lên "akachan, akachan, a~ka~chan~" nhưng akachan nghe có hiểu gì đâu, cứ mặc kệ, xông vào tranh tiếp. Bị anh đẩy ra thì thế nào cũng khóc. Mà toàn những cái ôtô yêu quý của anh Kiên, anh có cho em 1 cái thì em lại chả cần, cứ phải tranh cái mà anh đang chơi mới chịu. Đúng là con gái lành chanh lắm.

Con chưa tự ngồi được, chưa vịn đứng được nên tất nhiên là con chưa đi được. Thế là hơi bị chậm đấy con gái nhé. Được 1 tuổi rồi là con phải cố gắng thật nhiều đấy. Nhưng thực ra cũng có vài lần con đã tự ngồi được rồi. Con ngồi chơi được 1 lúc, 2 tay cầm 2 đồ chơi, chứ không phải chống tay xuống. Ngồi trên xe đẩy đến nhà trẻ thì con ngồi suốt, nhìn ngó xung quanh, mặc dù trời rất lạnh, cái gì cũng làm con lạ lẫm. Khi nào con ngồi vững mà ngồi được ghế xe đạp thì đi lại đỡ mất thời gian nhỉ. Nhưng đợt này đang lạnh quá, ngồi xe đạp rét lắm.

Sinh nhật con gái năm nay gần với Tết nguyên đán nhỉ. Ăn sinh nhật và ăn Tết luôn. Nhưng đợt này mama vẫn bận quá con gái ạ nên chắc là chả làm cái gì cầu kỳ được đâu. Thôi được rồi, hôm đấy mama sẽ cho ăn thoả thích thật nhiều nhé, ăn tuỳ ý con nhé. Con gái của mama chỉ có ăn là nhất thôi. Sang tuổi mới bố mẹ chỉ cầu mong con luôn khỏe mạnh và chóng biết đi con nhé.

Thursday, January 15, 2009

Chuyện anh Kiên (tiếp)

Papa không được đi trước
Sáng ra mama đèo Kiên đi học bằng xe đạp, còn papa đưa em Khanh đi bộ bằng xe đẩy. Cả nhà thì đã hay dậy muộn mà anh Kiên thì cứ lề mề chẳng chịu ăn sáng cho nhanh, không chịu đi tè, rồi để mama phải chạy theo mặc quần áo, đi tất, đội mũ cho. Mất bao nhiêu là thời gian. Bảo mãi vẫn không chịu nhanh lên cho gì cả. Nhưng cứ dọa "Khanh-chan ăn xong trước rồi đi trước nhé" là thế nào cũng cuống lên cho mà xem. "akachan, saki ni ittara akan" (akachan không được đi trước), rồi rối rít ăn và mặc quần áo.
Lúc đi học về cũng thế. Cả nhà đi ra ngoài cửa để đi về nhưng cứ nhất định phải đi trước. Ai đi trước cũng không cho. Papa có đẩy xe của em đi trước để về cho nhanh vì phải đi bộ thì Kiên dậm chân ăn vạ ngay "papa saki ni ittara akan", gào rõ to giữa sân nhà trẻ. Papa phải dừng lại đợi cho Kiên chạy lên trước thì mới chịu. Ra ngoài đường rồi mà mama chưa kịp cho ngồi lên xe đạp để về mà thấy papa đi trước là thế nào cũng lại gào lên y như thế, có khi ngồi trên ghế của xe đạp mà cứ đung đưa, đòi mama phải đi nhanh lên, làm mama luống cuống chỉ sợ ngã. Mama đã giải thích mãi là xe đạp thì đi nhanh hơn, con để papa đi trước thì mama cũng đuổi theo được ngay, nhưng cũng nhất định không chịu, đòi phải được xuất phát trước cơ. Rồi thấy được đi trước papa và akachan là thế nào cũng cười khoái trí lắm. Rất hay có kiểu chành choẹ với em từng tí một như thế.

Chả biết có tin được không
Dạo này Kiên hay kể chuyện ở nhà trẻ cho mẹ nghe lắm, kể thì cứ dài dòng văn tự, kiểu như là ano na, xong lại êtô na. Ví dụ như ta-chan na kyowa na sanrinsya ni na notteiru na (bạn ta-chan hôm nay đi xe đạp ba bánh), toàn na là na, nghe nhiều lúc đến phát mệt lên được. Mà nhất là trước khi đi ngủ, cứ véo von như thế, mãi chả ngủ được. Dạo này lại còn kể cho mama như thế này nữa chứ, chả biết là có thật không: "Ishii sensei cấu Kiên". Mama ngạc nhiên hỏi lại "sao Ishii sensei lại cấu Kiên?", Kiên bảo "vì Kiên hư", "thế thì sensei cấu là đúng rồi" (ôi trời,mama đành phải nói thế). Kiên phải ngoan nhé. Hôm khác thì vẫn kể là cô Ishii cấu, mà còn cấu vào tai nữa, đau nữa mới chết chứ. Cái này thì mama làm sao mà biết được là có đúng hay không nhỉ. Có hôm Kiên lại kể "Ishii sensei không tôn-tôn (vỗ lưng) cho Kiên ngủ trưa, vì sensei bảo sensei không tôn tôn đâu, sensei mệt rồi". Khổ thân con trai, hôm nào mà không được cô tôn-tôn cho thì chắc là khó ngủ lắm. Buổi tối lúc nào cũng phải "mama tôn tôn shitê" thì mới ngủ cho.

Chẳng ra Nhật cũng chẳng ra Việt
Bây giờ nói thì tốt hơn nhiều rồi, nhưng mà có kiểu nửa Nhật nửa Việt, đi tắm thì "issyo ni kyukysha patoroka tắm này" (tức là cho cả xe cứu thương và xe cảnh sát (đồ chơi) tắm này), "cơm tabenai" (không ăn cơm đâu), "ima đi ngủ shinaiwa" (bây giờ không đi ngủ đâu). Nhưng buồn cười nhất là kiểu nói tiếng Việt ngữ pháp đảo lộn lung tung cả. Muốn mama bóc kẹo cho thì "mama kẹo bóc", muốn xin kẹo mút thì toàn nói thành "mút kẹo", sửa mãi mà lần sau vẫn cứ nói y như cũ. Nhưng bây giờ Kiên có thể nói được nhiều chuyện với bố mẹ bằng tiếng Việt rồi.Để lúc nào mama nhớ ra thì lại viết tiếp nhé.

Sunday, January 4, 2009

Chuyện anh Kiên lúc lên 3


Kiên quát em

Chuẩn bị đi ngủ, mẹ hay hỏi Chép: “con đã mặc bỉm chưa?”.

Hôm nay Chép quay sang cao giọng quát em Khanh “akachan đã mặc bỉm chưa?”

Mama: akachan mặc rồi

Chép lại quay sang mama quát: mama đã mặc bỉm chưa?

Mama: mama lớn rồi, không phải mặc nữa.

Kiên cãi lại: Kiên lớn rồi

Mama : không, Kiên vẫn còn bé lắm.


Kiên thấy em Khanh chuẩn bị ngủ mà vẫn e e khóc thì bảo “akachan lại bắt đầu đấy”, đúng là cái giọng của mẹ hay bố lúc mắng Kiên. Rồi “akachan hư, mama mắng đi”. Anh Kiên hay quát nạt em lắm. bố mẹ quát Kiên thì Kiên quát akachan. Ở nhà Kiên vẫn lớn hơn akachan mà.


Thấy em Khanh khóc, anh Kiên lại quát « nín ngay » rõ to. Rồi thấy mama đang hát cho em Khanh nghe cũng cao giọng quát « mama nín ngay ». Đúng là cái đồ chưa nói sõi tiếng Việt.

Muốn cho Kiên ăn nhiều cơm, mama hay bảo: "nếu Kiên ăn nhiều cơm thì sẽ ookikunaru (lớn đấy)". Nhưng Kiên hay bảo là Kiên lớn rồi, rồi đem cái ghế con ra xếp chồng lên cái ghế của Kiên, đứng lên 2 cái ghế cho mama xem Kiên cao như thế nào. Mama đang ngồi, đứng dậy cho Kiên thấy là mama cao hơn cả Kiên đứng trên ghế: “đấy, Kiên vẫn bé lắm, nhìn mama cao chưa này”. Kiên nhìn thấy mama cao quá thì hihì cười.


Kiên học đếm và cộng trừ

Có vẻ như con trai đã học được phép cộng trừ đến 5. Papa luyện bằng cách đếm kẹo. Hồi trước xin kẹo toàn xin 2 cái, nhưng bây giờ chuyển sang xin 5 cái, vì cậu biết 5 là nhiều hơn 2 mà. Xoè cả 5 đầu ngón tay ra. Nhưng papa chỉ đưa cho có 4 viên. Kiên đếm đi đếm lại thấy chỉ có 4 thì quay sang bảo papa là “thiếu 1 viên” rồi chìa 1 ngón tay ra bắt papa phải đưa thêm cho đủ. Đếm đủ 5 viên là cậu cười tươi lắm.


Kiên có 5 cái ôtô to, mama bảo "cho em Khanh mượn 1 cái thì Kiên còn mấy cái?"

Kiên xòe 4 ngón tay ra.

Mama bảo : cho em Khanh mượn tiếp 2 cái nữa thì Kiên còn mấy cái?

Kiên nghĩ 1 lúc rồi xoè 2 ngón tay ra, mà chỉ nghĩ trong đầu thôi, chứ không đếm nhé. Con trai mama giỏi phết nhỉ (lại khen con rồi, hehe)

Mama hỏi tiếp: con cho em Khanh mượn thêm 1 cái nữa thì con còn mấy cái?

Kiên xoè 1 ngón tay ra.


Kiên biết nịnh nọt

Bây giờ Kiên thuộc giai điệu bài hát “Gà mà không gáy…” nên thỉnh thoảng lại ngân nga hát. Lời thì chưa chuẩn lắm, toàn hát kiểu “lalalala…..con gà con”. Nhớ nhất là đoạn “con gà con” hay “con gà cha”. Nhưng papa thì toàn hát kiểu « gà mà không gáy là con gà toi » nên Chép cũng hay bắt chước « con gà toi », mama sửa mãi mới hát đúng thành « con gà con ». Nhưng lúc nào muốn nịnh papa làm cho cái gì là thể nào cũng « gà mà không gáy là con gà toi » cho mà xem, rồi papa thế này papa thế kia. Con trai biết nịnh nọt ra phết rồi đấy, láu cả lắm. Lúc mama cho kẹo mà hỏi « gà mà không gáy là con gà gì hả con ? » thì thế nào cũng trả lời « con gà con yan ».


Kiên đi tè

Kiên toàn có kiểu mải chơi không chịu đi tè ngay, toàn đến lúc sắp ra quần rồi mới chịu chạy vào toilet. Lần này cũng thế, cuống cuống tự chạy vào toilet, mở cửa, cởi quần để shikko, suýt nữa thì ra quần. Bố mẹ ở ngoài thấy thế buồn cười quá cười to thì bị anh Kiên quát ngay « bùn cười cái gì đấy, hả » làm bố mẹ càng buồn cười anh con trai hơn.


Kiên (đôi khi) cũng công bằng

Mama rán 4 chiếc xúc xích to, có que cầm. Mama hỏi Kiên « thế 4 chiếc này chia thế nào hả Kiên ? ». Kiên bảo « papa 1 cái, mama 1 cái, Kiên 1 cái, akachan 1 cái ». Con trai thích ăn lắm nhưng vẫn biết chia công bằng phết nhỉ. Nhưng sau đấy thì được em Khanh cho 1 cái của em Khanh nên Kiên được chén 2 cái.


Kiên mặc cả

Kiên vẫn nghiện Tom and Jerry lắm, nhưng bây giờ xem hiểu nội dung hơn rồi, nhớ được đâu là Tom, đâu là Jerry rôi, vừa xem vừa cười khanh khách. Nhưng có kiểu đòi bật Tom thì mới chịu ăn « mama, xem Tom Jerry là ăn », rồi « mama, xem tôm jerry là đi ngủ », hôm nọ lại còn thế này nữa « mama, xem tôm jerry là đi chơi công viên ». Cái gì con cũng ra điều kiện hết cả, chán thế không biết. Lúc nào xin được xem thì toàn nói « xem tôm jerry 1 lần thôi », nhưng xem hết 1 lần thì không chịu , cứ đòi xem nữa. Papa nghĩ ra cách cũng hay « cho Kiên xem 3 lần nhé, đúng 3 lần nhé, hết 3 lần thì tự động đi ra nhé » Kiên đồng ý ngay, xem xong 1 lần thì lại đếm, đúng 3 lần là đi xuống, chẳng cần ai phải bảo.

Saturday, January 3, 2009

Thiếu một chút, đã sao?


(Dựa trên cảm xúc từ bài thơ "Thêm một" của thi sĩ Trần Hoà Bình)

thiếu một chút muối thôi

món ăn thành nhạt nhẽo

thiếu chiếc ô che đầu

cơn mưa thành đáng trách


thiếu một chút nắng mai

sao thấy ngày u ám

thiếu một chút ánh trăng

thấy đêm đen không màu


thiếu một chút thông tin

thấy mình như lạc lõng

thiếu một chút vận may

mà thành người chiến bại


thiếu một chút khôn ngoan

ra quyết định sai lầm

thiếu một chút niềm tin

nghi ngờ nhau mãi mãi


thiếu một chút bình tâm

lời nói thành xúc phạm

thiếu một chút bao dung

chẳng thể nào tha thứ


thiếu một lời hỏi han

thấy lòng sao cô quạnh

thiếu một lời chỉ dẫn

thấy mình mất hướng đi


người đời ai cũng nghĩ

thiếu thứ này thứ kia

nhưng thiếu nào có phải

lúc nào cũng không hay


thiếu một chút bận bịu

có thể ngắm bình minh

ngồi bên nhau tán chuyện

nhấm nháp tách cà phê


thiếu một chút khôn ngoan

thấy sống đời đơn giản

thiếu một chút bon chen

thấy như lòng thanh thản


thiếu một chút tuổi tác

thấy sức trẻ căng tràn

thiếu một chút trải nghiệm

có thể dám hiểm nguy


thiếu một chút bình thường

có khi thành kiệt xuất

thiếu một chút lý thuyết

có thể thực tế chăng ?


thiếu một chút, đã sao ?

bằng tình yêu bù lại


Friday, January 2, 2009

Ngày đầu tiên của năm 2009

Sáng mùng 1 năm 2009, trời rét căm căm. Ra đường mới biết thế nào là rét. Thỉnh thoảng có vài hạt mưa lất phất, cứ như thời tiết của mùng 1 tết nguyên đán ở nhà vậy.

Như mọi năm cả nhà đi lễ đền và chùa trong ngày mùng 1. Bây giờ gần nhà nhất thì có đền Tanaka. Chép vẫn hay được các cô giáo cho đi dạo ra đền này chơi. Ở ngay cổng vào có một con chim công. Nhưng cậu ấy cứ lừ đừ ngủ thôi chứ chẳng chịu xòe đuôi ra gì cả. Mà làm gì có con mái nào cho cậu ấy biểu diễn chứ.

Cũng có nhiều người đến lễ. Nhưng đền này nhỏ nên không đông lắm. Chứ nếu đi đền Shimogamo thì chen không được. Cả nhà vào tung đồng xu, rung chuông và lễ. Anh Chép cũng tự tung đồng xu của mình, nhưng chắp tay lễ thì nhanh lắm. Lễ xong còn ngó ngó vào bên trong xem có những gì. Ban thờ được bầy biện rất đẹp, toàn những thứ đặc trưng cho ngày Tết ở đây như bánh nếp, hoa quả.

Phía ngoài cổng người ta đang đốt lửa bằng những thanh củi to. Chắc để xua đuổi tà ma, đem lại những điều may mắn tốt lành cho 1 năm mới. 1 ông sư (chả hiểu gọi là gì nữa) ra mời bố mẹ mỗi người 1 chén rượu gạo, uống vào thấy ấm cả người. Bây giờ mới để ý người ta để gần đó 1 bàn bầy 1 chai rượu to, cốc giấy, trang trí thêm hoa để mời khách đến viếng đền. Ông ấy cũng bảo ngày mùng 3 ở đây có tổ chức lễ cầu may, nếu có thể thì đến xem nhé.

Trước khi về anh Chép còn tranh thủ trượt mấy lần cái cầu trượt ở phía bên ngoài. Chắc đến đây chơi nhiều nên cậu thấy quen rồi. Cầu trượt cao thế mà cứ tự trèo lên tụt xuống chả thấy sợ gì cả.
Sau đến Tanaka thì cả nhà còn đi bộ sang chùa ở Hyakumanben, nhưng chùa này vắng lắm, chỉ có các gia đình đi đến thăm mộ người thân ở phía sau chùa thôi.

Định rẽ qua Qanat chơi một tí nhưng mưa quá nên cả nhà đi về. Dọc đường papa còn mua cho anh Chép 1 cái bánh bao nóng nữa. Ngày đầu tiên của năm mới lạnh nhưng thấy trong lòng ấm áp.

Đi qua cầu để vào đền lễ là bước đầu tiên trong trình tự đi lễ ở đền, theo phong tục truyền thống của người Nhật.
Rồi xúc miệng và rửa tay trước khi vào lễ. Nhưng nước hôm nay lạnh quá, anh Chép không chịu xúc miệng. Với lại trong miệng đang ngậm kẹo rồi.
Năm 2009 là năm con trâu (ở Nhật hình như là con bò). Anh Chép bây giờ lại có kiểu giơ 3 ngón chứ không phải 2 ngón nữa. Chắc quen kiểu giơ 3 ngón ra để xin kẹo ấy mà.
Papa thì bế em Khanh chụp 1 kiểu, nhưng anh Chép thì cứ mải bốc sỏi để nghịch, tay bẩn hết cả.
Những cái cổng đỏ đỏ phía sau là do các cá nhân hay các tổ chức tặng cho đền. Trên mỗi chiếc có ghi rõ cả tên. Có lần xem tivi thấy bảo những cái này đắt lắm ấy.
Em Khanh cũng tươi tắn lắm, nhìn ngó xung quanh. Hôm nay anh Chép được mama lì xì 1 cái kẹo, thế mà em Khanh chưa được gì nhỉ. Hay là 1 bình sữa nhé, hehe.

Thursday, January 1, 2009

Tạm biệt 2008!

Bây giờ đang là những thời khắc đầu tiên của năm 2009. Ngồi nghĩ lại năm 2008 đã qua thấy quả là có nhiều sự kiện đáng nhớ. Đầu tiên là sự ra đời của em Khanh (ngày 22/1) sau đúng 39 tuần 6 ngày mang thai. Bây giờ gia đình nhỏ thành gia đình 4 người, ông bà nội ngoại có thêm một đứa cháu gái, anh Chép cũng được lên chức anh cả. Có thêm Khanh, bố mẹ bận rộn lắm, nhất là lúc sinh em không có ông bà sang giúp đỡ. Bố phải tắm cho em, cho em ăn, thay bỉm cho em và đưa em đi nhà trẻ là chuyện thường ngày, ngay cả khi bố chưa hoàn thành luận văn. Nhưng có em Khanh, nhà mình có thêm nhiều niềm vui lắm. Bố bảo "có con gái sao thấy hạnh phúc thế". Đúng là có thêm 1 cô con gái thấy niềm hạnh phúc thật trọn vẹn.
Năm 2008 cũng đánh dấu kết quả 4 năm học của papa bằng tấm bằng Tiến sĩ ở trường Kyoto Institute of Technology. Cũng không ngờ là papa có thể hoàn thành xong chương trình học đúng kế hoạch như thế. Xin chúc mừng papa. Hy vọng tấm bằng này sẽ là nền tảng cho papa trong chặng đường phía trước, cho dù papa sẽ làm bất cứ một công việc gì.
Năm 2008 cũng là một năm của những chuyến đi. Đầu tiên là chuyến đi đầu tiên của papa sang Chicago dự hội thảo. Papa cũng có dịp gặp gia đình bác Châu Giang và 2 anh Bình, Minh ở Chicago. Có thể nói hạnh phúc của cuộc sống một phần là nhờ những chuyến đi. Đi để gặp gỡ, để biết thêm những miền đất mới, những con người mới. Bất cứ khi nào có điều kiện (về thời gian, sức khoẻ và tiền) mama cũng đều muốn được đi đâu đó chơi. Ở Việt nam thì sẽ là Nha Trang, Đà lạt, Mũi né, nước ngoài sẽ là Trung quốc, Ấn độ, Ai cập hay đi lại một lần nữa Ý và Pháp. Nhất định phải tiết kiệm tiền mới được, hihi.
Rồi chuyến đi của cả nhà về Việt nam vào tháng 10-11. Anh Chép thì háo hức được đi máy bay, còn em Khanh thì ngơ ngác lạ lẫm với xung quanh. Về nhà được ông bà chăm chút cho thật là thích. Bây giờ ông ngoại thì chơi với anh Chép, bà ngoại thì có em Khanh để bế, thế cho "công bằng". Đợt này ông bà nội chuyển sang nhà mới nên papa cũng có nhiều việc phải làm lắm. Chép về Việt nam đợt này học được bao nhiêu tiếng Việt, mama đỡ phải dậy.
Năm 2008 cũng đánh dấu chuyến chở về của dì Thu và sự đoàn tụ gia đình. Cả nhà lại có 1 dịp được gặp nhau đông đủ trong ngày lễ báo hỉ của dì ở Hà nội. Tuy ngắn ngủi, chưa đủ thời gian để hàn huyên với nhau mọi điều, chưa đủ thời gian để uống với nhau 1 cốc cafe nóng như ngày xưa, hay đi chơi lòng vòng Hà nội nhưng thế cũng là tốt lắm rồi. 1 bữa tiệc ấm cúng và trang trọng cũng đủ để cho người Pháp hiểu hơn về truyền thống và giá trị của gia đình người Việt nam, và những người Việt nam hiểu hơn về một phong cách giản dị và chân thành của những vị khách Pháp. Chắc chuyến đi này đã để lại những ấn tượng với nhiều sắc thái khác nhau trong những vị khách đến từ vùng núi ở nước Pháp xa xôi.

Năm 2008 cũng có nhiều các lễ hội diễn ra như mọi năm, như Lễ hội sao vào tháng 7, Lễ hội mùa hè ở nhà trẻ, Ngày hội thể thao vào tháng 9, Triển lãm tranh, Ngày bố mẹ cùng con đến lớp vào tháng 11. Mỗi lần tham gia lễ hội lại thấy các con lớn thêm một chút, biết làm nhiều thứ hơn. Năm 2008 được đánh dấu bằng sự kiện cuối cùng là Sinh nhật 3 tuổi của anh Chép. Anh Chép 3 tuổi thì cũng có nghĩa là em Khanh sắp được 1 tuổi rồi. Những lúc nào mệt, papa lại than "ôi sao tôi mới ngần này tuổi mà đã có 1 đàn con thế này". Hêhê, 2 có nghĩa là số nhiều rồi papa nhỉ. 1 đàn con nheo nhóc và 2 bố mẹ chưa có việc làm. Nghe có hoàn cảnh không. Nhưng cái gì cũng cần có thời điểm của nó. Hy vọng năm 2009 là sẽ là một năm đem lại những thời điểm thuận lợi cho cả gia đình mình.

Năm 2008 cũng để lại những lo lắng, vất vả cho bố mẹ mỗi khi các con ốm. Nào là em Khanh phải nhập viện, rồi các xét nghiệm, rồi thỉnh thoảng nhà trẻ lại gọi điện báo rằng các con sốt phải đến đón về. Có lẽ điều mẹ cầu mong nhiều nhất cho năm 2009 là cả nhà mình, ông bà, bố mẹ, các con luôn mạnh khỏe, tránh xa được thuốc thang, bác sĩ và bệnh viện.

Cuối cùng, xin chúc một năm 2009 an lành với nhiều niềm vui hạnh phúc !!!