Saturday, March 28, 2009

Những kỷ niệm buồn ở nhà trẻ

Nghe cái tiêu đề như vậy có vẻ hơi khó hiểu, nhưng mama muốn kể lại những tai nạn nhỏ của các con ở nhà trẻ suốt gần 3 năm qua. Lẽ ra mama không muốn nhắc đến đâu nếu như nó không xảy ra khá nhiều lần.

Lần đầu tiên là anh Chép bị ngã từ trên bàn thay bỉm cao gần 1m ở nhà trẻ, lúc đấy con mới có 6 hay 7 tháng tuổi gì đó. Cô giáo của con là cô Shimako, 1 cô giáo đầy kinh nghiệm trong công việc mà bố mẹ vẫn tin tưởng và ngưỡng mộ phong cách của cô. Mama đang ở trường thì cô gọi điện, nói là con bị ngã, mama phải đến trường để cùng cô đưa con đi bệnh viện khám. Mama liên lạc ngay với papa để bố mẹ cùng đến trường xem thế nào. Mama lo quá. Lúc đến nơi thì con đang ngủ trưa. Cô kể lại sự việc và liên tục xin lỗi. Lúc đấy cô đang thay bỉm cho con ở trên bàn, cô vừa quay đi vứt cái tã, chỉ vài giây thôi thì con đã lật người lại, vượt qua cái chắn cạnh bàn và rơi xuống đất. Cũng may là con hơi bám được vào cạnh bàn và rơi người xuống chứ không bị đập đầu. Nhưng cái bàn khá cao so với người con. Sau đó cô có theo dõi các biểu hiện của con, mặc dù không thấy có gì khác thường, cô vẫn liên lạc ngay với bố mẹ để đưa con đi khám. Papa nhìn qua thấy con không sao nên quay lại trường, chỉ có mẹ và cô đưa con đi bằng taxi. Cô địu con sau lưng, đi gấp gáp, mái đầu bạc trắng, lưng cong cong làm mama thấy cô như là 1 người bà hơn là 1 cô giáo. Cô tự địu con, chứ không cho mẹ bế, vì cô nghĩ đấy là bổn phận là trách nhiệm của cô, là lỗi của cô. Mama cứ đi theo sau cô như thế đến bệnh viện. Đến nơi cô trình bày rõ ràng với bác sĩ, bác sĩ khám xong thì kết luận là không có vấn đề gì. May mắn là con không bị làm sao. Cô vẫn tiếp tục xin lỗi. Cô bảo 30 năm trong nghề chưa bao giờ cô để xảy ra những việc như thế này, thế mà đến lúc cô đã quá lão luyện trong nghề rồi, đã gần đến tuổi nghỉ hưu rồi mà còn để xảy ra lỗi đáng tiếc. Cô bảo sẽ sắp xếp lại phòng, sẽ kê lại cái bàn thay bỉm để không để xảy ra sự việc tương tự nữa. Thực lòng là mama chỉ lo lắng cho con, chứ không trách cô nhiều, bởi sự việc xảy ra ngoài mong muốn, và do 1 lỗi sơ xẩy rất nhỏ của cô, hơn nữa con ở tầm tuổi đấy chân tay không lúc nào ngừng nghỉ, làm người lớn nhiều khi cũng không theo kịp. Nhưng trong lòng mama vẫn thầm mong các cô luôn cẩn thận hơn để các cháu không bao giờ bị ngã như thế nữa, mama nghĩ trong lòng chứ không nói ra. Sau đấy thì cô Shimako cũng chuyển sang nhà trẻ khác. Suốt thời gian cô chăm sóc anh Chép có bao nhiêu kỷ niệm vui và thân thiết, nhưng cũng có 1 chuyện không vui như vậy mà bây giờ mama mới kể ra.

Lần thứ 2 là em Khanh. Cô Hara bảo là cô đang bế em trên tay, định đặt em xuống sàn, nhưng ở khoảng cách khoảng 20cm cô bị tuột tay và em bị đập mông xuống sàn. Có lẽ là em không bị đau, nhưng do bất ngờ nên em sợ, khóc kinh lắm, khóc đến mức ngừng thở một lúc, mặt tím xanh đi. Cô lại xin lỗi. Còn mama hỏi lại xem em có bị va vào đầu không. Chắc là em không sao đâu, nhưng tại lúc khóc, mặt em xanh đi nên cô cũng lo lắng.

Lần thứ 3 vẫn là em Khanh. Hôm đấy lớp rất vắng vì có đến 6 bạn nghỉ ốm, nên chỉ còn Khanh và 2 bạn khác đến lớp. Lúc đến đón Khanh, bố mẹ lại phải nghe cô xin lỗi vì hôm nay Khanh nghịch cái ghế, rồi nhét tay qua khe thế nào mà bị kẹp, chỗ móng tay hơi bị chảy máu. Các cô đã lau cồn rồi nhưng vẫn còn vết máu khô. Đến 1 tuần sau chỗ móng tay của con vẫn chưa khỏi hẳn. Khổ thân con. Chắc lần này khá đau đây.

Lần thứ 4 và thứ 5 thì vẫn là em Khanh, và 2 lần này chỉ cách nhau có đúng 1 ngày. Khanh đang trong giai đoạn vịn đứng và tập đi, mà lại hay có kiểu vịn đứng lên rồi cứ thế đứng, bỏ 2 tay ra. Những lúc như thế nếu không có bố mẹ đỡ là ngã rồi. Cho nên hôm đấy ở nhà trẻ, Khanh cũng vịn đứng lên rồi ngã ra phía sau, va đầu vào cái thanh gỗ. Các cô bảo đã chườm mát cho con 30 phút rồi, nhưng mama vẫn thấy hơi sưng. Rồi chỉ 2 ngày sau, cô lại đến xin lỗi vì cô không để ý nên Khanh bị 1 bạn khác đẩy ngã. Khổ thân con gái của mama, ngã liên tục mà lại toàn bị va đầu. Còn mama có cảm giác không hiểu sao dạo này các cô có vẻ làm việc không được tập trung cho lắm. Cứ mỗi lần đến đón con mà thấy cô lại gần rôi "ano~" là mama biết ngay là có chuyện rồi.

Gần đây, đi họp cho các con, được nghe cô thông báo về ảnh hưởng kinh tế, phải cắt giảm 1 số khoản mà từ trước đến nay nhà trẻ vẫn cung cấp, nhưng cô cũng bảo nhà trẻ luôn cố gắng để không làm giảm chất lượng giáo dục. Nói đến chất lượng của nhà trẻ là mama lại nghĩ ngay đến những lần con bị ngã. Chất lượng là thể hiện ở đó đấy. Kinh nghiệm và sự thành thục trong công việc của các cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn và quá trình phátt triển của các cháu. Dù sao thì ở đây bố mẹ cũng được thông báo đầy đủ và chân thực về những sự việc xảy ra. Mama chỉ mong sao mỗi ngày con đến trường là mỗi ngày bố mẹ cảm thấy yên tâm và tin tưởng.

Monday, March 23, 2009

Em tập làm cảnh sát

Sau xe kyukyusya (xe cứu thương) thì anh Chép say mê xe patoka (xe cảnh sát) và shirobai (xe máy của cảnh sát). Đi ngoài đường mà nhìn thấy xe cảnh sát đi lòng vòng để kiểm tra khu vực là thế nào cũng chỉ tay rồi kêu to "patoka, patoka", đến mức chú cảnh sát ngồi trong xe cũng để ý thấy và vẫy tay chào lại.

Nhìn từ xa đã thích thế rồi, thế mà hôm nay anh Chép còn được ngồi hẳn vào trong xe nữa cơ đấy. Thế mà trông cái mặt cứ thừ ra, vừa ngạc nhiên, vừa căng thẳng, chẳng thấy tươi tắn tí nào. Chắc tại xung quanh nhiều chú cảnh sát quá, các chú còn mở cửa xe cho Chép ngồi lên. Cái xe thì to quá, Chép ngồi trước vô lăng trông lọt thỏm, nhưng vẫn biết cầm cái vô lăng xoay xoay.



Papa cũng cho em Khanh vào ngồi thử.
Ngồi trên cái shirobai này mới oách chứ. Chép được khoác cái áo xanh của cảnh sát, đội mũ cảnh sát, trông ra dáng lắm, mỗi tội cái mặt thì vẫn hết sức căng thẳng. Ở chỗ người lạ là con trai vẫn nhát lắm. Cái xe to đùng nhưng Chép-kun vẫn cố cầm vào cái tay lái


Cho papa và em Khanh ghé vào một tí.
Em Khanh cũng được đội mũ của cô cảnh sát đây này. Mũ của con gái thì tròn tròn hơn. 2 cái mũ này được làm riêng để đội cho các cháu nên nhỏ hơn mũ bình thường, nhưng may mà vẫn đội vừa vào cái đầu to của con gái. Em Khanh chẳng thấy sợ gì cả, chỉ trố mắt ra nhìn thôi. Anh Chép thì suốt từ nãy vẫn cứ ngồi im ở tư thế ấy, không nhúc nhích tẹo nào.
2 chiếc xe này được đưa lên tận tầng 3 của toàn nhà Miyakomesse để trưng bày trong ngày giáo dục an toàn giao thông hôm thứ 7 vừa rồi. Cả nhà đi xem chương trình ca nhạc Live Kids rồi mới đến đây, đúng vào lúc chuẩn bị kết thúc chương trình. May mà vẫn còn chụp được vài cái ảnh và không phải xếp hàng.

Tuesday, March 10, 2009

Khám sức khỏe 3 tuổi

Hôm qua (17/3) mama vừa đưa anh Kiên đi khám sức khỏe 3 tuổi ở hokensyo (kiểu như phòng y tế quận). Trước khi đi mama mới đọc các giấy tờ hướng dẫn, may quá là còn giở ra đọc thì mới biết là phải lấy nước tiểu vào buổi sáng để xét nghiệm, nhưng còn phần tự kiểm tra thị giác và thính giác thì không kịp làm trước khi đi rồi, thôi để sau vậy. Phần này bố mẹ phải tự làm ở nhà cho con theo chỉ dẫn.

Buổi sáng ở nhà trẻ anh Kiên lại có chương trình đi dạo cả buổi sáng, đem obento đi ăn rồi mới về. Sáng ra mama phải chuẩn bị 1 hộp bento, 1 bình nước, 1 hộp đựng khăn lau tay, 1 hộp đựng dĩa, 1 túi quần áo để thay. Tất cả cho cái 1 cái balô con để Kiên đeo đằng sau lưng. Hôm nay cả lớp đi dạo ở bờ sông kamogawa. Đến 1h chiều mama đến đón Kiên để đi khám thì Kiên đang ngủ trưa. Thấy cô bảo là đi dạo về mệt quá nên Kiên ngủ ngon lắm. Con trai vẫn còn chưa tỉnh ngủ, nhưng biết được đi khám thì có vẻ thích lắm. Mama hỏi Kiên có ăn hết obento không, Kiên bảo Kiên ăn hết, nhưng kêu mệt thì omotai (nặng quá). Chắc là cái balô đeo sau lưng nhiều đồ nên hơi nặng. Mama hỏi: thế lúc về có nặng không? Kiên bảo không. Chắc ăn hết obento nên đỡ nặng nhỉ. Lần đầu tiên mama làm obento cho Kiên đi ăn với các bạn đấy, toàn những thứ Kiên thích: onigiri (cơm nắm), trứng chim cút, xúc xích, chikuwa rắc nori, xúp lơ luộc, măng xào. Kiên ăn hết thế là mama mừng lắm rồi. Dạo này Kiên thích ăn obento lắm. Bữa chiều mà được mama làm cơm xếp vào obento là thế nào cũng kêu "yatta" cho mà xem.

Chỗ khám hôm nay cũng đông, gặp cả bạn Hibiki cùng lớp cũng đến khám. Mẹ bạn ấy bảo sáng ra đã chuẩn bị obento cho bạn ấy rồi nhưng bạn ấy lại bị kaze nên phải nghỉ ở nhà. Kiên cầm cái thẻ khám số 21 cứ nhìn số đọc rồi nhìn khắp nơi xem có số 1 và số 2 không. Trong lúc chờ gọi vào khám thì mama và Kiên phải đọc được đến gần chục quyển truyện tranh khác nhau. Kiên cứ chạy đi chạy lại lấy hết quyển này đến quyển khác.

Đầu tiên là khám chung chung, rồi đo chiều cao cân nặng, khám mắt và cuối cùng là tâm sinh lý.
Khám chung chung: Nói chung các nhân viên y tế ở đây cũng chỉ hỏi qua loa về tình trạng phát triển của trẻ xem có vấn đề gì không, nhất là bố mẹ có cảm thấy căng thẳng trong việc chăm sóc con cái hay không. Mới đầu vào khám Kiên có vẻ e dè, được hỏi tên, tuổi thì mãi không nói. Rồi Kiên được đưa cho 5 miếng gỗ xếp thành hình giống như yêu cầu thì Kiên xếp được ngay. Cái này đối với con chắc là sở trường, vì ở nhà con còn tự nghĩ ra đủ hình mà xếp cơ mà. Rồi vẽ hình tròn, vòng từ trái sang phải như các bạn nhật, chẳng có gì khó.
Chiều cao, cân nặng: Kiên ở mức trung bình, cao gần 95cm và nặng 13.8kg (hôm nọ ở nhà trẻ cân được 14kg cơ đấy)
Khám răng: Kiên có đủ 20 chiếc răng nhưng 2 răng cửa ở hàm trên có dấu hiệu bị sâu, và răng ở hàm dưới hơi có cao răng. Mama được khuyên là nên đưa con đi khám nha khoa.
Khám tâm lý: Kiên lại tiếp tục được kiểm tra 1 số bài và lần này thì con trả lời nhanh chứ không rụt rè như lúc đầu nữa. Chẳng hạn như chỉ tên đồ vật, chỉ khuôn mặt với các trạng thái vui buồn ngạc nhiên khác nhau, chỉ hình to nhỏ,...Kiên được khen là giỏi quá.
Khám xong 2 mẹ con còn đi chợ mua thức ăn rồi mới về nhà. Hôm nay Kiên được mẹ cho đi chơi thảnh thơi thế này thích lắm, lại còn được về nhà sớm hơn em Khanh nữa chứ.

---------------------

Đỏ và vàng
Dạo này con trai chỉ thích có 2 màu đỏ và vàng, chỉ đúng 2 màu đấy thôi. Ở nhà mà chọn bút màu để vẽ là cũng chỉ đúng 2 màu đấy. Chơi xếp hình bằng những miếng nhựa có 3 màu xanh, đỏ, vàng thì con cũng chỉ chọn miếng màu đỏ và vàng để xếp. Con tự xếp được nhiều hình lắm. Xếp xong thì con cất các miếng đỏ và vàng vào hộp, còn miếng màu xanh thì vứt ra ngoài. Mama bảo xếp chung vào nhưng nhất định con không chịu nghe. Hộp của con chỉ có đúng 2 màu đấy thôi, không thể khác. Đến nhà trẻ chơi con cũng chọn các loại tàu, xe màu vàng và đỏ rồi nằm bò ra sàn chơi. Đỏ thì con vẫn rất thích rồi vì đấy là màu của xe cứu hoả, con thì lúc nào cũng chỉ xe cứu hoả thôi. Còn màu vàng thì mama cũng không hiểu tại sao con lại thích đến thế. Để xem sau này sở thích của con có thay đổi không nhé.

Tính hiếu thắng
Con trai có cái tính làm cái gì cũng muốn mình phải làm trước. Đi ra khỏi nhà, xuống cầu thang cũng phải là mình đi trước tiên. Rồi ở nhà trẻ về là cũng phải lên xe đạp cùng mama đi trước em Khanh và papa, rồi giục mama phải đi thật nhanh để papa không đuổi kịp. Papa mà xuất phát trước là thế nào cũng mếu máo. Bây giờ đến giai đoạn 2 anh em bắt đầu thi nhau ăn và tranh nhau ăn. Muốn cho anh Kiên uống sữa là cho vào bình để 2 anh em thi xem ai uống xong trước. Thế là anh Kiên cũng nằm khểnh ra như em để tu bình. Em Khanh thì hiển nhiên là uống rất nhanh rồi, vèo 1 cái hết bình 100cc, làm anh Kiên mặt phụng phịu rồi quay ra nhìn em tức tối, đến mức mà còn định đánh em nữa. Mama đành vội vàng đi rót thêm cho em Khanh 50cc nữa để em thi tiếp với anh. Nhưng mama vừa cầm bình cho em uống vừa rút ra để ngăn không em uống xong trước anh, chứ không chỉ loáng cái là lại hết. Cuối cùng thì anh Kiên cũng uống xong trước, mặt giãn ra tươi tỉnh, rồi kêu "Kiên-chan hayai yo, akachan hayai nai desyo" (Kiên nhanh còn akachan thì không nhanh)

Phân biệt trái phải
Kiên được dậy đâu là bên trái, đâu là bên phải rồi đấy. Đi xe đạp lúc nào rẽ trái thì Kiên bảo rẽ trái, lúc rẽ phải thì Kiên bảo rẽ phải. Lúc đầu chưa hiểu lắm thì cứ rẽ trái rồi tiếp theo là rẽ phải, rồi lại rẽ trái, cứ thế. Nhưng bây giờ thì có vẻ chuẩn hơn rồi. Hỏi chân trái, chân phải, tay trái, tay phải là trả lời đúng ngay.

Vỉa hè ở đây được chia làm 2 bên, một bên màu trắng dành cho người đi bộ, và 1 bên gạch đỏ dành cho người đi xe đạp. Mama đèo Kiên đi xe đạp, đi bên đường màu đỏ. Kiên bảo:
Mama, bên này là xe đạp, bên kia không phải nhé. Mama đi bên này nhé. Đi bên kia không được đâu. Như thế thì Kiên yêu.
Con trai dài giọng ra giảng giải ghê không.

Kiên vừa đánh răng xong, đang nằm trong chăn với mẹ. Mẹ nói chuyện với Kiên bảo: Ông bà đi dạo này, rồi về ăn cơm, chắc là bây giờ cũng đi ngủ rồi đấy. Kiên bảo: đánh răng nữa chứ.

Đây là 1 số tác phẩm mà Kiên tự xếp. Những miếng nhựa này bây giờ là trò Kiên say mê nhất, cứ mày mò cả buổi tối.

đây là đường tàu

đây là đường hầm cho xe chạy qua

còn đây thì Kiên gọi là pháo hoa, lại còn dùng cái hộp để xếp cho dễ nữa chứ

Sunday, March 8, 2009

Một ngày ở công viên Umekouji

Mama dự định đưa 2 anh em đi chơi công viên Umekouji từ lâu rồi mà đến hôm nay mới thực hiện được. Công viên này ở gần ga Kyoto, nên nhà mình đi bus 206 rồi xuống đi bộ 15phút là đến nơi. Công viên này có tàu điện chạy nên chắc anh Chép sẽ thích lắm.

Lúc đầu mới vào cổng thì thấy 1 khu đất rộng mênh mông cho trẻ con chơi đủ các trò và chạy nhảy. Đi vào sâu hơn 1 chút thì cũng mới chỉ thấy cây, mà toàn là cây chưa mọc lá nên không thấy đẹp. Có 1 con suối (chắc là nhân tạo) và bãi đá, cho anh Chép và em Khanh xuống sờ nước, nhặt sỏi một tí. Nhưng em Khanh cầm viên sỏi thì cho ngay vào mồm cắn và mút nên đành phải tịch thu của em. Công viên này ngay cạnh ga Kyoto nên từ trong công viên có thể nhìn thấy rất nhiều đường ray, tàu và shinkansen chạy ngược chạy xuôi liên tục. Anh Chép ngồi nhìn thích quá, cứ tàu chạy qua thì bảo là tàu, shinkansen chạy qua thì chỉ shinkansen. Rồi đếm tàu. Có lẽ cho anh Chép ngồi mãi thế này cả ngày cũng không chán, đến lúc bắt đi tiếp thì cứ nhăn nhó không chịu. Phải đi tìm cái chỗ đoàn tàu của công viên để đi chứ, không cứ ngồi nhìn mãi thế này thì chán chết.

Đi một lúc lâu nữa thì cũng đến cái chỗ cần phải đến. Đây là khu bảo tàng tàu chạy bằng hơi nước. Anh Chép nhìn thấy cái bánh xe khổng lồ của tàu hơi nước để ngay phía ngoài cửa đã tần ngần đứng xem rồi. Kiểu này vào trong thì chắc "choáng" lắm đây, đúng sở trường và niềm đam mê của con là tàu điện. Vé người lớn 400 yên/người, còn trẻ em trên 4 tuổi thì 200 yên. Thế là cả anh Chép và em Khanh đều được free, may quá.

Bên trong trưng bày những mô hình tàu chạy bằng hơi nước, màn hình chiếu lịch sử ra đời và sự phát triển, mô hình hoạt động thu nhỏ mà bấm nút start là nó sẽ xuỳnh xuỵch chạy như thật, và có cả 1 cái đầu tàu thật để chui vào kéo còi tàu, kéo phanh hay quay bánh lái. Anh Chép chui vào chui ra mấy lần, còn em Khanh thì chẳng ngại gì cả kéo còi tàu kêu liên tục. Tiếng còi tàu này rất quen thuộc nếu hay xem các phim thời chiến tranh những năm 45 gì đấy.

Tưởng chỉ có mỗi mấy giàn phòng trưng bày này, thế mà đi sang khu bên cạnh thì có cả 1 không gian mênh mông trưng bày rất nhiều các chiếc tàu thực sự sản xuất theo các năm. Mọi người có thể trèo vào bên trong của các khoang lái tàu, vặn cái nọ hay cái kia hay nhìn ngắm. Anh Chép lại mắt tròn mắt dẹt. Rồi có cả các mô hình thu nhỏ để cho các cháu chơi. Nhưng được 1 lúc thì anh Chép đòi được đi tàu thật cơ. Nhưng đến 1h30 mới mở cửa để khách lên tàu, trong lúc chờ đợi thì tranh thủ ăn đã. Anh Chép mải giục đi tàu nên chẳng ăn được mấy.

Hoá ra là được đi 1 cái tàu hơi nước thực sự. Nhân viên xúc than cho vào lò, đun nóng lên rồi khói phun ra mù mịt, hơi nước phun ra phía dưới làm mấy đứa trẻ đứng gần xem sợ quá chạt dạt ra, còn bố mẹ thì phì cười. Nhà mình xếp hàng mua được vé ngay gần đâu nên được đi chuyến đầu tiên. Anh Chép lên tàu nhưng vẻ mặt lại bắt đầu hơi căng thẳng. Tàu rú còi to và chuyển bánh. Tưởng là sẽ được đi vòng quanh cái công viên này thế mà vừa mới chạy được mấy phút đã thấy tàu dừng lại, rồi chạy ngược trở về. Thỉnh thoảng những chiếc tàu tokyu thời hiện đại chạy vụt qua ngay trước mặt. Một sự so sánh quá rõ ràng. Chiếc tàu hơi nước vẫn chậm chạp, lại rú còi và nhả khỏi để cập bến. Anh Chép có vẻ như cũng thoả mãn rồi nên ra ngồi ghế đá ăn uống và ngắm chiếc tàu hơi nước đi những chuyến sau. Mỗi lần đi là lại nhả bao nhiêu khói đen lên trời, chắc ô nhiễm lắm.

Hôm nay có vẻ như anh Chép ngập trong các loại tàu. Ngồi ghế đá vừa được ngắm tàu hơi nước, vừa được ngắm tokkyu và shinkansen, đúng là chẳng có gì bằng. Đến lúc bảo anh Chép đi tiếp sang chỗ khác thì anh ấy cứ hỏi đi hỏi lại là có phải đi về không vì anh ấy vẫn chưa muốn về "mama, về ka?". Mama bảo đi tiếp ra ngoài kia chơi thôi, rồi hôm nào lại quay lại đây đi tàu nhé.

Phía bên ngoài có khu vui chơi cho trẻ con, nhưng anh Chép kêu mệt nên chỉ trượt vài cái rồi thôi. Rồi 2 anh em nằm ghế chơi cho đỡ mệt. Em Khanh ngồi xe đẩy lâu bây giờ được đứng xuống bám vào ghế thì thích lắm, tay cầm cọng cỏ thỉnh thoảng lại đưa lên mồm.

Đi từ sáng mà đến tận 5h chiều cả nhà mình mới về đến nhà. Người vui nhất hôm nay chắc là anh Chép, đến tối về đến nhà vẫn chỉ bắt mama vẽ cái shinkansen, tokkyu với cái tàu hơi nước.

3 bố con trước khu trưng bày một loạt các đầu tàu hơi nước thuộc các năm sản xuất khác nhau.
梅小路公園

Chép và papa bên trong khoang lái
梅小路公園

梅小路公園

2 bố con cùng làm lái tàu. Đây có lẽ là niềm mơ ước thời thơ ấu của anh Chép đây.
梅小路公園

2 anh em nằm nghỉ và nghịch cây cỏ, thật dễ chịu.
梅小路公園

梅小路公園

梅小路公園

Rồi ngồi xuống bãi cỏ cho thoải mái.
梅小路公園

Saturday, March 7, 2009

Lễ hội đón xuân 7/3

Hoa ume nở nghĩa là mùa xuân đã sang rồi. Nhưng thời tiết u ám vẫn tiếp tục kéo dài, những ngày nắng đẹp vẫn hiếm hoi, và nhiều loại cây vẫn chưa đâm chồi nảy lộc. Nhưng tháng 3 có lẽ là tháng đánh dấu sự chuyển mùa rõ rệt. Hy vọng đến cuối tháng sẽ được ngắm những bông sakura trong nắng ấm.

Đầu tháng 3, nhà trẻ của 2 anh em cũng tổ chức Lễ hội đón xuân (haru wo yobukai), cũng là lễ hội đánh dấu sự kết thúc của năm học, và chuẩn bị cho ngày khai giảng lên lớp mới.

Đã được cô dặn từ trước là phải đưa 2 anh em đến nhà trẻ trước 9h nên hôm nay cả nhà phải ăn sáng vội vàng rồi đi ngay. Đưa 2 anh em vào lớp rồi bố mẹ lên phòng hall nơi tổ chức lễ hội. May mà bố mẹ đến sớm nên được ngồi ở hàng đầu tiên, vị trí quá đẹp để quay phim chụp ảnh.

Tiết mục đầu tiên là các cô chiếu video clip của lớp 1 tuổi, sau đó đến video clip của lớp 0 tuổi (là lớp komomo của em Khanh và lớp omomo của bạn Doanh). Bố mẹ được nhìn thấy con gái leo cầu thang này, nghịch cát này, ngồi xe ra ngoài đi dạo này và nhún nhảy khi các cô hát. Cũng chỉ có vài giây thôi. Các cô quay video theo kiểu cứ lia cái máy quay nên nhìn hơi chóng mặt và không rõ lắm. Nhưng được nhìn thấy những hình ảnh của con ở nhà trẻ, khoẻ mạnh và vui vẻ, vận động nhiều thế là vui rồi.

Tiết mục thứ 3 là tiết mục của lớp 2 tuổi- lớp của anh Kiên đây. Bố mẹ hồi hộp giương cái máy quay phim về phía cửa ra vào để xem con trai sẽ tiến ra sân khấu như thế nào. Mãi mà chẳng thấy các cháu và cô đâu. Hoá ra là các cháu vẫn đang lục tục kéo từ dưới tầng 1 lên. Vì các cô ở trên tầng không liên lạc được với phía dưới nên các "diễn viên" chưa kịp chuẩn bị. Rồi sau đó là tiếng nhảy uỳnh uỳnh. Nhóm đầu tiên ra sân khấu là nhóm kaeru(ếch) biểu diễn tiết mục đoàn tàu, nhưng không có Chép. Nhóm thứ 2 là nhóm obake (ma) vẫn chưa thấy Chép. Đến nhóm thứ 3 là nhóm usagi (thỏ) thì mới thấy Chép-kun. Con trai đội cái mũ tai thỏ màu hồng trông hay ghê. Mới ra sân khấu, nhìn thấy cả bố lẫn mẹ ngồi ở phía dưới thì đã làm trò, nấp sau các bạn để bố mẹ không nhìn thấy. Mama thấy con bắng nhắng thế, nghĩ là hôm nay chắc con sẽ không bị căng thẳng gì đâu, sẽ biểu diễn ra trò đây. Thế mà chỉ ngay sau khi cô xếp lại hàng, để Kiên đứng lên phía trước, rồi làm đoàn tàu đi 1 vòng thì con trai mặt nghệt ra, chả thấy hào hứng gì cả. Đến lúc tất cả 3 nhóm ra sân khấu hát 1 bài thì con trai vẫn chả hát, vẻ mặt rất ngây ngô. Bố mẹ ở dưới cứ ra hiệu cho con để con tự tin hơn nhưng con vẫn không nhúc nhích. Nhiều bạn khác cũng có tình trạng tương tự, khi thấy ở phía dưới có nhiều khán giả quá nên căng thẳng chả làm được trò gì. Có bạn Piro-chan nhìn thấy mẹ ở phía dưới thì gào toáng lên mama, rồi chạy luôn xuống phía mẹ. Mẹ bạn ấy sợ quá phải trốn đi nhưng bạn ấy lại càng gào to hơn, làm tiết mục phải gián đoạn mất một lúc. Chỉ có vài bạn là biểu diễn rất tự tin và tự nhiên.

Tiếp theo là tiết mục của phụ huynh, mama và các phụ huynh khác lên hát bài "chisana sekai" (it is a small world). Lớp của Kiên bây giờ ngồi xuống phía dưới để nghe. Tưởng là Kiên sẽ hào hứng nghe mama hát vì mama và Kiên vẫn hát bài này ở nhà, nhưng con trai vẫn giương cặp mắt tròn xoe lên nhìn ra vẻ rất lạ lẫm. Thế mà ở nhà thì cứ khăng khăng đòi sẽ lên sân khấu hát cùng mama cơ đấy. Con trai vẫn chưa tự tin ở chỗ đông người nhỉ.

Cuối cùng là tiết mục kịch do các cô biểu diễn. Kiên cùng bố mẹ ngồi phía dưới xem, bây giờ mới thấy cái mặt giãn ra một tí. Sau buổi biểu diễn thì Kiên cùng các bạn về lớp ăn cơm trưa, bố mẹ ở lại nghe giới thiệu về nhà trẻ mới mà Kiên sẽ nhập học từ tháng 4. Nhà trẻ này nằm ngay cạnh nhà trẻ bây giờ. Kiên sẽ được lên lớp 3 tuổi. Ở đây thì Kiên là lớn nhất nhưng sang nhà trẻ mới thì Kiên lại là bé nhất, vì trên Kiên sẽ là các anh chị lớp 4 tuổi và 5 tuổi. Cô hiệu trưởng và hiệu phó cũng giải thích các quy định mới của nhà trẻ mới (có lẽ gọi là mẫu giáo thì đúng hơn). Sẽ là 1 môi trường mới với nhiều thử thách mới với con trai đây. Hy vọng là con sẽ sớm hoà nhập được.

Đây là 1 số hình ảnh của lễ hội.

Kiên và các bạn làm đoàn tàu.
1373

"Diễn viên" nào mặt cũng nghệt hết cả ra.
1371

Hơi căng thẳng nhưng vẫn biết làm dáng trước ống kính
1376

Các bạn đang hát mà Kiên chẳng hát theo gì cả.
1378

Kiên và các bạn về lớp để chuẩn bị ăn trưa. Cả lớp đang chăm chú nghe cô đọc truyện trong lúc chờ thức ăn.
IMG_1396

Lại vẫn vẻ mặt nghệt ra. Chắc hôm nay con trai thấy nhà trẻ nhộn nhịp quá, đông người quá, khác hẳn mọi khi nên căng thẳng quá đây mà. Thấy cô bảo em Khanh cũng không ăn nhiều bằng mọi hôm vì thấy không khí xung quanh khác quá.
IMG_1395

Thursday, March 5, 2009

Hina-matsuri: ngày lễ dành cho con gái

Nguồn: dejikameiroiro.cocolog-nifty.com/.../17/223.jpg
Ngày 3/3 hàng năm là ngày lễ hina-matsuri, lễ cầu chúc cho các bé gái luôn mạnh khỏe. Cũng có nơi tổ chức theo lịch âm, nhưng lịch dương chắc phổ biến hơn. Vào ngày này các gia đình có bé gái sẽ bầy nơi thờ lễ như ảnh chụp trên, nhưng chắc không phải gia đình nào cũng có điều kiện bày biện đầy đủ như thế vì nghe nói là đắt lắm, phải mấy chục man ấy. Rồi xung quanh sẽ gắn những cành đào vì tháng 3 là tháng của hoa đào (ume). Món ăn truyền thống của ngày này là chirashi-zushi.

Năm nay hina-matsuri vào thứ 3 ngày 3/3. Đầu tiên mama cũng không để ý nhưng đưa Khanh đến nhà trẻ cô đã nói chuyện về ngày hina-matsuri rồi. Mama hỏi thế buổi trưa ở nhà trẻ Khanh có được ăn món chirashi-zushi không, cô bảo nếu ăn buổi trưa thì đến tối lại ăn lần nữa, như thế sẽ bị lặp lại, nên ở nhà trẻ không làm món ấy. Mama bảo cô thế thì tối nay mama sẽ làm cho Khanh ăn nhỉ.

Buổi sáng các cô có màn biểu diễn múa, mặc kimono truyền thống cho các cháu xem. Thấy cô bảo Khanh xem hào hứng lắm, ngồi vỗ tay suốt. Tối nay mama làm món chirashi-zushi nhưng nguyên liệu thì mua sẵn, chỉ rán thêm trứng, luộc tôm để rắc lên trên. Nhưng tôm làm xong thì anh Chép nhón ăn hết, cuối cùng chỉ còn mỗi trứng để rắc. Ăn xong cơm thì có món bánh sakura và bánh ngọt, em Khanh cũng được nếm một tí.

Nhân ngày lễ hina, cả nhà mình cùng chúc cho em Khanh luôn mạnh khỏe, ăn khỏe và lớn nhanh, đừng bao giờ ốm để bố mẹ lo lắng nhé. Còn ngày lễ dành cho con trai là ngày 5/5, anh Chép chờ thêm 2 tháng nữa nhé.

Wednesday, March 4, 2009

It is a small world


Đây là bài hát mama sẽ hát cùng với các phụ huynh khác trong ngày Lễ đón xuân vào ngày 7/3 tới. Bài hát này dễ hát mà thật hay và ý nghĩa. Đây cũng là ý tưởng được đưa ra vì ở nhà trẻ Chép cũng có đến 7 quốc tịch khác nhau: Nhật, Nigieria, Mali, Ai cập, Hàn quốc, Hà lan và Việt nam.

Về nhà mama tập hát lại mà Chép thích ngay. Chép hát theo và gần thuộc hết lời của đoạn 1 rồi, còn nhạc thì khá là chuẩn. Em Khanh nghe mama hát thì đung đưa người theo. Mama chép lại lời ra đây để nhớ nhé.

小さな世界

1番
世界中どこだって 笑いあり涙あり
みんなそれぞれ助け合う
小さな世界
世界はせまい 世界は同じ
世界はまるい ただひとつ

2番
世界中誰だって 微笑みあえば仲良しさ
みんな輪になり手をつなごう
小さな世界
世界はせまい 世界は同じ
世界はまるい ただひとつ

3番
限りない空と海 星影のうつくしさ
それは一人語りかける
小さな世界
世界はせまい 世界は同じ
世界はまるい ただひとつ

4番
隔たりを取り除き 友情の橋をかけ
手と手をつなぎつくろう
小さな世界
世界はせまい 世界は同じ
世界はまるい ただひとつ

5番
世界中誰でもが 自由を求める
その叫びがこだまする
小さな世界
世界はせまい 世界は同じ
世界はまるい ただひとつ

It's a world of laughter
A world of tears
It's a world of hopes
And a world of fears
There's so much that we share
That it's time we're aware
It's a small world after all

There is just one moon And one golden sun
And a smile means
Friendship to ev'ryone
Though the mountains divide
And the oceans are wide
It's a small world after all

It's a small world after all
It's a small world after all
It's a small world after all
It's a small, small world

Tuesday, March 3, 2009

Con trai lúc 3 tuổi

Vẫn là nội dung mama tổng kết từ hôm đi họp lớp cho Kiên. Các cô có nói về những đặc điểm của độ tuổi lên 3 cho phụ huynh nghe. Mama ghi lại ra đây để từ đó ngẫm nghĩ về cách chơi, cách giáo dục thế nào cho phù hợp và có hiệu quả với Kiên nhé.

1. Đây là thời kỳ mà khi trẻ làm bất cứ việc gì cũng muốn thể hiện suy nghĩ của bản thân. Đặc biệt là rất ghét bị người lớn ra lệnh. "Zibun de ~ suru" (để tự con làm~), cái tư tưởng muốn tự mình quyết định rồi làm ngày càng trở nên rõ ràng. Vì thế rất hay nói "iya" (không thích) khi bị người lớn nói phải làm gì, mà thích tự mình nói "suru" (con làm~) hơn. Chẳng hạn, khi bị bố mẹ nói là "con hãy dọn dẹp vào đi" thì sẽ nói ngay là "iya" (không thích), nhưng nếu nói với trẻ là "con sẽ dọn cho mẹ cái nào nhỉ?" thì trẻ sẽ nói "kore" (cái này) và bắt đầu tự mình dọn. Nếu bố mẹ nói với con không phải là "hãy làm cái này, cái kia đi" mà nói theo kiểu "con định làm thế nào?" để cho con tự mình quyết định, hay nói cho con những suy nghĩ của người lớn kiểu như là "mẹ nghĩ là con nên làm như thế này này", để cho trẻ tự mình nghĩ nên làm như thế nào thì tự nhiên trẻ sẽ làm thôi.
--> Kiên: Đúng là ở nhà mama hay bắt con làm cái này cái kia bằng kiểu ra lệnh, "Kiên dọn đồ chơi vào cho mama đi", hay "Kiên đi shikko đi" "Kiên nhường đồ chơi cho em đi". Và tất nhiên là con chả vui vẻ, iya iya rồi bỏ đấy chẳng chịu làm. Cái gì mama cũng thấy con làm trái lại. Nên muốn con làm gì thì mama nói ngược lại, thế là con lại làm. Nhưng con rất hăng hái nếu được mama nhờ Kiên giúp, chẳng hạn như lấy giúp cái giấy ăn, lấy giúp cái oshirifuki cho em Khanh, đóng cửa tủ giúp mama, gấp quần áo giúp mama. Con hăng hái làm và tỏ ra là mình đã là người lớn, sai 1 phát là "hai" rõ to. Làm xong mà được khen là sướng lắm, rồi hay có kiểu tự mình nói "Kien-chan sugoi deshyo" (Kiên giỏi không). Tức là con thích tự mình làm, tự mình giúp người khác chứ không thích bị sai bảo, đúng như cô nói. Thôi được rồi, từ nay mama sẽ phải thay đổi cách nói với con một chút để con có thể làm mọi thứ mà không có cảm giác bị sai bảo.

2. Đặc điểm về thể chất thì ở độ tuổi này, trẻ dần dần vừa làm cái này vừa làm cái kia được. Chẳng hạn, vừa nâng chân lên vừa nhảy, vừa xoay giấy vừa cắt bằng kéo. Nếu quan sát trẻ vận động như thế thì sẽ nhìn thấy rõ là trẻ đã trưởng thành lên như thế nào.
--> Đối với Kiên thì mama cũng chưa quan sát kỹ xem con đã làm được gì hơn, nhưng dạo này con rất thích dùng kéo để cắt, nhưng được một lúc là lại đem ra nhờ mama cắt cho hình này hình kia. Nếu vừa làm cái này, vừa làm cái kia thì con chỉ có giỏi vừa ăn vừa chơi thôi. Lúc nào cũng phải đem cái ôtô ra nghịch thì mới chịu ăn, hoặc lại vừa ăn vừa đọc sách nữa chứ. Cái khoản tivi và hoạt hình thì bị cắt hẳn rồi, nhưng lại chuyển sang đọc sách. Chỉ có 1 đối sách duy nhất là phải nấu món gì thật ngon, cho con ăn vào lúc thật đói thì may ra con mới chịu ngồi yên ở bàn để ăn. Mà có phải lúc nào mama cũng nấu thật ngon được đâu cơ chứ. Mệt quá!

3. Thế giới những trò chơi bắt chước của trẻ ngày càng rộng lớn hơn. Ở tuổi này trẻ thích chơi trò đóng giả, chẳng hạn như đóng giả làm mẹ, làm bác sĩ,..., bắt chước hệt như người lớn làm.
--> Có lần đến đón Kiên thấy Kiên đang đeo 1 đống dây đeo trên cổ, rồi đi khám bệnh cho búp bê, cũng áp vào nghe nghe, rồi chăm sóc búp bê như em bé. Ở nhà papa cũng làm cho 1 cái dây đeo giống thế rồi, 1 đầu có gắn cái núm nhựa giả vờ làm cái tai nghe, nhưng Kiên lại dính cái núm nhựa đấy vào cái ghế nhựa, rồi đeo lủng lẳng cả cái ghế nhựa vào người, rồi đến giả vờ khám cho papa, áp cả cái ghế nhựa vào người papa để nghe. Con với cái cứ như hề ấy.

4. Ở tuổi này trẻ bước vào giai đoạn rất thích bạn bè. Trẻ cùng chơi với các bạn, hay chơi 1mình mà có các bạn chơi bên cạnh thì cũng thấy an tâm để chơi.
--> Kiên vẫn chơi với các bạn suốt và có 1 vài bạn thân ở nhà trẻ. Nhưng ở nhà thì Kiên chưa biết chơi với em gái đâu nhé. Hay khái niệm bạn và em gái thì khác nhau nhỉ. Kiên hay trành choẹ với em lắm, chưa biết nhường đồ chơi cho em mấy. Em gái thì con bắt nạt được chứ bạn bè ờ nhà trẻ thì có nhiều đứa to khoẻ hơn làm sao mà dám làm gì cơ chứ. Mama mong con ngày càng biết yêu em và chiều em nhé.