Wednesday, December 31, 2014

Tạm biệt 2014!

Ngày cuối cùng của năm 2014.
Một năm có nhiều sự kiện, cả chuyện buồn lẫn chuyện vui, nhiều chuyến đi đáng nhớ, giờ đọng lại đó là…

Khoảnh khắc cả nhà mình đi chơi với ông bà nội đến Huế, Hội an, đà nẵng. đây là chuyến đi máy bay đầu tiên của ông bà nội, chuyến đi xa đầu tiên của cả nhà mình với ông bà, quá vui, ông bà cũng thích lắm. mong là ông bà có sức khỏe để nhà mình còn nhiều chuyến đi với ông bà nữa.

Đó là khoảnh khắc mẹ biết rằng sẽ phải sang Nhật mà bố không đi cùng được, nhưng rồi cuối cùng 3 mẹ con đã có những ngày ở Nhật thật tuyệt, thăm lại những chốn kỉ niệm xưa, ngồi bên bờ sông kamo, thả chân xuống dòng nước mát lạnh, và chỉ mong thời gian lúc đó ngừng lại, để được mãi sống trong khoảnh khắc đó.

Đó là khoảnh khắc mẹ phát hiện ra 3 mẹ con đã lỡ chuyến bay đi Nhật 1 ngày, vì sự nhầm lẫn tai hại của mẹ, để rồi mẹ phải xoay xở suốt chục tiếng đồng hồ của ngày hôm đó để cuối cùng mấy mẹ con vẫn được bước chân lên máy bay chỉ trước giờ bay có 30 phút.

Đó là khoảnh khắc đón bố đi công tác xa về với bao nhiêu là quà, và cả 1 nhiệm vụ dành cho Kiên khi nào lớn lên, là trở lại nơi xa xôi đó, tìm cho được đồng xu mà bố đã cất giấu vào khe núi giữa mênh mông sa mạc.

Đó là khoảnh khắc những khi mẹ ngồi trên xe taxi, mệt nhoài sau một ngày làm việc căng thẳng, vừa mệt, vừa thấy cô đơn, nhưng có cảm giác mãn nguyện vì đã hoàn thành một cái gì đó.

Đó là khoảnh khắc mẹ không bình tĩnh được khi dạy 2 đứa học vào cuối ngày, khi mà sức lực của mẹ gần như đã cạn và mẹ đang phải gồng mình lên để làm nốt những việc phải làm trong ngày trước khi được nằm lên giường nghỉ ngơi, để rồi sau đó mẹ lại cảm thấy mình đã cáu giận một cách vô lý.

Đó là những khoảnh khắc mẹ ngồi trên xe ô tô trên đường về nhà, nhìn vào ánh đèn đường loang loáng xung quanh, nhìn vào đám người đang đi nhốn nháo xuôi ngược tít mù, rồi tự nhủ cuộc sống sao thế này, nếu giả sử mình có đi du lịch đến một nước như thế này thì chắc chắn mình sẽ không mong được sống ở đây, vậy mà mình lại đang sống ở đây, mình vẫn đang sống không đến nỗi tệ đấy chứ.

Đó là những khoảnh khắc mẹ thấy tự hào về con trai khi con được 1 giải đặc biệt trong 1 cuộc thi nho nhỏ, hay con đạt được kết quả học tập khá hơn những năm trước, nhưng mẹ tự hào hơn cả khi con trẻo lên đỉnh núi cao hay đến đích trước tất cả mọi người mà không hề biết mệt mỏi, ngụp lặn trong nước thoải mái như con cá ( mẹ thì không biết bơi ),...

Đó là những khoảnh khắc mẹ thấy ngạc nhiên khi con gái cầm bút viết được chữ, biết đánh vần những chữ đơn giản, một điều mẹ biết là không dễ gì với con.

Đó là những khoảnh khắc buồn khi nghe tin ai đó mất đi, thấy cuộc sống đôi khi thật vô định, nhưng cũng có những điều chắc chắn rồi sẽ xảy ra với tất cả mọi người, chỉ là mình không biết khi nào và như thế nào mà thôi.

Đó là những khoảnh khắc mẹ tự cho phép mình nghỉ làm rồi rong ruổi đi chơi với mấy người bạn thân, tha hồ tán gẫu những chuyện chả quan trọng gì mà không biết chán, như là một cách giết thời gian dễ chịu nhất và cũng cực kỳ xa xỉ.

Đó là những khoảnh khắc mẹ lái xe một mình, nghe một bản nhạc yêu thích, cảm thấy mình thật đang yêu cái giây phút đó, vừa một mình, nhưng vẫn trong sự ồn ào náo nhiệt ngoài kia, vừa có ranh giới và cũng đủ riêng tư, vừa cảm thấy tự tin, thoải mái, mà chẳng cần ai phải biết đến cả.


Chắc là còn nhiều những khoảnh khắc đáng nhớ nữa nhưng mẹ chưa nhớ ra, hehe. Cuộc đời khi nhìn lại chắc sẽ chỉ còn đọng lại những khoảnh khắc đó, những cảm xúc và trải nghiệm của những khoảnh khắc đó mà thôi.

Thursday, December 25, 2014

Sinh nhật con trai 9 tuổi

Con trai 9 tuổi đã học lớp 4 rồi, với thành tích có tiến bộ từ học sinh trung bình lên học sinh tiên tiến, rồi học sinh giỏi, nhưng thỉnh thoảng mẹ vẫn phải nhận những tin nhắn của cô giáo về việc con quên làm bài tập văn hay toán cô giao về nhà.


Con trai 9 tuổi đã biết giúp mẹ những việc vặt trong nhà, nhưng có tính phí, rồi đến gần sinh nhật thì khuyến mại cho mẹ tất cả các công việc với giá 0 đồng, để mẹ có tiền mua quà sinh nhật cho con.

Con trai 9 tuổi có chút tiền tiết kiệm, kiếm được từ việc giúp mẹ hay nhặt bóng tennis cho bố, để thỉnh thoảng dùng tiền đó ủng hộ cho các bạn nghèo, hay để mua những đồ dùng học tập nếu con có làm hỏng hay làm mất.

Con trai 9 tuổi cũng có lúc mếu máo vì phải một mình xuống tầng phơi quần áo cho cả nhà.

Con trai 9 tuổi đã biết tự tắm cho mình, nhưng có khi chỉ là đứng xả nước đến 15 phút mà chả thèm kì cọ.

Con trai 9 tuổi chơi với các bạn thì rất vui và nhường nhịn, nhưng riêng với em gái thì có khi vẫn tranh nhau 1 bộ đồ chơi, hay mếu máo và càu nhàu khi em không chịu nhường cho nửa miếng mào gà.

Con trai 9 tuổi vẫn chưa biết gọn gang, sách vở luôn ở tình trạng lung tung trên mặt bàn, còn quần áo thì nhiều lúc nhét thẳng vào tủ mà không gấp.

Con trai 9 tuổi lại biết làm mẹ ngạc nhiên khi tự ngồi xếp lại tủ bát đĩa của mẹ thật gọn gàng mà mẹ không cần phải nhắc.

Con trai 9 tuổi rất thích được ra công viên trượt patin, tự nhiên làm quen với các bạn mới hay các anh chị đang chơi.

Con trai 9 tuổi có thể dậy sớm cùng mẹ để chạy, nhưng có khi cũng toàn đi bộ vì kêu mệt làm mẹ chạy xong 1 vòng rồi cứ phải đứng chờ mãi.

Con trai 9 tuổi lúc nào cũng chê mẹ xấu, mẹ gầy, chỉ được cái da trắng.

Con trai 9 tuổi lúc nào cũng khen bố dáng chuẩn, sau này muốn được đi học trường của bố.

Con trai 9 tuổi đang xin phép bố mẹ được chơi game trên máy tính nhưng bố mẹ vẫn chưa cho phép

Con trai 9 tuổi giờ hay thích ôm quyển sách hay quyển truyện tranh để đọc, vì được mẹ hàng tuần dẫn ra hiệu sách để tự chọn sách.

Con trai 9 tuổi sau chuyến đi Nhật vào dịp hè thì đang ôm giấc mơ sau này được sang Nhât đi học và cưới vợ Nhật để được ăn các món Nhật thỏa thích.

Con trai 9 tuổi có món khoái khẩu là thịt nấu đông, thịt bò sốt vang, soup gà, với những món này thì con sẽ ngồi im ăn không nói một tiếng, và chẳng chịu nhường ai.

Con trai 9 tuổi đã rong ruổi cùng bố mẹ trong nhiều chuyến đi chơi, từ vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long đến bãi biển tuyệt đẹp của Mũi né hay Phú Quốc, từ Huế, Đà nẵng đến Quy nhơn, Phú Yên, từ các vùng đất tuyệt đẹp của vn cho đến Thái lan, đặc biệt nhất là con đã được quay trở lại nơi con đã sinh ra là Kyoto yêu dấu, nhưng đáng tiếc nhất là con đã miss chuyến đi Malaysia vì lý do lãng xẹt là mẹ quên không renew hộ chiếu của con.

Con trai 9 tuổi của bố mẹ còn nhiều nhiều những cái để kể nữa, cả cái xấu lẫn cái tốt, nhưng quan trọng nhất là con đã người lớn hơn rất nhiều, đã biết quan tâm và giúp đỡ những người xung quanh. Mẹ mong con sẽ học được cách phân biệt phải trái, đúng sai, biết yêu lao động, biết sống vui vẻ, lạc quan, hòa thuận với mọi người, có lẽ đó là những điều mẹ mong muốn nhất ở con trai đấy.

Nhớ mãi tuổi lên 9 của con.


Thursday, December 11, 2014

Nhân dân và Chủ tịch quốc hội


Ở nhà mình thì thường là mẹ là người hay nhắc nhở (hay ra lệnh) cho mấy bố con phải làm cái này hay cái kia, nên chắc Kiên và Khanh thấy mẹ như 'bà tướng" ấy.
Hôm nay, trong lúc đang ăn cơm tối, Khanh đứng lên đi ra phía bếp, tưởng là con gái định rót nước uống như mọi khi, nhưng đi được nửa đường, thì Khanh nhớ ra là mình muốn đi tè chứ không phải uống nước. Khanh lẩm bẩm một mình: à, mình muốn đi tè. Nên quay lại phía toilet. Mama ngay lúc đó nhắc Khanh phải nhớ tắt điện toilet, vì Khanh lần nào cũng quên.
Kiên thấy chưa gì mama đã nhắc nhở thì buôn ngay 1 câu: Ở nhà này mẹ cứ như là Chủ tịch quốc hội ấy.
Mẹ thấy thế hỏi lại: Thế còn Kiên, bố và em Khanh thì là gì?
Kiên nói ngay: nhân dân
Bố nghe thấy thế chen vào: còn lâu bố mới là nhân dân, bố là Thủ tướng.
Kiên: thế thì con cũng làm Tổng thống.
Bố: việt nam làm gì có tổng thống.
Mẹ chen vào: Kiên ạ, nếu Thủ tướng mà không làm tốt thì nhân dân có quyền phế truất đấy.
Sau đó thì cả nhà bàn luận xem nếu nhà mình là 1 quốc gia thì nên chọn nước nào, việt nam, mỹ hay nhật? Một hồi thì Kiên bảo muốn làm vua của nước Nhật. Ối trời, thế này thì đi hơi xa quá rồi đấy.

Kiên thì lúc nào cũng đòi dính lấy nước Nhật. Nó còn coi nước Nhật là quê hương của nó, vì đấy là nơi nó đã sinh ra.

Nhưng mẹ đã giải thích là: lẽ ra nơi mình sinh ra thì cũng có thể coi là quê hương. Nhưng trường hợp của con lại khác, vì con sinh ra ở Nhật, nhưng con lại không lớn lên ở đó (thực ra là chỉ có 3.5 năm), nên nơi nào con sống nhiều nhất thì đó sẽ là quê hương của con.
Kiên nghe thế có vẻ đồng ý lắm.

Câu chuyện của bữa tối quả là mang màu sắc chính trị :)

Tuesday, December 2, 2014

Mỗi tuần một cuốn sách

Mẹ vừa đọc một bài rất hay nói về việc đọc ở đây, và mẹ cũng muốn con trai có được niềm vui và tình yêu đối với việc đọc như vậy. Mẹ chợt nảy ra một "ý tưởng" là hàng tuần, vào thứ 7, mẹ sẽ đưa con ra hiệu sách để con tự chọn cho mình 1 quyển. Con sẽ có 1 tuần để đọc hết cuốn sách, và 2 mẹ con có thể nói chuyện xung quanh nội dung của cuốn sách xem con nghĩ như nào.

Lẽ ra thì mẹ định tìm 1 cái thư viện để đưa con đến đọc hay mượn sách đem về, đỡ phải đi mua. Nhưng thư viện Hà nội thì quá xa, còn gần thì lại không có cái nào. Thế mới biết thư viện ở vn vẫn ít quá. Đành phải tốn tiền mua sách thôi. Nhưng mua sách thì mẹ chẳng bao giờ thấy tiếc tiền cả.

Bởi vì mẹ biết con thích truyện tranh, nên mẹ cũng quy định là nếu tuần này con mua truyện tranh rồi thì tuần sau sẽ phải là 1 cuốn không phải truyện tranh.

Mẹ sẽ để con tự quyết định cuốn sách cho mình, và sẽ cố gắng không can thiệp vào lựa chọn của con.

Và để bắt đầu được mua sách, thì con phải đọc hết những cuốn sách đang có.

Tối đến, sau khi con học xong bài ở lớp, mẹ đem ra 1 chồng sách mà con có vẻ như chưa đọc. Kiên bắt đầu giở những quyển chưa đọc ra rồi nằm bò ra sàn nhà đọc.  Trong lúc vừa đọc, thỉnh thoảng lại quay sang nói vài ba câu liên quan đến quyển sách cho mẹ nghe, hoặc hỏi mẹ gì đó, nhưng mẹ thì còn đang bận dạy em Khanh học bài nên cũng chả để ý.

Mẹ thì thấy Kiên cũng có vẻ hứng thú với mấy thể loại như truyện tranh, sách khoa học hay động vật, thiên văn, nhưng con không ngồi đọc sách lâu được, cũng chưa có thói quen đọc hàng ngày. Có lúc mẹ nhắc đi đọc sách thì ngồi đọc cũng chăm chú lắm, nhưng mẹ không nói gì thì có khi cả ngày, cả tuần chả động đến 1 cuốn nào.

Hôm qua sau khi nghe mẹ nói thế, thì Kiên đi khắp mấy phòng đếm xem mẹ có bao nhiêu cuốn sách. Mẹ bảo sách của mẹ nhiều lắm. Cả tủ sách to đùng bên nhà bà ngoại cũng là sách của mẹ và các dì. Sách đem lại cho mình kiến thức. Hy vọng mẹ con mình sẽ duy trì được thói quen đọc sách và cùng thực hiện ý tưởng ít nhất 1 tuần/cuốn từ bây giờ.

Tuesday, November 25, 2014

3 điều ước

Kiên cùng mẹ vào hiệu sách ở trên tầng 5 của Lotte. Một lúc sau thấy Kiên cầm ra 1 thứ đồ chơi là con quay, bảo là muốn mẹ mua cho cái này. Mẹ bảo: không tự nhiên mà mẹ mua cho con cái gì cả, nếu con có thành tích gì đó, hoặc đến sinh nhật sắp tới của con thì mẹ có thể mua. Kiên không nói gì, đành cất món đồ chơi vào chỗ cũ.
Dọc đường về, Kiên có vẻ vẫn rất suy nghĩ về con quay, rồi giải thích cho mẹ là có rất nhiều loại, loại tấn công, loại phòng thủ,...Kiên bảo, nếu con có 3 điều ước thì con sẽ ước có con quay đấy.
Mẹ đùa hỏi lại: nếu con có 3 điều ước thì con ước con quay, con quay, con quay, tức là cả 3 điều ước đều là con quay?
Kiên giãy nảy lên bảo: Không, con chỉ ước điều đầu tiên là con quay thôi, con điều ước thứ 2 là Việt nam được tự do, còn điều ước thứ 3 là Việt nam phát triển.
Ôi chao, điều ước thứ nhất của con với 2 điều ước còn lại sao mà khác nhau về tính chất và mức độ đến thế không biết.
Mẹ hỏi lại: Mẹ nghĩ vn được tự do rồi mà, cần gì phải ước nữa.
Kiên: không, con muốn vn không còn sợ Trung quốc nữa, thế mới là tự do.
Ái chà, lập luận cũng ác phết nhỉ.
Mẹ vẫn tiếp tục tấn công: Nhưng sao con lại mua đồ của tq, mẹ chẳng thích đồ nào của TQ cả, con mua đồ TQ là con ủng hộ TQ đấy.
Kiên: con chỉ ủng hộ con quay của TQ thôi.

Vẫn là chuyện làm thế nào để mẹ mua cho con quay. Kiên bảo thế cần phải có bao nhiêu việc tốt thì mẹ mới mua?
Mẹ bảo cần có nhiều. Kiên bảo 2 có là nhiều không? Mẹ bảo: 2 thì ít quá, phải 20 việc tốt ấy.
Thế là Kiên bảo từ bây giờ Kiên sẽ tự ghi việc tốt ra giấy cho đủ 20, nếu có 1 việc xấu thì sẽ bị xóa đi 1 việc tốt.

Được mấy hôm rồi, thấy tờ giấy ghi việc tốt của Kiên có những việc như là: ăn nhanh (lặp lại vài lần, vì ngày nào ăn nhanh là ghi vào), đánh răng cho em, rửa mặt cho em, dậy em học, úp bát cho mẹ,... Giờ Kiên yêu cầu mẹ không nhắc Kiên phải làm gì, mà để Kiên tự làm. Xuống đến bếp là Kiên bảo mẹ đừng có nói gì cả, để Kiên tự ra máy rửa bát úp bát vào tủ cho mẹ. Nhìn con trai lăng xăng úp bát, rồi tỉ mẩn xếp lại từng cái đĩa cho ngay ngắn mà mẹ thấy vui quá. Cứ phát huy thế nhé, con trai.

Tuesday, October 7, 2014

điều kỳ diệu

Cuốn truyện "Điều kỳ diệu" quả là một cuốn sách đáng đọc. Mẹ thường đọc cho Kiên nghe khi cả nhà di chuyển trên xe, như thế cho tiết kiệm thời gian, vì thực ra, về đến nhà là mẹ có cả đống việc để làm nên chẳng mấy khi có thời gian đọc truyện cho con nghe.

Truyện kể về bạn August có gương mặt kỳ dị, khó coi từ lúc sinh ra. Khi đi học, August bị các bạn xa lánh, chòng ghẹo, nên chỉ có 1,2 người bạn thân. Câu chuyện khá cuốn hút, dễ đọc, nhưng đôi khi cũng có những tình tiết, những câu nói hay những suy nghĩ làm người lớn cũng phải giật mình hay ngạc nhiên. Thỉnh thoảng, trong lúc đang đọc, mẹ lại hỏi Kiên xem nếu gặp bạn August ở ngoài đời thì Kiên sẽ cảm thấy thế nào.

Thực ra ở lớp Kiên cũng có 1 bạn hơi đặc biệt, tên là Lộc, Bạn Lộc học cùng với Kiên từ hồi lớp 1, nên mẹ cũng được nghe Kiên kể nhiều về bạn Lộc. Mẹ hay dặn Kiên có gì thì giúp đỡ bạn trong việc học, chơi với bạn. Khi thấy Kiên vào lớp, bạn Lộc hay gọi: Kiên ơi.

Hôm nay, trong lúc đang đọc truyện August ở trên xe, Kiên bảo: Bạn August không bình thường bên ngoài, nhưng nếu không bình thường ở bên trong thì mới phức tạp. Chắc là ý Kiên đang muốn nói đến bạn Lộc ở lớp. Con so sánh như vậy cũng đúng. Nhưng thực ra nếu mình bị thiệt thòi cái này thì thế nào cũng sẽ được bù đắp ở cái khác, mẹ tin là thế.

Có hôm Kiên đi học về kể chuyện bạn Lộc ở lớp biết chế thơ. Kể ra bạn Lộc nhận thức có thể chậm hơn các bạn, nhưng nếu bạn í biết chế thơ như Kiên nói, thì mẹ tin là bạn í cũng có khả năng về cái gì đó.

Mẹ mong con trai luôn biết quan tâm đến người khác, biết thông cảm và chia sẻ, hòa đồng với mọi người, con nhé.

Friday, October 3, 2014

Chuyện vặt vãnh

Mẹ phải ghi ngày 30/9 vào mới được. Vì sáng nay con trai đánh thức mẹ dậy để đi tập thể dục, thật là hiếm có.
Thực ra trước đây 2 mẹ con cũng đã từng chạy bộ buổi sáng một thời gian rồi, nhưng sau đó, với đủ mọi lý do, mà chủ yếu là do lười, thì mẹ nghỉ tập dài dài. Dạo này thấy người ngợm gớm quá, nên cũng hạ quyêt tâm sẽ dậy để chạy bộ trở lại. Nhưng chỉ mãi đến sáng nay, khi con trai gọi, thì cái quyết tâm của mẹ mới biến thành hành động.
đến hôm nay 2 mẹ con đã chạy liên tục được 4 hôm rồi, cảm thấy người sảng khoái hẳn lên, mặc dù có bị đau cơ. LÚc về còn tiện thể mua đồ về ăn sáng nữa. Thời tiết cũng có hôm oi, nhưng đã dễ chịu rất nhiều so với mùa hè. Hy vọng mùa đông sắp tới, 2 mẹ con vẫn có đủ can đảm để chui ra khỏi chăn.

Chuyện khác
Hai anh em rất hay cãi nhau. Hôm nay, trên đường về cũng thế, cãi nhau cái gì đó ầm mỹ trên xe. Con em tức quá bảo: thôi, Khanh không thích anh trai này nữa đâu, đổi anh trai khác đi.
Thằng anh nghe thấy thế ngoạc mồm ra: chả bao giờ có anh trai khác cả, vì nếu mẹ đẻ em nữa thì chỉ là em của Khanh thôi, mà nếu chẳng may mà là em gái thì cũng chẳng có em trai.
Mẹ thấy thế xen vào: sao lại chẳng may? có con gái thì cũng tốt chứ sao.
đấy, toàn những câu chuyện chả đi đến đâu.

Kiên bảo: pê đê tức là con trai yêu con gái, còn đê pê tức là ngược lại, con gái yêu con trai.
Mẹ bảo: ơ, thế bố là pê đê à? vì bô yêu mẹ mà.
Kiên: vâng, bố là pê đê, rồi cười hề hề.
Mẹ đinh giải thích nghĩa cho con hiểu, nhưng bố có vẻ ngăn lại, nên lại thôi.

Wednesday, October 1, 2014

Phượt miền Tây (2): Sóc Trăng -- vùng đất của người Khmer

2 bác xe ôm chở đến Viện bảo tàng Khmer trước tiên. Người dân gốc của vùng này là người Khmer, nên dấu ấn văn hóa Khmer khá rõ nét. Vừa bước vào bảo tàng thì gặp ngay mấy con chó sủa toáng lên. Chị nhân viên bảo tàng thấy có khách đến thì mới mở cửa, bật đèn để khách vào thăm. Chứng tỏ vùng này cũng ít có khách đến thăm. Hôm nay được tiếp mấy vị khách nói giọng Bắc chắc lạ lắm. Bảo tàng này trưng bày rất nhiều vật dụng về đời sống văn hóa của người Khmer như trang phục, chữ viết, kiểu quan tài,… Nhưng ấn tượng nhất là bộ đàn ngũ âm, gồm 5 loại nhạc cụ khác nhau của người Khmer.

Đối diện Bảo tàng là chùa Khleang, chùa Phật giáo của người Khmer. Chùa này có kiến trúc khá đẹp, với bề ngoài phủ một mầu vàng, với nhiều bức tượng phía ngoài chùa được trạm trổ tinh tế. Xung quanh chùa có rất nhiều cây xanh. Có 1 loại cây khá đặc trưng mà sau này mama mới biết là cây thốt nốt. Một nhóm các nhà sư mặc áo màu cam đang ngồi uống nước và chuyện trò dưới tán cây. Trời hơi lất phất mưa, nên bố cứ giục phải xem nhanh không thì hết thời gian. Trong chùa cũng có cả một ngôi trường bổ túc văn hóa gì đó, phía ngoài ghi các tên và khẩu hiệu đều bằng cả 2 thứ tiếng Kinh và tiếng Khmer.

Trời vẫn lất phất mưa nên phải tranh thủ đi cho nhanh. Địa điểm tiếp theo là Chùa đất sét, hay còn gọi là Bửu Sơn Tự. Đây cũng là một địa danh nổi tiếng của Sóc Trăng, với các bức tượng đều được làm bằng đất sét. Trong chùa còn có 8 cây nến to, trong đó có 2 cây đã được thắp từ hồi ông tổ của chùa này mất từ năm 70 đến nay mà vẫn chưa cháy hết. Thấy bảo nếu đốt những cây nến kia thì chắc phải 70,80 năm mới cháy hết được. Cuộc đời mà để lại những di sản đáng quý như thế này thì sẽ mãi được con cháu nhớ đến và biết ơn, tưởng nhớ.

Ra khỏi chùa, trời vẫn mưa lác đác, nhưng kệ, đành đi tiếp. Đi phượt dưới trời mưa được cái là mát mẻ, dễ chịu. Mấy bác xe ôm đưa tiếp đến chùa Dơi, hay còn gọi là chùa Mã tộc (Mahatup). Đây có lẽ là điểm đến đáng mong đợi nhất của chuyến đi Sóc Trăng. Chùa này nghe nói là có hàng ngàn con dơi đậu, không biết giờ chiều chiều này thì có nhiều dơi chưa. Cổng chùa màu vàng với những họa tiết cũng giống như ở chùa Khleang. Bên trong khá rộng. Điện chính của chùa cũng có bày những nhạc cụ ngũ âm, chắc ở đây dịp lễ hội người ta sẽ biểu diễn. Đi ra phía ngoài để xem dơi. Mặc dù đã nghe thấy tiếng dơi kêu khắp nơi, nhưng phải đi thêm 1 chút mới thấy. Chúng đậu trên những ngọn cây cao tít, nên nhìn xa chỉ thấy như những chấm đen to. Nhưng đôi khi chúng sải cánh ra thì cũng nhìn thấy rõ hình dáng dơi. Nghe chúng kêu thì chẳng thấy dễ chịu chút nào. Nhìn lũ dơi bâu kín trên cây trông cũng kinh kinh. Trời mưa nên càng thấy âm u.

Đi tiếp một đoạn nữa thì thấy có mấy cụ cao tuổi, ngồi quây thành vòng tròn, mỗi cụ một loại nhạc cụ trong tay, và đang gẩy những điệu nhạc rất thú vị. Nhất là tiếng trống tạo thành nhịp rất hay. Bố và Kiên chăm chú xem lắm. Chắc đây là nhóm nhạc biểu diễn của chùa. Phía trước cũng có để 1 cái hộp để nhận tiền ủng hộ của mọi người. Bố mẹ cũng cho vào đó 20k, rồi đứng nghe một lúc. Điệu nhạc truyền thống của người Khmer, rất réo rắt, rất dân tộc, vừa nghe vừa có thể tưởng tượng ra những điệu múa của cô gái Khmer. Thật là một khoảnh khắc hết sức ấn tượng của chuyến đi.
Ra ngoài chùa dơi, bố cứ đòi mua một loại quả gì đó mà người ta bày bán rất nhiều, chẳng biết gọi tên là gì, hình như là quả cheri của vn, 15k/cân, mua thêm cho Khanh 1 cái giỏ bằng tre, đan có vẻ khéo, giá 20k. Thế là bố vừa ngồi xe ôm vừa cắn quả ăn, hạt thì ném ra đường.
Điểm đến tiếp theo là Chùa chén kiểu, hay còn gọi là chùa Sà Lôn, chùa này hình như là xa nhất. Cổng vào chùa có ghi tên chùa bằng tiếng Khmer và tiếng Kinh. Dọc 2 bên đường thì đủ các quán bán hàng, các gánh hàng rong, trông kiểu như đang họp chợ. Phía trong chùa là các điện thờ, với các bức tường đều được ốp bằng các đĩa sành sứ, trông rất độc đáo. Trời bắt đầu mưa to, nên phải chạy vào 1 gian chùa để trú mưa. Không ngờ lại đúng là chỗ thờ của vị sư của chùa, có cả áo quan để đó luôn. 

Trời vẫn mưa lất phất. Giờ là tầm 4,5h chiều và cũng đã hoàn thành xong các điểm cần đi của buổi chiều nay. Các bác xe ôm sẽ chở cả nhà ra bến xe bus lúc trưa để bắt xe về Cần thơ. Giờ quyết tâm không đi cái xe dù như buổi sáng nữa. Nhưng đang gần đến bến bus, thì thấy bác xe ôm vẫy vẫy 1 cái xe khách đi Cần thơ, rồi giơ 2 ngón tay lên, ý là có 2 người muốn đi. Lái phụ hét to bảo lên luôn đi, nhưng bác ý bảo còn một người nữa ở đằng trước. Bố và xe kia đã đi trước khá xa nên đuổi theo mãi không kịp. Mẹ gọi di động cho bố cũng không được. Cũng vừa lúc thì tới bến. Xe kia cũng vào bến. Xe này khá to, chắc đi cũng được. Nhưng phía ngoài lại có 1 xe khác, tầm 16 chỗ y như xe ban sáng dụ đi. Thế là bố lại quyết định lên luôn xe nhỏ. Bố toàn quyết định những cái chả ra sao. Lên xe, hỏi giá vé 50k/người, rẻ hơn buổi sáng bao nhiêu, nên mẹ cũng thấy xuôi xuôi. Xe này tất nhiên là cũng bắt khách dọc đường, nhưng may mà không bắt hàng. Lái xe thì liên tục vừa lái vừa gọi di động, hình như là để hẹn tối nay đi nhậu với mấy em nào đó. Mạ lạ một cái là vừa gọi xong cho người này là lại phải bấm máy gọi ngay cho người khác, kiểu như là không gọi thì không chịu được, nếu chỉ có mỗi lái xe thì buồn bực hay sao đó. Mẹ ngồi sau cũng thấy chả yên tâm chút nào, và lại thấy hơi ân hận vì đã đồng ý với bố lên xe này. Đi được 1 lúc thì xe dừng lại để lái phụ xuống mua Bánh Pía. Nghe nói bánh pía ở Sóc trăng là nổi tiếng. Anh lái phụ mua xong quay lại xe, chắc nhìn mặt mình thấy tần ngần muốn mua, nên hỏi: có mua không? Mình gật đầu, thế là lại chạy vào mua hộ cho 1 gói, giá 40k. xe này đi mẹ ngồi một mình cả một dãy ghế, bố và Kiên ngồi trên ghế đầu. Trời bắt đầu nhá nhem tối nên mẹ cũng cứ phải gắng mà nhìn đường.

Tuesday, September 30, 2014

Phượt miền Tây (1)

Chuyến phượt miền Tây được quyết định rất nhanh và thực ra là không hề nằm trong kế hoạch. Bởi năm nay cả nhà đã có 1 chuyến đi Huế- Đà nẵng đầu năm, 1 chuyến của ba mẹ con đi Nhật, một chuyến bố đi Mỹ, và dự định là còn 1 chuyến cả nhà đi Quy Nhơn cuối năm nữa thôi. Nhưng chuyến đi miền Tây là đột xuất, trong lúc nổi hứng, vì bố có kế hoạch đi Cần thơ dự hội thảo, nên mẹ quyết định sẽ đi cùng, Nhưng thực ra mẹ rất muốn đi miền Tây chơi từ lâu rồi, vì chưa đi bao giờ. Một lý do nữa là muốn được đến những nơi đã đi vào những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư, nên mẹ quyết định mà chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. Trong hành lý mẹ còn nhét thêm cuốn Đảo của NNT nữa, hy vọng sẽ được đọc những dòng văn ấy trên vùng đất miền Tây sông nước.

Và mẹ muốn cho Kiên đi cùng. Khanh thì hơi nhỏ cho việc đi phượt kiểu này nên đành cho ở nhà, việc này cũng làm mẹ áy náy lắm. Còn bố thì muốn cho cả Kiên và Khanh ở nhà, chỉ 2 bố mẹ đi thôi. Nhưng mẹ thì vẫn muốn con trai được đi đây đi đó thật nhiều để học hỏi. Nên mặc dù mới vào năm học mới được mấy ngày nhưng mẹ vẫn xin nghỉ cho con 1 ngày để đi chơi. 

Cả nhà có 3 ngày, khởi hành từ sáng ngày 13/9 (thứ 7), đến nơi tầm 10h30 sáng, chơi thứ 7, chủ nhật, thứ 2. Hai mẹ con sẽ bay về HN trước vào thứ 2, còn bố sẽ ở lại để dự hội thảo vài ngày nữa. Chỉ có 3 ngày ở miền Tây, nhưng không ngờ là cũng tận dụng thời gian để đi lại được khá nhiều nơi.

Ngày 1:
Chuyến bay từ HN đi Cần thơ diễn ra khá xuôn xẻ. Đến Cần Thơ lúc tầm 9h, về đến khách sạn lúc 10h, nhưng chưa có phòng để check in, phải chờ đến 12h. Theo kế hoạch ban đầu, mẹ dự định sẽ đi chơi lòng vòng quanh Cần Thơ, nhưng nói chuyện với nhân viên khách sạn thấy họ nói mấy chỗ đó cũng không có gì. Họ gợi ý Khu du lịch Mỹ Phước gì đó, nhưng mẹ lại không thích đi mấy điểm như vậy. Vườn cò thì lúc nãy có hỏi giá xe của bác taxi thì thấy chi phí cả đi lẫn về gần 1 triệu, mắc quá, để tính cách khác rẻ hơn. Thôi, không theo kế hoạch nữa. Ngay lập tức mama quyết định là sẽ đi Sóc trăng, bằng xe khách. 

Cả nhà ngay lập tức bắt taxi ra bến xe khách. Từ hồi về vn là mẹ chưa đi xe khách chuyến nào đâu đấy, thế mà giờ đi phượt thì chấp nhận xe khách sẽ là phương tiện chính. Thực ra mẹ đã check trước là xe bus Phương Trang khá ok, mẹ vào quầy của PT book ngay 3 vé đi Sóc Trăng, giá vé 85,000/người, nhưng 11h30 mới có chuyến tiếp theo. Nhân tiện mẹ book luôn 3 vé đi Châu Đốc cho ngày mai, cái này thì nằm trong kế hoạch rồi nên không phải nghĩ nữa. Đang định là ngồi đợi đến 11h30 để đi, thì có ông cò mồi của hãng khác cứ chèo kéo đi xe khác, khởi hành sớm hơn, giá vé có 80,000/người. Mẹ thì không muốn đi lắm, nhưng bố thì ok, vì không thích chờ đợi. Đành cancel vé của Phương Trang, sang bên kia mua vé khác. Ông đó bảo 10h45 khởi hành, nhưng phải chờ đến hơn 11h mới có xe, mà là xe nhỏ 16 chỗ, chứ không phải xe to. Ngồi lên xe rồi mới biết kiểu xe này là xe dù chứ chả phải hãng gì, và nghĩa là hãng xe kia đã bán 3 người nhà mình cho cái ông tài xế này, chứ xe kiểu này chỉ tầm 50k/người. Bài học đầu tiên khi đến Cần Thơ.

Càng đi tiếp càng thấy quyết định chuyển sang xe này là một sai lầm. Bác tài sau khi bán mấy người khách vừa bắt ở bến xe cho 1 xe khác, kèm theo 1 câu: “đời không như là mơ”, một cách hết sức tỉnh bơ, thì bắt đầu bắt khách suốt dọc đường. Thậm chí còn dừng lại 2 lần để lấy hàng chất lên xe. Một lần thì lấy hàng đã hẹn trước. còn 1 lần thì đang đi đường, thấy bác ý dừng lại, đi lùi lại, rồi hỏi cái bà đứng bên vệ đường với một đống quận dây to có vẻ muốn chở đi. Rồi 2 bên ngã giá. Bác xế gật đầu đồng ý, rồi chạy xuống mở cửa xe, xem xét các chỗ có thể nhét hàng vào. Không ngờ là nhiều thế, phải đến mấy chục cái cuộn dây to, và phải mất đến 30p để chất xong đồ. Sauk hi chất đồ xong thì dưới chân các hành khách toàn là dây rợ. Thậm chí Kiên chẳng có chỗ mà để chân xuống đất, phải bỏ dép ra, rồi gác chân lên đống dây đó để ngồi. Phải nói thêm là cái ghế của Kiên còn không phải là 1 cái ghế, mà chỉ là tấm gỗ gá vào cạnh ghế để làm thành 1 chỗ để ngồi. 2 mẹ con vừa đi đường vừa trách móc cái xe mà bố đã lựa chọn. 

Sóc Trăng cách Cần Thơ chỉ tầm 65km, cứ nghĩ chỉ đi hết hơn 1 tiếng là đến nơi, thế mà cuối cùng hết gần 2 tiếng rưỡi, thật không thể không bực mình. Thà cứ đợi cái xe PT thêm 1 chút nữa thì đã đến nơi sớm hơn rồi không. 

Đến Sóc Trăng là hơn 1h chiều. Vừa xuống xe khách là đã có 1 đống xe ôm vây quanh hỏi đi đâu đi đâu. Mà cũng cần phải kiếm xe ôm để đi thật, chứ làm gì có phương tiện gì khác. Các địa điểm cần đi thì viết sẵn ra giấy rồi. Chìa cho 1 bác xe ôm, bác í xem xong rồi nói đi được, giá 200k/xe, 2 xe là 400k, đi hết những điểm này, chỉ trừ 1 điểm hơi xa thì mama cũng không muốn đi. Thôi, cũng được, chẳng kỳ kèo thêm nữa, trông bác í cũng có vẻ chất phác, với lại địa điểm xa nhất thì mẹ check cũng tới 12km, giá đó chắc cũng không quá mắc. Nhưng lúc sau nhìn thấy 2 cái xe ôm không yếm, không gì của 2 bác thì cũng hơi ái ngại. Mà thôi, đi phượt thì nó phải thế.
Đầu tiên là yêu cầu mấy bác tour-guide-kiêm-xe-ôm chở đến quán ngon nhất ở Sóc Trăng để ăn bún nước lèo. Bác ok ngay, nói có quán ngon số 1. Vào gọi 3 bát. Chẳng biết mặt mũi cái món bún nước lèo là gì nên cũng hồi hộp. Vì nghe tên thì cũng chẳng đoán ra là nó sẽ gồm những cái gì. Hóa ra nó gồm bún với cá, tôm, thịt kiểu xá xíu. Ăn hay phết, và khá ngon. Món này thực ra là món của người Khmer du nhập vào vn, với nước lèo làm từ mắm cá lóc, cá linh hay các loại cá khác, thảo nào nó có một mùi vị rất đăc biệt. Nói chung là đi xe khách dù từ sáng đến giờ, bụng đói meo nên bát bún này làm mình thỏa mãn quá. Ăn xong, trả tiền hết 28k/bát, mua thêm cái gói que gì đó hết 5k nữa. Rồi, giờ thì mặt mũi tươi tỉnh để bắt đầu thăm thú thôi.

Con nhòm, con ú!

Bố đang nói chuyện với Khanh gì đó thì quát con gái: Nghiêm.
Nó đi mấy bước rồi phụng phịu quay lại nói: Có phải bộ đội đâu.
6 tuổi mà cũng biết cãi ra phết đấy chứ.

Trong bữa cơm, thấy mẹ ăn ít, Khanh hay nói: Mẹ gầy nhòm như con nhòm! (Chả hiểu nó học đâu được cái câu này, mà cũng chẳng hiểu con nhòm là con gì luôn)
Anh Kiên nghe thấy vậy nói lại: Khanh béo ú như con ú!
Lúc nào 2 anh em cũng đối lại nhau y như vậy, Khanh nói xong câu này thì thằng anh nói ngay câu kia. Kiểu như không nói lại thì không chịu được. Ở nhà này hình như chẳng ai chịu ai câu gì.

Sunday, September 28, 2014

Không để gió cuốn đi...

Ngồi đọc lại những post cũ của blog mới thấy là ngày xưa mẹ viết cho con được nhiều, đọc lại những điều hết sức nhỏ nhặt ấy mới thấy sao mà chúng đáng quý đến thế. Nếu không viết lại những điều đó thì làm sao bây giờ mẹ có thể nhớ được, và rồi mẹ sẽ để cho những kỷ niệm ấy trôi đi mất theo thời gian, kiểu như không hề để lại chút dấu vết nào trong đầu mẹ ấy. Nghĩ thế mẹ lại thấy thật tiếc vì từ hồi về vn mẹ chẳng ghi chép được gì nhiều cho các con, và cho cả chính mẹ nữa. Cái này thì có nhiều lý do lắm, nhưng chắc chắn là do mẹ đã mất đi ít nhiều cảm hứng ngồi gõ trên bàn phím. Mặc dù vẫn muốn lắm, nhiều lúc tự nhủ rằng tối nay nhất định phải gõ lại cái này cái này, nhưng rồi đến tối lại thấy mệt nhoài, và không đủ cảm hứng để giở máy tính ra.

Nhưng giờ mẹ cũng phải quyết tâm để viết. Viết để sau này mẹ đọc lại, các con đọc lại, để hình dung lại ngày xưa là như thế, mình đã có những khoảnh khắc như thế. Nó đã được viết ra, có nghĩa là nó sẽ được đọc lại và sẽ không biến mất đi đâu cả.

Chuyện của ngày hôm nay cũng chẳng có gì đặc biệt, nhưng có khi sau này đọc lại chắc mẹ sẽ lại mỉm cười cho mà xem. Hôm nay anh Kiên tập làm thầy giáo để dạy Khanh mà bố mẹ ở phòng bên cũng không nhịn được cười. Anh đứng viết lên bảng, giảng giải cho em nét khuyết trên, khuyết dưới, rồi yêu cầu em Khanh nói lại y như thật. Thỉnh thoảng lại thấy anh Kiên nói: mời em đứng lên, rồi thế này thế kia. Được một lúc thì em Khanh chắc chán học quá, nên anh Kiên chạy sang chỗ bố mẹ phàn nàn. Mẹ bảo hay con cho em nghỉ một lúc đi, nhưng Kiên bảo Khanh đã được nghỉ rồi. Mẹ lại gợi ý, hay con cho em học cái khác đi cho đỡ chán, học toán chẳng hạn. Kiên thấy được bèn chạy sang bảo em: Thầy đã trao đổi với bố mẹ em và quyết định sẽ… Con trai cũng diễn y như thật ấy nhỉ.

Hôm nay bố đo chiều cao cho 2 anh em, Kiên được 128cm, Khanh 120 cm. Chiều cao của anh Kiên có vẻ khiêm tốn. Mẹ và Kiên đang đặt ra mục tiêu từ nay đến sinh nhật của Kiên vào tháng 12 này sẽ tang được thêm 3 cm nữa. để đạt được mục tiêu này, chắc mẹ sẽ phải thực hiện 1 số biện pháp cụ thể thôi, không thì con trai còi quá.


Hôm nay có món flake cho vào sữa, hai anh em thích món này lắm, nên cả ngày ăn được 3 lần sữa trộn flake như thế, cứ ăn theo đà này chắc sẽ có thêm calci đấy nhỉ. Bữa chiều mẹ còn làm thêm món bánh muffin để ăn giữa bữa nữa. Bữa tối có món cá hấp, anh Kiên chén tì tì. Cứ đà này thì cả 2 mẹ con mình đều tăng cân nhỉ.

10 năm kỷ niệm

Ngày 19/9/2014: Sáng nay mở mắt ra, điều đầu tiên mà cả bố lẫn mẹ đều nghĩ tới là đã tròn 10 năm rồi cơ đấy. 10 năm sống chung mà cứ như một cái chớp mắt, ngoảnh đi ngoảnh lại thấy sao mà nhanh thế. Nhưng giở lại những bức ảnh, những trang blog mà đọc thì thấy 10 năm ấy chất chứa quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều những điều tốt đẹp, nhiều niềm vui và cả rất nhiều những nỗi buồn, giận, trách cứ. 

10 năm đủ để cho cả bố lẫn mẹ ( ít nhất là me) đã dần học được những điều chưa hoàn hảo của người kia, và quan trọng hơn là nhận ra chính mình cũng là người không hoàn hảo chút nào, để học cách chấp nhận bản thân mình và đừng quá coi trọng cái tôi của chính mình, đừng khư khư với những định kiến và quy tắc cứng nhắc, đừng cứng đầu cứng cổ, đừng nghĩ là lúc nào mình cũng đúng, đừng áp đặt ý muốn của mình lên xung quanh, đừng coi cảm xúc của mình là quan trọng nhất, đừng đừng nhiều thứ khác nữa. 

Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng là học sinh xuất sắc trong những môn học này. Đôi khi vẫn cứng đầu, vẫn cứng nhắc, và vẫn hết sức chủ quan. Nhưng mẹ cũng mong bố sẽ có đủ sự cảm thông, rộng lượng và trên hết là tình yêu để "xí xóa" cho mẹ những điều đó, và mẹ cũng mong mình sẽ làm được như vậy đối với những gì chưa hoàn hảo của bố.

Nhưng dù sao thì 10 năm cũng đã dạy cho mẹ nhiều thứ, để mở to con mắt ra mà nhìn cuộc sống, để thấy rằng cuộc sống đôi khi là màu hồng, và đôi khi không phải thế, để đừng quá cuống quýt lên vì những điều tốt đẹp, nhưng cũng không quá ủ rũ, sầu thảm với những khổ đau, để sống và yêu một cách có lý trí. Nếu nhìn lại thì mẹ thấy thực sự 10 năm qua rất đáng trân trọng, bởi con người và suy nghĩ của mẹ đã trưởng thành lên từ đó.

Thực ra gia đình là một cái gì đó hết sức đặc biệt. Từ hai con người xa lạ, gắn kết lại với nhau, rồi con cái sinh ra sẽ trở thành máu mủ của họ. Nhưng thực ra gia đình là một cái gì đó cũng hết sức mong manh. Con cái coi bố mẹ là những người không thể thay thế, nhưng bố mẹ chúng thì sao. Xung quanh mình có rất nhiều câu chuyện về sự đổ vỡ. Thực ra 10 năm, 20 năm hay gì gì đó chỉ là những con số. Nó không có nghĩa là người ta hiểu nhau nhiều hơn, yêu nhau hơn. Nhiều gia đinh vẫn chia tay nhau ngay cả khi họ 60,70 tuổi. Có những người sống với nhau cả đời nhưng cũng không làm cho nhau hạnh phúc. Thế cho nên mẹ luôn tâm niệm rằng chẳng thể nói trước điều gì, và mẹ luôn cảnh giác, đa nghi với những gì làm ảnh hưởng đến gia đình mình, và đôi khi mẹ còn tự nhủ, nếu chẳng may có điều gì xảy đến với tình cảm của bố và me trong gia đình thì mẹ cũng có đủ bản lĩnh để đón nhận và đương đầu với nó. Nghe cũng kinh khủng nhỉ, nhưng ở tuổi này mẹ thấy mình yêu bằng lý trí nhiều hơn là trái tim.

Tình cảm của mình là một điều thiêng liêng, vì thế nó phải được đặt vào đúng người, đúng chỗ dành cho nó, đừng phung phí nó.

Thực ra tình yêu cũng luôn biến đổi. Sống với nhau hàng ngày nên mọi thứ trở nên quen thuộc, như phải thở bằng không khí, phải ăn uống mỗi ngày, nên đôi khi mình quên đi cả cảm xúc của mình, hoặc là cảm xúc đó cũng quá ít để cảm nhận. Nhưng đôi khi, trong cuộc sống bận rộn, mẹ lại chợt nhận ra những cảm xúc ấy vẫn đến với mình một cách tự nhiên nhất và bình thường nhất. Chẳng hạn, khi đang đi công tác, ngồi bar nghe nhạc với mấy người bạn, xung quanh thật sôi động, đầy màu sắc, và khi đó mẹ chợt nhận ra rằng mình muốn chia sẻ khoảnh khắc với bố biết bao. Hay khi đang ngồi trên taxi để đến chỗ họp với khách hàng, nhận được tin nhắn tạm biệt của bố để bố chuẩn bị lên máy bay đi công tác xa, thì lúc đấy tự nhiên mắt cay xè, thấy tự nhiên mình cô đơn kinh khủng. Tình yêu ở tuổi này chắc chỉ đơn giản vây thôi, chứ không hoa mỹ hay lãng mạn như hồi mới yêu nhau.

Đã tròn 10 năm, và con số vẫn chỉ là những con số. Cảm ơn 10 năm, cảm ơn những kỷ niệm chung đã có với nhau trong suốt 10 năm qua, thực sự là thế. Bởi chính nó đã làm nên con người mình, và là một phần của con người mình.

Monday, September 8, 2014

Chuyện của Kiên- số 9: Con sẽ phát triển Việt nam!

Kết quả của chuyến đi Nhật 3 tuần là những đoạn hội thoại kiểu như thế này:

Đang đi đường, Kiên bảo mẹ: Mẹ ơi, con cảm thấy hơi thất vọng về Việt nam.
Mẹ: sao con lại nói thế? Tại sao con lại thất vọng về vn? (mẹ vừa hỏi vừa thầm nghĩ không hiểu nó mượn cái từ thất vọng này từ ai)
Kiên: Vì việt nam chỉ toàn đem việc từ nước khác về làm, không chịu tự nghĩ ra.
Mẹ (nghĩ thầm cái thằng oắt con này phát biểu ác phết, chắc là bị tiêm nhiễm từ câu chuyện của bố mẹ đây), rồi giải thích thêm: à, con nói thế cũng đúng, vì việt nam thường hay nhận những công việc đơn giản, chẳng hạn Nhật thì thiết kế xe, còn việt nam chỉ lắp ráp thôi, việc lắp ráp thì đơn giản, dễ làm, nhưng lương cũng thấp.
Kiên: sau này con muốn sang Nhật để học, vì ở Nhật có thể học được những cái cao hơn, còn ở Việt nam thì chỉ học được những cái thấp thôi.
Mẹ : đúng rồi, nước Nhật phát triển hơn nên con có thể học được những điều gần với trình độ của thế giới.
Thế là Kiên đã nuôi giấc mơ được sang Nhật học, không những thế nó còn muốn lấy vợ Nhật nữa, vì cực kỳ thích món ăn Nhật, hehe. Còn mẹ nó thì sẽ nuôi giấc mơ sau này được nói chuyện với con dâu bằng tiếng Nhật, thế mới buồn cười, không khéo lại bị con dâu sửa lỗi ấy chứ J

Một lần khác, cũng đang đi trên đường, Kiên vừa quan sát đường xá vừa nói chuyện với mẹ:
Kiên: Mẹ ơi, sau này con sẽ cố gắng để phát triển Việt nam, vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài đường, những chỗ này này, ý nói là đường xá, chắc thế.
Vừa hay đi qua 1 cái ổ gà to có gắn một cành cây để cảnh báo rất hay thấy trên đường của Việt nam, Bố chỉ tay ngay bảo: À, tức là Kiên sẽ phát triển cái hố này cho nó to ra chứ gì.
Kiên nghe thấy thế biết ngay bị bố trêu nên tức lắm.
Mẹ giải thích cho Kiên: ví dụ như xây dựng đường xá là công việc của ngành xây dựng, các loại dây cáp điện thoại loằng ngoằng kia là công việc của ngành bưu điện, còn sắp xếp thành phố cho hợp lý là công việc của quy hoạch, có rất nhiều ngành nghề khác nhau, nên mình không thể làm hết đươc mọi việc, mà cần phải lựa chọn. Kiên muốn chọn ngành nào?
Kiên bảo: con muốn chọn nghề làm hết mọi việc đó.
Bố: à, thế thì con làm Thủ tướng con ạ. Thủ tướng sẽ chỉ đạo cho các ngành đấy phải làm gì.
Giấc mơ này thì quả là không hề nhỏ tí nào. Dù sao thì con cũng biết nghĩ cho đất nước VN thế là tốt rùi J

Lại cũng một lần khi đang đi trên đường, Kiên bảo VN chưa phát triển bằng Nhật mẹ a, vì các bến xe bus xa nhau quá, không tiện đi lại. Con trai cũng quan sát và nhận xét được đấy. Ở Nhật thì các bến bus nhiều, cứ ra đường là gặp ngay bus. Mẹ bảo Kiên, ước gì sau này mẹ con mình có thể đi chơi ở vn bằng bus như ở Nhật thì tốt biết mấy.

Rồi còn nhiều so sánh khác nữa của con về vn và Nhật bản. Một chuyến đi chơi ở Nhật cũng có ý nghĩa đấy chứ. Hy vọng giấc mơ làm cho VN ngày càng phát triển sẽ theo con mãi. 
Mẹ cũng đang mơ đây…

Wednesday, August 27, 2014

Chuyện của Kiên - số 8

Trong bữa cơm chiều, Kiên tự nhiên hỏi xem ngày xưa bố mẹ cưới nhau thì như thế nào. Bố mẹ ngạc nhiên hỏi lại xem con trai hỏi để làm gì. Kiên bảo: để về sau con cưới thì còn biết là phải làm gì. Ái chà, con lo xa hơi sớm quá đấy. Chả hiểu sao mới 9 tuổi đầu đã nghĩ đến chuyện cưới xin làm gì cơ chứ. Mẹ bảo hồi cưới bố mẹ có quay băng video, để mẹ sẽ bật cho Kiên xem.Nhưng dù sao mẹ vẫn phải cảnh báo con trai một câu là: vẫn còn sớm để con phải suy nghĩ về chuyện đó. Chắc bà mẹ nào cũng lo lắng về chuyện con trai mình yêu sớm rồi lấy vợ sớm ấy chứ chả phải riêng mẹ. Mà mẹ đoán có khi con trai mẹ lại lấy vợ sớm cũng nên. Mẹ vẫn luôn có suy nghĩ như thế mới lạ chứ.
Đang đà chủ đề hấp dẫn nên mẹ tiếp tuc "khai thác" con trai. Mẹ hỏi Kiên: không biết Kiên sẽ lấy vợ như thế nào nhỉ? Kiên bảo: Con sẽ đi khắp thế gian để tìm được cô ấy. Úi giời ơi, đến nước này thì bố mẹ há hốc mồm ra, suýt nữa thì rơi xuống ghế. Một câu nói quá kinh điển, và được thốt ra từ miệng của con trai bé bỏng của mẹ. Không thể tin được.Làm thế nào để con nhận ra cô ấy?. Kiên bảo nó mà gặp thì nó sẽ biết ngay, kiểu như là nó biết rất rõ mình thích type kiểu gì ấy. Thế Kiên có thích lấy một người giống như mẹ không? Không, đấy là câu trả lời của nó, mà không cần suy nghi gì nhiều. Hẳn là mẹ không hề cười được khi nghe câu này. Nó bảo mẹ gì gì đó (mà mẹ quên béng mất rồi) và làm ra vẻ mình nhiều tiền. Ối, không hiểu sao con trai lại nghĩ về tôi như thế cơ chứ.Thôi được, bỏ qua chuyện đó, mẹ hỏi tiếp: thế làm thế nào để cô ấy cũng thích con nhỉ? Kiên bảo: con sẽ cắt một hình trái tim màu đỏ hay màu gì đó, rồi viết lên đó, rồi quỳ xuống đưa cho cô ấy, nhất định làm như thế thì cô ấy sẽ thích. À, hóa ra là con cũng có "chiến thuật" hẳn hoi đấy chứ. Riêng cái đoạn quỳ chân xuống thì mẹ cũng chưa gặp bao giờ nên không có kinh nghiệm gì mà nhận xét cả. Hay là con trai tôi xem phim ảnh nhiều quá nên bị nhiễm? Mẹ nghi ngờ hỏi lại: con xem ở phim à? Kiên lắc đầu bảo nó tự nghĩ ra. Lại 1 chuyện không thể tin nổi.
Vẫn chưa muốn dừng câu chuyện ở đây, mẹ hỏi tiếp: Ý mẹ là có những phẩm chất gì của con mà có thể làm cho cô ấy thích?
Kiên, vẫn chẳng cần suy nghĩ gì nhiều, tự tin trả lời: Ý chí (rồi vừa nói vừa chỉ tay lên đầu), ý chí của con về việc muốn thiết kế xe ô tô, máy bay.
Có vẻ rất serious đấy chứ chẳng đùa đâu. 
Mẹ rất choáng với những câu trả lời của con, nhưng mẹ cũng hy vọng con sẽ chinh phục được tình yêu của mình một cách tuyệt vời nhất có thể. 
Chẳng hạn như chiều nay, cách cư xử của con đã "chinh phuc" được mẹ rồi đấy. Lúc hai mẹ con vác ống nước ra rửa xe, Kiên thì giữ vòi nước xịt vào xe, còn mẹ thì cầm giẻ lau. Chẳng may Kiên phun nước vào mẹ, làm mẹ cáu toáng lên. Nhưng lúc sau, khi mẹ cầm vòi, còn Kiên cầm giẻ lau, mẹ cũng chẳng may phun nước vào người Kiên thì Kiên nói ngay: không sao đâu, tí nữa đằng nào con chẳng đi tắm. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ làm cho mẹ vui rồi. Và nếu con giữ cách cư xử ấy với bạn gái hay những người phụ nữ mà con gặp thì sẽ chẳng ai là không thấy vui lòng. Hãy cứ như thế con nhé, chàng trai.

Friday, May 30, 2014

Chuyện của Kiên - số 7

Kiên được mẹ kể cho nghe về Bill Gates, rằng người ta dự đoán ông ý sẽ trở thành tỷ phú nghìn tỷ đô đầu tiên trên giới, và mặc dù ông còn trẻ, nhưng đã là tỷ phú từ rất sớm, hiện tại ông dành rất nhiều tiền để làm từ thiện, vì ông không phải làm vì tiền, bla bla. Kiên có vẻ rất quan tâm và ghi nhớ những điều này.

Có một lần, đang giờ cơm tối, Kiên bảo: Bố, có lần Bố nói là “bố mà không làm được thì chẳng ai làm được”, nhưng có việc bố không làm được đấy.
Bố (ra chiều rất quan tâm) hỏi lại: việc gì nào?
Kiên: Bill Gates có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ, thế Bố có làm được không?
Bố tất nhiên là không biết nói gì với câu trả lời này, thậm chí miệng thì cười nhưng méo xệch, hê hê. Còn mẹ thì cười toáng cả nhà, vì lại một lần nữa con trai nói hoàn toàn đúng. Phải cái tội bố hay “chém gió” cơ. Phải rút kinh nghiệm 1 điều là: khi nói chuyện với trẻ con, hãy nói một cách trong sáng và trung thực hết sức có thể. Những cái đầu non trẻ ấy thế mà biết đánh giá hết sức công bằng đấy. Đôi khi con trẻ đang dạy lại bố mẹ chúng theo cách như thế.

Chuyện của Kiên- số 6: Những đồng tiền đầu tiên của con

Một vài tháng trở lại đây, nhà mình đã áp dụng nguyên tắc “có làm có hưởng”. Chỉ đơn giản là ai giúp mẹ một số công việc nhà thì mẹ sẽ trả tiền công. Mức tiền công đã được mấy mẹ con thống nhất như sau:

-Xếp bát từ máy vào tủ sau khi rửa xong: 2000 đ/lần
-Phơi quần áo: 3000đ/lần
-Lấy quần áo và gấp cho cả nhà: 3000đ/lần
-Lau phòng khách: 5000đ/lần
-Lau phòng của bố mẹ: 5000 đ/lần (riêng phòng của mình thì phải tự lau, không được tiền)
-Dạy em Khanh học (chỉ áp dụng riêng cho anh Kiên): 5000 đ/30 phút (mức giá này chắc phải xem lại)
-Nhặt bóng tennis cho bố ở sân: 10,000 đ/tiếng
…………..

Hiện tại 2 anh em cũng có vẻ rất tích cực “kiếm tiền”. Nhất là anh Kiên, rất thích được ra sân nhặt bóng cho bố, vì công việc này thu nhập vừa cao lại vừa được chạy nhạy ngoài trời. Hôm nào về đến nhà là trông mồ hôi ướt đầm đìa. Nhưng việc lương cao này thì chỉ có 2 buổi/tuần thôi, còn các việc lương thấp kia thì có thể làm hàng ngày, thu nhập ổn định. Kiên đã được giải thích như thế. Nếu nhờ em Khanh giúp gì thì Kiên cũng phải chia tiền cho em theo công sức tương ứng.

Từ hồi áp dụng cách này, mẹ thấy hai anh em (nhất là Kiên) đã thay đổi hẳn suy nghĩ. Các con biết công sức mình bỏ ra sẽ thu được cái gì, biết rằng cũng phải vất vả mới kiếm được tiền, có ý thức giúp đỡ mẹ, không ngại việc nữa. Nhất là anh Kiên đã có ý thức tiết kiệm những đồng tiền mình kiếm được.
Kiên bảo với mẹ thế này: Mẹ ơi, con sẽ không dùng tiền của con để mua đồ chơi đâu, đồ chơi thì khi nào bố mẹ thưởng cho con thôi.
Nghe câu đấy của con mà mẹ thấy vui trong lòng lắm. Mẹ bảo: ừ, đồ chơi thì chỉ đem lại cho con sự thoải mái thôi, tiền đó con có thể mua sách, vì sách sẽ đem lại cho con kiến thức.
Kiên bảo: sách vừa đem lại cho con sự thoải mái, vừa đem lại kiến thức.
Đúng quá, con trai ạ. Con đã trở thành một chàng trai biết nghĩ rồi đấy. Điều này đem lại cho mẹ niềm vui lớn gấp nhiều lần so với những điểm 10 của con ở lớp.

Wednesday, March 26, 2014

"Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương"

Từ trước đến nay, mẹ vẫn thấy mình loay hoay trong việc dạy con, mặc dù mẹ cũng đã đọc nhiều sách về giáo dục. Nhưng đến khi đọc cuốn "Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương" của Sara Imas, thì mẹ mới thấy mình được khai sáng ra rất nhiều điều. Mẹ ghi ra đây những điều tâm đắc nhất, và mong rằng gia đình mình sẽ áp dụng được chúng hàng ngày, hàng giờ từ nay trở đi.

"Mọi tình yêu trên thế giới đều hướng đến mục đích chung là sự gắn kết, chỉ có một tình yêu luôn hướng đến sự phân ly là tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Giúp con sớm trở thành một cá thể độc lập sau khi rời khỏi cha mẹ, có thể đối diện với thế giới bằng chính nhân cách độc lập của mình, đó mới là tình yêu đích thực cha mẹ nên dành cho con cái. Cha mẹ rút lui càng sớm, buông tay càng sớm, trẻ càng dễ thích nghi trong tương lai."

"Có hai nguyên tắc cơ bản về bồi dưỡng khả năng giao tiếp ở trẻ em: Một là phải lắng nghe đối phương nói với thời gian nhiều gấp đôi thời gian mình nói. Hai là phải đưa ra nhiều câu hỏi, vì nhu cầu trao đổi thông tin và tri thức là khởi đầu của mối quan hệ giữa con người với con người."

"Cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng kỹ năng vượt khó cho con từ nhỏ, hay còn gọi là chỉ số vượt khó AQ (Adversity Quotient). Trẻ có chỉ số AQ cao, sau này lớn lên thường nhận thức rõ ràng nguyên nhân khiến mình rơi vào nghịch cảnh và sẵn sàng gánh chịu tất cả trách nhiệm, kịp thời rút ra bài học xương máu, đứng dậy từ nơi vấp ngã."

"Giáo dục khen ngợi có thể giúp con trẻ xây dựng sự tự tin, có tâm trạng vui vẻ, nhưng giáo dục nghịch cảnh khiến chúng thắng được thì cũng phải thua được, dám chấp nhận thất bại, rút ra bài học kinh nghiệm từ trong thất bại, tránh làm tổn thương đến lòng tự tin, bằng không con cái chúng ta sẽ không thể đứng dậy được."

"Khả năng kiểm soát bản thân của các bé trai có phần kém hơn, dù đã sửa thói quen xấu, nhưng chúng vẫn có thể tái phạm. Các bậc cha mẹ đừng phạt các bé ngay từ lần đầu chúng làm trái quy định. Hãy nhẹ nhàng nhắc nhở con, nếu sau ba lần nhắc nhở trẻ vẫn phạm lỗi, lúc này cha mẹ mới cân nhắc đến hình phạt"

"Cha mẹ cần lùi lại phía sau trẻ, chỉ làm quân sư có trách nhiệm tham mưu, quan sát, nhắc nhở trẻ, chứ không ôm đồm mọi việc. Không lo lắng thái quá, trông đợi vào sự thay đổi và tin tưởng trẻ"

"Dù con trẻ có đưa ra những quyết định và hành động không giống với sự kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta cũng phải tin tưởng và ủng hộ chúng."

"Phương pháp giáo dục con cái "nhận thù lao theo cơ chế thị trường" rèn luyện kỹ năng quản lý thông tin, kỹ năng quản lý giá thành, kỹ năng quản lý thời gian của con trẻ trên nhiều phương diện."

Monday, March 17, 2014

Chuyện của Kiên-số 5

Con trai của bố mẹ từ bé đến giờ không có gì đặc biệt. Tất nhiên con vẫn rất đặc biệt với bố mẹ, nhưng là theo 1 nghĩa khác. Nói chung con phát triển bình thường, và bố mẹ cũng không mong gì hơn. Thực ra là cũng có mong được con chăm chỉ học bài hơn mà không cần bố mẹ phải giục, mong con tự giác dọn phòng mà mẹ không phải cáu, mong con chơi vui vẻ với em mà hai anh em không ai phải mếu máo,... Thực ra là cũng không thể kể hết những niềm mong mỏi của bố mẹ nơi con, nhưng dù sao thì việc con luôn mạnh khỏe về tinh thần và thể lực là điều bố mẹ mong muốn nhất.

Thế mà tối qua con lại làm cho bố mẹ phải ngạc nhiên. Nếu kể ra đây lý do ngạc nhiên thì mọi người sẽ không chỉ ngạc nhiên và sẽ phải cười phá lên nữa. Đó là: con trai của bố mẹ biết vẫy tai. Chính xác là vẫy tai bên trái nhé, giống tể tướng Lưu gù!!! Haha, bố mẹ không thể nào nhịn được cười khi con biểu diễn trò này. Mẹ thì không biết có nên tự hào không, vì cũng không mấy người làm được điều này (bằng chứng là cả bố và mẹ đều không làm được). Con còn khoe tiếp là biết làm lõm mấy chỗ ở bắp chân và đầu gối nữa. Một kiểu của việc điều khiển được cơ ở những chỗ đó.

Hóa ra là từ trước đến nay con "vận công" vào mấy cái việc này. Con gọi đấy là "bí mật" của con, và chỉ cho bố mẹ và anh Trí biết.

Đôi khi những niềm vui nho nhỏ, hiếm hoi như thế này được con đem đến cho bố mẹ một cách hết sức không hề được mong đợi.

Tuesday, March 4, 2014

Chuyện của Kiên- số 4

Kiên tự nhiên hỏi mẹ: trên Đội là gì hả mẹ?
Mẹ: là Đoàn con ạ
K: Thế trên Đoàn là gì?
M: là Đảng.
K: Thế mẹ đã được vào Đảng chưa?
M: mẹ chưa.
K: Thế là mẹ bị trượt vào Đảng à? Sao mẹ không cố gắng?
M: à, không phải mẹ bị trượt, mà là mẹ không muốn. Đảng là 1 tổ chức chính trị (nghe quá khó, đến mẹ cũng không hiểu), chứ không phải là trình độ học vấn để thi vào.
K: cô giáo của con cũng chưa được vào đảng đâu. Cô cũng đang cố gắng.

Wednesday, February 5, 2014

Khai bút đầu xuân Giáp Ngọ 2014

Bộ phim Her vừa xem xong làm mình phải suy nghĩ về thế giới ảo. Nhân vật chính trong bộ phim đã thấy lại được cảm xúc, vốn đã lạnh giá kể từ sau cuộc hôn nhân tan vỡ, nhưng cảm xúc đó lại với một phần mềm máy tính, một "con người" của thế giới ảo, hoàn toàn ảo. Nhưng cảm xúc của anh lại có thật. Thật hơn rất nhiều cảm xúc của những con người thật trong thế giới thật với nhau. Thật đến mức anh thấy rằng chưa bao giờ anh yêu ai đến thế. Thật cảm động khi chứng kiến cách họ yêu nhau. Bộ phim có kịch bản quá sáng tạo, ngoài sức tưởng tượng, làm cho mình xem mà cũng khó có thể đoán trước được kết thúc sẽ thế nào. Cuối cùng cô gái phần mềm cũng biến mất. Dù sao "cô ấy" cũng đã đem đến cho anh Theodor những cảm xúc chân thật, biết quý trọng hạnh phúc, và biết trân trọng người mình yêu như chính bản thân họ. Nếu biết được những điều này từ trước, có lẽ Theodor đã giữ được cuộc hôn nhân của mình.
Cảm xúc của Theodor trong phim cũng có vẻ giống như mối quan hệ giữa những người bạn qua thư, kiểu như chỉ chuyện trò qua thư mà không bao giờ gặp mặt, rất hiểu nhau, chia sẻ mọi thứ, nhưng chỉ tồn tại với nhau qua các câu chữ, mà không bao giờ cần tiếp xúc trực tiếp. Hay cũng giống như quan hệ trên mạng, chỉ chat chit với nhau mà thôi. Những mối quan hệ kiểu này dường như rất hoàn hảo, vì họ hiểu nhau bằng cảm xúc, họ nghĩ rằng họ rất hiểu nhau. Nhưng có lẽ họ có được điều đó là vì họ không bị chi phối với sự hiện hữu bên cạnh nhau. Nếu họ sống với nhau hàng ngày face to face, liệu họ có còn giữ được sự hoàn hảo đó không? mình nghĩ là chưa chắc. Nếu sống với nhau trong thế giới thực, họ cảm nhận partner của mình bằng đầy đủ 5 giác quan, chứ không chỉ "nghe" như giữa Theodor và cô gái ảo kia, hay như những người bạn penpals. Có thể nếu chỉ "nghe" thôi thì họ có thể yêu nhau, hiểu nhau, nhưng nếu họ "thấy", "chạm", "nếm" ,.. để cảm nhận người yêu của mình ở các khía cạnh khác nhau thì liệu họ có còn yêu nhau nhiều đến thế không? 
Xét cho cùng một tình yêu sinh ra từ thế giới ảo, thì khi bước ra ngoài thế giới thật, nó có thể tồn tại hoặc không tồn tại được. Nhưng nếu một tình yêu bắt đầu từ thế giới thực, nó có thể tồn tại mãi mãi, cho dù họ không còn ở bên cạnh nhau.
Nhưng điều này đối với mình mới là quan trọng: cảm xúc thật trong thế giới ảo còn giá trị hơn và đáng trân trọng hơn nhiều so với những gì đang là ảo trong thế giới thật.

Saturday, January 25, 2014

Chuyện anh Kiên- số 3

Kết thúc học kỳ I năm lớp 3, Kiên được học sinh giỏi. Thành tích này của con làm bố mẹ (nhất là mẹ) phải ngạc nhiên, sau khi con đã vượt qua năm lớp 1 và lớp 2 với “thành tích” học sinh khá hay trung bình của lớp. Năm lớp 3 đánh dấu một bước tiến bộ của con, cho dù những điều học hành ở trường công lập này không mấy làm mẹ thấy ưa cho lắm. Nhưng dù sao điểm số vẫn là điểm số. Bố mẹ ngay lập tức chúc mừng con, và có phần thưởng cho con ngay. Mẹ hứa là sẽ cho đi du lịch bằng máy bay 1 chuyến vào tháng 4 này.

Nhưng vui chưa được mấy ngày thì con phải hứng 1 đống điểm 0 rơi vào đầu, còn bố mẹ thì hứng một đống tin nhắn của cô giáo phàn nàn về việc con không làm bài tập về nhà. Bố mẹ lại ngạc nhiên, người ngạc nhiên nhất vẫn là mẹ.

Hóa ra suốt bao nhiêu tháng nay con không hề làm bài tập toán và tiếng Việt trong sách, mà hiển nhiên là hôm nào cô cũng giiao về nhà. Không chỉ có thể, mấy ngày sau, mẹ còn tìm thấy trên tầng cao nhất của giá sách một đống Phiếu bài tập cô in riêng để làm. Con cũng nhét lên đó, chưa hề làm 1 bài nào. Mẹ bắt đầu không thể kiên nhẫn và bình tĩnh được nữa.

Ngay lập tức một loạt hình phạt được ban ra ngay. Lẽ ra theo kế hoạch là ngày hôm sau con được bố mẹ đưa lên nhà anh Trí ở Mê Linh chơi, nhưng con sẽ bị phạt phải ở nhà, không đi chơi đâu cả. Không được gặp anh Trí, có lẽ đấy là hình phạt nặng nề nhất đối với con. Tiếp tục, mẹ phạt không được xem tivi 1 tuần.

Sau khi bị phát hiện ra bài tập toán trong sách chưa làm, bài tập trong Phiếu cũng chưa làm, thì lại đến 4 điểm 0 của bài tập tiếng Việt. Đến giờ này thì con đã giống Nobita ở rất nhiều thứ, ngay cả có điểm 0 trong vở.

Con có riêng 1 quyển vở ghi các lỗi đã mắc phải. Đã 3 lần con phải ghi cùng một lỗi “không làm bài tập về nhà”.

Bố mẹ chưa kịp vui vì thành tích của con thì đã phải nhăn nhó, cáu gắt vì sai phạm của con.
Sau chuyện này, mẹ nghĩ cần phải sắt sao với con hơn.

Có một điều làm mẹ phải suy nghĩ: con lười làm bài tập thế mà vẫn đạt học sinh giỏi. Bố mẹ nên vui hay nên buồn về chuyện này nhỉ?

Tuesday, January 7, 2014

Before Midnight

"I feel close to you. But sometimes, I don't know? I feel like you're breathing helium and I'm breathing oxygen."
Câu nói của Celine trong bộ phim Before Midnight làm mình suy nghĩ mãi. Một mối tình bắt đầu một cách bất ngờ ở Vienna 18 năm trước, rồi 9 năm sau đó mới gặp lại nhau, và bây giờ cả 2 đã cùng chung sống với nhau ở Paris, đã có với nhau 2 cô con gái sinh đôi tuyệt đẹp. Vậy mà họ vẫn có thể nói với nhau câu đó. Họ vẫn có được cảm xúc đó. Một cảm xúc không phải của 1 đôi vợ chồng đã sống với nhau chục năm, mà cứ như là cảm xúc của những đôi vừa mới yêu nhau và đang tìm hiểu nhau. Họ dường như còn quá nhiều điều mới mẻ để khám phá về nhau, cho dù có sống với nhau bao nhiêu năm nữa. Mình chưa từng thấy đôi nào yêu nhau mà nói chuyện với nhau nhiều đến như vậy, cả trên phim ảnh hay ngoài đời. Họ có quá nhiều thứ để nói với nhau. Và mình thấy thực sự ghen tị vì điều đó.

Những câu chuyện của họ thay đổi dần theo năm tháng. Lúc gặp nhau lần đầu trong Before Sunrise, họ nói với nhau về bố mẹ, chuyện học,..Lúc gặp nhau 9 năm sau đó trong Before Sunset, họ nói với nhau về cuốn tiểu thuyết, về gia đình, về công việc,..Họ tranh nhau nói vì sợ thời gian đang sắp hết, họ không còn thời gian để nói nữa. Nhưng trong Before Midnight, họ đã sống với nhau chừng đấy năm, và vẫn nói với nhau kiểu như vậy, rất nhanh, rất nhiều. Cho dù chủ đề bây giờ có khác hơn, con cái, chuyện vợ chồng, nhưng họ vẫn còn nhiều thời gian bên nhau mà. Sao phải nói như ngày mai sẽ không còn có cơ hội nữa. Đó là điều mình ghen tị.

Gia đình nào cũng có thể nhìn thấy một điểm gì đó giống mình trong cuộc đối thoại của họ. Tác giả hay nhà biên kịch của bộ phim hẳn là người cực kỳ hiểu tâm lý của cả phụ nữ và đàn ông, của cả 2 đối tượng đã lập gia đình. Celine dường như đang nói hộ rất nhiều cô vợ, và Jesse cũng như đang nói hộ rất nhiều ông chồng trên thế giới này. Chuyện các ông chồng chẳng thể nào nhớ nổi tên bác sĩ nhi khoa của con cái họ, hay chuyện các bà vợ chẳng còn thời gian đâu mà dành cho sở thích riêng của mình như đánh đàn hay viết nhạc, vì suốt ngày cắm mặt vào việc chăm sóc con cái, quả là những chuyện quá đỗi bình thường ở hàng triệu triệu gia đình trên khắp trái đất. Rồi chuyện các bà vợ sẽ suốt ngày càu nhàu, than phiền mỗi khi có dịp, cho dù hàng ngày họ vẫn hy sinh hết cả sức lực vì gia đình nhỏ bé. Rồi các ông chồng cũng sẽ chán ngấy việc suốt ngày phải nghe họ phàn nàn, rồi đỉnh điểm là khi chàng Jesse hét lên rằng: giá như em có thể bớt ra 1/8 năng lượng khi em phàn nàn để dành cho những việc khác như đàn hát hay sở thích của em thì tốt biết mấy (đại loại là như vậy). Ồ, một câu nói nói lên rất nhiều thứ, nó nói rằng rốt cuộc sau bao nhiêu giờ nói chuyện anh vẫn chẳng hiểu gì về những điều cô ấy nói, rốt cuộc anh sẽ chẳng đưa ra giải pháp nào cho những mâu thuẫn mà cả hai đang đối mặt, và hơn cả như thế, nó đặt dấu chấm hết cho tình yêu của cô ấy dành cho anh.

Phụ nữ dường như vẫn bị kết tội, cho dù họ có làm gì và có cố gắng đến bao nhiêu đi nữa. Đàn ông không bao giờ thay đổi được, đừng bao giờ cố gắng thay đổi họ.

Nhưng điều tuyệt vời nhất mà mình rút ra được từ bộ phim này không phải là như vậy.

Mà đó là: nếu tình yêu của chúng ta đủ lớn, thì hãy làm lành với nhau trước nửa đêm-before midnight. Cả Celine và Jesse đã làm như vậy. Họ đã làm lành với nhau theo cách tuyệt vời nhất có thể. Nếu để sang ngày hôm sau, sẽ là quá muộn. Và chẳng bao lâu sau, họ sẽ lại thấy rất gần gũi với nhau, cho dù có những lúc họ đã rất xa cách.

"Like sunlight, sunset, we appear, we disappear. We are so important to some, but we are just passing through."

Monday, January 6, 2014

Chuyện số 2

Có lẽ phải giới thiệu qua 1 chút về ông anh họ của Kiên. Kiên có mấy anh họ, nhưng ông anh thân
thiết nhất ắt hẳn phải là anh Trí rồi. Anh Trí là con nhà bác Hằng, năm nay anh Trí học lớp 5, tức là hơn Kiên 2 tuổi. Hai anh em chơi với nhau hợp lắm, có khi mải chơi quên cả thời gian. Hết trò xếp hình, đá bóng, rồi đọc sách, thâm chí là những trò hết sức “vớ vẩn” tự nghĩ ra, như là ném cái quả cau bị rụng cho con mèo đi bắt đi bắt lại nhiều lần. Hai anh em chúng nó quả là rất hợp nhau cả về tính cách lẫn sở thích. Nhưng có 1 điểm khác biệt khá rõ, đấy là anh Trí thì chẳng để ý gì mấy đến đồ ăn, ngon cũng ăn, mà không ngon cũng ăn, không hề phàn nàn. Còn Kiên thì ngược lại, ngon thì khỏi phải nói, ăn rất nhanh, rất  nhiều, nhưng cái gì không ngon hoặc không hợp khẩu vị thì không muốn ăn ngay. Cái này có lẽ sẽ liên quan đến khả năng cảm thụ cái đẹp, cái ngon của từng đứa. Để xem lớn lên nó sẽ thay đổi thế nào nhé, mama rất mong đợi đấy.
Kiên yêu ông anh lắm, yêu đến mức nó bảo rằng: nó yêu anh Trí nhất, chỉ có điều không lấy được anh Trí làm vợ.
Ối giời ơi là giời, nghe thế mà mama chỉ muốn té luôn từ trên ghế xuống đất.
Nó bắt chước anh Trí nhiều thứ. Ngay cả đến việc ăn cơm để rơi vãi nhiều cơm ra bàn, nó cũng bảo là nó học theo anh Trí, vì anh Trí cũng như thế ??!
Đến nước này thì mama cũng botay với con.
Có hôm bố thấy có cái quần bơi của anh Trí để trên giường ngủ của Kiên. Hỏi nó thì nó bảo: nó để đấy cho đỡ nhớ anh Trí.
Chết mất thôi, không hiểu là nó thích nói đùa kiểu thế, hay là nó nói thật.

Chuyện anh Kiên tuổi lên 9

Từ bây giờ mama sẽ ghi lại các mẩu chuyện về con trai, đánh số thứ tự cho dễ. Mama tin rằng, qua những câu chuyện này, mama sẽ thấy được con đang lớn dần lên theo năm tháng, những mẩu chuyện cũng sẽ cho thấy tính cách của con, khả năng của con, những thế mạnh và cả những điểm yếu của con nữa. Mẹ cũng sẽ tranh thủ ghi lại những điều đáng nhớ này trong cuộc đời, để phòng đến khi có ai đó trong bố mẹ về già chẳng nhớ được gì nữa, thì người kia hoặc các con sẽ đọc lại cho bố mẹ nghe. Thật là một giấc mơ quá tuyệt phải không.

Chuyện số 1:
Kiên hỏi anh họ trong bữa ăn: Đố anh biết ai cô đơn nhất trên thế giới này?
Khi ông anh họ và mọi người  đang không biết nên trả lời như thế nào thì Kiên đã nói ngay: Ông trời.
Ừa, ngẫm ra thì cũng có vẻ đúng, nhưng mama muốn trêu Kiên nên nói tiếp: Nhưng mà ông trời có nhiều người hầu lắm.
Kiên trả lời ngay không suy nghĩ: Nhưng mà không có tình yêu!

Ồ, quả là 1 câu trả lời “xuất sắc” đấy. Làm gì có bà trời nhỉ. Ông trời chắc không có ai để gọi là bà trời, nên chắc chắn sẽ cô đơn nhất rồi. Tình yêu quả là chiếm 1 phần khá lớn trong suy nghĩ của con đấy, vì mẹ thấy con rất hay đề cập đến chủ đề này.