Friday, May 30, 2014

Chuyện của Kiên - số 7

Kiên được mẹ kể cho nghe về Bill Gates, rằng người ta dự đoán ông ý sẽ trở thành tỷ phú nghìn tỷ đô đầu tiên trên giới, và mặc dù ông còn trẻ, nhưng đã là tỷ phú từ rất sớm, hiện tại ông dành rất nhiều tiền để làm từ thiện, vì ông không phải làm vì tiền, bla bla. Kiên có vẻ rất quan tâm và ghi nhớ những điều này.

Có một lần, đang giờ cơm tối, Kiên bảo: Bố, có lần Bố nói là “bố mà không làm được thì chẳng ai làm được”, nhưng có việc bố không làm được đấy.
Bố (ra chiều rất quan tâm) hỏi lại: việc gì nào?
Kiên: Bill Gates có thể trở thành tỷ phú nghìn tỷ, thế Bố có làm được không?
Bố tất nhiên là không biết nói gì với câu trả lời này, thậm chí miệng thì cười nhưng méo xệch, hê hê. Còn mẹ thì cười toáng cả nhà, vì lại một lần nữa con trai nói hoàn toàn đúng. Phải cái tội bố hay “chém gió” cơ. Phải rút kinh nghiệm 1 điều là: khi nói chuyện với trẻ con, hãy nói một cách trong sáng và trung thực hết sức có thể. Những cái đầu non trẻ ấy thế mà biết đánh giá hết sức công bằng đấy. Đôi khi con trẻ đang dạy lại bố mẹ chúng theo cách như thế.

Chuyện của Kiên- số 6: Những đồng tiền đầu tiên của con

Một vài tháng trở lại đây, nhà mình đã áp dụng nguyên tắc “có làm có hưởng”. Chỉ đơn giản là ai giúp mẹ một số công việc nhà thì mẹ sẽ trả tiền công. Mức tiền công đã được mấy mẹ con thống nhất như sau:

-Xếp bát từ máy vào tủ sau khi rửa xong: 2000 đ/lần
-Phơi quần áo: 3000đ/lần
-Lấy quần áo và gấp cho cả nhà: 3000đ/lần
-Lau phòng khách: 5000đ/lần
-Lau phòng của bố mẹ: 5000 đ/lần (riêng phòng của mình thì phải tự lau, không được tiền)
-Dạy em Khanh học (chỉ áp dụng riêng cho anh Kiên): 5000 đ/30 phút (mức giá này chắc phải xem lại)
-Nhặt bóng tennis cho bố ở sân: 10,000 đ/tiếng
…………..

Hiện tại 2 anh em cũng có vẻ rất tích cực “kiếm tiền”. Nhất là anh Kiên, rất thích được ra sân nhặt bóng cho bố, vì công việc này thu nhập vừa cao lại vừa được chạy nhạy ngoài trời. Hôm nào về đến nhà là trông mồ hôi ướt đầm đìa. Nhưng việc lương cao này thì chỉ có 2 buổi/tuần thôi, còn các việc lương thấp kia thì có thể làm hàng ngày, thu nhập ổn định. Kiên đã được giải thích như thế. Nếu nhờ em Khanh giúp gì thì Kiên cũng phải chia tiền cho em theo công sức tương ứng.

Từ hồi áp dụng cách này, mẹ thấy hai anh em (nhất là Kiên) đã thay đổi hẳn suy nghĩ. Các con biết công sức mình bỏ ra sẽ thu được cái gì, biết rằng cũng phải vất vả mới kiếm được tiền, có ý thức giúp đỡ mẹ, không ngại việc nữa. Nhất là anh Kiên đã có ý thức tiết kiệm những đồng tiền mình kiếm được.
Kiên bảo với mẹ thế này: Mẹ ơi, con sẽ không dùng tiền của con để mua đồ chơi đâu, đồ chơi thì khi nào bố mẹ thưởng cho con thôi.
Nghe câu đấy của con mà mẹ thấy vui trong lòng lắm. Mẹ bảo: ừ, đồ chơi thì chỉ đem lại cho con sự thoải mái thôi, tiền đó con có thể mua sách, vì sách sẽ đem lại cho con kiến thức.
Kiên bảo: sách vừa đem lại cho con sự thoải mái, vừa đem lại kiến thức.
Đúng quá, con trai ạ. Con đã trở thành một chàng trai biết nghĩ rồi đấy. Điều này đem lại cho mẹ niềm vui lớn gấp nhiều lần so với những điểm 10 của con ở lớp.