Tuesday, July 17, 2007

New words

Chép tiến bộ rất nhanh trong việc học nói. So với 1,2 tuần trước con đã nói thêm được nhiều từ mới rồi đấy. Có thể Chép học được từ việc bắt chước các bạn ở lớp. Để mẹ kể ra đây xem nhé:

あかん(nghĩa là không được): Chép rất hay nói từ này khi không vừa ý điều gì, chẳng hạn như khi bị bạn lấy mất đồ chơi, khi Bố mẹ cứ ngồi vào cái ghế dựa mầu xanh mà Chép thích thì Chép vừa liên mồm akan, akan để đuổi Bố mẹ ra, thế mới tức chứ. Có Bác Đức đến nhà chơi mà ngồi ghế nào Chép cũng "akan, akan" không cho ngồi, đến khi bác phải ngồi xuống sàn nhà mới thôi, con với cái chẳng biết hiếu khách gì cả.

おちた(rơi rồi): từ này cũng là từ cửa miệng của Chép. Có lần Chép tự tay vứt hết quần áo mẹ treo đầu giường xuống đất rồi nói "ochita" (rơi rồi), cứ làm như là nó tự rơi xuống ấy

おいしそう(trông ngon quá):Ôi, nghe Chép nói từ này thì mẹ chỉ biết tròn mắt mà ngạc nhiên. Đang ngồi xem tivi, thấy chiếu món ăn trông có vẻ rất ngon, Chép chỉ tay nói luôn "oishisou" rất rành mạch. Từ này đến Bố Chép cũng chưa thuộc đâu đấy, hihi. Chép cũng nói được cả từ うまい(ngon) khi ăn cùng với Bố nữa.

ぞうちゃん(Con voi): Chép học từ này khi cùng mẹ xem truyện tranh, nhưng Chép vẫn chưa phân biệt được những đặc điểm của voi, nên mẹ phải nhắc mới nhớ được.

ここ, こっち(chỗ này):2 từ này thì Chép có vẻ phát âm rất dễ. Chép chỉ tay vào ghế rồi nói "chỗ này" để bảo mẹ ngồi vào, cứ như là ra lệnh cho mẹ ấy

くつ(giầy): mẹ đến nhà trẻ đón mà hỏi CHép kutsu đâu thì Chép sẽ chạy ngay ra giá nhặt đúng đôi giầy của mình, rồi nói kutsu kutsu. Có hôm thấy 1 đôi giầy của bạn nào đó để nhầm vào chỗ để giầy của Chép, Chép cũng biết nên lưỡng lự không biết có nên lấy ra không, quay ra mẹ nhìn.

あつい(nóng): lúc ăn cơm mà thức ăn vẫn còn nóng quá thì Chép nói atsui atsui rồi thồi phù phù vào cái thìa cơm mẹ bón. Nhưng có hôm không muốn ăn nữa Chép còn giả vờ nói atsui atsui để không phải ăn nữa chứ, đến là chịu anh con trai.

Ôi tạm thời là mẹ chỉ nhớ ra được những từ này để liệt kê thôi. Mà rồi sẽ đến 1 lúc nào đó, Chép lớn hơn,nói được nhiều hơn thì chắc chắn mẹ sẽ không thể đếm được hết các từ mà kể ra đây được nhỉ.

Monday, July 16, 2007

7 điều bí mật của Chép

Nghe cái tiêu đề thì "hơi bị" bí hiểm và hấp dẫn nhưng thực ra đây chỉ là những đặc điểm nho nhỏ của Chép mà mẹ muốn chia sẻ với bạn bè thôi. Vì Chép bị tag nên mẹ phải tiết lộ mà (phải được giải thích thì mẹ mới hiểu tag là gì đấy, do update thông tin hơi bị chậm, hihi).

1. Cái nickname Chép không phải do Bố mẹ nghĩ ra đâu. Lúc đầu Bố mẹ định gọi con là Phèo cơ (nghe không được hay lắm phải không). Thế rồi được nghe mẹ kể là ăn nhiều cá chép nên dì Thu đã nghĩ ra cái nick Chép. Nghe rất đơn giản mà lại đáng yêu nhỉ. Bây giờ thì mẹ thấy cái tên Chép hợp với con lắm.

2. Người ta thường bảo lúc mang bầu mà ăn nhiều cá chép thì con sinh ra sẽ có "mắt đẹp, môi đỏ" đấy. Mẹ không biết điều này có căn cứ khoa học không nhưng có 1 điều rất buồn cười là hôm con tròn 1 tháng, các bác và các cô chú đến chơi đều nói rằng môi con nhìn nghiêng rất giống...môi cá chép. Thế mới lạ chứ, mà có vẻ đúng thế thật. Trông cái môi nhỏ xinh xinh, hồng hồng, chúm chúm vào y như môi cá chép, nhìn yêu lắm.

3. Nếu nhìn kỹ thì sẽ thấy Chép có 2 cái chấm nhỏ xíu ở 2 bên tai. Lúc Chép mới sinh ra là mẹ đã nhìn thấy rồi, nhưng không lưu ý lắm nên cũng không hỏi bác sĩ ngay. Đến lúc Chép bị viêm tai giữa, phải đi khám bác sĩ Tai-Mũi-Họng thì mới được biết 2 cái chấm đó xuất hiện là do lúc ở trong bụng mẹ, khi hình thành tai, những mạch máu sẽ chụm lại, nhưng do ở điểm cuối chưa chụm hết, nên để lại chấm nhỏ đó, như 1 kiểu khiếm khuyết (có tên gọi khoa học nhưng mẹ quên mất rồi). Những chấm này bình thường thì không sao nhưng nếu có viêm nhiễm thì phải xử lý kịp thời. Mẹ được bác sĩ cho xem ảnh của những bệnh nhân bị nặng trông rất là khủng khiếp. Nhưng có 1 điểm kỳ lạ hơn nữa là Bố Chép cũng có 1 cái chấm y như vậy, ở 1 bên tai, và ở đúng vị trí giống hệt của Chép. Đúng là "Bố nào con nấy" nhỉ.

4. Chép có làn da ngăm ngăm đen giống hệt Bố. Ngày xưa Bố mẹ thường bị trêu là sẽ đẻ ra "cafe sữa" nhưng "tác phẩm đầu tay" này hoá ra lại ít phần sữa mà nhiều phần cafe. Mẹ vẫn hay nói trêu là Chép "xi đèn đèn", nhưng thực ra mẹ yêu cái màu nước da của con lắm đấy.

5. Điều này nói ra thì hơi bị ngượng đây. Chép đã được 1 tuổi rưỡi rồi nhưng mỗi tối, trước khi đi ngủ vẫn bú 1 bình 200cc sữa bột. Đã có mấy hôm Bố mẹ thử không cho Chép uống sữa trước khi ngủ nữa vì sợ sâu răng và đầy bụng nhưng Chép lại ngủ không ngon. Đang đêm thì tỉnh dậy, bò từ giường xuống đất, chỉ vào chỗ để bình sữa rồi lại chạy ra phòng ngoài chỉ vào phích nước, ý muốn nói là "con muốn uống sữa lắm". Thế là từ hôm sau bố mẹ đành tiếp tục cho Chép uống. Với lại hình như Chép vẫn thích uống vì được bú bình, có hôm uống hết sạch sữa rồi mà vẫn mút cái núm chùn chụt, mãi không chịu bỏ ra.

6.Chép bé thế này mà đã có vợ chưa cưới rồi cơ đấy. "Bố mẹ đặt đâu Chép ngồi đấy nhé". Gia đình 2 bên đã quyết định như thế từ khi "cô dâu" còn ở trong bụng mẹ cơ mà. Bây giờ thì nhà thông gia về Việt nam mất rồi, nhưng chúng mình sẽ sớm gặp lại nhau nhỉ.

7. Điều bí mật nhỏ cuối cùng là việc tắm cho Chép do Bố Chép đảm nhiệm. Hồi Chép còn bé xíu thì mẹ vẫn có tắm cho Chép, nhưng khi Chép lớn hơn rồi, bế Chép tắm rất khó, nhất là lúc gội đầu, nên Bố Chép phải giúp mẹ. Bây giờ thì 2 bố con tắm bồn cùng nhau rồi. Chép thích nghịch nước lắm. Bố dội nước từ trên đầu xuống cậu cũng quen rồi, cười khoái chí.

À, quên mất là mẹ phải chỉ định 7 người tiếp theo cho cuộc chơi. Đây nhé:
1.Dì Hương
2.Em Kamo
3.Anh Minh
4.Em Quang
5.Chị Kitty
6.Em Rum
7.Chú Lâm

Tuesday, July 10, 2007

Tanabata Festival


Ngày 7/7 hàng năm theo truyền thống là ngày lễ hội Tanabata (Lễ hội Sao) ở Nhật. Năm nay thì ngày này mang một con số khá đặc biệt, ngày 7/7/2007. Theo quan niệm ở nhiều quốc gia thì ngày này sẽ đem lại nhiều may mắn.

Lễ hội này được bắt nguồn từ một truyền thuyết như sau: Ngọc Hoàng Thượng Đế có một người con gái được Người rất yêu chiều tên là Tanabata-tsume (Orihime) chuyên dệt lụa. Một ngày kia, khi nhìn thấy một gã chăn bò rất đẹp trai tên là Hikoboshi đi ngang qua nàng đem lòng si mê gã điên cuồng. Cha nàng bèn gả nàng cho chàng trai chăn bò. Hai người quá say mê nhau nên suốt ngày chỉ rong chơi và chẳng chịu làm gì cả, Người con gái bỏ quên cả khung cửi còn con bò của chàng trai thì lang thang khắp nơi ở trên trời.
Các vị thần rất bất bình và bắt phạt họ phải sống tận hai đầu của dòng Sông Ngân. Mỗi năm một lần, họ chỉ được phép gặp nhau vào ngày bảy tháng bảy hàng năm, cho bầu trời trở nên quang đãng. Nếu trời mưa, thì có nghĩa là dòng Sông trên Bầu trời dâng nước quá cao và những con chim không thể cùng nhau bắc cầu cho Chàng Trai và Cô Gái gặp nhau được.

Vào ngày này hàng năm, rất nhiều những cành tre tươi được trang trí bằng những mảnh giấy nhiều màu sắc có ghi những điều nguyện ước của mọi người được treo khắp nơi ở Nhật bản. Nhiều đôi lứa cũng tới các đền thờ (Shrine) để cầu nguyện, mong tìm thấy ý trung nhân cho mình.


Ở nhà trẻ của Chép, thì trước đó 1 tuần, các cô tặng cho mỗi gia đình 1 cành tre và 1 túi đựng đủ những hình vẽ để treo lên trang trí. Trong số những đồ trang trí có cả những "tác phẩm" do chính tay Chép vẽ, rồi có cả hình bàn chân của Chép in trên nền giấy mầu hồng hồng, và những mảnh giấy đủ mầu khác để Bố mẹ ghi lời chúc dành cho cho con cái và gia đình mình. Mẹ chúc cho Chép ngoan, hay ăn chóng lớn và luôn khoẻ mạnh. Papa thì chúc cho gia đình mình luôn hạnh phúc này, ông bà nội ngoại và các bác các dì, các anh chị luôn mạnh khoẻ, thành đạt nữa.

(Có tham khảo Vietnamese Students in Kyoto Website)

Ruốc cá


Đây là món ruốc cá mà Bố Chép phụ trách từ khâu đầu đến khâu cuối, từ việc câu được con cá, đến đánh vảy, lọc xương, cho vào chảo rang cho khô để thành ruốc. Phải nói là món này tốn khá nhiều công sức và thời gian. Hôm đấy Bố Chép câu được 1 con cá nặng khoảng 8kg, và với loại cá to như thế này chỉ hợp để làm ruốc, chứ ăn các món khác thì sẽ hơi dai. Mẹ Chép thì vốn dĩ đã vụng về với việc làm cá, nên đối với loại cá to thế này thì lại càng chẳng giúp được gì, ngượng thế đấy. Bố Chép phải đánh vảy (vảy cứng và to kinh khủng), bỏ hết ruột gan đi, lọc thịt cá khỏi phần xương sống ở giữa. Phần đầu và đuôi để lại, chỉ lấy phần thân ở giữa để làm ruốc. Chỗ thịt cá phải chia làm 2 mẻ mới vừa cái chảo to ở nhà. Đun lửa nhỏ trên bếp cả buổi tối, vừa đun vừa nhặt xương. Vì khuya quá nên cả buổi tối vẫn chưa xong, Bố Chép phải tắt bếp để đấy đến hôm sau làm tiếp. Sáng hôm sau đun lại cho khô, nêm mắm, muối, hạt tiêu. Cuối cùng được 1 món ruốc cá có mùi thơm rất đặc trưng, ăn rất dễ đưa cơm. Món này đặc biệt để dành riêng cho mẹ Chép. Sau khi gửi về cho bà ngoại Chép ở Việt nam 1 gói thì chỗ còn lại vẫn đủ cho mẹ Chép ăn cả năm mới hết. Mẹ phải cảm ơn Bố Chép bằng cách ăn thật nhiều mới được.