Wednesday, December 24, 2008

Mừng sinh nhật 3 tuổi của con trai!

Sinh nhật con trai, thỉnh thoảng bố mẹ lại lẩm bẩm: "hoá ra con trai đã 3 tuổi rồi cơ đấy, nhanh thật". Năm sau là 4 tuổi, rồi 5 tuổi, rồi lại chuẩn bị vào lớp 1. Thảo nào bố mẹ chẳng già nhanh. Từ giờ trở đi là sẽ luôn kêu ca về tuổi tác cho mà xem.
Sinh nhật con trai năm nay cả nhà chẳng đi đâu chơi được. Định đi lên Shipukan nghe nhạc vào hôm Noel mà cuối cùng cũng chẳng đi được vì em Khanh vẫn hơi ho, trời thì lạnh mà đường đi lại không tiện. Thôi đành ở nhà vậy.
Sinh nhật năm nay bố mẹ mua cho anh Chép 1 cái ủng có đầy bánh kẹo. Quà này coi như là quà Noel thôi. Ăn cơm tối xong bố treo cái ủng ở chỗ Chép ngủ để anh Chép tự nhìn thấy mà lấy ra. Anh Chép có vẻ sững sờ lắm, chưa hiểu đây là cái quà gì. Rồi cả em Khanh cũng sán đến chỗ anh Chép để đòi mở ra. Trong ủng có nhiều bánh kẹo đủ các loại khác nhau, nhưng không có loại kẹo mà anh Chép vẫn thích nên sau đấy, anh Chép cứ để bánh kẹo rải ra khắp nhà mà chẳng thèm quan tâm.

Năm nay bố mẹ không mua bánh cake ngoài hàng mà tự tay làm lấy 1 cái tặng anh Chép. Gọi là làm lấy cho oai thôi, chứ cái suponzi thì đi mua sẵn rồi, nhà làm gì có lò nướng, kem cũng mua sẵn rồi, hoa quả, nến cũng có sẵn, chỉ việc bắt tay vào trang trí thôi. Thế mà cũng mất cả 1 buổi sáng mới xong. Cái công đoạn trát trát bánh cho mịn thì phải nhờ papa, bôi bôi trát trát cứ như thợ nề ấy. Rồi đến đoạn phụt hoa trang trí xung quanh. Làm quen tay thì thấy không khó lắm. Nhưng đoạn viết chữ thì hơi phức tạp. Mama mua 1 loại bút viết chữ socola màu hồng rồi, tưởng là đơn giản thế mà socola lúc thì cứng quá không viết ra được, lúc thì lại mềm quá cứ chảy ra toàn nước, chẳng thành hình chữ. Đành phải vứt đi rồi viết bằng socola nâu, cho vào túi nilon, lấy đầu phễu họa tiết tròn để phun chữ. Mama thì phun chữ, còn papa ngồi cạnh, dùng đầu tăm để sửa sang lại cho chữ "ngay ngắn". Chưa làm bao giờ nên phải thủ công thế đấy. Sau cùng là xếp hoa quả lên, cắm thêm ông già tuyết và nến là xong. Cái bánh đầu tay như thế cũng tạm coi là thành công rồi. Khi nào đến sinh nhật của em Khanh nhất định bố mẹ sẽ làm được cái bánh đẹp hơn.

Nhìn thấy cái bánh cake to và nhiều dâu là anh ấy thích lắm, kêu "yatta". Châm nến để cho anh Kiên thổi nhưng chẳng chụp được cái ảnh thổi nến nào vì anh Kiên thổi nhanh lắm, phụt phụt mấy cái là tắt hết cả 3 ngọn nến. Anh ấy chỉ muốn làm cho nhanh nhanh để được ăn mấy quả dâu tây trên bánh thôi. Đầu tiên là anh ấy nhặt hết những quả dâu, rồi đến quả cherry. Bánh thì chỉ ăn 1,2 miếng rồi thôi.
Trông anh Kiên có vẻ mãn nguyện chưa này. Chưa bao giờ được thưởng thức 1 cái bánh cake to đến thế, và có nhiều bánh kẹo rải đầy xung quanh nhà đến thế. Bình thường thì chỉ được vài cái kẹo con con thôi mà.
Sinh nhật con trai 3 tuổi, các cô ở nhà trẻ làm tặng con 1 cái card rất đẹp. Message của cô Ishii ghi có nội dung là: Chúc mừng sinh nhật 3 tuổi của Kiên-chan. Kiên-chan rất thích ôtô, nên lúc nào đi dạo cũng nói rất nhiều chuyện như là " đây là chiếc xe tankurori (xe tank chở dầu) này" "Kiên-chan rất thích xe cảnh sát này". Kiên biết quan tâm thấy các bạn hay em Khanh khóc là lo lắng, rồi an ủi, hỏi xem có sao không, có vẻ rất ra dáng anh trai rồi đấy. Cô rất vui vì hàng ngày thấy Kiên mạnh khoẻ để đến trường. Các cô và các bạn yêu Kiên nhiều lắm.

Còn bố mẹ thì chúc con lúc nào ăn uống cũng được như ăn cái bánh cake này này, để bố mẹ khỏi phải giục con, rồi bật Tôm and Jerry lên thì con mới chịu ăn nhé. Cả nhà yêu con nhiều lắm!

Monday, December 22, 2008

Cả nhà đi chơi vườn bách thú

Thứ 7 cả nhà đi chơi vườn bách thú. Suốt mấy tuần vừa rồi cả 2 anh em không được đi đâu chơi mấy. Lá đỏ cũng rụng hết cả rồi. Tiếc thế.
Đây là lần đầu tiên em Khanh được đi chơi zoo đấy, còn anh Chép thì là lần thứ 3 rồi. Em Khanh có vẻ thích thú lắm, ngồi trên xe nhìn ngó loanh quanh. Thỉnh thoảng được mama bế lên hay được papa bế ngồi lên cả vai để nhìn xung quanh.
Anh Chép thì vừa vào đến cửa đã đòi đi bừ-bừ (ôtô) nên phải thuê cho anh ấy 1 cái. Chán thế, con trai chả chịu đi bộ gì cả, cứ ngồi trên xe đòi lái. Đây là con gấu đen này. Nhưng anh Chép thì muốn làm shirokuma (gấu trắng) cơ, vì anh ấy thích trắng mà.
Con hổ này trông khá "phong độ" nhỉ, cứ đi đi lại lại rồi còn xuống bể nước ngâm người nữa. Cái chuồng hơi chật nên cậu đi lại cảm giác chật chội lắm, lại còn có vẻ gì bồn chồn nữa chứ.
Papa cho em Khanh ngồi lên lưng 1 con dê. Lúc chụp ảnh xong mới biết là chỉ được sờ thôi, chứ không được ngồi. Nhân viên ở đây cũng lịch sự nhỉ, chờ cho khách chụp ảnh xong mới nói. Anh Chép cũng nhát, chả dám sờ. Phải bảo mãi mới thử.

Sau đó Chép còn được đi xem voi ăn, khỉ ăn nữa. Bọn khỉ tranh nhau ăn làm Chép nhìn khoái trí lắm. Mama bảo con trai cũng phải cố gắng ăn nhiều ăn nhanh như khỉ nhé. Nhưng bị papa so sánh như khỉ thì Chép tức lắm, bảo là không phải.
Ở zoo, cả nhà ăn qua loa mấy thứ đem ở nhà đi, rồi đi bus đến Sanjo ăn sushi. Hôm nay anh Chép không ăn mấy, chỉ uống là nhiều thôi. Em Khanh cũng được ăn udon và chawanmushi nhưng về đến nhà thì ho quá nên nôn hết cả. Papa cứ tiếc cái công bón cho em ăn. Đi chơi về em lại có vẻ ho và chảy nước mũi nhiều rồi. Hơi ra gió một tí là lại ho nhỉ. Con gái phải cố gắng rèn luyện nhé.

Sunday, December 21, 2008

Bộ ảnh Giáng sinh của em Khanh

Thấy các người đẹp chân dài thi nhau chụp ảnh Giáng sinh, Khanh của mẹ cũng làm luôn 1 bộ sưu tập nhân dịp nghỉ cuối tuần.

Đạo diễn kiêm hoá trang: mama
Chụp ảnh: papa, mama
Kĩ thuật dựng hình: mama
Người mẫu: Khanh
Trợ lý studio: anh Chép




Wednesday, December 17, 2008

Con trai sắp 3 tuổi rồi ư?

Mẹ cứ tưởng như sinh nhật 2 tuổi của con chỉ mới đây thôi. Thế mà còn có 8 ngày nữa là con tròn 3 tuổi rồi cơ đấy. Mà cũng đúng thôi. Em gái của con cũng sắp tròn 1 tuổi rồi còn gì.

Tự nhiên dạo này con trai không hay trành choẹ với em nữa. Con không ngồi lên lưng em, không giật đồ chơi của em, không ẩn em ngã như trước nữa. Thỉnh thoảng mama thấy con đem đồ chơi đến cho em, biết chia bánh hay hoa quả cho em ăn, biết "đọc sách" cho em nghe nữa. Em Khanh thì khỏi phải nói, thích sán lại chỗ anh đang chơi lắm, tò mò nhìn anh xem anh chơi cái gì, rồi cũng bắt chước một số trò của anh. Thế là con trai đã ra dáng ông anh hơn rồi đấy.

Tự nhiên dạo này con trai có câu cửa miệng là "papa, i-ran" (không cần papa), cái gì cũng phải mẹ, nào là mẹ cho ăn, cho đi unchi, mặc quần áo, đánh răng, ru ngủ,...Hỏi con tại sao thì con bảo "papa kowai" (sợ papa lắm), vì papa hay quát mắng Kiên mà. Papa quát to, rồi con đem cái đũa dài ra doạ quật vào mông nữa. Kiên bảo "mặt papa nhìn cũng sợ, mắt nhìn cũng sợ, mồm nhìn cũng sợ" (con trai nói bằng tiếng Nhật nhưng mama dịch ra là như thế) làm mama không nhịn được cười. Mama lại hỏi "thế mama cũng hay cáu với Kiên còn gì, nếu Kiên hư thì mama cũng cáu đấy", Kiên không trả lời mà chỉ liên tục lặp lại "papa kowai, papa kowai". Thấy papa hay đem lại đũa dài ra nạt, có lần con cũng mở ngăn kéo, lấy cái đũa dài ra gõ gõ vào cái ghế hệt như papa làm, rồi miệng thì tuôn ra vài từ làm bộ như đang quát mắng ai đấy. Đúng là cái đồ khỉ, chỉ giỏi đi bắt chước.

Kiên vẫn nhớ chuyện con sói có cái bàn tay đen, nên không được mấy chú dê mở cửa cho vào nhà. Kiên cũng biết là ở nhà Kiên và papa giống nhau vì đều đen cả.
-Mama bảo "Kiên đến pan-ya-san (cửa hàng làm bánh) đi, để bôi bột vào cho trắng",
Kiên cười hì hì "pan-ya-san ikanai yo" (con không đi cửa hàng bánh đâu).
-Thôi Kiên đi đi, rồi rủ papa cùng đi. Thế em Khanh có cần đi không hả con?
Em Khanh không cần đi đâu. Em Khanh trắng rồi mà.
-Mama có cần đi không?
Không, mama cũng trắng rồi mà (con trai biết nịnh mama phết đấy). À, Kiên đi pan-ya-san rồi mà. Kiên cũng trắng rồi (vừa nói vừa xoè lòng bàn tay ra cho mama xem).
-Mama lại lật tay Kiên lại rồi bảo: Kiên vẫn đen này.
Kiên lại cười hì hì: đen quá nề

Kiên phân công "mama là của Kiên, còn papa là của akachan", rồi "ông thì của Kiên, bà của akachan", rồi hôm nọ ngồi nói chuyện về dì Thu và dì Hương, Kiên cũng bảo "dì Thu của Kiên, dì Hương akachan". Thế nghĩa là ai con thích thì con bảo là của con, ai con không thích thì con "cho" em à? Papa nghe thế quen rồi. Papa bảo "nhớ cái mặt nhé, papa không cần Kiên yêu, papa yêu Khanh thôi". Còn bà ngoại và dì Hương nghe thế chắc buồn lắm đấy nhỉ.

Con trai mama láu cá lắm.

Thursday, December 11, 2008

Cô bé quàng khăn đỏ

Em Khanh hay được ông ngoại miêu tả thế nào nhỉ: đầu to, trán dô, mũi tẹt, môi trề. Ô, thế có nghĩa là cháu ông chẳng được cái nét gì à? Thế sao trông vẫn thấy yêu thế nhỉ.

Mà Khanh có cái môi trề rất giống dì Hương. Hồi ở Việt nam, Khanh được bế sang hàng xóm chơi, có cô bé cứ thấy em Khanh môi trề ra, chẳng chịu ngậm hẳn vào, thế là nói với bác Chung: "bác ơi, bác bảo em ngậm miệng lại đi, em cứ há ra thế xấu lắm". Ai mà nói được con khép miệng lại cơ chứ. Con gái miệng cứ "trều" ra thế này trông chả thấy có duyên chút nào.

Mama nhìn thì thấy con trông rất nữ tính kiểu con gái, chứ không như anh Chép đen đen. Thế mà chả hiểu sao có bà hàng xóm lại bảo: "Tôi trông cái đứa con gái lớn thì gầy gầy, còn cái thằng cu này bụ hơn này". Ôi trời, thế là cái bà ấy nhầm nặng, anh Chép thì bà ấy bảo là con gái, con em Khanh thì lại bảo là thằng cu. Mama nghe mà chả biết phải cười hay mếu nữa.

Nhưng mấy hôm nay em Khanh đang ốm rồi, nằm bẹp ở nhà. Cái ảnh ở dưới là chụp em đang tập bò bằng đầu gối lúc trước khi ốm đấy. Nhưng ốm thì chắc là lại phải lùi đi một tí rồi. Khanh ơi, cố gắng lên con nhé.



Sunday, December 7, 2008

Saturday, December 6, 2008

Lại chuyện anh Chép

Chép cùng papa đi siêu thị. Anh con trai nhìn thấy bắp ngô thì thích lắm, nhặt ngay định cho vào giỏ, nhưng papa bảo "đắt lắm, papa không mua", thế là Kiên trả lời ngay "Kiên mua". Papa lại bảo "thế Kiên trả tiền nhé", con trai thấy vậy chữa lại: "papa mua".

Dạo này Kiên hay có kiểu nói "Kiên ngoan rồi, mama yêu đi". Chắc tại mama hay bảo Kiên là "Kiên hư thì mama không yêu, Kiên ngoan mama mới yêu"

Cô giáo có hôm ghi vào sổ "Kiên rất thích mặc váy, nhưng không mặc 1 chiếc mà lúc nào cũng mặc 2, 3 chiếc". Lần trước mama cũng thấy Kiên mặc 2 chiếc một lúc phồng cả đít lên rồi. Mama dặn Kiên "lần sau con chỉ được mặc 1 chiếc thôi nhé, con mặc nhiều thế các bạn không có để mặc đâu, hôm nay cô giáo mách là con mặc 2, 3 chiếc đấy", Kiên gật gật đầu rồi giơ 1 ngón tay lên ý bảo là lần sau sẽ mặc 1 chiếc thôi. Thế mà gần đây, lúc đến đón về mama vẫn nhìn thấy con mặc lùm xùm cả mấy chiếc liền, mặc luôn ra ngoài quần dài. Rồi cô giáo bảo cởi váy ra để về với mama thì con nhanh nhảu tụt hết cả xuống, cả váy, cả quần dài, lẫn pant ở trong, mà lại đang đứng giữa lớp làm cô và cả các bạn đều buồn cười.

Kiên hay có kiểu mải chơi, không chịu đi shikko (tè) ngay mà cứ để đến lúc buồn đi lắm rồi nhưng vẫn vừa chơi vừa cầm tay túm lại. Ở nhà mama vẫn cứ phải giục mãi mà không chịu đi, có lần cứ phải cầm tay lôi ra toilet. Hôm nọ mama đến đón, con chạy ra, và 1 tay thì túm quần. Cô giáo nhắc "Kiên đi shikko đi" nhưng vẫn ngúng nguẩy không chịu đi. Thế là bạn Masayo (bạn gái thân nhất của Kiên trong lớp) cầm tay Kiên đi ra phía toilet, mở cửa dẫn Kiên ra tận chỗ shikko rồi mới đi vào. Kiên lúc đấy mới tự tụt quần ra tồ tồ. Bạn Masayo thật là biết quan tâm đến Kiên, tính tính lại rất ôn hoà và nhìn rất dễ thương.

Bảo "Kiên đếm từ 1 đến 10 đi", Kiên đếm. Rồi bảo "con đếm bằng tiếng Nhật đi", lại đếm. "Con đếm bằng tiếng Anh" đi, lại tiếp tục đếm. Nhưng khi mama lại quay lại bài tiếng Việt thì con bảo: "Kiên mệt rồi". Gớm, hay giở cái giọng "mệt rồi" này ra lắm. Chắc cũng là bắt chước mama đây.

Kiên vẫn bị nói ngọng tiếng Việt, nghe nhiều lúc buồn cười lắm. Rất hay hỏi "đúng không" nhưng toàn nói thành "đúm mông", bố mẹ sửa mãi vẫn chưa được.

Dạo này không có hôm nào là không đòi xem Tôm và Jerry. Mà lại phải xem tập mới chứ không thích xem lại những tập cũ. Mỗi tập cũng chỉ muốn xem 1 lần, rồi lại bắt bố mẹ tìm tập mới. Tập nào xem rồi mà vừa lên cái là nhận ra ngay, bố mẹ thử hỏi xem tập này có cái gì là thế nào cũng trả lời đúng. Rồi lại còn có kiểu hay bắt chước Tôm và Jerry trong phim. Hôm nọ xem tập phim có bạn Tôm muốn hét lên vì đau nhưng không được hét, vì sợ làm vị vua thức giấc, nên phải bịt mồm, mở cửa chạy ra ngoài rồi mới hét toáng lên. Kiên buồn cười cái đoạn đấy lắm. Mẹ đang cho em Khanh ngủ, em gần ngủ rồi, thì thấy anh Chép lấy tay bịt mồm, giả vờ không dám kêu. Mama bảo "suỵt, để cho em ngủ" thì bỏ tay ra khỏi mồm rồi aaaaaaaaa toáng lên, làm mama bực mình không chịu nổi. Sau đó lại bảo "giống Tôm Jerry đấy".

Sunday, November 30, 2008

Chuyện anh Chép

1. Mẹ nằm ru con ngủ, hát đủ các bài thiếu nhi. Bài nào nhớ được là hát ngay. Đang cất giọng hát "Ba thương Kiên vì Kiên giống mẹ. Mẹ thương Kiên vì Kiên giống ba..." thế là ông con nói ngay: "cả em Khanh nữa chứ". Mama đành phải hát lại "Ba thương Kiên và a-ka-chan, mẹ thương Kiên và cũng thương a-ka-chan..." nghe ngang ơi là ngang.

2. Em Khanh mà khóc thì thế nào mama cũng nói "mẹ đây" rồi chạy đến. Hôm nay thấy em khóc, anh Kiên bảo "mẹ đây" trong khi vẫn đang lúi húi nghịch đồ chơi. Có lần thì lại bảo "Kiên đây" rồi chạy đến với em. Những lúc đấy thì ra dáng ông anh ra phết.

3. Papa đang dỗ em Khanh khóc, nhưng mãi em vẫn chưa nín. Kiên bảo với mẹ: "akachan bảo là không cần mama, akachan chỉ cần mẹ thôi" để mẹ vào với em.

4. Kiên thấy móng tay của bà dài, lại sơn màu đỏ đỏ, cậu nhìn lạ lắm, rồi kêu sợ, bảo bà giống ôkami (con sói). Kiên sờ cái mũi của mama thấy nhọn nhọn, con bảo là mama giống obake (con ma). Con với cái so sánh thế đấy.

5. Papa dậy Kiên là "dì Thu thì thấp, bé, đen. Dì Hương thì cao, to, béo" Thế là ông con cứ nhắc đến dì Thu thì "bé, đen", dì Hương thì "cao, to", vừa nói vừa dơ 2 tay ra kiểu như là to lắm ấy.

6. Đọc cho Kiên nghe chuyện "Con sói là 7 chú dê con", đến đoạn con sói chìa tay đen đen ra nên các chú dê không tin đấy là mẹ vì tay của mẹ trắng cơ. Thế là mama chỉ tay Kiên bảo tay Kiên cũng đen nhỉ. Kiên nhìn tay 1 lúc rồi bảo là đen, nhưng vẫn thấy không được thoải mái, nên lật cho mama xem lòng bàn tay, rồi bảo "nhưng chỗ này trắng này".

Tạm thế đã nhé. Mama phải đi nấu cơm cái đã.

Friday, November 28, 2008

Hãy tự đứng lên nào, con gái!

IMG_02281

IMG_0233

Con gái đã tròn 10 tháng vào hôm 22 vừa rồi. 10 tháng được đánh dấu bằng một chuyến về Việt nam thăm ông bà nội ngoại, và những tiến bộ đáng kể của con gái.

Con bắt đầu biết bò khi còn ở Việt nam. Bây giờ thì con bò khắp nhà, lục lọi những gì mà con với được. Cái thùng to đựng đồ chơi con cũng kéo xuống để ngó vào xem có cái gì bên trong. Con lọ mọ 1 mình mà chẳng cần ai phải chơi cùng. Chỉ đến lúc nào mà con bị anh Chép đến giật mất đồ chơi thì con mới hét lên hay khóc gọi mẹ.

Con bò vượt qua cả những cái chăn mà papa chặn xung quanh. Con bò vượt qua cả cái ghế để sang bên kia với đồ chơi. Hôm nay cô giáo ở nhà trẻ cũng kể lại thành tích là con đã "vượt chướng ngại vật" có độ cao như thế nào.

Con hay cáu, hay dỗi hờn, mà hờn thì rất lâu. Papa bảo nghe giọng con khóc lúc đấy mà phát bực mình, cái giọng khóc cao, nghe rất chua, rất gay gắt. Đúng là cái giọng khóc của con gái.

Con có kiểu gọi "ma" "ma" hay "mama" nghe rất dễ thương. Lúc nào khóc là con cũng gọi mama như thế. Đây có lẽ là từ đầu tiên con biết nói rõ đấy. Còn ngoài ra thì con cũng "nói" rất nhiều, nhưng toàn là "ta, ta" thôi.

Con hay bị anh Chép giành mất đồ chơi nhưng con cũng đã biết cố dành lại đồ chơi từ tay anh Chép rồi đấy. Con với với tay lên để cố dành lại, nhưng hầu như là không được (tất nhiên rồi, đời nào anh Chép lại để cho con lấy lại dễ dàng). Thế là con lại liếc mắt ngay ra mẹ cầu cứu.

Con biết giơ tay lên vẫy baibai lúc tạm biệt cô giáo ở nhà trẻ. Nhìn cái tay con vẫy mà các cô cười hớn hở.

Nhưng....
Con gái của mama vẫn chưa biết ngồi và chưa biết vịn đứng lên. Lúc đầu, mama cũng nghĩ là mỗi đứa trẻ có 1 tiến trình phát triển riêng, không nên sốt ruột, không nên so sánh. Nhưng thực ra là không hẳn vậy. Bác sĩ kiểm tra 10 tháng cho con vào hôm 25 vừa rồi đã cho rằng cơ chân của con hơi yếu, người con có vẻ hơi mềm hơn bình thường, và nên cho con đến trung tâm để được tập vận động. Có thể gọi trường hợp của con là "chậm phát triển vận động".

Sự phát triển của trẻ con những năm tháng đầu thường được đánh giá bằng sự phát triển nhận thức, vận động, ngôn ngữ,...Nếu nói về khả năng nhận thức của con thì có thể nói là bình thường. Nhưng đúng là con hơi chậm về khả năng vận động.

Chậm vận động có thể có nguyên nhân là do bệnh về não bẩm sinh. Nhưng rất may là nguyên nhân này đã được loại bỏ, sau 2 lần kiểm tra bằng MRI. Dù sao thì mama cũng phải học cách chấp nhận 1 thực tế là con "chậm phát triển" hay "chậm phát triển vận động" để cùng con tham gia tập luyện cơ thế một cách nghiêm túc. Nếu quá trình tập này được thực hiện càng sớm sẽ càng tốt, đứa trẻ sẽ theo kịp các bạn trong những giai đoạn sau. Mama tin rằng con gái sẽ cố gắng để bằng được các bạn bình thường, con nhé.

Papa hay động viên mẹ bằng cách bảo "hãy nhìn vào mắt con". Mắt của con sáng, trong trẻo, chứa đầy cảm xúc. Khuôn mặt con lúc nào cũng tươi tắn. Nhìn con như vậy mama tin rằng một ngày gần nhất, con gái sẽ tự đứng lên được và bước đi được, con gái bé bỏng của mẹ. Cả nhà yêu con nhiều lắm!

Sunday, November 23, 2008

Chuẩn bị đón Giáng sinh 2008

Nhà mình chẳng có ai theo đạo nhưng từ ngày có anh Chép thì Giáng sinh đã trở thành 1 ngày đặc biệt đáng được ghi nhớ và kỷ niệm. Giáng sinh năm nay anh Chép sẽ tròn 3 tuổi, còn đối với em Khanh thì sẽ là lễ Giáng sinh đầu tiên. Hôm nay mama mới có thời gian lôi trong tủ ra những đồ trang trí Giáng sinh của năm ngoái ra bầy biện. Nhà chật cũng chẳng có nhiều chỗ để treo hết nên chỉ treo vài cái làm "ví dụ" thôi. Hái thêm vài bông hoa ngoài đường đem về cắm, thế là thấy có không khí Giáng sinh rồi đấy.

Giáng sinh năm nay không biết nhà mình sẽ tổ chức như thế nào nhỉ. Mama vẫn chưa nghĩ kế hoạch cụ thể nào. Mà ngay trước lễ Giáng sinh là deadline của mama phải nộp luận văn nên không chắc là đã có nhiều thời gian đâu. Mama sẽ cố gắng để năm nay nhà mình đón Giáng sinh và đón năm mới thật vui vẻ nhé.

Còn cái hình con chuột này là "tác phẩm" của mama làm cho anh Chép đấy. Lớp của anh Chép vừa tổ chức lớp "tezukuri kyoshitsu" (buổi học làm thủ công), nhưng hôm đấy cả nhà vẫn còn đang ở Việt nam. Tưởng là "trốn" được thế mà lúc sang, cô giáo vẫn gọi mama ra bảo sắp xếp 1 hôm để đến học. Nguyên liệu là những sợi bông, xếp lên nhau, rồi dùng nước xà phòng vẩy lên, xoa xoa lại cho các sợi kết lại với nhau, rửa qua nước, quấn lại thành hình phễu, rồi tuỳ ý tưởng của các bà mẹ làm thành hình con gì đấy cho con mình. Lúc chọn màu thì mama chọn màu xanh, nhưng lúc sau thì lại muốn làm con chuột, vì ở nhà trẻ anh Chép có biểu tượng là chuột. Chuột mà lại màu xanh, kể ra thì cũng không hợp lắm. Nhưng thôi kệ. Phía dưới còn quấn thêm 1 cái khăn màu vàng, giống chú chuột Jerry trong 1 tập phim mà Chép rất hay xem. Con chuột mama chả đẹp lắm, nhưng may mà khi đem ra hỏi Chép "đây là con gì hả con" thì Chép trả lời ngay "nezumi" (nghĩa là con chuột). Papa bảo "thôi, thế là tốt rồi".

Saturday, November 22, 2008

Sắc đỏ momiji

Kyoto đang vào mùa lá đỏ, nhưng tiết trời lạnh buốt da, nên chẳng biết đang là mùa thu hay mùa đông nữa. Có lẽ mùa thu Kyoto lạnh chẳng khác gì mùa đông, chắc vậy.

Tuần này 2 anh em được nghỉ 3 ngày liền, mẹ cũng đã hứa với anh Chép là cuối tuần sẽ cho anh Chép đi chơi bằng xe bus, nên cả nhà quyết định đi chùa Kyomizu vào thứ 7. Xe bus chật cứng. Cả mẹ và anh Chép đều không có chỗ ngồi, nhưng 1 lúc sau được một bà cụ già nhường chỗ làm mama cảm động quá.

Đang mùa momiji nên Kyomizu nườm nượp người là người. Em Khanh vẫn phải nằm xe đẩy nên cả nhà di chuyển cũng khó khăn, vì có nhiều bậc cầu thang. Chen nhau vào chùa, chen nhau tìm chỗ chụp ảnh. Người đông quá nên chen lấn cũng cứ thấy tự nhiên như không, quên cả xin lỗi nhau. Mãi rồi cũng tìm được chỗ ưng ý để chụp ảnh. Đây là mấy bức ảnh bác Trường chụp cho cả nhà đấy, chứ máy ảnh của papa thì cũng có chụp nhưng chưa up lên được vì papa tìm mãi chẳng thấy cái xạc pin đâu, mà máy ảnh chụp đến 5h chiều thì cũng vừa hết cả pin rồi. Chán thế cơ chứ.

12h trưa Chép cứ bắt mẹ bế suốt, không chịu đi bộ. Papa bế cũng không chịu, cứ phải mẹ. Chắc tại con trai đang đói rồi. Tìm quán ăn ở đây cũng khó. Vào quán thứ nhất thì phải xếp hàng dài, quán thứ 2 thì hết các món mì, chỉ có các món ngọt với nước chè, đến quán thứ 3 thì mới gọi được 2 bát udon. Sáng nay anh Chép đã phải ăn udon ở nhà rồi, giờ lại phải ăn udon nữa. Ăn xong udon thì còn chén thêm mấy xiên dango. Ăn xong thấy tươi tỉnh hẳn lên, chạy nhảy khắp nơi, chả cần mama phải bế nữa.

Kyomizu đang light up buổi tối. Papa định hôm nào sẽ vác máy đi kiếm ảnh 1 mình, chứ buổi tối thì mấy mẹ con chả đi được. Papa ở Kyoto mấy năm rồi mà hôm nay mới đi Kyomizu lần đầu tiên đấy. Thôi cố gắng mà đi đi papa nhé, chứ không vài tháng nữa tạm biệt rồi thì lại thấy tiếc, mà chẳng biết đến bao giờ mới có dịp quay lại đâu.

041

045

Saturday, November 15, 2008

Ngày bố mẹ cùng con đến lớp (Hoiku sanka)

Mới quay lại Nhật được vài hôm, mama chưa kịp thở vì bao nhiêu việc thì nhà trẻ lại có chương trình Hoiku sanka (bố mẹ cùng đến lớp với con, mama tạm dịch thế). Những chương trình như thế này thường được tổ chức vào thứ 7, buổi sáng bố mẹ đưa con đến trường, rồi cùng con chơi ở nhà trẻ, đến giờ ăn trưa thì cho con ăn, ăn trưa xong thì đưa con về luôn. Như thế là các cô sẽ được nghỉ buổi chiều. Có điều là thứ 7 này, papa bận việc nên mình mama phải đưa cả 2 anh em đến lớp. Sau đó thì mama sẽ tham gia các chương trình cùng với anh Kiên ở lớp của anh Kiên. Còn em Khanh thì đành phải chơi mà không có bố mẹ ở bên cạnh. May mà ở tầm tuổi này em Khanh vẫn chưa biết nhiều, chứ nếu ở tuổi của anh Chép mà như thế thì chắc sẽ cảm thấy tủi thân lắm.

Sáng ra, 1 mình mama phải cho cả 2 anh em ăn, mặc quần áo, chuẩn bị túi xách rồi đi bộ đến trường. Mất bao nhiêu thời gian. Đến tận 9h mới ra khỏi nhà được. Mà lớp anh Chép thì sẽ bắt đầu đi dạo từ 9h 15p. Không biết có kịp không. Mama cũng chẳng kịp nhìn đồng hồ xem đã đến nhà trẻ lúc mấy giờ nữa, chỉ biết là lúc đến nơi thì các bạn và cô đã đi hết rồi. Sân vắng hoe. Mama vội vàng đưa em Khanh vào lớp, xếp đồ cho Khanh rồi chạy ra với Kiên. 1 cô giáo khác sẽ dẫn 2 mẹ con ra chỗ cả lớp đi dạo.

Hôm nay cả lớp đi dạo ở khu vực tam giác chỗ Demachi. Chỗ này trước đây thường được tổ chức BBQ, nhưng bây giờ bị cấm rồi nên quang đãng, vắng vẻ và sạch sẽ hẳn. Lúc đến nơi thì các bạn và bố mẹ đang chơi ở chỗ những con rùa đá. Mama đưa Kiên ra chơi và nhờ cô chụp ảnh. Hôm nay trời trong xanh, nắng đẹp lắm.
Mama đang đưa Kiên qua những phiến đá để sang bờ bên kia. Nhưng Kiên chưa đủ lớn để nhẩy qua được (lớp Kiên chỉ có bạn Papu-chan đến từ Africa là làm được). Mama phải bế Kiên cùng nhảy qua.
Cả lớp di chuyển sang địa điểm khác. Kiên đang chạy theo đằng sau. Hôm nay có mẹ đi cùng nên Kiên vui và phấn chấn lắm.
Mọi người đang đi ở phía dưới, nhưng papu-chan vượt dốc trèo lên con đường phía trên. Rồi Kiên cũng bắt chước trèo lên. Sau đó là đến Moa-chan, Masayo-chan.
Kiên và bạn Moa-chan đang tụt dốc xuống. Kiên doạng chân ra để tụt xuống nhưng chắc va phải sỏi đá gì đấy mà lúc trượt xuống đến nơi thì cứ sờ mông kêu đau.
Các bạn đang cùng nhau xúm quanh 1 cây hoa có tên gọi giống kèn trumpet. 4 bạn trong bức ảnh này đều là gaikokujin hết cả (từ trái qua phải: Việt nam, Hy lạp, Kenya, Hy lạp)
Thấy các bạn trèo Kiên cũng trèo ngay. Đằng trước ngực thì đeo cái túi để đựng những hạt donguri nhặt được. Kiên nghỉ học 1 tháng nên cái túi rỗng không, chưa có hạt nào, chứ các bạn khác thì đầy 1 túi nặng.
Thế mà đến chỗ cây Donguri, bao nhiêu là hạt rụng dưới gốc cây, Kiên cũng chẳng chịu nhặt. Ngồi bới đất thề này mà chẳng chịu cho hạt nào vào túi cả. Bạn Masayo (bạn gái thân nhất của Kiên ở nhà trẻ) còn đem đến mấy hạt để cho Kiên nhét vào túi. Mama phải cảm ơn bạn chứ Kiên thì cứ lờ đi.
11h về đến nhà trẻ để chuẩn bị ăn trưa. Vào lớp là Kiên chạy ngay ra lấy cái váy hoa loè loẹt mặc vào, trông buồn cười không chịu được. Bạn Masayo thấy thế cũng chạy đến để tìm chiếc váy hoa giống thế để mặc, nhưng chỉ thấy những cái màu khác, nên cứ phụng phịu với mẹ. Mama bảo Kiên cởi ra cho bạn mượn, thì 1 lúc sau thấy con trai cởi ra 1 cái, còn bên trong vẫn mặc 1 cái giống hệt thế. Hoá ra là con trai đang mặc một lúc 2 cái liền. Bạn Itchi-chan đang tò mò nhìn cái áo superman của Kiên này. Kiên thích cái áo này lắm (áo bà ngoại mua cho Kiên ở VN đấy). cứ lúc nào Kiên mặc cái áo này là thế nào các bạn xung quanh cùng trầm trồ, chỉ chỏ. Còn Kiên thấy Itchi-chan thích cái áo của mình thì giải thích với bạn, đây là "Chicago" rõ to. Đúng là con trai chỉ được cái hoênh hoang quá, áo này có phải cái áo Chicago đâu cơ chứ.
Đấy, mặc 2 cái váy, mông phồng ra, rồi còn ngồi làm trò nữa. Bữa trưa hôm nay mama bón cho con từng thìa một. Bàn của Kiên có bạn Itchi-chan, Ta-chan thì cả 2 bạn này cũng như Kiên, bắng nha bắng nhắng chẳng chịu ăn. Các bạn ăn hết rồi, về hết rồi thì mama vẫn đang ngồi bón cho Kiên. Mama và Kiên là người cuối cùng chào cô để đi về đấy.
Xuống lớp em Khanh thì thấy em Khanh đang nằm chơi thế này đây. Mama cũng được cô quay lại video lúc nãy cho xem. Hôm nay Khanh ăn cũng ngoan lắm. Thôi cả 3 mẹ con mình đi về nhé. Hôm nay là anh Chép cố gắng lắm rồi đấy, đi bộ từ nhà đến lớp, rồi đi dạo, bây giờ lại phải đi bộ về nhà nữa. Con trai là phải thế mới dẻo dai được con nhé.

Friday, November 14, 2008

Ngôn ngữ - những phát triển vượt bậc

con trai đang "líu lo" bên đường

1 tháng gần đây, con trai làm mẹ phải thực sự ngạc nhiên về những tiến bộ trong việc học nói tiếng Việt. Sự phát triển của con đi theo trình tự sau:
  • Không chịu nói mặc cho bố mẹ nói bên tai con và bắt con nhắc lại. 1 từ cũng không nói. Giai đoạn này con chỉ biết cùng lắm là "đi làm" hay "bố", "mẹ".
  • Bắt đầu chịu khó lắng nghe tiếng Việt và nhắc lại nếu được bố mẹ yêu cầu. Đây là những ngày đầu khi con về Việt nam.
  • Nhắc lại tiếng Việt như 1 con vẹt mặc dù chẳng ai yêu cầu hay nhắc nhở con cả. Có vẻ như giai đoạn này bắt đầu từ tuần thứ 2 ở Việt nam.
  • Con nhớ ngay được những từ mà con đã bắt chước nói 1 lần trước đó.
  • Con nhớ được cả những từ mà con chưa nói lần nào, mà mới chỉ nghe người lớn nói vào 1 lúc nào đó. Có vẻ như con làm được điều này trong những ngày chuẩn bị rời Việt nam.
  • Còn bây giờ, khi quay lại Nhật rồi, con vẫn nói tiếng Việt hàng ngày, ngay cả trong môi trường không có tiếng Việt. Con nói một cách tự nhiên, mặc dù là đôi khi phát âm vẫn không chuẩn lắm, làm mama cứ phải bắt con nhắc đi nhắc lại nhiều lần mới nghe ra được. Thậm chí đến nhà trẻ con cũng thỉnh thoảng nói tiếng Việt làm cô giáo không hiểu là con nói gì. Nhưng được cái là cô bảo Chép vẫn nhớ tiếng Nhật. Mama chỉ lo là con quên hết tiếng Nhật thì lại không giao tiếp được với các cô và bạn ở trường.

Con nói được tiếng Việt làm mama mừng lắm, nên mama ghi lại xem con nói được những gì nhé:
- thấy em Khanh đang bò, con bảo em "cố gắng lên" (lúc đấy mama cũng mới nghe con nói từ này lần đầu tiên đấy)
- đi xe đạp đến trường, nhìn thấy 1 cái đài có ai đó vứt bên đường, con bảo "ai để đấy", "không được đâu"
- đi qua chỗ có cái xe cứu hoả con hỏi mẹ "mama nhìn thấy chưa", "đi qua rồi đấy". Con dùng cảm thán khá là chuẩn đấy chứ.
- thấy cái tàu đang chạy con bảo "kankan, Kiên-chan đi với" (con vẫn thường xuyên nói xen kẽ cả Nhật lẫn Việt)
- thấy bố mắng em Khanh "bố mày", con nhắc lại, rồi sau đó vài hôm tức bố cái gì đấy, con bảo Bố là "bố mày". Không những thế con còn bảo Bố "đầu gấu nhỉ" (Ôi, hoá ra là con tôi học cái từ này từ ông ngoại, vì ông ngoại thỉnh thoảng vẫn mắng yêu thằng cháu là "đầu gấu" vì thấy nó nghịch quá)
- đi qua 1 quán ăn bên đường, thấy trên cao có treo ảnh chụp món ăn, con hỏi "món gì thế nhỉ", "ngon quá nhỉ"
- con còn biết cãi bằng tiếng Việt nữa, mà dạo này lại rất hay cãi lại bố mẹ. Mẹ đến đón, bảo "con đi giầy vào để về nhà, không đi giầy thì không về được đâu", thế là con cãi lại "về được".
- ở lớp chắc bị cô mắng, về nhà mách mẹ là "cô mắng"
- bảo con là "nếu Kiên hư thì mama mắng đấy", thế là con bảo "Kiên hư, mama mắng đi, Kiên thích mắng". Thế có kinh không cơ chứ.
- có lúc bực mình, mama dọa "mama quật cho bây giờ", con lại bảo "quật đi". Mama đang không biết phải trả lời con thế nào đây.
- con đếm được từ 1 đến 10 bằng tiếng Việt một cách trôi chảy, lưu loát (cái này thì đúng là vẹt). Tiếng Nhật thì con biết đếm từ lâu rồi. Nhưng hồi về vn con còn được dạy thêm cả tiếng Anh nữa. Bây giờ tiếng Anh con cũng đếm được đúng. Con mẹ biết 3 thứ tiếng cơ đấy.
- dạo này rất hay hỏi giờ, tí lại vào hỏi "ima nanji?" (tiếng Nhật), còn bây giờ thì nói được "mấy giờ rồi". Mama trả lời xong thì "ah, so-ka" rồi gật gù ra vẻ hiểu lắm.

Mama mới nhớ được thế thôi. Mama mong con trai biết nói nhiều, nói giỏi để nói chuyện với mama chứ không phải để cãi mama đâu nhé.

Tuesday, November 11, 2008

Kyoto - 1 tháng sau

Kyoto mới chỉ sau có 1 tháng gặp lại mà đã bao nhiêu thay đổi. Đúng là cuộc sống luôn vận động.
Thay đổi đầu tiên gặp ngay khi vừa bước chân xuống sân bay Kansai. Ở cửa kiểm tra hộ chiếu, như trước đây thì visa Japanese và visa re-entry chung nhau, nhưng bây giờ foreigner tách riêng ra 1 cửa, cho dù là visa re-entry hay visa gì. Làm cả nhà rồng rắn đi từ cửa nọ sang cửa kia. Chìa 4 quyển hộ chiếu ra thì mới để ý ngay trước mặt là 1 cái máy in dấu vân tay được để sẵn. Tưởng là cái máy này chỉ dành cho những người "đặc biệt" bị nghi vấn hay gì gì đó, thế mà ngay sau đó mama và papa đã bị yêu cầu phải chụp 2 dấu vân tay, và chụp cả ảnh nữa cũng bằng cái máy đó luôn. Trẻ em thì được miễn. Thật là phiền phức. Chắc Nhật thắt chặt an ninh vì sợ khủng bố.

Sân bay Kansai cũng vừa được tu sửa lại, với những hoạ tiết mang phong cách rất Nhật dán với khắp nơi, cùng 1 tông màu đỏ đun, rất đẹp và sang trọng. Các tủ kính có bầy những búp bê Nhật cũng được đặt thêm ở nhiều nơi. Mama muốn chụp ảnh lắm nhưng không được vì đồ đạc thì lỉnh kỉnh, lại còn Khanh và Chép nữa. Lúc hạ cánh lại đúng vào lúc đang buồn ngủ nên mama với anh Chép nằm luôn ra cái ghế chợp mắt 1 tí trong lúc chờ xe bus.

Về đến Kyoto được mấy hôm, phải đi tàu thì mới biết ga Shijo giờ đã chuyển tên thành Gion-Shijo, nghe lạ lạ chẳng thấy quen tai tí nào. Rồi giờ tàu, chuyến tàu của Keihan cũng bị thay đổi làm mama "vớ" phải cái tàu Kyuko cũng vào cái giờ đấy, mà cách đây 1 tháng vẫn còn là Tokkyu, đi vừa mất thời gian, lại khó ngủ, vì cứ tí lại thấy leng keng đỗ ga. Nhạc của loa tàu cũng thay đổi. Thậm chí Keihan còn có cả 1 loại tàu mới tinh, design khác những tàu trước đây. Đúng là hãng tàu tư nhân có khác, đầu tư đổi mới, nâng cấp liên tục, chẳng bù cho JR vẫn cứ thế hàng bao nhiêu năm nay chả thấy thay đổi mấy.

Rồi đến cái cửa hàng 99 yên giờ cũng đồng loạt chuyển thành 100Y hết cả. Thời buổi giá cả tăng cao, cái gì cũng tăng giá. Tăng 1 yên cũng là tăng. Mất cả cái thương hiệu kyu-kyu shop cũng phải tăng. Thế thì cả cái bài hát của kyu-kyu shop cũng phải thay đổi chứ nhỉ. Mama vẫn chưa vào mua lần nào nên ko biết bài hát mới thế nào.

Đi siêu thị tự dưng thấy 1 khu trưng bày toàn đồ trang trí Noel. Ồ, hoá ra là sắp đến Giáng sinh đến nơi rồi. Thế mà mama chẳng để ý gì cả. Khi nào có thời gian cũng phải trang trí nhà cửa cho có không khí Giáng sinh tí nhỉ. Đồ trang trí của năm trước vẫn gói cất đi mà.

Kyoto lạnh hơn rồi, đông sang rồi, chứ không mát mẻ như 1 tháng trước đây. Không biết năm nay có tuyết không nhỉ. Đang từ cái nóng của HN chuyển sang cái lạnh của Kyoto nên không thấy quen lắm. Quần áo rét vẫn chưa kịp lôi ra. Hôm đầu tiên ra đường phải khoác tạm cái áo nhung, vừa đạp xe vừa run cầm cập.

Hôm nào cả nhà sẽ đi ngắm lá cây momiji chuyển sang màu đỏ nữa chứ.

Thursday, November 6, 2008

Ngày chia tay

Dì Thu bây giờ đang vi vu ở Sapa, dì Hương cũng đã quay lại SG, còn mấy tiếng nữa gia đình Chép cũng lên máy bay quay lại Kyoto. Gặp nhau rồi lại chia tay. Chia tay nhưng biết chắc phía trước sẽ còn có ngày gặp lại. Hội ngộ, rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế mà. Có sự chia tay thì mới quý những giờ phút hội ngộ và bên nhau.

Chép và Khanh cũng phải chia tay ông bà nội ngoại rồi. Bà sẽ không phải "nhồi nhét" cho Khanh ăn nữa, và ông cũng không phải cáu với Chép vì cứ không chịu gội đầu nữa. Nói thế chứ có vất vả đến mấy thì ông bà vẫn muốn chăm cháu, bế cháu, chiều cháu. Năm sau là cháu lại về với ông bà rồi, ông bà đừng buồn nhiều nhé.

Đợt này về VN, trộm vía, 2 anh em đều khoẻ không ốm đau gì, thế mà mừng lắm rồi. Còn nhiều chuyện để kể nữa nhưng chắc mama sẽ viết nó trong cái giá lạnh của Kyoto. Giờ này không biết momiji đã ngả sang màu đỏ chưa?

Ngày gặp lại

Ngày 2/11: vợ chồng dì Thu cùng 12 người họ hàng bên Pháp hạ cánh xuống Hà nội, mở đầu chuyến viếng thăm Việt nam kéo dài 3 tuần, hihi. Hà nội mấy hôm đấy mưa khủng khiếp, khắp nơi lụt lội. May mà nhà ông bà ngoại không làm sao. Lúc dì Thu hạ cánh thì trời cũng ngớt mưa, nhưng thấy bảo từ trên máy bay nhìn xuống khu vực HN là cả 1 biển nước.

Theo chương trình của dì Thu thì buổi tối cả đoàn sẽ đến thăm gia đình. Từ hôm trước cả nhà đã chuẩn bị các thứ để đón tiếp khách quý, nào là đi chợ hoa Nhật Tân mua hoa về cắm, mua hoa quả, rửa cốc chén, kê lại bàn ghế.

Sáng hôm ấy, ông bà với mama và Chép-kun định lên Metro mua các thứ nhưng đến cổng Metro thì chỉ thấy 1 biển nước, ai đến cũng phải quay xe về. Chuyển hướng đi BigC thì cũng phải vượt qua 1 con đường ngập lội mà chỉ có xe bus hay xe tải mới qua được, còn xe của ông thì chịu, đành phải quay về. Chẳng lẽ vừa ra khỏi nhà lại về ngay, đành rẽ vào quán phở ven đường cho Chép ăn bát phở sáng. Quán đầu tiên: hết hàng. Sang quán thứ 2: còn đúng 2 bát, Chép là trẻ con nên được "ưu tiên" 1 bát phở gà. Còn bao nhiêu thực khách vẫn đang ngồi chờ chủ quán cho người đi tìm mua bánh phở, nhưng mấy chục phút sau vẫn chả mua được. Có khách thì ra xe đi tìm quán khác, có khách thì đành chặc lưỡi chuyển sang món mì tôm.
6h chiều, mọi thứ đã sẵn sàng. 7h cả đoàn đến. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng. Người Pháp thì có phong tục phải "thơm nhau" 3 cái. Trông ai cũng có vẻ mệt mỏi sau 1 chuyến bay dài. Sau 1 hồi hỏi thăm nhau thì đến màn "tặng quà". Cả nhà mình ai cũng được tặng quà, từng người một. Pháp lại cũng có phong tục phải mở quà tặng ra khi được nhận. Mama được dì Thu tặng cho 1 cái áo khoác, mở ra, khoác ngay lên người làm kiểu ảnh. Rượu Pháp thì tất nhiên là không thể thiếu rồi. Nhưng quý nhất là bố mẹ Jerome đem 1 gói hạt dẻ của nhà trồng được sang tặng bố mẹ.

Thế là gặp lại dì Thu sau 1 năm. Dì Hương thì 1 tiếng nữa cũng sẽ hạ cánh ở sân bay Nội Bài. 1 sự đoàn tụ có vài ngày ngắn ngủi, quý lắm. Ngày mai 3/11 sẽ diễn ra 1 sự kiện quan trọng, tiệc báo hỉ của chú Jerome và dì Thu ở Việt nam. Mọi thứ cũng đã được chuẩn bị xong vào phút chót.

6:00pm ngày 3/11, tất cả cùng nhau tụ họp ở nhà hàng Wild Lotus (Dã Liên), 55A Nguyễn Du. Nhà hàng này được sửa lại từ 1 biệt thự xây kiểu Pháp, có phong cách design bên trong rất ấm cúng và mang phong cách Á Đông.

Bên Việt nam, các cô các bác gái mặc áo dài tha thướt, bất chấp cảnh đường xá lụt lội. Bên Pháp ăn mặc trang trọng, lịch sự. Trước khi tiệc bắt đầu, dì Thu lần lượt giới thiệu họ hàng 2 bên nhà trai và nhà gái với nhau. Giữa bữa tiệc có màn phát biểu của 2 ông thông gia. Dì Thu làm MC dẫn chương trình kiêm luôn phiên dịch. Ông bố của Jerome làm mọi người phải liên tục vỗ tay tán thưởng vì những lời phát biểu rất tình cảm và chân thành.

Nhưng có lẽ sự đặc biệt và dấu ấn của bữa tiệc là những tiết mục sau đó. Phía đoàn Pháp đưa ra lời đề nghị: do có rào cản về ngôn ngữ nên chúng ta sẽ giao tiếp với nhau bằng lời hát. Đoàn Pháp sẽ lên biểu diễn 1 bài hát Pháp, và sau đó cũng muốn nghe phía Việt nam hát 1 bài. Lời đề nghị đưa ra được hưởng ứng ngay lập tức. Đoàn Pháp hát 1 bài ca ngợi vùng núi An-des, một vùng núi rất đẹp mà những người con nơi đây khi đi xa bao giờ cũng muốn quay trở lại.

Còn đám thanh niên phía Việt nam thì bàn nhau sẽ cùng hát bài "Tình bằng có cái trống cơm" rất dễ hát mà lại mang màu sắc dân tộc. Nhưng chưa kịp lên hát thì các cô chú cao tuổi hơn đã "tiến cử" chú Bình (bạn của ông ngoại Chép) lên hát. Chắc chú này có "thâm niên" trong các chương trình Karaoke rồi đây. Chú hát bài "Thuyền và biển" rất tình cảm, ca ngợi tình yêu đôi lứa. Sau đấy mới đến tiết mục của cánh trẻ. Bài hát thực sự được thể hiện rất sôi động, trong 1 không gian ấm cúng và tất cả cảm thấy gần gũi.
Nhưng các tiết mục ca nhạc chưa dừng ở đấy. Phí Hà- 1 ca sĩ thời sinh viên của trường ĐH Ngoại giao, bạn của dì Thu tặng cô dâu chú rể bài "Mùa thu Hà nội", bà xã của Mr.Hùng, bạn dì Thu hát tặng bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (hình như thế).Rồi 2 chú khác, có vẻ uống hơi nhiều, đòi lên hát bài Đoàn quân Việt nam đi, tưng bừng khí thế.
Mọi người cũng cùng nhau hát bài Happy Birthday mừng Sinh nhật Delphin, vợ của em trai chú Jerome làm cho cô ấy xúc động quá, khóc sướt mướt.
Bữa tiệc kết thúc bằng 1 bài hát nhẹ nhàng của đoàn Pháp. 1 sự giao lưu bằng bài hát đơn giản mà lại ấm cúng, làm cho mọi người gần gũi nhau hơn. Tiệc ở Việt nam kéo dài 3 tiếng thế là hơi dài, nhưng đối với người Pháp như thế mới chỉ là sự dạo đầu. Nghe dì Thu nói là sau đấy mọi người còn đi sàn nhảy đến 1h sáng mới về.

Gặp lại dì Thu vội vàng, chả kịp nói chuyện với nhau mấy. Hôm nay phải chia tay nhưng chắc chắn sẽ hẹn ngày gặp lại.

IMG_9984
Cô dâu chú rể là 2 bên ông bà thông gia

IMG_9997
3 chị em chụp được với nhau mỗi 1 tấm hình

IMG_0029
Nào, cùng nhau nâng cốc vì hạnh phúc của 2 con!

IMG_0087
2 mẹ con Chép tham gia rất nhiệt tình

Những video clips các bài hát được thể hiện trong bữa tiệc chắc sẽ được post sau nếu có thời gian.

Thursday, October 30, 2008

Chép được Phiếu bé ngoan

IMG_9747
Ảnh chụp hôm họp mặt các cựu thành viên của Kyoto ở nhà hàng Sen. Cô ca sĩ biểu diễn tối hôm ấy bế Chép lên thơm để chụp ảnh. Chép thích xem cô biểu diễn lắm, nhưng không thích chú ca sĩ hát cùng.


Không phải là Chép đi nhà trẻ rồi được cô giáo cho Phiếu bé ngoan đâu nhé. Chép không hề đi nhà trẻ, thế mà vẫn được Phiếu bé ngoan. Thế mới lạ. Hoá ra là khi Chép cùng các bạn hàng xóm (chưa đến tuổi đi mẫu giáo) đang mon men chơi ở nhà trẻ, không chỉ chơi ở ngoài mà còn tìm cách chui vào trong sân để chơi, thì chú bảo vệ "xin" được cô giáo 2 cái phiếu rồi cho Chép. Chép chả ngoan gì, đã "không phận sự" lại còn chui trộm vào nhà trẻ, thế mà chú bảo vệ chả mắng, lại còn thưởng thêm cho 2 cái Phiếu. Thích thế chứ. Chép chả hiểu 2 cái Phiếu ấy ý nghĩa là thế nào, nhưng vẫn cứ cầm khư khư đem về nhà đưa cho mẹ xem.

Dạo này con trai càng ngày càng bắng nhắng, cứ như hề ấy. Không hiểu sao nhớ được từ okoru (cáu) mà trước đây mama chưa hề nghe thấy con nói bao giờ. Rồi thấy mặt mẹ hơi nhăn 1 tí thì kêu "mama, okottara akan ze" (mama không được cáu đâu). Sau đó lại còn tự làm bộ mặt nhăn nhó giống như của mẹ nữa chứ. Từ sau đó trở đi lại thỉnh thoảng bắt mama làm bộ mặt cau có để Chép nhìn và bắt chước. Mặt cau có, mặt cười rồi lại chuyển sang mặt cau có. Đúng là thằng hề.

Tự nhiên Chép mọc 1 cái nốt ruồi ở cạnh mép, các bà ở quê bảo là "nốt ruồi ăn tham" (ôi, con mà tham ăn thì mama chả lại mừng quá ấy chứ). Mama thấy Chép soi gương thì chỉ cho con nốt ruồi, Chép nhắc lại "nút rùi". Rồi Chép chỉ lên mặt mẹ bảo mama cũng có "nút rùi", rồi còn đếm được 3 cái nữa. Chép nhìn sang papa, thấy 1 cái to uỳnh gần mũi thì nói ngay, "ô~ki"(to quá), rồi "kawai nai" (không đẹp, nhưng Chép nói hơi bị sai ngữ pháp 1 tí). Papa tức lắm. Mấy hôm sau Chép bảo mama là ở lưng có cái "nút rùi" ỉtai lắm (đau lắm). Mama vạch lưng lên thì hoá ra là cái mụn nước (Chép vẫn còn vài cái mụn chưa khỏi hẳn). Con so sánh cũng tài thật, cái mụn gì cũng là "nút rùi" hết.

Lại nói chuyện so sánh. Chép hay so sánh lắm. Ở Nhật nhìn thấy cái ăngten tivi trên nóc nhà người ta thì con bảo là giống con tonbo (chuồn chuồn), nhìn con run to chui ra mặt đất lúc trời mưa thì con bảo là udon (1 loại mì sợi to của nhật). Mấy hôm nay thì đi tè, thấy nước mầu vàng vàng lại hơi có bọt thì bảo là giống bia của ông ngoại uống. Con với cháu thế đấy, vô lễ quá.

Mấy hôm nay con chịu khó nói tiếng Việt lắm, bảo nhắc lại từ nào là nhắc lại ngay. Có nhiều từ mama cũng chẳng biết là con nhớ từ lúc nào: "ối giời ơi", "cái gì đấy", "đây rồi". Cứ đà này thì nếu cả nhà mình về VN là mama yên tâm rồi.

Tuesday, October 28, 2008

Nhà cũ

Không ngờ là còn có dịp quay lại nhà cũ, chỉ đúng 1 ngày trước khi giao chìa khoá nhà cho chủ mới. Thực ra mama đã nói lời chia tay với ngôi nhà từ cách đây nhiều tháng rồi nên bây giờ, khi có dịp quay lại thì không còn cảm giác tiếc nuối nữa, mặc dù vẫn không thể tránh khỏi sự hồi tưởng về những ngày đã qua và nỗi buồn của sự chấp nhận.

Bức ảnh nếu nhìn qua thì tưởng là thơ mộng nhưng nhìn gần thì hoá ra là nước của con sông Tô lịch ngay trước nhà, đen ngòm và mùi chẳng có gì là dễ chịu mỗi khi trời mưa.
Hai bố con ngồi chơi trên vỉa hè ngay cạnh bờ sông. Có cái ghế của bác hàng xóm cho mượn. Nhớ ngày xưa khi mới chuyển nhà về đây, con đường này mới chỉ là đường làng, chưa có hàng quán gì. Thế mà bây giờ đường thì làm đẹp, xe cộ chạy qua ầm ầm, quán xá đủ cả, từ quán nước, rửa xe, cafe internet, cơm bụi, văn phòng phẩm,...chả thiếu gì. Cái chỗ này trước cũng có quán nước nhưng chắc bị dẹp rồi.
Nhà không có ai ở nên bụi bám khắp nơi. Phòng chả còn đồ đạc nhưng vẫn hình dung được cái gì trước đây kê ở chỗ nào. Thôi, nếu kể nhiều lại sợ làm ông bà và các dì buồn và nhớ thêm.
Chép có cái kiểu giơ 2 ngón tay lên rất điệu, chả biết học của ai. Hai bố con làm trò trông buồn cười chưa.
Mama cũng phải chụp để còn giữ làm kỷ niệm chứ. Mọi thứ sẽ còn trở lại, trong ký ức!