2 bác xe ôm chở đến Viện bảo tàng Khmer trước tiên. Người
dân gốc của vùng này là người Khmer, nên
dấu ấn văn hóa Khmer khá rõ nét. Vừa bước vào bảo tàng thì gặp ngay mấy con chó
sủa toáng lên. Chị nhân viên bảo tàng thấy có khách đến thì mới mở
cửa, bật đèn để khách vào thăm. Chứng tỏ vùng
này cũng ít có khách đến thăm. Hôm nay được tiếp mấy vị khách nói giọng Bắc chắc
lạ lắm. Bảo tàng này trưng bày rất nhiều vật dụng về đời sống văn hóa của người
Khmer như trang phục, chữ viết, kiểu quan tài,… Nhưng ấn tượng nhất là bộ đàn
ngũ âm, gồm 5 loại nhạc cụ khác nhau của người Khmer.
Đối diện Bảo tàng là chùa Khleang, chùa Phật giáo của người
Khmer. Chùa này có kiến trúc khá đẹp, với bề ngoài phủ một mầu vàng, với nhiều
bức tượng phía ngoài chùa được trạm trổ tinh tế. Xung quanh chùa có rất nhiều
cây xanh. Có 1 loại cây khá đặc trưng mà sau này mama mới biết là cây thốt nốt.
Một nhóm các nhà sư mặc áo màu cam đang ngồi uống nước và chuyện trò dưới tán
cây. Trời hơi lất phất mưa, nên bố cứ giục phải xem nhanh không thì hết thời
gian. Trong chùa cũng có cả một ngôi trường bổ túc văn hóa gì đó, phía ngoài
ghi các tên và khẩu hiệu đều bằng cả 2 thứ tiếng Kinh và tiếng Khmer.
Trời vẫn lất phất mưa nên phải tranh thủ đi cho nhanh. Địa
điểm tiếp theo là Chùa đất sét, hay còn gọi là Bửu Sơn Tự. Đây cũng là một địa
danh nổi tiếng của Sóc Trăng, với các bức tượng đều được làm bằng đất sét.
Trong chùa còn có 8 cây nến to, trong đó có 2 cây đã được thắp từ hồi ông tổ của
chùa này mất từ năm 70 đến nay mà vẫn chưa cháy hết. Thấy bảo nếu đốt những cây
nến kia thì chắc phải 70,80 năm mới cháy hết được. Cuộc đời mà để lại những di
sản đáng quý như thế này thì sẽ mãi được con cháu nhớ đến và biết ơn, tưởng nhớ.
Ra khỏi chùa, trời vẫn mưa lác đác, nhưng kệ, đành đi tiếp.
Đi phượt dưới trời mưa được cái là mát mẻ, dễ chịu. Mấy bác xe ôm đưa tiếp đến chùa Dơi,
hay còn gọi là chùa Mã tộc (Mahatup). Đây có lẽ là điểm đến đáng mong đợi nhất
của chuyến đi Sóc Trăng. Chùa này nghe nói là có hàng ngàn con dơi đậu, không
biết giờ chiều chiều này thì có nhiều dơi chưa. Cổng chùa màu vàng với những họa
tiết cũng giống như ở chùa Khleang. Bên trong khá rộng. Điện chính của chùa
cũng có bày những nhạc cụ ngũ âm, chắc ở đây dịp lễ hội người ta sẽ biểu diễn.
Đi ra phía ngoài để xem dơi. Mặc dù đã nghe thấy tiếng dơi kêu khắp nơi, nhưng
phải đi thêm 1 chút mới thấy. Chúng đậu trên những ngọn cây cao tít, nên nhìn
xa chỉ thấy như những chấm đen to. Nhưng đôi khi chúng sải cánh ra thì cũng
nhìn thấy rõ hình dáng dơi. Nghe chúng kêu thì chẳng thấy dễ chịu chút nào.
Nhìn lũ dơi bâu kín trên cây trông cũng kinh kinh. Trời mưa nên càng thấy âm u.
Đi tiếp một đoạn nữa thì thấy có mấy cụ cao tuổi, ngồi quây
thành vòng tròn, mỗi cụ một loại nhạc cụ trong tay, và đang gẩy những điệu nhạc
rất thú vị. Nhất là tiếng trống tạo thành nhịp rất hay. Bố và Kiên chăm chú xem
lắm. Chắc đây là nhóm nhạc biểu diễn của chùa. Phía trước cũng có để 1 cái hộp
để nhận tiền ủng hộ của mọi người. Bố mẹ cũng cho vào đó 20k, rồi đứng nghe một
lúc. Điệu nhạc truyền thống của người Khmer, rất réo rắt, rất dân tộc, vừa nghe
vừa có thể tưởng tượng ra những điệu múa của cô gái Khmer. Thật là một khoảnh
khắc hết sức ấn tượng của chuyến đi.
Ra ngoài chùa dơi, bố cứ đòi mua một loại quả gì đó mà người
ta bày bán rất nhiều, chẳng biết gọi tên là gì, hình như là quả cheri của vn,
15k/cân, mua thêm cho Khanh 1 cái giỏ bằng tre, đan có vẻ khéo, giá 20k. Thế là
bố vừa ngồi xe ôm vừa cắn quả ăn, hạt thì ném ra đường.
Điểm đến tiếp theo là Chùa chén kiểu, hay còn gọi là chùa Sà
Lôn, chùa này hình như là xa nhất. Cổng vào chùa có ghi tên chùa bằng tiếng
Khmer và tiếng Kinh. Dọc 2 bên đường thì đủ các quán bán hàng, các gánh hàng
rong, trông kiểu như đang họp chợ. Phía trong chùa là các điện thờ, với các bức
tường đều được ốp bằng các đĩa sành sứ, trông rất độc đáo. Trời bắt đầu mưa to,
nên phải chạy vào 1 gian chùa để trú mưa. Không ngờ lại đúng là chỗ thờ của vị
sư của chùa, có cả áo quan để đó luôn.
Trời vẫn mưa lất phất. Giờ là tầm 4,5h chiều và cũng đã hoàn
thành xong các điểm cần đi của buổi chiều nay. Các bác xe ôm sẽ chở cả nhà ra bến
xe bus lúc trưa để bắt xe về Cần thơ. Giờ quyết tâm không đi cái xe dù như buổi
sáng nữa. Nhưng đang gần đến bến bus, thì thấy bác xe ôm vẫy vẫy 1 cái xe khách đi Cần
thơ, rồi giơ 2 ngón tay lên, ý là có 2 người muốn đi. Lái phụ hét to bảo lên
luôn đi, nhưng bác ý bảo còn một người nữa ở đằng trước. Bố và xe kia đã đi trước
khá xa nên đuổi theo mãi không kịp. Mẹ gọi di động cho bố cũng không được. Cũng
vừa lúc thì tới bến. Xe kia cũng vào bến. Xe này khá to, chắc đi cũng được.
Nhưng phía ngoài lại có 1 xe khác, tầm 16 chỗ y như xe ban sáng dụ đi. Thế là bố
lại quyết định lên luôn xe nhỏ. Bố toàn quyết định những cái chả ra sao. Lên xe, hỏi giá vé
50k/người, rẻ hơn buổi sáng bao nhiêu, nên mẹ cũng thấy xuôi xuôi. Xe này tất
nhiên là cũng bắt khách dọc đường, nhưng may mà không bắt hàng. Lái xe thì liên
tục vừa lái vừa gọi di động, hình như là để hẹn tối nay đi nhậu với mấy em nào
đó. Mạ lạ một cái là vừa gọi xong cho người này là lại phải bấm máy gọi ngay
cho người khác, kiểu như là không gọi thì không chịu được, nếu chỉ có mỗi lái
xe thì buồn bực hay sao đó. Mẹ ngồi sau cũng thấy chả yên tâm chút nào, và lại
thấy hơi ân hận vì đã đồng ý với bố lên xe này. Đi được 1 lúc thì xe dừng lại để
lái phụ xuống mua Bánh Pía. Nghe nói bánh pía ở Sóc trăng là nổi tiếng. Anh lái
phụ mua xong quay lại xe, chắc nhìn mặt mình thấy tần ngần muốn mua, nên hỏi:
có mua không? Mình gật đầu, thế là lại chạy vào mua hộ cho 1 gói, giá 40k. xe
này đi mẹ ngồi một mình cả một dãy ghế, bố và Kiên ngồi trên ghế đầu. Trời bắt
đầu nhá nhem tối nên mẹ cũng cứ phải gắng mà nhìn đường.