Monday, February 23, 2015

Linh tinh đầu năm

Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết nguyên đán.
Trời nồm và trong người có một cảm giác không thoải mái, vì nhà cửa chưa dọn xong và mốt đống việc trong danh sách vẫn chưa hoàn thành.
Nhưng dù sao thì cũng vẫn phải dành chút thời gian để viết một chút cho bản thân.

Kỳ nghỉ này dù sao thì cũng đã làm 1 số việc có ích đã đọc xong vài cuốn sách trong list và xem vài bộ phim đáng phải xem.

Trong đó đáng phải kể đến cuốn Luận về yêu của Alain de Botton. Một cuốn sách với giọng văn triết học nhưng không hề thiếu sự hài hước, về một chủ đề rất đời thường- tình yêu. Mình rất thích những quyển sách kiểu như thế này. Vừa đủ sâu sắc, nhưng cũng không hề khó hiểu và mơ hồ, đủ chiều sâu để người ta phải đọc đi đọc lại để cảm nhận chúng, và vừa cảm thấy sao tác giả có thể nói đến tình yêu với nhiều khía cạnh, nhiều chiều đến như vậy. Tác giả nói về tình yêu của mình mà như đang nói hộ bao nhiêu người khác, trong đó có cả mình. Cũng đã có những khoảnh khắc mình đã nghĩ như vậy, đã nói ra như vậy, đã cảm nhận như vậy, nhưng không viết ra được như vậy. Từ lúc bắt đầu gặp người mình yêu, say đắm với cả những động tác bình thường nhất của người yêu như xếp đồ vào túi ở siêu thị, sao mà thấy nó đáng yêu đến thế. Rồi đến giai đoạn yêu nhau, cãi vã nhau, làm lành, rồi xa cách nhau và chia tay. Ở đây có đủ các gia vị của tình yêu.

Mình thích cái đoạn tác giả miêu tả việc anh chàng sốc đến thế nào khi nhận ra một người như mình mà cũng được yêu, khi tình yêu được hồi đáp thì người ta lúng túng đến mức tự gây ra những xung đột với người mình yêu, thậm chí là có cảm giác ác cảm với người ấy. Một sự dẫn dắt thật đáng ngạc nhiên, và cũng hết sức hợp lý, mặc dù nghe qua thì tưởng là vô lý.

Có những câu văn của cuốn sách làm mình phải dừng lại và suy ngẫm, và viết ra đây để tiếp tục suy nghĩ về nó:

- Người quyến rũ nhất không phải là người ngay lập tức cho ta hôn hay người không bao giờ cho phép ta hôn họ, mà là người biết làm thế nào phân phát đủ liều lượng khác nhau của niềm hy vọng và tuyệt vọng.

- Có lẽ, dễ khiến ta yêu nhất là những người mà chúng ta không biết gì....Việc mỗi lúc một thân thuộc với người ta yêu có thể dẫn đến sự thoái chí sánh ngang với việc chuyện soạn một bản giao hưởng trong đầu rồi nghe một dàn giao hưởng chơi nó trong phòng hòa nhạc. Mặc dâu vấn ấn tượng khi thấy rất nhiều ý tưởng của chúng ta được ghi nhận qua cuộc biểu diễn, chúng ta vẫn không thể không chú ý đến các chi tiết vốn không giống như những gì chúng ta muốn.

- Một dấu hiệu cho thấy hai người đã thôi yêu nhau có thể nằm ở chỗ họ không còn có thể biến những khác biệt thành chuyện cười. Sự hài hước nằm men theo bức tường ngăn sự đụng độ giữa các lý tưởng của chúng ta và hiện thực: đằng sau mỗi chuyện cười là một cảnh báo về sự khác biệt, hay thậm chí về nỗi thất vọng, nhưng đó là sự khác biệt đã được hóa giải.

- Có lẽ đúng là chúng ta không thực sự tồn tại cho đến khi có ai đó thấy chúng ta tồn tại, chúng ta không thể lên tiếng một cách chính đáng cho đến khi ai đó có thể hiểu chúng ta nói gì, và về thực chất, chúng ta không hoàn toàn sống cho đến khi chúng ta được yêu,


No comments: