Ngày trọng đại nhất của chuyến đi đã đến: ngày cưới của dì Thu. Đám cưới ở đây diễn ra với rất nhiều nghi lễ truyền thống, được bắt đầu bằng lễ kí giấy đăng ký kết hôn và kí nhận của người làm chứng ở toà thị chính lúc 3h chiều, sau đó là làm lễ ở nhà thờ Thiên chúa giáo lúc 4h chiều, từ 6h đến 8h là tiệc khai vị ngoài trời với các loại rượu truyền thống của người Pháp và các loại đồ ăn nhẹ, bữa tiệc chính thức sẽ diễn ra từ 8h tối và kéo dài đến gần sáng, thường là 4-5h sáng.
Với lịch trình kéo dài như vậy, cả gia đình đã phải chuẩn bị cả về tinh thần và sức khoẻ. Mẹ đau chân nhưng vẫn quyết tâm sẽ ở lại đến ít nhất là 3h sáng. Hôm nay sẽ là một ngày rất dài đây.
Đây là 1 số hình ảnh tiêu biểu của buổi lễ.
Chú Jerome và dì Thu kí giấy Đăng ký kết hôn ở Toà thị chính. Có 4 người làm chứng cũng kí vào tờ giấy này (mẹ Chép cũng được vinh dự là 1 trong những người làm chứng). Ông thị trưởng còn trích đọc một số điều khoản trong luật hôn nhân của Pháp, quy định vợ chồng phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với nhau, phải sinh con cái và cũng nhau nuôi dạy con cái.
Làm lễ ở nhà thờ. Cha đọc những đoạn trong kinh thánh có ý nghĩa gì đó, và mọi người cùng hát thánh ca. Mặc dù không hiểu nghĩa nhưng giai điệu của các đoạn hát rất có sức truyền cảm. Mẹ Chép cũng được vinh hạnh lên đọc 1 đoạn của nhà sư Thích Nhất Hạnh nói về tình yêu (tất nhiên là bằng tiếng Việt, và sau đó em trai chú Jerome đọc đoạn dịch bằng tiếng Pháp).
Ra khỏi nhà thờ. Ở 2 bên mọi người đã đứng sẵn để tung những hình hoa lấp lánh vào cô dâu, chú rể. Những đứa trẻ con rất khoái chí với trò này, cũng giống như ở VN trước đây, khi còn được đốt pháo trong đám cưới, trẻ con chen nhau xem rồi tranh nhau nhặt những quả pháo chưa nổ hay xác pháo hồng hồng.
Tiệc khai vị
Tiệc khai vị bắt đầu từ 6h chiều, ở phía sân cạnh nhà, với 150 khách mời. Check box và quyển ghi lưu niệm được đặt ở phía ngoài để mọi người có thể nhét check mừng cô dâu chú rể và ghi những lời chúc mừng cho đám cưới. Món khai vị bao gồm rất nhiều loại bánh phết patê đặc trưng của nước Pháp, những loại snacks, phồng tôm của Việt nam (rất được nhiều người ưa thích), và đặc biệt là các loại rượu khác nhau bao gồm rượu mùi trộn với rượu vang trắng và các loại rượu nho. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện. Nhóm bạn của chú rể còn tranh thủ vừa uống rươu vừa chơi ném bi sắt. Cả nhà phải đi lại nhiều và đứng lâu nên thỉnh thoảng lại chui lên nhà nằm nghỉ. Dù sao cũng phải giữ sức cho bữa tiệc chính vào buổi tối.
Tiệc chính
Tiệc chính dự định bắt đầu lúc 8h nhưng chính thức là khoảng 9h. Phòng tiệc đã được mọi người trang hoàng từ mấy hôm trước. Trên trần có chăng những dây trang trí và đèn lồng theo kiểu đám cưới của Việt nam, trên tường đính bóng bay và dì Thu còn dán thêm vài cái mặt nạ tre cho nó đặc biệt. Phía trên là sân khấu, bên phải có 2 chú làm nhiệm vụ DJ phụ trách phần âm nhạc. Món ăn hôm nay toàn là các món Việt nam như súp sủi cảo, nem, nộm gà xé phay, cá sốt chua ngọt, thịt bò xào măng và nấm hương. Món tráng miệng có pho mát, bánh nướng bánh dẻo, bánh gatô kem vacherin. Nhưng phần quan trọng và hấp dẫn nhất của bữa tiệc không phải là những món ăn mà là những tiết mục vui nhộn, gây sự chú ý của khách mời và làm người ta quên đi cái buồn ngủ, xem kẽ vào thời gian break giữa các món ăn. Đầu tiên là slide show (made by Dì Hương) ghi lại những hình ảnh trưởng thành từ bé đến lớn của cô dâu chú rể, thời gian 2 người gặp nhau, những hình ảnh của chú rể ở Việt nam. Những bức ảnh lần đầu tiên được công bố gây sự tò mò của khách mời, đến nỗi phải bật đi bật lại slide show và cô dâu chú rể phải thuyết minh từng bức ảnh. Khi các món ăn chính chưa kết thúc thì Chép buồn ngủ, phải đặt ra xe đẩy, nhưng xe chật quá nên nằm được 1 lúc thì Chép khóc um lên. Mẹ đành phải đưa Chép ra ngủ nhờ 1 bác có xe caravan, trong đó có giường ngủ, Chép mới chịu ngủ yên. Đến khoảng 12h thì dì Hương cũng chui vào xe ngủ. Trong xe có cả đứa con 2 tháng tuổi của anh Stephan. Tự nhiên nó lại ọ ẹ thức dậy. Cái alarm báo thức trẻ khóc vẫn chưa kêu vì nó khóc bé quá, nhưng mẹ Chép vẫn chạy vào phòng tiệc báo cho anh Stephan. Lúc đấy đang diễn ra nhiều trò hay quá nên mẹ Chép ở lại xem, không quay lại xe nữa. Nào là trò đặt câu hỏi cho cô dâu, chú rể để 2 người trả lời là Anh hay Em. Chẳng hạn như ai ngáy to hơn, ai giặt quần áo, ai hái cà chua nhanh hơn, ai đọc sách nhiều hơn,...Những câu trả lời không trùng nhau làm mọi người cười bò ra. Rồi có trò truyền tay nhau 1 chiếc ô theo điệu nhạc, nhạc dừng tại ai thì người đó sẽ phải lấy 1 mẩu giấy đính trên đó ghi những điều mà sẽ phải làm cho cô dâu chú rể vào năm sau. Bố Chép bị 1 lần, và theo quy định sẽ phải gửi bưu thiếp chúc mừng đám cưới cho cô dâu chú rể liên tiếp trong 3 năm. Ông ngoại Chép thì năm sau, vào dịp Giáng sinh sẽ phải gửi cho cô dâu chú rể những đồ trang trí dành cho Giáng sinh. Vui nhất là những điệu nhảy. Mọi người lên nhảy rất nhiệt tình, chủ yếu là những điệu nhảy truyền thống của vùng. Bố mẹ Chép cũng chỉ tham gia được điệu valse thôi. Mọi người cứ nhảy và ăn uống như thế cho đến gần 5h sáng. Nhưng ông bà và 2 mẹ con Chép được ưu tiên về trước vào lúc 3h. Thế cũng là kết thúc 1 ngày quá dài rồi. Chúc cho dì Thu và chú Jerome mãi mãi hạnh phúc và có nhiều con cháu.
Kindergarten học gì (2)
11 years ago
No comments:
Post a Comment