Sunday, September 28, 2008

Papa nhận bằng tốt nghiệp

Mấy ngày hôm nay cả nhà mình bận chuyển nhà nên mama chẳng có lúc nào mà update được blog. Post tạm mấy cái ảnh lên rồi mama sẽ viết sau vậy.

Hôm 25/9 vừa rồi là ngày papa nhận bằng tốt nghiệp. Hôm 26 thì chuyển nhà. 27 lại có Ngày hội thể thao ở nhà trẻ của 2 anh em. Bao nhiêu là việc, cứ chóng hết cả mặt. Post tạm vài cái ảnh trong lễ tốt nghiệp của papa để báo cáo với cả nhà đã.

CHÚC MỪNG PAPA!!!

Cuối cùng thì papa cũng đã hoàn thành xong 4 năm học.

4 năm với 1 tấm bằng Phd và 2 nhóc, mà tất cả đều có 1 điểm chung là không hề định trước.

4 năm sống xa Bố mẹ giống như thời sinh viên đại học, xa quê hương, nhưng có gia đình của mình bên cạnh.

4 năm với bao nhiêu niềm vui của những lần câu cá, tiệc tùng, nhảy nhót.

4 năm với 4 lần kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng.

4 năm với 4 mùa hoa anh đào và 4 mùa lá đỏ yên bình ở Kyoto.

4 năm với bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu cuộc gặp mặt và chia tay.

4 năm chẳng phải ngắn, mà thấy như trôi vèo một cái.

4 năm kết thúc để mở ra 1 bắt đầu mới...


Sáng hôm papa dự lễ tốt nghiệp thì mama phải đưa em Khanh đi khám định kỳ 8 tháng. Khám xong đạp vội xe lên trường papa thì lễ kết thúc từ lúc nào rồi. Chỉ còn kịp cùng với mấy anh chị em chụp ảnh kỷ niệm ở bên ngoài thôi.
IMG_9444

Đợt tốt nghiệp vào tháng 9 thì ít hơn vào dịp tháng 4. Cả trường KIT mà chỉ có ngần này người tốt nghiệp.
IMG_9447

Mama vội đi nên chẳng kịp mua hoa tặng papa nữa. Đây là bó hoa các cô chú tặng đấy. Quý ơi là quý nên đến lúc chuyển nhà, bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh, papa vẫn quyết tâm đem bằng được sang nhà mới.
IMG_9462

Các sinh viên Việt nam của trường KIT, trừ mama và bác Tâm đứng ngoài cùng bên trái. Tay mama đang ôm khư khư cái bằng của papa, nhưng mà nhìn không rõ đấy. Dù sao thì trong này cũng có công của mama chứ "của chồng công vợ", các cụ đã nói thế rồi mà.
IMG_9478

Hai vợ chồng chụp với nhau tình cảm chưa, bằng biếc vứt sang 1 bên, hihi.
IMG_9521

Tuesday, September 23, 2008

Vẽ tranh cho ngày Hội thể thao


Kỷ niệm 4 năm ngày cưới

IMG_9418 copy

Kỉ niệm ngày cưới thứ 4, theo truyền thống của phương Tây thì người ta sẽ tặng nhau hoa và quả. Còn những năm sau thì sẽ như thế này: năm thứ 5 là gỗ, năm thứ 6 là sắt, ....năm thứ 10 là nhôm, năm thứ 20 là sứ, năm thứ 30 là ngọc trai, năm thứ 40 là đá ruby, năm thứ 50 là vàng, năm thứ 60 là kim cương. Có lẽ ngày xưa người ta quy ước như vậy theo quan niệm hôn nhân càng dài lâu thì càng bền vững. Hay là hôn nhân càng dài lâu thì càng quý nhỉ (vàng, kim cương mà), nhưng quý bao giờ cũng đi liền với hiếm đấy :) Thế mới biết các cụ ngày xưa thật thâm thuý.

Gia đình mình thì mới chỉ là lần thứ 4 thôi. Mới chỉ tương xứng như kiểu "nếm quả và thưởng hoa" thôi. Thế cho nên lần này chỉ mừng nhau bằng hoa và quả thôi nhé. Mẹ và anh Chép đi mua đấy. Bánh kem có trang trí hoa quả thì ăn ngon lắm, nhưng có 1 lon bia mà cả hai bố mẹ uống mãi chẳng hết. Chả hiểu sao dạo này "tửu lượng" kém thế.

Mới đấy mà đã 4 năm nhỉ. Thời gian trôi nhanh thật. Nhà bây giờ đã thành 4 người. Nhân dịp ngày kỉ niệm lại ngồi ngẫm nghĩ về hôn nhân. Hôn nhân thực ra là gì nhỉ. Có lẽ đó là một kiểu
"ràng buộc" nhau bằng tình yêu. Chứ giấy tờ đăng ký thực ra chẳng có ý nghĩa gì, ngoài ý nghĩa về mặt hành chính. Hãy ràng buộc nhau bằng tình yêu, đó là sự ràng buộc ngọt ngào và dễ chịu nhất.

Đọc được trên net 1 bài viết "Hôn nhân là thế đấy" cũng khá hay

----------
Bạn sinh ra cùng nhau và sẽ bên nhau mãi mãi.

Sẽ bên nhau khi đôi cánh trắng của thần chết phủ bóng xuống bạn.

Sẽ bên nhau ngay cả trong ký ức câm lặng của Chúa.

Nhưng hãy để những khoảng cách xen vào giữa hai bạn,

Và hãy để gió trên thiên đàng nhảy múa giữa hai bạn.


Hãy yêu nhau nhưng đừng trói buộc tình yêu:

Hãy để tình yêu là biển động giữa những bến bờ của tâm hồn.

Hãy rót đầy chén rượu cho nhau nhưng đừng uống từ cùng một chén.

Hãy trao cho nhau mẩu bánh mì nhưng đừng ăn bánh từ cùng một ổ.

Hát nhảy cùng nhau và tràn ngập niềm vui, nhưng hãy để mỗi người được riêng lẻ,

Thậm chí ngay cả những dây đàn lia cũng riêng lẻ dù chúng cùng rung lên một điệu nhạc.

Hãy trao trái tim nhưng nhưng đừng biến nó thành tài sản,

Vì chỉ có bàn tay của cuộc sống mới có thể nắm bắt trái tim bạn.

Hãy đứng bên nhau nhưng đừng quá gần:

Vì những chiếc cột của cùng một cây đền cũng cách biệt,

Và cây sồi, cây bách sẽ không thể lớn lên dưới những cái bóng của nhau.
----------

Chúng ta đến với nhau bằng "tình yêu", liên kết với nhau bằng 2 chữ "hôn nhân" nhưng chúng ta luôn là 2 cá thể riêng biệt.

Hãy hiểu nhau nhưng đừng nên hiểu hết. Để mãi mãi chúng ta tìm kiếm về nhau.

* * *

Một nghìn bốn trăm ngày đi qua

Sống cùng nhau dưới một mái nhà

Liệu trong đấy bao nhiêu ngày hạnh phúc

Đem lại cho nhau ấm áp nụ cười


Một nghìn bốn trăm ngày đi qua

Liệu trong đấy bao nhiêu ngày giận dỗi

Cãi vã nhau vì những chuyện không đâu

Làm đau lòng nhau mỗi người một ít


Một nghìn bốn trăm ngày đi qua

Hạnh phúc, hờn giận cũng đã qua

Nhưng tất cả giờ trở thành ký ức

Em cất vào riêng một góc trái tim


Để lúc nào buồn em sẽ đem ra ngắm

Những ngọt đắng của đời mình đã trải

Khi nào già có cái mà nhìn lại

Một nghìn bốn trăm ngày đã qua…


Để sống cùng nhau nhiều nghìn ngày nữa

Mong cả hai cùng biết sẻ chia

Biết nhường nhau những điều nhỏ nhặt

Biết đứng vững trước dòng đời cám dỗ

Biết động viên nhau những lúc khó khăn


Để sống cùng nhau nhiều nghìn ngày nữa

Hãy cảm ơn nhau vì hạnh phúc nụ cười

Những kỷ niệm buồn cũng đừng quên nhé

Hãy ghi nhớ để không lặp lại


Sẽ thế nào hàng nghìn ngày phía trước

Anh và Em sẽ tự viết nên

Quá khứ đã qua luôn là như vậy

Nhưng tương lai xấu đẹp sẽ do mình.


Cảm ơn nhau vì những ngày đã qua…




Monday, September 22, 2008

Thư giãn trong bệnh viện

Trông em Khanh cắn cái dây truyền nước này. Cứ cái gì vào tay là em cho hết vào mồm. May mà cái dây này cũng dai nên không bị em cắn đứt, hihi. Răng em bây giờ sắc lắm. Lại có thêm 2 cái răng cửa to như 2 cái "bàn cuốc" ở hàm trên nữa, tổng cộng là 4 cái.Thỉnh thoảng ngứa răng mà không có cái gì cắn là em lại nghiến răng ken két.
Anh Chép thì thích đến bệnh viện thăm em lắm, nhưng ngó em thì ít mà chạy sang cái phòng đồ chơi thì nhiều. Cái phòng này có đủ các loại đồ chơi, lại còn có cả 1 thư viện đầy sách. Có cả những quyển sách mà các gia đình đã từng có con cháu nằm viện ở đây tặng lại bệnh viện. Hôm nào mama cũng chạy sang ôm vài quyển về đọc cho 2 anh em nghe. Lúc nào em Khanh ngủ, anh Chép về nhà rồi thì mama đọc để học thêm từ mới tiếng Nhật, hehe. Công nhận sách trẻ con của Nhật hay thật, hình vẽ cũng đẹp nữa. Mà lại có bao nhiêu sách để thay đổi, chứ ở nhà chỉ quanh đi quẩn lại vài quyển, đọc mãi cũng chán, mà mua nhiều thì chật nhà, vì mỗi quyển có vài trang thôi. Ở đây vài ngày tha hồ đọc. Anh Chép cũng hứng thú với mấy quyển sách mới lắm.
Đây là 1 ví dụ, anh Chép đang đọc quyển Anpanman dậy cách nấu món cari này.


Em Khanh chỉ chẳng cần đọc sách, chỉ cần cho vào mồm nếm xem nó có cái mùi vị gì không.
Ngày em được ra viện đây. Tay được tháo băng rồi, thoải mái hẳn, có thể cầm được bằng 2 tay nhé. Em cầm cái bát rồi cho luôn vào mồm gặm gặm, thế mà chơi được lâu lắm.
Ở bệnh viện cũng thấy thoải mái, vì 2 mẹ con nằm ở phòng 3 giường, nhưng 2 giường kia trống nên cứ như là phòng của mình ấy, yên tĩnh và rộng rãi. Chứ nếu 2 giường bên cạnh mà có người nằm là sẽ có ngay cái cảm giác của bệnh viện, vì các giường kê cũng sát nhau lắm, chỉ cách nhau có mỗi cái rèm. Nhưng chỉ đến đúng cái hôm Khanh ra viện thì mới có thêm người vào. Mà có người vào là khác ngay. Nhà mình đi đứng, ăn nói cũng phải nhỏ nhẹ. Anh Chép đến mà chạy uỳnh uỵch hay nói to là bị nhắc nhở ngay.
Ở trong viện em Khanh được phục vụ 2 bữa dặm một ngày, mama đỡ phải nấu. Khanh ăn ngon lành, mỗi tội là 1 suất nhiều quá, Khanh chỉ ăn hết cũng lắm là một nửa, rồi uống thêm sữa. Ăn xong thì lại nằm khểnh chơi, 2 mẹ con đọc truyện. Phòng thì điều hoà 24/24 mát mẻ. Chẳng hiều vì mát hay vì ăn no mà suốt mấy hôm trong viện, Khanh ngủ một mạch cả đêm chẳng dậy ăn thêm lần nào. 2 mẹ con ngủ ngon lành cho tới sáng. Papa bảo vào viện mà cứ như đi an dưỡng ấy.
Nhưng thôi, về nhà với 2 bố con vẫn thích hơn. Cả nhà được ăn uống cùng nhau mà không phải ăn bento như thế này nữa. Khanh được ra viện nhưng vẫn có lịch đi khám lại. Mong là con gái của mama sẽ không sao cả, con gái nhỉ.

Wednesday, September 17, 2008

Các loại xét nghiệm

Em Khanh sau khi xét nghiệm về, tay trái bị băng chặt, gắn với ống truyền nước. Lúc nào cũng có dây lòng thòng ở tay nên lẫy cũng khó hơn, nhiều lúc dây cứ cuốn quanh người.

Các xét nghiệm được tiến hành ngay sau khi nhập viện.

Đầu tiên là chụp X-quang vùng ngực để xem phổi có vấn đề gì không. Phòng chụp X-quang nằm dưới tầng 1. Cô y tá và cô thực tập đưa Khanh và 2 bố mẹ xuống đến nơi thì quay về, 2 bố mẹ ngồi chờ đến lượt. Mà lại gặp lại đúng cái cô thực tập sinh hồi mẹ sinh em Khanh. Bây giờ cô ấy chuyển sang thực tập ở khoa nhi.
Khanh được cởi áo và đặt ngồi trên 1 cái ghế cao, bé tí. Bác sĩ và papa mỗi người giữ 1 bên. Trông con gái bé xíu giữa 1 đống máy móc to đùng, đến là tội nghiệp. Chắc là sợ nên Khanh khóc nhè luôn. Sau khi phải chỉnh ghế sang trái sang trái, lên trên 1 tí thì bác sĩ cũng chụp xong.

Sau khi quay về phòng thì bác sĩ thông báo sẽ tiến hành xét nghiệm máu. Phòng lấy máu ở ngay cùng tầng, nhưng bố mẹ phải ngồi ngoài chờ, còn Khanh được 3 y tá đưa vào phòng để lấy máu. Đây là thời điểm khó khăn nhất, vì Khanh khóc kinh quá, khóc váng cả cái tầng đấy. Con khóc lâu lắm rồi, phải mấy chục phút rồi mà vẫn chưa thấy nín. Có lúc mama mở cửa vào hỏi nhưng bác sĩ bảo vẫn phải chờ thêm chút nữa. 1 lúc sau cô y tá ra mở cửa cho mama vào để bế Khanh. Hoá ra là vẫn chưa lấy được máu. 2 mu bàn tay của con đều bị băng lại nhưng các y tá và bác sĩ vẫn chưa tìm thấy ven. Y tá bảo vì khi ốm sốt thường thì mạch máu bị hẹp đi nên rất khó tìm. Mama phải bế Khanh 1 lúc để Khanh nghỉ ngơi lấy lại sức thì mới có thế làm tiếp được. Khổ thân con gái cứ khóc nấc lên. Mẹ bế mãi mà vẫn cứ khóc. Thấy papa vào bế lại càng khóc hơn. Hôm nay các bác sĩ được “thưởng thức” giọng ca toàn tập của Khanh nhé. 1 lúc sau bác sĩ Watanabe xuất hiện, nói bằng tiếng Việt với bố mẹ. Bác sĩ này gốc là người Việt nhưng chắc là ở Nhật lâu rồi nên tiếng Việt hơi khó nghe. Bác sĩ sẽ thực hiện lấy máu cho Khanh,vì các y tá mãi không làm được. Khanh lại tiếp tục khóc. Bố mẹ chỉ biết ở ngoài chờ, chả làm được gì. Một lúc sau thì thấy đã xong. Khanh được băng trắng quanh bàn tay trái, gắn với đường truyền nước được điều chỉnh bằng máy đo. Thấy bố mẹ vào bế Khanh còn làu bàu kiểu như là mách bố mẹ là đã bị đau như thế nào. Khổ thân con gái. Khóc lâu thế chắc khản hết cả cổ. Sau khi được đưa về phòng 1 lúc thì ngủ. Con gái phải ngủ lấy lại sức không thì mệt lắm.

Papa thì phải về nhà để lấy các thứ cần thiết đem vào cho 2 mẹ con. Lúc đi khám chỉ đem ít sữa và bỉm thôi mà. Vừa ngủ được 1 lúc thì con lại được gọi đi kiểm tra eco bụng (siêu âm). Không hiểu lý do của việc kiểm tra này là gì (mama cũng chẳng nghĩ ra là phải hỏi nữa). Chắc là bác sĩ muốn xét nghiệm đường ruột. Cái chỗ siêu âm cũng chính là chỗ hồi trước mama siêu âm lúc mang bầu Khanh tuần thứ 28. Kiểu siêu âm cũng y như vậy. Em Khanh được bôi ít gel lên bụng rồi bác sĩ soi. Khanh ngoan lắm, cứ nằm yên đưa mắt xem bác sĩ đang làm gì. Chắc 1 phần là do đang ngái ngủ nữa. Bác sĩ cứ khen sao mà nó ngoan thế. Lúc siêu âm xong mama phải đưa Khanh lên phòng. Vừa phải bế lại vừa phải kéo theo cái máy truyền nước. Được 1 lúc thì cánh tay mỏi nhừ.

Ngoài ra con cũng phải xét nghiệm nước tiểu nữa. Thế là riêng ngày hôm nay Khanh đã phải làm bao nhiêu là xét nghiệm rồi.

Cuối buổi chiều thì có kết quả xét nghiệm máu. Ngoại trừ lượng bạch cầu cao do cơ thể sản sinh ra để chống lại virus hay khuẩn truyền nhiễm, còn các chỉ số khác đều không có vấn đề gì. Nhưng việc xác định cụ thể loại virus thì không phải dễ. Nếu là loại virus nào đó mới xuất hiện thì sẽ nằm ngoài khả năng của bác sĩ.
Theo kết quả chụp X-quang thì Khanh hơi bị viêm đường khí quản. Bác sĩ sẽ cho thuốc uống trong 3 ngày. Thế là mặc dù không có vấn đề gì nghiêm trọng thì Khanh cũng sẽ phải ở lại bệnh viện hết ngày hôm nay rồi. Không biết ngày mai, ngày kia có được ra viện luôn không. Với lại Khanh cũng đang phải truyền nước 24h/24h, mà sẽ truyền cho đến khi ra viện.

(mama viết khi đang còn ở trong viện nhưng bây giờ mới post được)

Em Khanh nhập viện

Khanh uống thuốc ho và thuốc chữa cảm sốt của ông bác sĩ Uehara gần nhà mãi chẳng khỏi. Vẫn cứ sốt vào buổi sáng, buổi chiều thì hạ sốt. Ở nhà suốt gần 1 tuần. Thứ tư cho Khanh đi nhà trẻ thì đến nơi, các cô vẫn đo được là 38 độ. Chắc cô thương tình cả tuần vừa rồi nghỉ nên cô bảo hôm nay cô sẽ theo dõi Khanh 1 hôm xem sao. Cả ngày cứ nhấp nhổm chờ điện thoại từ nhà trẻ gọi đến đón Khanh về nhưng cũng không thấy. Chắc tại đến chiều Khanh hết sốt mà. Cuối buổi thấy cô báo cáo là Khanh ăn vẫn ngoan, không hiểu sao lại sốt như vậy. Thông thường nếu là cảm sốt thì sẽ hay sốt về chiều, chứ Khanh thì ngược lại, cô bảo như thế mới đáng lo.


Thứ năm mama vẫn đưa Khanh đi nhà trẻ vì lúc ở nhà đo có 37.1 độ. Nhưng đến nơi, đo lại thì 37.8, theo nguyên tắc là phải đưa về, nhưng cô lại “thương tình” bảo cứ để cô theo dõi thêm 1 hôm nữa, hôm nay cô sẽ đo nhiệt độ cho Khanh nhiều lần hơn để theo dõi xem chu kỳ thay đổi là như thế nào. Đến chiều thấy cô Hara nhăn nhó bảo là hôm nay Khanh có vẻ không được tươi tỉnh lắm, ăn xong cũng nôn hết cả ra vì ho, rồi buổi chiều nay có lúc nhiệt độ cũng hơn 37.5. Cô bảo nên cho đi khám ở bệnh viện, xét nghiệm máu để biết chính xác nguyên nhân là do đâu. Mấy cô khác cũng nói vậy. Chả hiểu sao mama cứ tin cái ông bác sĩ Uehara vì ông ấy bảo Khanh chỉ cảm sốt bình thường thôi, không có gì phải lo lắng cả.


Nhưng thôi, cô đã khuyên thì mama sẽ nghe theo. Cho yên tâm. Sáng thứ sáu (12/9), cả hai bố mẹ đưa Khanh đến khám ở Bệnh viện Chữ thập đỏ, bệnh viện mama đã sinh 2 anh em. Ở đây bác sĩ có hồ sơ theo dõi Khanh từ lúc mới sinh nên tốt nhất là nên đến đây.


Hôm nay phụ trách khám không phải là bác sĩ Ito như thường lệ, mà là bác sĩ khác, trông có vẻ rất nhiều tuổi, đầu hói. Nhìn biển bên ngoài cửa thì hoá ra là bác sĩ trưởng khoa. Mama vào trình bày một thôi một hồi như máy vì cái bài này đã được tua đi tua lại nhiều lần rồi. Ông bác sĩ nghe xong, rồi xem lại hồ sơ, thấy có chụp MRI lúc 3 tháng, nhưng sau đó 1 tháng không thấy đi khám lại. Ông ấy bảo lẽ ra phải đi khám chứ. Mama đành phải xin lỗi và nói dối là lúc đó không có ở Nhật (khổ thế đấy). Tại vì kết quả MRI là bình thường nên mama nghĩ chẳng cần đi khám lại nữa. Với lại đúng vào thời điểm đó cũng có kỳ khám 4 tháng do quận tổ chức nên mama nghĩ chỉ đi một cái là được.

Ông bác sĩ này xem qua người Khanh rồi quyết định luôn là phải nhập viện để theo dõi. Cần phải tiến hành xét nghiệm, kết hợp với việc kiểm tra đầu nữa.


Thế là bắt đầu những ngày nằm viện của em Khanh. Lại vẫn bệnh viện đấy, vẫn cái giường kiểu đấy, nhưng gần giống như cái cũi để tránh cho trẻ bị ngã ra ngoài, vẫn cái rèm màu vàng, chỉ khác là khoa nhi thì nằm ở tầng 3, còn hồi trước lúc Khanh sinh thì nằm trên tầng 7.

Tầng 3 này, ngoài khoa nhi thì cũng gần khoa điều trị dành cho người già. Có người già đang nằm viện, nhưng lại cũng có nhiều người già khoẻ mạnh đang làm công việc dọn vệ sinh, lau chùi các phòng bệnh. Kể cũng lạ thật. Sức khỏe lúc nào mất đi mới thấy nó đáng quý.

Tuesday, September 16, 2008

Những bài tiếp theo

Từ thứ 6 tuần trước cả nhà bận rộn vì em Khanh phải nhập viện. Vì không có vấn đề gì nghiêm trọng nên em Khanh đã được ra viện ngày hôm qua rồi. Khi nào có thời gian, mama sẽ tường thuật lại những "sự kiện" vừa qua vào blog nhé.
  • Đi họp phụ huynh cho anh Chép
  • Em Khanh nhập viện
  • Các loại xét nghiệm
  • Đi viện như đi an dưỡng

Wednesday, September 10, 2008

Không đề

Hãy nghĩ về niềm vui
Để sống cho thanh thản
Hãy nghĩ về điều tốt
Để tha thứ cho nhau
Hãy nghĩ về ngày sau
Luôn là ngày tươi đẹp
Hãy nghĩ rằng hạnh phúc
Chỉ giản dị thế thôi
Buồn vui của cuộc đời
Bắt nguồn từ suy nghĩ



(1 ngày nghĩ nhiều)

Giáo dục trẻ 2-3 tuổi (phần cuối)

5) Trẻ 2 tuổi có trí nhớ thiên tài


2 tuổi là thời kì thiên tài của trẻ nhỏ. Cũng có nhiều bậc phụ huynh ngạc nhiên khi xem chương trình “Những em bé thiên tài nhất Nhật bản” (Chibikkotensai nipponichi), chứ thực ra hầu hết trẻ em đều có khả năng biểu lộ trí nhớ tuyệt vời như những trường hợp được nêu trong chương trình đó. Nếu không biết điều đó, sẽ vô tình làm mất đi khả năng tuyệt vời của trẻ. Chính vì vậy chúng ta cần phải cực kì chú ý đến trẻ.


Trẻ phát triển rất nhanh trong độ tuổi từ 2 đến 3 tuổi. Và những gì trẻ học được trong thời gian này sẽ phản ánh thái độ học tập của chúng sau này, thái độ đó không thể nào sửa đổi được nữa. Tôi muốn các bậc cha mẹ phải coi độ tuổi này là giai đoạn thiết lập năng lực cơ sở cho trẻ.


Giai đoạn này, nếu dạy trẻ những điều cơ bản suôn sẻ thì trẻ sẽ thành những con người rất sáng dạ. Còn không dạy dỗ gì, cứ để trẻ tự nhiên chơi không thôi sẽ để khả năng ưu việt vốn có của mọi em bé biến mất lúc nào không hay.
Xin nhắc lại một lần nữa, đó là trẻ 2 tuổi có trí nhớ thiên tài.
Khi trẻ 2 tuổi mà được rèn luyện trí nhớ thì sẽ có trí nhớ tốt duy trì liên tục và dễ dàng. Với trẻ không được rèn luyện trí nhớ lúc này thì đến năm lớp 6 thôi đã không thể nhớ nổi những công thức tính toán phân số, số thập phân…
Vì vậy, khi được 2 tuổi cần phải cho trẻ được rèn luyện trí nhớ càng nhiều càng tốt.
Nhớ quốc kì của các nước. Nhớ chủng loại xe ô tô. Nhớ tên các ga tàu điện theo đúng thứ tự. Những việc mà ta thấy đó hoàn toàn có ích, không hề quá sức đối với trẻ.
Có bà mẹ đã dạy con 2 tuổi nhớ hết tên 100 thi sĩ nổi tiếng. Đứa trẻ ấy đã trở thành người cực kì xuất sắc. Cũng có bà mẹ dạy con 2 tuổI cả kinh thư Trung quốc. Đây không phải là việc nhồi nhét kiến thức.


Tôi muốn các bậc cha mẹ hiểu rằng vào thời kì năng lực trí nhớ lên đến đỉnh cao như lúc này, mà làm những việc như vậy thì một mặt khả năng ghi nhớ cao được gắn liền với trẻ, mặt khác những kiến thức thu nạp được này sẽ còn đọng lại trong kho ý thức tiềm tài của cả cuộc đời, sau này làm nền tảng để có được năng lực xuất sắc, và khả năng tư duy cao.


Đặt trước mặt trẻ 2 tuổi 10 cái hộp. Trong 3 hộp có để đồ gì đó. Hãy cho trẻ đoán xem hộp nào có đồ. Không có trẻ 2 tuổi nào ngay từ đầu đã đoán đúng cả 3 cái hộp có đồ. Hãy làm thử từ 1 hộp trước.
Đặt lên bàn 10 món đồ, cho trẻ nhìn kĩ trong khoảng 1 phút, rồi giấu đi 1 món, đố trẻ biết đó là món đồ gì. Hãy thử làm bài rèn luyện trí nhớ này cho trẻ.


Cũng liên quan đến trí nhớ, ta phải dạy trẻ khả năng quan sát. “ Cửa hàng vừa xem có bày bán cái gì”, chẳng hạn thế, để rèn cho trẻ khả năng nhớ được nhiều món đồ bày trong cửa hàng. Mẹ với con thi với nhau xem ai nhớ được nhiều hơn.
Điều quan trọng là với trẻ 2 tuổi càng cho trẻ quan sát được càng nhiều càng tốt. Dẫn trẻ đến công viên, cho xem kiến, cho xem lá. Dẫn trẻ đến cửa hàng bán chim, thú cảnh, cho trẻ quan sát. Và bảo trẻ nói về cái vừa xem, vừa nhìn thấy đó. Cho trẻ đi vườn bách thú, vườn thú biển, khu vui chơi, nông trường, sở phòng cháy chữa cháy… càng nhiều càng tốt, và rèn cho trẻ kể lại những nơi vừa đi.
Cũng có thể cho trẻ đi bus, tàu điện đến bờ biển, vườn táo…để được nhiều dịp quan sát thế giới xung quanh hơn.
Tư tưởng “Mới có 2 tuổi có nhớ được gì mấy đâu, thôi thì chờ đến khoảng 6 tuổi, lúc ấy biết nhớ rồi cho đi đây đó cũng được” là tư tưởng sai lầm, khiến năng lực vốn có của trẻ bị thui chột.


Mọi thể nghiệm khi trẻ đã hơn 6 tuổi- lúc này năng lực đã phát triển ở mức ổn định rồi- không tạo nên khả năng cơ bản quan trọng nào nữa. Các bậc cha mẹ nên biết rằng những thể nghiệm được thực hiện trong thời kì khả năng nhận thức đạt đỉnh cao nhất (2 tuổi) sẽ là những khả năng to lớn của trẻ sau này.


Cũng với ý nghĩa đó, trẻ 2 tuổi rất thích hợp để học ngoại ngữ. Bởi vì kí ức về âm thanh của trẻ lúc này cực kì phong phú. Người lớn nghe tiếng nước ngoài không thể nghe toàn bộ âm tiếng nhỏ của từ đó. Hơn nữa cũng không thể thành thạo một ngoại ngữ nào. Vì người lớn có một rào chắn lớn về âm thanh, mà có những âm không tài nào nghe thấy, hay có bắt chước cũng không nhập tâm được.
Nhưng trẻ 2 tuổi lạI là thiên tài ngôn ngữ. Vì trẻ dưới 3 tuổi có khả năng phân biệt được sự khác nhau rất nhỏ giữa các âm tiết, và hiểu được sự liên quan giữa các từ ngữ phức tạp. Với năng lực tiềm tài phong phú, trẻ thể nhớ ngoại ngữ một cách tự nhiên như một bản năng sinh lí vậy.
Vì vậy, khoảng 2,3 tuổi việc cho trẻ nghe nhiều bài hát của trẻ em các nước, để trẻ được tiếp xúc, nhận biết được sự khác nhau về âm thanh giữa tiếng các nước đó điều quan trọng. Những âm thanh trẻ không nghe vào giai đoạn này khi lớn lên sẽ không còn nhập tâm chính xác được nữa. Khi trẻ đang chơi, thử để máy quay đĩa chạy bản nhạc vui tươi tự nhiên nào đó. Ví dụ như “những bài hát ru con trên thế giới” chẳng hạn.


Điều quan trọng nhất là việc dạy trẻ, rèn luyện cho trẻ phải được thực hiện thường xuyên, hàng ngày, dù mỗi ngày chỉ một chút thời gian. Tôi muốn các bậc cha mẹ hiểu rõ một điều là việc dạy con hay rèn luyện cho con càng được lặp đi lặp lại càng tạo cho trẻ khả năng thiên tài. Tuy nhiên cũng phải vừa xem tình hình, sự phản ứng của trẻ để dạy cho phù hợp. Nếu trẻ có vẻ không thích kiểu rèn luyện này thì phải chuyển sang kiểu thích hợp hơn, để trẻ vui vẻ thực hành hơn. Bí quyết để thành công là rèn luyện cho con hay dạy con dưới hình thức chơi với con một cách vui vẻ.

Giáo dục trẻ từ 2-3 tuổi (tiếp)

3) Làm thoả mãn ý muốn muốn làm những việc xung quanh mình một cách thành thạo


Xin chuyển sang điểm cơ bản cuối cùng trong 3 điểm cơ bản phát triển ý muốn của trẻ 2 tuổi. Đó là để trẻ nhớ được những kĩ năng cơ bản.


Trẻ 2 tuổi luôn có ý muốn làm giỏi những việc của mình. Điều này đạt đến đỉnh cao ở giai đoạn 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi, hơn nữa là khi được 3 tuổi rưỡi. Nắm bắt kịp thời và phát huy được ý muốn này chính là bí quyết dạy con thành người ưu tú.


Rửa tay, buộc dây giầy, cài cúc áo. Những việc này dù có mất thời gian cũng phải để trẻ tự làm lấy. Cha mẹ giành nhiều thời gian, chịu khó dạy con cách làm thì bây giờ có thể bận bịu nhưng sau này sẽ là những ngày vui. Trẻ con ham học hỏi, mà làm giỏi thì ý muốn được thoả mãn, sẽ có được sự tự tin vào việc mình làm. Cứ như vậy trẻ lớn lên từng bước một. Ngược lại lúc nào bố mẹ cũng ra tay làm hộ, thành thói quen thì trẻ tiến bộ rất chậm và buồn tẻ. Nếu mẹ cứ rửa tay cho con, trẻ mất đi tính nhẫn nại. Có lúc sẽ không cho mẹ rửa tay cho mình, có lúc sẽ không chịu đi rửa tay.


Trẻ được 2 tuổi nên để trẻ tham gia giúp việc nhà hết mức có thể. Lau bàn, lấy cái này, cất cái nọ, lau đĩa… tìm nhiều việc vừa sức để trẻ làm giúp. Trẻ làm xong phải được khen thật nhiều. Quan trọng hơn là phải củng cố lòng tự tin cho trẻ.Cho dù trẻ làm chưa giỏi cũng phải khen. Có vậy trẻ mới có tự tin, để lần sau làm giỏi hơn. Để trẻ nhớ được kĩ năng cơ bản là vậy. Mẹ làm lại, sửa sai cái con đã làm trước mặt chúng là kiểu dạy con tồi tệ nhất. Tuyệt đối không được chê bai trẻ trong bất cứ chuyện gì.
Những bà mẹ dốt thường đối xử với con như vậy. Áp đảo sự phản kháng của trẻ. Dập tắt ý muốn tự làm lấy của trẻ bằng những câu đại loại như “việc đấy ai chẳng làm được” hay “ai thèm làm cái việc dở hơi ấy”
Dù việc nhỏ nhặt trẻ làm được cũng phải khen nhiều. Phải nên biết rằng việc chấp nhận ý muốn làm của trẻ là tạo cho trẻ ý muốn làm, tạo cho trẻ tính tự tin, trẻ phát triển tích cực hơn. Bí quyết dạy trẻ giỏI là “khen”, ngược lại dạy tồi sẽ là “chê”.


Khi trẻ 2 tuổi hãy dạy trẻ biết sắp xếp gọn gàng. Kê giá kệ để đồ vừa tầm tay trẻ. Đồ chơi để chỗ dễ cất dễ lấy.
Qui định chỗ để đồ chơi. Dán băng xanh đỏ vàng vào chỗ cất. Đồ chơi cũng dán màu tương ứng để khi cất màu nào vào màu nấy. Làm vậy thì trẻ 2 tuổi cũng biết xếp đồ chơi sau khi chơi. Việc dọn đồ chơi xong không phải là việc của mẹ.Chỉ cho lấy đồ chơi từng ít một ra. Cất 1 cái rồi mớI lấy cái khác. Như vậy việc dọn sau khi chơi là điều thích thú của trẻ. Hãy bắt đầu việc này bằng trò chơi mệnh lệnh. “Cất quả bong này vào giá, rồi lấy búp bê để trên bàn ra đây cho mẹ” chẳng hạn. Chơi như vậy bé quen với việc dọn dẹp. Ở thời kì ý muốn tự làm lấy việc của mình này mà không dạy phép tắc dọn dẹp sắp xếp thì sau này không thể làm cho trẻ nhập tâm việc này được.


Thời kì này phải dạy trẻ điều khiển đôi tay thật giỏi. Ở trẻ dùng tay không thạo hay có xu hướng năng lực phát triển chậm. Dùng đũa cũng phải dạy từ khi trẻ 2 tuổi.
Cho trẻ chơi đất nặn. Không phải chỉ đưa hộp đất nặn cho con, muốn chơi gì thì chơi là xong. Mà phải đưa hình mẫu táo, dâu, chuối… cho con xem rồi hướng dẫn con nặn cho giống hình mẫu.. Chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ tù, chỗ nhọn… phải làm cho giống, mới là quan trọng. Như vậy tạo cho trẻ tính quan sát tỉ mì và điều khiển đôi tay một cách khéo léo.
Với trẻ 2 tuổi, chơi trò xếp hình gỗ tsumiki rất bổ ích. Hãy để trẻ xếp chồng lên cao, xếp chuỗi dài, bắt chước hình mẹ đã xếp, tự xếp theo trí tưởng tượng của trẻ… Thi xem 2 mẹ con ai xếp được cao hơn chẳng hạn.
Đồ chơi tốt là đồ chơi phát triển kĩ năng của trẻ. Có thể thấy các loại đồ chơi phù hợp mục đích đó là: nhà xếp, xe tải ghép, pazuru…
Các loại đồ chơi máy móc chạy pin không chỉ chỉ có tác dụng thoả mãn ý thích nhất thời của trẻ, mà cũng không có tác dụng phát triển kĩ năng và tư duy của trẻ. Thay vì bỏ món tiền lớn để mua đồ chơi loại ấy ra, hãy trộn lẫn 4 loại đỗ đen, đỗ trắng, đỗ đỏ, đỗ xanh mỗi loại 10 viên với nhau, rồi bảo con nhặt riêng tưng loại vào 4 cái cốc riêng biệt còn hơn.


Như đã nói ở phần trước, là trong các loại động vật chỉ có con người là có khả năng cầm nắm vật bằng 2 ngón tay cái và ngón trỏ. Hãy rèn luyện cho trẻ 2 tuổi- thời kì mẫn cảm này- khả năng đó. Hãy cho trẻ dùng 2 ngón tay (cái- trỏ) nhón những vật nhỏ xíu như hạt đậu, cái ghim cài tài liệu… có màu sắc, kích cỡ khác nhau chia theo màu sắc, kích cỡ vào những cái cốc khác nhau.


(còn nữa)

Tuesday, September 9, 2008

Kaitenzushi

Thứ 7 vừa rồi cả nhà đi ăn kaitenzushi.
Kaitenzushi là chỉ tên 1 kiểu cửa hàng bán sushi có các đĩa thức ăn chạy trước mặt khách, khách chỉ việc lấy đĩa nào mình thích, mà khi ăn xong sẽ đếm số đĩa để tính tiền.

KappaZushi là 1 quán ăn kiểu này, ở trên phố Sanjo trung tâm của Kyoto. Quán này có vẻ rất quen thuộc với dân Việt nam nói riêng và dân ngoại quốc nói chung, vì nó tiện lợi, chả cần phải giao tiếp nhiều, và cũng là 1 cách để biết thêm được 1 món ăn truyền thống của Nhật, với kiểu phục vụ đặc trưng chỉ có ở nước Nhật. 1 điểm không kém phần quan trọng nữa là giá của nó khá rẻ, chỉ có 100Y/đĩa. Mỗi đĩa sushi thường có 2 miếng. Loại sushi nào cao cấp như ootoro (phần thịt có lớp mỡ xen kẽ của các loại cá biển), hay thịt ngựa thì mỗi đĩa chỉ có 1 miếng. Ngoài ra cửa hàng cũng có thêm 1 số món khác ngoài sushi như salat, món tráng miệng, soup, mì với giá từ 150Y~200Y/đĩa.

Nhưng dạo này, do giá cả khắp nơi tăng cao, ở Nhật cũng không phải là ngoại lệ, nên chủng loại sushi của cửa hàng cũng ít đi. Trước đây có rất nhiều loại kai (sò, trai biển) sống ngon lắm, đặc biệt là hokkikai, nhưng dạo này chẳng bao giờ thấy bán. Quanh đi quẩn lại chỉ có vài loại cá quen thuộc, ăn 1 tí đã thấy chán.

Bù vào đấy, cửa hàng trang bị 1 đoàn tàu shinkansen (cũng là 1 đặc trưng của nước Nhật) chở đồ ăn mà mọi người order riêng đến tận bàn thực khách. Chép nhìn thấy đoàn tàu này chạy qua chạy lại thì thích lắm, cứ cười nói oang oang.

Nói chung sushi kiểu này thì chỉ ăn cho vui thôi, chứ không phải sushi thật ngon. Với lại cửa hàng này có bàn rộng rãi cho trẻ con ngồi nên các gia đình vào đây thấy thoải mái hơn các chỗ khác. Hôm nào mama phải nhất quyết đi ăn sushi "xịn" cho đã mới được.

Em Khanh thì chả ăn được cái món gì trong này nên đành gặm cái bát đựng nước chấm cho đỡ buồn.
Anh Chép thì suốt cả buổi toàn đứng, để nhìn đoàn tàu cho rõ. Lúc ăn cũng không chịu ngồi, rồi còn ngó nghiêng sang các bàn bên cạnh nữa chứ.
Anh Chép tự tay lấy món tráng miệng là nho. Bát này là lấy cho papa, chứ Chép thì chén hết 1 bát nho từ nãy rồi.
Bưng bát nho mời papa đây.
Lúc trước ngồi ăn nho hết cả bát. Tự bóc vỏ, nước chảy đầy ra áo quần.

Friday, September 5, 2008

Tặng con gái yêu

Con gái ơi, thế là hôm nay 2 mẹ con mình vẫn phải ở nhà. Sáng ra, tắm cho con xong, cho con ăn, cặp nhiệt độ 37 độC, mẹ yên tâm đưa con đến lớp. Nhưng tới nơi cặp nhiệt độ lại, đến 3 lần liền, mà con vẫn 38 độ. Sao thế nhỉ. Sao nhiệt độ cơ thể của con cứ lên xuống thất thường thế. Mẹ đành phải đưa con về. Mà về nhà thì thế nào nhiệt độ của con cũng giảm cho mà xem. Chắc tại con chưa khỏi hẳn đây mà. Thôi, đành ở nhà vậy. Mấy hôm nay đầu óc mẹ chẳng nghĩ được cái gì, chẳng làm được cái gì, bải hoải vô cùng.

2 tuần trước, lớp komomo của Khanh tổ chức dậy cho các bà mẹ làm con thú nhồi bông cho con mình. Mỗi bà mẹ tự tay làm cho con mình 1 con thú nhồi bông, để các con đem đến lớp. Ở nhà trẻ các con chơi chung đồ chơi với nhau, nhưng con thú nhồi bông này sẽ là sở hữu riêng của từng người. Hồi trước mẹ cũng đã làm cho anh Chép 1 con như thế. Mẹ tưởng anh Chép là con trai thì không thích con bông bông lắm, nhưng không ngờ anh Chép yêu con gấu bông mẹ làm lắm. Ở nhà trẻ, anh Chép được cô giáo dậy cách bế em, chăm sóc em, cho em ngủ, cho em uống sữa. Có bức ảnh còn chụp anh Chép địu em gấu bông trên vai nữa. Bây giờ, anh Chép lớn rồi, con gấu bông đã được đem về nhà, nhưng thỉnh thoảng mama vẫn thấy anh Chép thơm em gấu rất là tình cảm.

Lần này thì mama làm cho em Khanh con thỏ bông nhé. Vì các cô chỉ có 2 mẫu là thỏ và gấu. Con gái thì thỏ hợp hơn, con nhỉ. Vì biết là con sẽ chơi với em thỏ bông suốt 2 năm tới nếu con còn đi nhà trẻ, nên lần này mama cũng làm cẩn thận hơn. Đầu tiên là chuẩn bị 1 khăn bông, rồi cắt theo mẫu con thỏ mà các cô đã đưa cho, sau đó là khâu lại (hồi trước làm cho anh Chép thì các cô có máy khâu, chỉ máy 1 tí là xong, nhưng lần này các cô bắt khâu tay, nên mất nhiều thời gian hơn). Sau khi khâu 2 miếng ghép lại thành hình con thỏ, để chừa 1 lỗ để nhét bông vào trong, thì lộn ra mặt ngoài và nhét bông. Mama chỉ làm xong đến công đoạn này ở nhà trẻ thì phải xin phép về trước để còn nấu bữa chiều cho cả nhà. Mama cầm về vài mảnh vải các mầu để hoàn thành mắt mũi cho em thỏ.

Lần này mama trang trí cho em thỏ có cái túi đựng củ cà rốt trước ngực. Idea lúc đầu là 2 củ cà rốt cơ, nhưng papa bảo 1 củ thì hay hơn. Em Thỏ còn đeo thêm cái nơ ở tai cho điệu điệu 1 tí. Mama cũng làm xong từ lâu rồi nhưng chưa đem đến lớp cho con. Thế là con gái của mama sẽ có riêng 1 bạn thỏ bông của mình, dù không phải là đẹp nhưng là bạn thỏ bông duy nhất, không giống ai và chứa đựng tình yêu thương của mẹ.

Thursday, September 4, 2008

Họp phụ huynh

Khanh đang sốt và ho, phải nghỉ ở nhà suốt mấy ngày hôm nay. Thực ra là Khanh bị ho từ lâu rồi, nhưng mama nghĩ con có thể tự khỏi được, nên cứ chần chừ không cho đi khám. Với lại thấy con vẫn tươi tỉnh, ăn ngoan, ngủ ngoan nên mama nghĩ là không sao. Tuần trước, tự nhiên người con mẩn đỏ ở 2 tay và 2 chân không rõ là nguyên nhân gì. Thôi, kết hợp ho với cái vụ mẩn đỏ này thì mama quyết định đưa con đi khám. Bác sĩ ở phòng khám tư nhân này cũng chẳng biết cái mẩn đỏ đấy là cái gì, cứ bảo hình như là dị ứng, rồi khuyên là không nên cho ăn cá trắng. Mama thấy cũng chẳng thuyết phục lắm, vì cá trắng thì con đã bắt đầu ăn từ mấy tuần trước rồi, có sao đâu. Chỉ có hôm thứ 7 vừa rồi thì bắt đầu tập cho con ăn natto, thì có thể nghĩ là dị ứng natto. Nhưng cô giáo bảo nếu là dị ứng với thức ăn thì người sẽ mẩn đỏ ngay sau khi ăn, và sẽ mẩn đỏ ở bụng hay ở mặt nữa. Đằng này ăn natto thứ 7, mà đến thứ 2 người con mới mẩn đỏ, mà ở bụng và mặt không hề gì, chỉ có ở cánh tay và bắp đùi, tức là ở những chỗ chừa ra bên ngoài quần áo. Nhưng cô giáo cũng chịu, chẳng biết là cái gì. Cũng khó có thể là rôm sẩy được, vì mấy hôm đấy trời mát mẻ lắm.

Thôi, bác sĩ đã bảo kiêng cá thì cứ kiêng vậy, cho yên tâm. Còn ho thì bác sĩ cho thuốc. Nhưng mama không thích cái ông bác sĩ này lắm. Ông này chỉ chuyên khám vào thứ 5 hàng tuần, thay cho bác sĩ chính. Mama đi đúng vào thứ 5, lại được nghe kiểu giải thích chả thuyết phục tí nào, nên mama quyết định cũng không cho con uống thuốc ho nữa xem sao.

Thế mà được mấy hôm thì con sốt. Cô giáo đo ở nhà trẻ có lúc lên 38 độ nên gọi mama đến đón con về. Kiểu này có khi phải uống thuốc mới khỏi rồi. Mama đưa con đi khám lại, khám cái ông bác sĩ chính. Về cái vụ mẩn đỏ thì ông ấy bảo có lẽ là dị ứng, nhưng không phải do thức ăn, mà có khi là do tiếp xúc với cái gì đó. Cái này thì nghe cũng có vẻ hợp lý, vì con chỉ bị mẩn đỏ ở những chỗ hở ra bên ngoài quần áo thôi. Nhưng mama nghĩ mãi cũng không hiểu là do con bị tiếp xúc với cái gì. Hay là do chăn đệm nhỉ.

Bác sĩ cho thuốc ho và thuốc kháng sinh. Lần này thì phải cho con uống nghiêm chỉnh rồi. Thực ra con chỉ hơi sốt, và lúc sốt lúc không, vẫn tươi tỉnh, ăn ngoan, ngủ ngoan. Đến hôm nay có lẽ con đã khỏi rồi. Ngày mai thì mama nghĩ là con sẽ đi nhà trẻ được.

Hôm nay con nghỉ ở nhà thêm 1 hôm cho khỏi hẳn, nhưng 5h chiều đến 6h30 là mama phải đến họp phụ huynh cho con, rồi đón anh Chép luôn. Nội dung của buổi họp là về việc tách lớp của Khanh, bây giờ lớp có 11 bạn, nhưng từ tháng 10, sẽ có 6 bạn chuyển sang lớp lớn hơn, rồi lại thêm 2 bạn mới nữa, nên sẽ có tất cả là 7 bạn. Sau đó bố mẹ được các cô cho xem những hình ảnh của các con ở nhà trẻ, lúc ăn, lúc ngủ, lúc chơi, lúc đi dạo, vừa xem cô vừa giải thích đặc điểm của từng bạn. Cô bảo Khanh ăn dặm ngoan lắm, cho thìa vào mồm là đưa lưỡi ra rồi nhai nhai nữa. Phần chính của buổi họp là các cô sẽ nghe bố mẹ kể về tình hình của con ở nhà, những lo lắng, và cả những thuận lợi trong việc chăm sóc con cái, để chia sẻ với các bà mẹ khác. Có bà mẹ sinh lần này là lần thứ 4, mà đứa nào cũng cho bú rất lâu, 2 đứa đầu thì trên dưới 2 tuổi gì đó, đứa thứ 3 thì bú đến tận khi mẹ sinh em bé thứ 4 mới chịu thôi. Mình thật thấy khâm phục cái bà này quá, thế mà trông vẫn xinh tươi. Nhân chuyện mọi người đang nói về việc cho con bú, mama cũng kể là cảm thấy thương Khanh vì mama không cho con bú lâu được, lúc 1 tháng tuổi mama đã quyết định không cho con bú nữa vì mama ít sữa quá. Nhưng bù lại là con uống sữa bình rất ngoan, nên mama cũng yên tâm hơn. Chỉ có 1 điều làm mama đang lo lắng là con vẫn chưa biết bò, mặc dù đã được 7 tháng. Nhưng cô bảo mỗi đứa trẻ phát triển theo tiến trình riêng, không nên lo lắng, không nên vội vàng, và cũng không nên so sánh với những đứa trẻ khác. Hãy để con mình có thời gian để phát triển. Thực ra thì không phải mama không biết như vậy, nhưng lo lắng thì vẫn cứ lo thôi, tâm lý của bố mẹ mà.
Ngày mai con khoẻ để mẹ con mình cùng đến trường, con nhé.