Tóc có một dúm mà cũng buộc được lên, cái mồm thì dẩu ra trông "ghét" không? Hôm thứ 6 vừa rồi lớp Omomo của em Khanh tổ chức họp phụ huynh. Họp từ 5h chiều mà đến tận 7h kém mới xong. Bao nhiêu là nội dung. Papa thì phải đón cả Khanh và Kiên về trước.
Đầu tiên là phụ huynh trình bày về tình hình của con cái lúc ở nhà, những điều vui, dễ thương của con mình, hay những vấn đề đáng lo lắng. Mama đến hơi muộn một tí nên không được nghe các bà mẹ khác nói về con mình ra sao. Vừa đến là thấy cô bắt trình bày ngay. Khanh thì tất nhiên là mama lo lắng vì thấy con chậm hơn các bạn khác, nhưng gần đây con vịn đứng được rồi thì mama thấy vui và yên tâm hơn nhiều. Còn về vấn đề ăn uống thì mama thấy không có gì phải lo lắng cả. Về điểm này thì 2 cô phụ trách hoàn toàn đồng ý và rất hào hứng kể chuyện ăn của Khanh ở lớp. Cứ mới chỉ nhìn thấy cô khoác cái yếm vào là Khanh biết ngay là sắp được ăn, nhưng thấy cô lại cho bạn khác ăn trước là thế nào cũng kêu "e- e-". Khanh mà chịu đựng được thì cũng chỉ chờ được sau 1 bạn là cùng, chứ không chờ lâu hơn được đâu. Cô bảo thế đấy. Con gái mama ở nhà cũng có khác gì đâu. Cho ăn hết phần của mình rồi mà nhìn thấy anh Chép ăn hay bố mẹ ăn là lại bò lại kêu e e để xin. Về khoản nấu cho Khanh thì từ khi cô bảo Khanh được 1tuổi nghĩa là cũng kết thúc giai đoạn ăn dặm, thì có thể nấu cho Khanh ăn cùng với bố mẹ, không nhất thiết phải nấu riêng nữa. Thế là mama cũng cắt khẩu phần ăn riêng của Khanh mà nấu chung với cả nhà luôn, thấy đỡ mất thời gian hơn nhiều. Mà con gái hình như thích ăn như thế hơn thì phải. Có bà mẹ cũng than phiền cái khoản nấu đồ ăn dặm cho con, nên toàn dùng babyfood, làm mọi người cười ồ lên. Bạn Chelsy người Nigieria thì cũng ăn khoẻ, có khi còn hơn Khanh nhiều (mẹ bạn ấy cũng to thế kia cơ mà). Mẹ bạn ấy còn cho bạn ấy ăn cả các món có hạt tiêu cay theo kiểu Nigieria mà bạn ấy vẫn ăn ngon lành. Còn các cô thì quá ngạc nhiên nhưng cũng phải công nhận là mỗi gia đình có kiểu nuôi dạy và chăm sóc con cái khác nhau, và tất nhiên là mỗi nước cũng vậy. Cô lại quay sang hỏi ở VN thế nào (có vẻ như 2 bà mẹ ngoại quốc rất được các cô và mọi người quan tâm). Mama bảo cô là ở Việt nam, trẻ ăn cháo đến năm 3 tuổi chứ không ăn cơm sớm như ở Nhật. Mà cháo thì tất cả trộn lẫn vào với nhau chứ không để riêng ra như ở đây. Hồi Khanh về VN cũng được bà nấu cháo trộn các thứ vào nhau như thế cho ăn. Cô hỏi thế Khanh có ăn không. Mama bảo Khanh ăn chứ, ăn hết, nhưng có khi chẳng biết mùi vị cái gì ra cái gì.
Phần thứ 2 là các cô trình bày về tình hình của các cháu ở nhà trẻ. Cô Hara thì thấy các cháu không chỉ phát triển về cơ thể mà còn phát triển rất rõ về nhận thức và tình cảm. Như Khanh mà có cô của lớp khác sang bế là thế nào cũng khóc. Nhưng sau đó thì đến giai đoạn biết tự chơi, cô muốn đi đâu thì nói là cô ra ngoài một tí là các cháu có vẻ như cũng hiểu hết. Các cô bảo "đừng bao giờ nghĩ rằng trẻ không hiểu gì cả, chúng hiểu hết đấy". Vì thế khi muốn trẻ chờ thì hãy nói với trẻ rằng "mẹ đang bận cái này, con chờ một chút", rồi khi xong việc hãy bế trẻ lên và nói "con ngoan quá, mẹ cám ơn con vì đã chờ mẹ", như thế trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn. Khi thay bỉm cho trẻ cũng vậy, vừa thay vừa nhẹ nhàng nói chuyện với con, chứ cô ví dụ luôn 1 bà mẹ trong lớp cứ thay bỉm cho con là nâng một phát cái mông của con lên, nhét cái bỉm vào, làm cả lớp lại cười ầm lên.
Cô Sasada thì trình bày rất dài về cách nuôi dạy con cái. Tóm lại là những ý như thế này:
- Có rất nhiều sách dạy cách nuôi dạy con cái. Tất cả những điều viết trong các cuốn sách ấy đều đúng, nhưng không phải tất cả đều phù hợp với gia đình của mình. Các bà mẹ hãy đọc và lựa chọn những gì phù hợp với gia đình mình, với con của mình.
- Hãy để con mình được trải nghiệm nhiều thứ, đừng có lúc nào cũng nói "không được" với con. Kể cả bị ngã, bị đau thì cũng hãy để trẻ được trải qua để biết thế nào là đau. Kể cả những cái gì nguy hiểm (tất nhiên là trong giới hạn) cũng nên để cho trẻ biết.
- 3 năm đầu đời là giai đoạn bản lề cho cả cuộc đời. Giai đoạn này là nền tảng để hình thành nhân cách khi trẻ trưởng thành. Bố mẹ hãy thể hiện tình yêu thương với con mình, chứ thấy con chơi 1 mình thì không nên kệ con chơi mà hãy bế con âu yếm con.
Phần thứ 3 là đọc truyện tranh. Cô đọc cho phụ huynh nghe 2 quyển, để xem cảm nhận của phụ huynh khi nghe truyện là gì, từ đó áp dụng cho việc đọc sách cho con nghe ở nhà. 2 quyển truyện này rất hay, để hôm nào mama mượn về nhà đọc cho Khanh và Kiên nghe. Nhưng mama cũng bảo cô là hình như Khanh chẳng quan tâm gì đến truyện tranh cả. Mama có đọc cho nghe thì toàn giằng xuống rồi nhìn ngắm như 1 thứ đồ chơi, được một tí là vứt sang chỗ khác. Chắc phải từ từ thì con mới thích nhỉ.
Phần cuối cùng là cô hiệu trưởng thông báo chính sách mới của nhà trẻ từ tháng 4. Từ trước đến nay nhà trẻ đều cung cấp cho các cháu yếm quàng cổ và khăn lau tay khi ăn, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn (khiếp, ảnh hưởng cả tới các cháu), và sự chênh lệch giữa nhà trẻ công và nhà trẻ tư (nhà trẻ tư thì thường phụ huynh phải chịu nhiều khoản chi phí hơn), nên từ tháng 4 thì phụ huynh phải tự chuẩn bị cho con mình yếm quàng cổ và khăn lau tay. Các cô cũng cho xem mẫu và dặn thêm là có thể mua khăn ở cửa hàng 100Y shop cho rẻ. Đấy, thế là ít nhất mama cũng phải chuẩn bị cho Khanh 5, 6 bộ vì mỗi ngày phải đem đến lớp 2 bộ. Lại phải chuẩn bị khâu khâu vá vá đấy, phiền nhỉ.
Tuần sau thì lại họp phụ huynh cho anh Chép, không biết là có thêm chính sách nào nữa không đây.
1 comment:
dễ thương quá
hạt điều rang muối
Post a Comment