Một ngày thứ 7, hai vợ chồng gửi con đi nhà trẻ rồi tham gia một chương trình đến thăm Bảo tàng trang phục (風俗博物館) ở Kyoto, do 1 hội tình nguyện viên tổ chức. Thực ra nếu không vì cái nội dung giới thiệu là sẽ được mặc thử kimono thì mình cũng không quan tâm đến thế.
Nhưng hoá ra ngoài việc được khoác thử cái kimono vào người thì còn được nghe giới thiệu về phong tục truyền thống của hoàng gia Nhật bản thời đại Heian khá thú vị, mà suốt bao nhiêu năm học tiếng Nhật và sinh sống ở Nhật rồi mình vẫn chưa hiểu gì mấy.
Có nghe giới thiệu, dù chỉ là những nét cơ bản thôi cũng có thể thấy được sự tỉ mỉ đến từng chi tiết trong các quy định hà khắc của Hoàng gia. Từ cách ăn mặc quần áo bao nhiêu lớp, màu gì và hoa văn gì cho phù hợp với địa vị, với thời tiết trong năm, cho đến cách để tóc, tóc dài của phụ nữ nếu đã có chồng thì để một chút vạt tóc ra đằng trước, còn nếu chưa có chồng thì phải để ra sau lưng. Rồi cách sắp đặt bày biện các món ăn, mà tất cả các đồ dùng từ nhỏ nhất đều có tên gọi riêng. Mấy bà người Nhật tham gia còn lấy giấy bút ra ghi lại những tên gọi đấy, chứ mình thì chịu. Có ghi lại thì cũng không thể nào mà nhớ được. Ảnh phía dưới tái hiện lại quang cảnh các bà các cô trong Hoàng gia ngồi sau một bức rèm để xem các trò biểu diễn ở ngoài sân. Cũng sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu người giới thiệu không nói thêm là: trong số những vạt áo để lộ ra bên ngoài, có cái là người thật ngồi đằng sau, nhưng có cái chỉ là tượng trưng, tức là chỉ có quần áo xếp như vậy nhưng không hề có người ngồi. Sự bày đặt như vậy sẽ khiến từ bên ngoài nhìn vào có sự cân đối, hài hòa và hiểu (nhầm) rằng đang có nhiều người thưởng thức chương trình. Thế mới hiểu các truyền thống và quy tắc của Nhật mang đậm tính hình thức đến thế nào.
Tất cả khung cảnh sinh hoạt của Hoàng gia thời kỳ Heian đều được tái hiện lại bằng mô hình thu nhỏ. Trong đó có gian phòng tái hiện cảnh ở cữ của phụ nữ trong Hoàng gia. Tất cả mọi người đều mặc trang phục màu trắng, mọi đồ vật đều được bọc vải trắng. Nghe hướng dẫn viên giải thích là ngay cả khi Masako-vợ của thái tử Naruhito hiện thời, khi sinh công chúa Aiko ở trong 1 bệnh viện công của thành phố vào năm 2001, thì căn phòng cũng được bày biện chỉ 1 màu trắng như thế này. Quả là không hề thấy dễ chịu, thoải mái một chút nào. Chẳng thế mà cô Masako không thể chịu đựng nổi quá nhiều những quy tắc bất di bất dịch của Hoàng gia (mình mà là cô ấy thì chẳng đời nào lại chịu đổi cái cuộc sống tự do của Oxford hay Havard lấy hàng tá những cái quy định này làm gì)
Một gian phòng khác tái hiện cảnh có người chết. Tất cả bao trùm một màu đen. Người Nhật quan niệm màu trắng là hiện thân của sự sống, còn màu đen là hiện thân của sự chết. Một phụ nữ sống trong Hoàng cung khi cảm thấy mình sắp chết thì sẽ làm lễ cắt tóc. Đây là lần cắt tóc duy nhất trong đời. Bà sẽ đưa tóc qua một tấm mành để 1 nhà sư ở phía bên kia có thể cắt tóc mà không nhìn thấy được mặt. Làm như thế để sau khi chết, linh hồn được siêu thoát lên cõi niết bàn.
Dưới đây là màn khoác thử kimono. Đây chỉ là lớp ngoài cùng của bộ trang phục truyền thống của Hoàng gia, nên chỉ đơn giản là khoác vào người, chứ không mặc cầu kỳ, thắt dây obi như kimono vẫn thường thấy.
Trông mình như 1 cô gái trong cung cấm nhỉ, hehe. Có điều hồi đấy phụ nữ chắc chẳng ai hé miệng ra cười bao giờ. Lúc nào cũng là 1 khuôn mặt trắng bệch và chiếc miệng được bôi đỏ chót, chúm chúm lại.
Bộ kimono của nam thì mặc phức tạp hơn. Mấy bà Nhật loay hoay mãi mới mặc được cho papa. Hừm, trông papa mặc chẳng hợp chút nào. Phụ nữ được yêu cầu ngồi thấp hơn đàn ông. May mà mình không phải là người của Hoàng gia, nhỉ.
Kindergarten học gì (2)
11 years ago
No comments:
Post a Comment