Monday, June 29, 2009

Những video clips đáng nhớ của MJ

I Want You Back
Cậu bé 10 tuổi Michael Jackson trình diễn ca khúc "I Want You Back" cùng các anh em trong nhóm Jackson 5 trong show của Ed Sullivan năm 1968.

Billie Jean
Michael biểu diễn "Billie Jean" tại chương trình kỷ niệm 25 năm thành lập hãng đĩa Motown, hãng đĩa đầu tiên Michael gia nhập với các anh em trong nhóm Jackson 5. Đây là lần đầu tiên Michael trình diễn điệu nhảy Moonwalk trước công chúng.

Remember The Time
Màn trình diễn "Remember The Time" năm 1993 ở lễ trao giải thưởng âm nhạc Soul Train. Michael bị trật mắt cá chân nên không thể nhảy, nhưng Michael vẫn ngồi trên chiếc ngai vàng Pharaoh và dành cho khán giả màn trình diễn không chê vào đâu được. Sau đó Michael ngồi trên xe lăn ra nhân 3 giải thưởng danh giá.

They Don't Care About Us
Video clip "They Don't Care About Us" phiên bản trong tù. Có lẽ mọi người không lạ gì với phiên bản "They Don't Care About Us" quay ở Brazil, nhưng Michael còn thực hiện một video khác của ca khúc này lấy bối cảnh trong tù, với những hình ảnh khá nhạy cảm của các em bé bị bỏ đói, cảnh sát đánh đập người dân, các vụ thả bom... Video clip này đã bị cấm trình chiếu trên MTV còn một số đài khác chỉ dám chiếu vào lúc nửa đêm.

Black or White, Will You Be There
Màn trình diễn ca khúc "Black or White" và "Will You Be There" của Michael lại lễ trao giải thưởng MTV năm 1992.

You were there
Ca khúc "You were there" dành tặng cho Sammy Davis Jr. Michael chỉ biểu diễn ca khúc này duy nhất một lần tại buổi lễ sinh nhật lần thứ 60 của Sammy Davis.

Smooth Criminal
Màn trình diễn "Smooth Criminal" tại Bucharest, Rumani trong tour diễn vòng quanh thế giới Dangerous năm 1992. Trong màn trình diễn này Michael thực hiện cú đổ người 45 độ về phía trước nhờ vào chiếc giầy nam châm chống trọng lực.

Cheater
Còn đây là ca khúc rất hay của Michael nhưng không phải ai cũng biết đến, "Cheater". Ca khúc này nằm trong album Bad nhưng hồi đó không được phát hành, sau này "Cheater" được phát hành trong bộ đĩa "The Ultimate Collection" của Michael.

The Way You Make Me Feel
Michael trình diễn ca khúc "The Way You Make Me Feel" cùng Britney Spears tại chương trình kỷ niệm 30 năm ca hát của Michael.

Nguồn: WTT

Saturday, June 27, 2009

Video ngày Mẹ cùng Kiên đến lớp (Hoikusanka)



Video này mama vừa quay hôm 26/6 vừa rồi. Hôm đấy là ngày Bố mẹ cùng đến lớp với con, chơi với con và ăn trưa cùng con ở nhà trẻ. Đầu tiên cả lớp Sakura của Kiên ra chơi ở ngoài sân. Nhiều trò lắm, nào là lấy xẻng xúc cát, nặn dango bằng cát, pha nước hoa quả bằng bột phẩm màu của cô,...Kiên chạy chơi hết trò này đến trò khác. Hôm nay có mama chơi cùng nên Kiên vui lắm, làm cái gì cũng là để cho mama. Chơi xong thì quần áo cũng ướt và lấm lem hết cả. Thay quần áo xong thì chuyển sang phần chơi ở trong lớp. Kiên hý hoáy với khu đồ hàng nấu ăn, một lúc sau thì còn mặc thêm cả váy vào nữa.

Sau đó đến phần làm đồ thủ công. Hôm nay các cô hướng dẫn bố mẹ làm 1 chiếc sổ bọc bằng bìa vải. Miếng vải thì bố mẹ đã chuẩn bị sẵn để đem đi. Cách làm cũng đơn giản. Kiên giúp mama quết hồ để dán miếng vải lên tấm bìa. Cuối cùng là viết tên Kiên vào 1 miếng label để các cô dùng bàn là dính lên mặt vải. Thành phẩm vẫn chưa được đem về vì còn phải đợi các cô hoàn thành nốt công đoạn cuối cùng đấy nữa.

11h30 đến giờ ăn cơm trưa. Hôm nay menu của Kiên ngon lắm: có cá hồi rán, salát rau trộn vừng, cơm trộn gobo, súp miso. Bố mẹ cũng có 1 đĩa riêng mỗi thứ một ít để nếm. Đầu bếp là ông Hayashi-san mà Kiên có vẻ rất yêu quý, hôm nào đi về cũng vẫy tay rồi chào rõ to. Món ăn thì ngon nhưng Kiên ăn không tập trung. Mama lại phải bón cho từng thìa. Nhìn bạn gái bên cạnh ăn thêm cơm và rau mà Kiên vẫn chưa ăn hết một nửa thức ăn. Bạn Ichi và Hibiki còn chạy lung tung khắp phòng làm Kiên cứ mải nhìn theo, ra vẻ cũng muốn làm như thế lắm. Vì mải quay đầu nhìn nên Kiên làm đổ hết bát súp ra quần áo, mama phải dẫn Kiên về phòng thay quần áo khác. Việc này làm mama bực mình lắm. Cuối cùng khi các bạn đã ăn xong hết thì chỉ còn Kiên và Ichi vẫn ngồi ăn. Kiên chắc chỉ ăn xong trước bạn Ichi khoảng 1 thìa cơm gì đấy.

12h mama tạm biệt Kiên để Kiên chơi nốt buổi chiều ở nhà trẻ. Kiên khóc không muốn cho mama đi làm cô giáo phải bế Kiên dỗ dành. Thôi cố gắng lên con trai. Ngày mai là thứ 7 cả nhà mình tha hồ có nhiều thời gian mà chơi với nhau nhỉ.

Tuesday, June 23, 2009

Một nền giáo dục đáng mơ ước?

Nếu so sánh chất lượng nhà trẻ của Nhật với Việt nam thì tất nhiên ai cũng có thể nghĩ ngay rằng nhà trẻ của Nhật thì tốt hơn hẳn. Ở Nhật không hề có chuyện cô giáo đánh đập các cháu, cô giáo ăn bớt khẩu phần ăn của cháu, cũng không có chuyện bố mẹ phải "chạy" xin cho con vào trường tốt. Ở đây mama có thể yên tâm khi gửi các con đi nhà trẻ. Mỗi ngày đến lớp đối với con là một niềm vui. Thậm chí, ngày chủ nhật ngủ dậy, con hỏi sao hôm nay không đi nhà trẻ.

Ở nhà trẻ các cô dạy con biết ngăn nắp, biết hoạt động tập thể, biết sáng tạo qua những trò nặn đất sét hay vẽ tranh, rồi chạy nhảy ngoài trời, học hát. Với môi trường như thế này, mama có thể nghĩ là con sẽ được rèn luyện và phát triển tốt, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Nhưng thế này đã phải là cách giáo dục tốt nhất chưa? Câu trả lời là CHƯA khi mama được đưa đi tham quan 1 nhà trẻ với một phương pháp giáo dục hoàn toàn khác ở ngay Kyoto.

Nhà trẻ đấy có tên gọi là Syushichi Hoikujo(朱七保育所).

Bố mẹ được cô Fujimoto giới thiệu về một mô hình giáo dục ở bậc nhà trẻ hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn thông thường, và khi thấy cô gợi ý về ngày Open day của nhà trẻ thì bố mẹ muốn đến tham quan ngay. Nhưng vì ngày Open Day chính thức thì bố mẹ lại có việc bận, nên cô Fujimoto đã sắp xếp 1 buổi thăm quan khác, chỉ có riêng cô và bố mẹ đến thôi.

9h45p bố mẹ và cô đã có mặt ở nhà trẻ. Từ cổng bước vào, mama đã thấy 1 khung cảnh hoàn toàn khác so với nhà trẻ của Khanh và Kiên. Giữa sân có "núi" đất cao, rồi có cái cầu trượt tự tạo bằng gỗ rất đơn sơ. Khung cảnh này được tái tạo giống như trường học của nước Nhật vài chục năm trước. Cả cô lẫn trò đang nghịch đất, nghịch bùn, người lấm lem. Cô Fuji bảo đây là công trình do phụ huynh và nhà trường tự làm, và thỉnh thoảng được sửa sang lại. Các cháu chơi toàn bằng tay, không hề có dụng cụ đồ chơi kiểu như xẻng hay thùng được bán đầy ngoài cửa hàng. Tiếc là lúc bọn trẻ chơi thì không chụp được ảnh, vì cô hiệu trưởng vẫn chưa đến để xin phép.

Toàn bộ các gian nhà được làm bằng gỗ, giống như khung cảnh của nước Nhật thời xa xưa. Sàn gỗ và cầu thang gỗ sẽ được các anh chị lớp 5 tuổi lau vào buổi sáng. Các thùng đựng đồ quần áo cũng đều là các thùng gỗ, chứ không phải là rổ nhựa như ở nhà trẻ của Kiên. Tất cả tạo nên một không gian gần gũi với thiên nhiên, không hề có dấu ấn của những sản phẩm công nghiệp tiện nghi thường thấy.

Mama đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vào đến khu nhà bếp thì thấy ngay mấy cái đựng cơm (ohitsu) bằng gỗ như hình dưới. Cơm nấu xong, được cho vào những cái ohitsu này rồi mới xới ra cho các cháu ăn. Đây là nồi đựng cơm truyền thống của Nhật, được làm bằng gỗ, có nắp đậy. Cơm đã nấu xong, cho vào hộp gỗ này sẽ có tác dụng hút nước từ hạt cơm, nhờ thế mà hạt cơm sẽ ngon hơn. Thế mới biết thế nào là sự cầu kỳ của người Nhật trong nghệ thuật ẩm thực. Dường như thấy mama vẫn chưa tin lắm vào công dụng của nó, một cô nấu bếp còn bê hẳn một chiếc ohitsu có đựng cơm vừa nấu xong để mama ăn thử. Gạo mà các cô nấu là gạo xát thô, ăn vào đã có cảm giác khang khác so với gạo thường, ăn xong thì thấy có vị ngọt. Mặc dù không cảm nhận được rõ ràng hiệu quả của chiếc ohitsu này, mama vẫn muốn đem 1 chiếc về Việt nam để dùng. Mà giá của nó không hề rẻ tí nào, 1 chiếc như thế này cũng hơn 9000 yên, vì chỉ có các nghệ nhân mới có thể làm ra được.
Gần ngay chiếc bàn đặt ohitsu này, mama còn nhìn thấy 2 lọ mơ muối, giống như ở Việt nam mọi người vẫn hay ngâm mơ cả năm để lấy nước uống. Cô hiệu trưởng giải thích đây là những quả mơ được hái từ ngoài vườn kia, ngâm cho các cháu uống. Mama chỉ còn biết trầm trồ thán phục về việc có thể được uống nước mơ ở nhà trẻ như thế này.

Khu nhà bếp không rộng lắm, có cửa làm bằng kính trong suốt để từ bên ngoài có thể nhìn vào được. Điều đặc biệt nữa là nhà bếp được sắp xếp nằm ở vị trí mọi người phải đi qua để lên tầng 2, chứ ở nhà trẻ của Kiên thì mama chưa bao giờ được thăm quan cái nhà bếp cả. Nhìn vào bếp thì có thể nhận ngay ra là rất nhiều rau. Cô Fuji giải thích là rau ở đây được chọn là những loại rau ít dùng hoá chất, và tất cả thức ăn đều được nấu bằng tay, chứ không mua sẵn. Những nhà trẻ nào chất lượng không tốt thì có thể hay dùng những nguyên liệu được chế biến sẵn ở siêu thị hay đồ đông lạnh, còn ở đây thì không.

Đến 10h có một lớp được đi dạo. Mama thắc mắc là tại sao chẳng có ai đội mũ cả, thì cô hiệu trưởng trả lời rằng như thế để cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện thể lực. Mama thấy thật khâm phục quá vì trời cực kỳ nắng nóng. Thảo nào mà cả trường đứa nào đứa nấy đen trùi trũi và trông rất rắn rỏi. Trẻ em ở đây cũng ăn mặc quần áo rất giản dị, không hề có hình character của phim hoạt hình như superman hay Anpanman, bởi những hình ảnh đấy tác động không tốt đến trẻ. Rồi không có trẻ nào mặc bỉm cả, chỉ mặc pant thôi. Vì nếu mặc bỉm trẻ sẽ không cảm nhận được lúc nào đã shikko.

Đến giờ tập rizumu (thể dục theo nhịp) của các lớp. Ở đây mama được chứng kiến các động tác chạy, vừa chạy vừa nhảy cao, rồi vừa chạy vừa nhảy dây theo nhịp đàn piano. Cô hiệu trưởng cũng phân tích tác dụng của việc tập theo nhịp, nhưng để giải thích cặn kẽ thì mất rất nhiều thời gian. Người ta đã nghiên cứu và chỉ ra rằng tuỳ theo nhịp điệu mà lượng hormon của cơ thể sản sinh ra cũng khác nhau. Việc tập này giúp tạo tư thế tốt cho cơ thể, và giúp trí não phát triển. Cô còn chỉ cho bố mẹ 1 em bị bệnh bại não nhưng đã tập đi được và theo được các bạn ở tất cả các động tác, chỉ có điều em di chuyển chậm hơn. Nhìn em cố gắng tập động tác vừa chạy vừa nhảy dây mà thấy xúc động ghê. Các bạn thì chạy còn em cứ cố gắng từng bước một, dừng lại để bước qua dây, rồi lại khập khiễng đi tiếp, cho đến hết 1 vòng mới thôi. Mama cũng cảm thấy là để tập cho trẻ bị bại não có thể đi lại gần được như bình thường thế này quả là 1 kỳ công. Cô hiệu trưởng lại chỉ sang 2 em khác mắc bệnh tự kỷ. Mặc dù có khiếm khuyết nhưng các em đều được tham gia vào môi trường học tập và rèn luyện giống như các bạn.

Cô hiệu trưởng đang dẫn mama lên thăm quan phòng của lớp 5 tuổi. Ở đây trẻ được chơi ngoài trời là chính, bởi cô giải thích là trẻ từ 0 đến 6 tuổi phải được học ngoài thiên nhiên, được trải nghiệm bằng những gì thực tế nhất, đấy mới là cách để phát huy trí não của trẻ. Còn những việc dạy đơn thuần như dạy con số hay dạy chữ, đấy chỉ là việc dạy một cách khiên cưỡng, vì học xong trẻ có thể quên ngay. Nhưng ở đây, ngoài các hoạt động ngoài trời thì trẻ cũng có 1 số hoạt động ở trong nhà, như vẽ tranh, hay khâu vá. Cô cho xem mỗi trẻ có 1 hộp riêng đựng kéo, kim khâu và chỉ khâu. Những chiếc rẻ lau sàn là do các em tự mình khâu viền lại, rồi nếu dùng lâu chỗ nào bị rách thì các em tự mình khâu lại chỗ đó. Mặc dù đường khâu còn vụng về nhưng trẻ mới 5 tuổi dùng được kim để khâu thế này thật đáng ngạc nhiên. Việc này cũng giúp trẻ có được tinh thần trách nhiệm đối với những đồ vật của mình.

Các phòng học ở đây cũng không hề đươc trang trí gì, hầu như để mộc mạc và giản dị, với các đồ đạc đều bằng gỗ. Dường như môi trường ở đây không hề có dấu ấn của các sản phẩm công nghiệp thời hiện đại ở một nước Nhật văn minh. Các phòng cũng không hề có bất cứ một loại đồ chơi bằng nhựa nào, bởi những đồ chơi đấy được cho là không tốt cho sự phát triển của trẻ. Các cô giáo ở đây cũng không có ai son phấn cả, bởi trẻ em, nhất là akachan nếu sờ vào sẽ không tốt. Đúng là 1 môi trường no chemical.

Có lẽ hôm nay cô được tiếp 2 vị khách đặc biệt từ Việt nam nên cô dẫn đi tham quan cả 1 nơi chưa bao giờ được dành để tham quan. Ngay cả cô Fuji đi cùng cũng chưa bao giờ được biết. Đấy là 1 gian phòng washitsu khá rộng dùng để uống trà đạo. Các cô giáo ở đây sẽ pha trà đạo theo đúng kiểu syado để các cháu thưởng thức. Và lớp 5 tuổi khi chuẩn bị tốt nghiệp ra trường sẽ ngủ lại 1 đêm ở căn phòng này. Ở trong 1 không gian như thế này hẳn sẽ làm cho tâm hồn người ta trở nên thuần khiết hơn.


Đến 11h30 các cháu chuẩn bị ăn trưa. Tất cả các món ăn được bày ra 1 cái đĩa to cho mỗi cháu 1 đĩa, và các cháu ăn bốc, không hề dùng thìa hay dĩa. Bốc từ cơm, cho đến rau, cá, kể cả soup miso. Mama được giải thích là khi bốc bằng tay thì các cháu mới cảm nhận được bằng các đầu ngón tay những thứ khác nhau, và kích thích sự phát triển của trí não. Lớp 0 tuổi cũng tương tự, cô thì nhón thức ăn nhét vào mồm cháu, còn cháu thì bốc được cái gì thì bốc.

Mô hình giáo dục gần gũi với thiên nhiên kiểu này làm mama nhớ đến phương pháp giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Ông cũng quan niệm là phải giáo dục trẻ trong môi trường thiên nhiên, với những gì gần gũi nhất, thực tế nhất, bằng trải nghiệm của bản thân, chứ không phải bằng sách vở, và những kiến thức trìu tượng.

Mô hình này cũng làm mama nhớ lại cái thời trẻ con, chỉ toàn chơi đồ hàng bằng lá cây, viên sỏi, chứ đâu có những đồ chơi cầu kỳ, nhiều tính năng như bây giờ. Cái nào tốt hơn cái nào thì cũng phải nghiên cứu mới biết được, hoặc nhiều khi cũng là do quan điểm của mỗi người. Nhưng phải công nhận rằng giáo dục theo cách như thế này sẽ làm đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất, trong sáng về tâm hồn, và có một tuổi thơ với đúng nghĩa của nó.

Saturday, June 20, 2009

Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời

Một cuốn tiểu thuyết của Haruki Murakami. Phải công nhận rằng cuốn này hay và sâu sắc hơn Rừng Nauy rất nhiều. Murakami đã dẫn người đọc vào những cung bậc rất sâu trong suy nghĩ, tình cảm của con người. Không phải ai cũng có thể viết về những chiều sâu tâm tưởng bằng một giọng văn hết sức giản dị, gần gũi như vậy. Hoá ra cuộc đời này, đôi khi người ta cứ đi tìm một cái gì đó ở phía Tây mặt trời. Liệu có cái gì ở phía tây mặt trời? Người ta có thể có tất cả: hạnh phúc gia đình, tiền bạc, sự kính trọng,.. nhưng sao vẫn thấy một cái gì đó không đủ. Nên cứ phải đi tìm mãi. Rồi cuối cùng như một người dân sống ở thảo nguyên Siberi, vứt bỏ mọi thứ để đi về phía mặt trời ở phía Tây, đi mãi, đi mãi, không ăn không uống, cho đến lúc gục xuống đất và chết. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, mà rất có thể được lấy khuôn mẫu từ chính tác giả, đã gần như vứt bỏ đằng sau lưng gia đình và sự nghiệp để đi tìm cho mình cái phần thiếu hụt ấy ở người bạn gái bí ẩn từ hồi còn trung học. Nhưng rồi sự biến mất không một lời giải thích của cô bạn gái đã làm cho anh đứng lại và nhìn về phía đằng sau lưng mình, nơi đó có sự hiện diện của tình yêu thương gia đình và những gì thực tại nhất. Còn đằng trước anh, liệu có cái gì không? Chưa chắc. Mà nếu có cái gì đó thì nó cũng chỉ dành cho anh, cho riêng anh mà thôi. Mà giờ đây anh không thể chỉ sống cho riêng mình. Kết thúc của cuốn tiểu thuyết là nhân vật chính trở về với gia đình của mình, sống trong thực tại và hiện tại. Nhưng biết đâu sau này, thể nào cũng có lúc anh lại thấy cuộc sống của mình thiếu thiếu một cái gì đó và lại đi tìm....

(Copy from Yahoo 360 blog)

Đã đặt mua cuốn 1Q84, cuốn tiểu thuyết mới xuất bản của Haruki Murakami. Nhưng không biết đến lúc nào mới bắt đầu đọc được đây. Phải đến cả năm nay chả động tay vào một cuốn sách (truyện) nào. Suốt ngày "đầu tắt mặt tối" với chuyện ở lab, chuyện con cái, nhà cửa. Đành rằng công việc nào chẳng có niềm vui trong đấy, công việc nào chẳng có ý nghĩa của nó, nhưng chẳng có gì có thể sánh được với thú vui của việc nằm đọc một cuốn sách hay. Hy vọng rằng thờì gian sắp tới mình sẽ sắp xếp được cuộc sống một cách tốt hơn, để có thời gian và tâm hồn enjoy những sở thích và thú vui của riêng mình.

Saturday, June 13, 2009

Càng lớn càng hư

Trẻ con càng lớn thì càng biết nhiều, mà càng biết nhiều thì càng hư. Thật chẳng sai tí nào. Em Khanh ngày trước thì bố mẹ bón cho cái gì là ăn cái đấy, đặt nằm ngủ là ngủ, đến giờ chơi là ngồi chơi một mình. Chỉ trừ lúc em ốm chứ còn nuôi em thấy nhàn hơn anh Kiên hồi trước. Tưởng là con gái thì sẽ ngoan lắm đây, bé thì lúc nào cũng nghe lời bố mẹ, bố mẹ không phải quát mắng nhiều như cái anh cả kia, lớn lên thì sẽ nhặt rau, nấu cơm, rửa bát giúp mẹ, mẹ sẽ không phải lúi húi một mình trong bếp nữa. Đang hí hửng tưởng cô con gái yêu sẽ ngoan lắm thì dạo này hư rồi. Tại vì con gái lớn hơn rồi, biết nhiều hơn hồi trước rồi. Mới 1 tuổi rưỡi mà đã hư thế này, sang giai đoạn 2 tuổi thì sẽ bực mình nhiều đây.

Con gái rất hay ngúng ngoẩy
Cái kiểu ngúng ngoẩy này đúng là của cái "đồ con gái". Đang ăn được nửa bữa cơm thì quay ra ngúng ngoẩy, không chịu ăn nữa, đầu lắc lia lịa. Rồi chỉ tay sang bát cơm của anh Kiên hay của papa đòi ăn cái món trong đấy cơ. Papa đành phải làm thế này: xúc thìa cơm từ bát của Khanh, rồi vòng sang bát của papa, giả vờ như vừa xúc từ đấy rồi mới bón cho Khanh. Thế mới chịu ăn. Rồi con gái bây giờ cũng biết món nào ngon để kén chọn rồi. Đang ăn thịt mà chuyển sang rau luộc thì đừng hòng ăn. Rau thì phải nấu canh, mà canh thì phải thật ngon, có hương vị kiểu như canh thịt nạc hay canh miso, chứ canh suông thì cũng chả thích, thế nào cũng ngúng ngoẩy không chịu ăn. Có khi cho vào mồm rồi, nhai được vài cái rồi thì nhả hết ra, rơi hết ra quần áo, rơi cả xuống sàn.

Rất hay lành chanh
Đây cũng là cái tính kiểu con gái (hoá ra con gái "tệ" hơn con trai nhiều nhỉ, hay là mama thiên vị?). Anh đang chơi thì cứ xông vào giật đồ chơi rồi phá của anh, làm anh cáu lên đánh cho một phát vào đầu. Chơi đồ của mình thì không thích cứ phải thích cái gì anh đang chơi mới được. Nhưng giật được rồi thì lại vứt đấy, chả thèm chơi nữa. Con gái đúng là chỉ giành giật cho "sướng" thôi chứ có ý thích về cái đồ chơi đấy đâu, nên mới gọi là lành chanh.
Thấy anh Kiên mặc quần áo, đi giầy để chuẩn bị đến trường là cũng cuống quýt đòi papa phải mặc quần áo cho mình, mồm thì cứ hét lên kiểu rất ghen tị

Rất hay ăn vạ
Vì con lành chanh nên nhiều lần bị anh Kiên ẩn hay đánh, và chỉ chờ có thế là con nhệch mồm ra ăn vạ ngay, mắt thì quay ra cầu cứu mama. Nhệch mồm ra nhưng mắt vẫn ráo hoảnh, có tí nước mắt nào đâu. Hoặc lần nào giật đồ chơi của anh bị mama mắng thì cũng mếu máo. Mama phải mắng con như thế để anh Kiên thấy là bố mẹ công bằng, ai hư thì sẽ bị mắng, chứ con có bị oan ức gì đâu.
Rồi đỉnh điểm là có lúc con giận hờn cái gì là con ngồi khóc rất dai, khóc mà chẳng rõ nguyên nhân. Kiểu khóc này của con làm mama rất bực, vì chẳng biết con khóc vì cái gì. Dỗ con kiểu gì con cũng lắc đầu. Bế lên cũng vẫn khóc. Bầy đồ chơi cũng không thèm. Mama hát cũng không xong. Rồi, con cứ khóc một lúc đi. Cứ mỗi lần ngoạc mồm ra là 2 dòng nước mắt lại tong tỏng rơi xuống. Cứ thế giàn giụa nước mắt. Cái mồm lại còn nhòn nhọt nữa, nhìn ghét thế không biết. Đúng lúc đang ngoạc mồm ra thì anh Kiên chìa ra cho 1 tờ giấy màu. Cái mồm vẫn cứ ngoạc ra mà chưa kịp đóng lại. Mama bảo "Khanh arigato anh Kiên đi". Như mọi lần là thế nào cũng toe toét rồi gật đầu một cái. Nhưng lần này vì đang hờn dỗi nên chẳng muốn cám ơn cám iếc gì, cái mồm vẫn cứ há ra như cái chữ 0 một lúc làm mama phát phì cười. Rồi được vài giây, nhớ ra là đang khóc, lại tiếp tục khóc, tay vẫn cầm tờ giấy màu. Sau đấy thì anh Kiên hát bài "Con cò bé bé, nó đậu cành tre...". Nghe anh Kiên hát thì bắt đầu nín khóc, mắt tròn xoe nhìn chằm chằm vào anh, 2 hàng nước mắt vẫn đọng trên má. Cái mặt thì làm ra vẻ "người ta đang khóc còn hát cái nỗi gì" làm mama cứ nằm mà ôm bụng cười nhìn con. Thế là con nín khóc, bắt đầu trèo lên người mama để chơi. Mama để ý cứ phải tầm 8h rưỡi tối trở đi là con mới ngoan, chứ con trước đấy là hay dở trò lắm. Không hiểu là vì cái lẽ làm sao.

Tuesday, June 9, 2009

Những trò mới

Đây là tác phẩm của anh Kiên, một tác phẩm thực sự mà mẹ không cần phải đặt trong dấu ngoặc kép nữa. Tác phẩm được đặt tên là "Nhà mình 4 người đang nắm tay nhau". Tự nhiên, sáng ra, vừa mới chui ra khỏi chăn, Kiên đã đi lấy những miếng nhựa yêu thích này rồi bắt đầu xếp. Đầu tiên Kiên xếp 2 hình ở giữa, Kiên gọi đấy là mama đang nắm tay Kiên. Mama vẫn đang nằm trong chăn, nhỏm dậy xem thì tròn xoe mắt vì sự sáng tạo bất ngờ của con trai. Rồi mama bảo Kiên đi tìm các miếng ghép khác để xếp papa và em Khanh nữa. Kiên xếp papa đang nắm tay mama, với toàn miếng ghép màu xanh (chắc tại papa đen, hihi), rồi còn thừa miếng màu nào thì Kiên xếp nốt thành em Khanh. Em Khanh thì nắm tay anh Kiên. Thật tuyệt. Một tác phẩm hoàn hảo mà đến mama cũng chưa nghĩ ra được. Mama đánh giá cao tính nghệ thuật và ý nghĩa của tác phẩm đấy.
----------------------

Dạo này 2 anh em có rất nhiều trò mới để nghịch, mà toàn bằng những thứ hết sức đơn giản, nhưng nghịch và hò hét vui lắm.

Cắt giấy
Anh Kiên bây giờ biết dùng kéo để cắt giấy rồi. Chỉ có điều vẫn hay cầm kéo vung vẩy trước mặt em, trông rất nguy hiểm, nên mama không muốn cho anh Kiên chơi kéo gần em. Giấy để cắt thì là bất kể loại giấy báo nào không dùng đến. Có lần tự động lấy giấy cắt bị mama mắng nên bây giờ muốn cắt giấy nào là xin phép mama đàng hoàng. Trên giấy có đủ hình linh tinh, hình tròn, hình vuông, hình tam giác. Anh Kiên cứ ngồi cắt theo những hình ấy. Rồi học cả chữ số trên báo nữa. Bây giờ Kiên nhớ được chính xác số 3 và số 8 rồi. Còn các số khác thì vẫn còn hay quên. Cắt được hình nào thì bắt đầu lấy tay vo viên lại, lấy nước bọt nhấm nhấm rồi viên viên thành dango (viên bột). Cái kiểu này chắc là học ở nhà trẻ đây. Cái trò cắt giấy này cũng hay, Kiên ngồi im chơi, nhà yên tĩnh được 1 tí, nhưng sau khi chơi xong thì sàn nhà đầy giấy vụn. Mama toàn phải giục mãi Kiên mới nhặt hết các giấy cho vào túi rác.

Gấp hình
Papa lấy giấy màu hay giấy báo gấp thành hình máy bay để Kiên ném lung tung khắp nhà, vừa ném vừa cười khanh khách. Rồi còn có kiểu phi máy bay vào người em nữa. Có lần papa gấp cho cái máy bay bằng giấy lịch, to đùng, phi trúng vào người đau lắm, nên mama lại bắt anh Kiên chỉ được ném về phía tường thôi. Có lẽ phải học thêm cách gấp 1 số hình nữa để Kiên chơi nhỉ.

Thổi túi bóng
Hôm trước mua được 2 quả bóng về thổi lên cho anh em mỗi người một quả. Chơi được mấy hôm thì vỡ. Papa nghĩ ra cách lấy túi nilon mỏng (loại hay để sẵn ở siêu thị để đựng đồ) thổi hơi rồi buộc túm vào, thế là anh Kiên có 1 "quả bóng bay" trong suốt. Tung lên tung xuống, chạy đuổi bắt chán thì 2 bố con còn nghĩ ra trò hay hơn. Để 1 vật nhỏ lên trên túi bóng, rồi lấy 2 tay vỗ 2 bên bụp một cái, thế là cái vật đó bay bắn lên cao. Kiên khoái chí, làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần. May mà Kiên vỗ nhẹ nên đồ chơi đặt bên trên không bay cao và xa lắm, chứ papa thì còn cho nó bay trúng cả cái bóng đèn, hay là đặt cái giỏ ở xa để ngắm cho rơi trúng cái giỏ nữa. Hoá ra là papa còn khoái chơi hơn cả con.

Chơi thuyền
Cái bể bơi bằng nhựa, mua từ hồi anh Kiên mới sinh để anh Kiên nghịch nước, mới được lấy ra thổi lên cho 2 anh em chơi. Không ngờ 2 anh em lại thích đến thế. Em ngồi trong, còn anh ở bên ngoài kéo "thuyền" đi khắp nhà. Có lúc kéo nhanh làm em ngã dúi dụi. Hay có khi anh Kiên còn nhấc cao 1 đầu lên làm em Khanh suýt ngã ra ngoài. May mà bây giờ em Khanh cũng phản xạ nhanh hơn rồi nên lồm cồm bò ra ngoài được. Hay cả 2 anh em ngồi trong, em ôm người anh, còn anh thì giả vờ cầm dây phi như phi ngựa. Cái trò này 2 anh em chơi cùng được với nhau nên Khanh thích lắm.

Đấy là các trò trong nhà thôi, nhưng nhà mình chật nên không có không gian để chơi. Chơi một lúc thì nhà cửa lanh tanh bành hết cả lên. Ra công viên, chơi ở bên ngoài trời vẫn dễ chịu và thoải mái hơn. Em Khanh thì nghịch cát, còn anh Kiên thì đủ các trò, trèo leo, trượt, chạy nhảy, đá bóng, xe đạp, xích đu, bây giờ trò nào Kiên cũng chơi được hết rồi. Kể cả cái jungle gym bây giờ Kiên cũng treo được cao rồi, chứ không rón rén như trước kia nữa. Dù sao thì con vẫn đang ở độ tuổi phải có bố mẹ canh chừng bên cạnh chứ chưa chơi được một mình như các anh chị lớn. Bao giờ con lớn, đi chơi được 1 mình thì bố mẹ nhàn hơn nhỉ. Mẹ thì lúc nào cũng chỉ mong được đến lúc nhàn nhã thôi. Bao giờ cho đến lúc ấy nhỉ.

Tuesday, June 2, 2009

Côn trùng đốt

Sang hè rồi nên bắt đầu thấy nhiều muỗi, kiến và các loại côn trùng. Đến chiều mà không đóng cửa sổ là thế nào muỗi cũng bay vào nhà.

Trời nắng và khô ráo nên ở nhà trẻ, 2 anh em toàn được chơi ở ngoài sân và vườn. Mama cũng thích các con được vận động ở ngoài trời lắm, nhưng khổ cái là toàn bị muỗi đốt. Anh Chép thì toàn bị đốt vào mặt. Chưa khỏi vết đốt này thì đã có thêm vết đốt khác. Các cô cũng bôi thuốc tiệt trùng vào vết muỗi đốt nhưng không hết ngay được. Da của Chép lại không nhanh lành nên vết muỗi đốt mà cũng phải vài ngày mới hết. Nhìn mặt trông lấm tấm vết muỗi đốt buồn cười lắm. Mà muỗi ở nhà trẻ nhìn toàn là muỗi to. Muỗi bay cả vào trong phòng đốt các cháu. Các cô có treo các lọ cắm que hương đuổi muỗi ở nhiều chỗ nhưng chắc cũng không có tác dụng nhiều.

Em Khanh thì còn bị đốt tệ hơn. Tuần trước bị sưng ở gót chân, nhưng mama không để ý. Papa nói mới biết. Sau đó thì nó cũng hết dần. Vài hôm sau thì lại bị sưng ở bàn tay trái, sưng căng cả bàn tay lên như quả bóng. Mama vội đưa đi khám. Ông bác sĩ bảo "chắc là đi nhà trẻ phải không, bị côn trùng đốt đấy" rồi cho thuốc bôi và thuốc uống chống dị ứng. 2 hôm sau thì cũng đỡ. Bàn tay gần trở lại bình thường thì mới nhìn thấy rõ vết châm.

Rồi đến sáng hôm nay thì lại chuyển sang bàn tay phải. Lần này thì con sưng to hơn lần trước. Chắc là sưng thế này con khó chịu và ngứa lắm, lại không cầm nắm được cái gì. Thảo nào đêm qua con ngủ không ngon giấc. Mama đành phải đến nhà trẻ nói chuyện cụ thể với cô xem thế nào.

Mama bảo cô chắc là do côn trùng đốt nhưng không biết là con gì. Có phải ong không? Cô bảo chắc không phải ong, vì ong đốt thì Khanh sẽ khóc ngay vì đau. Hay là kiến? Muỗi? Cô bảo những bạn khác cũng bị đốt nhưng chỉ vết bé thôi, chứ không sưng như Khanh thế này. Papa thì nghĩ là da con nhạy cảm hơn bình thường, nên cho dù có bị muỗi hay kiến đốt thì cũng sưng to lên như vậy. Cô bảo sẽ bôi thuốc tiệt trùng và theo dõi. Vì bàn tay bị sưng của con cũng hơi nóng nữa. Nếu tiến triển xấu đi thì chắc là nên đến bệnh viện khám.

Khổ thân con gái. Nhiều lúc muốn mặc quần áo dài cho con để tránh muỗi đốt, thì con lại bị nóng, vã hết mồ hôi ra. Mặc quần áo cộc thì lại sưng hết cả tay cả chân lên như thế này. Mà mùa hè thì mới chỉ bắt đầu thôi.