Tuesday, June 23, 2009

Một nền giáo dục đáng mơ ước?

Nếu so sánh chất lượng nhà trẻ của Nhật với Việt nam thì tất nhiên ai cũng có thể nghĩ ngay rằng nhà trẻ của Nhật thì tốt hơn hẳn. Ở Nhật không hề có chuyện cô giáo đánh đập các cháu, cô giáo ăn bớt khẩu phần ăn của cháu, cũng không có chuyện bố mẹ phải "chạy" xin cho con vào trường tốt. Ở đây mama có thể yên tâm khi gửi các con đi nhà trẻ. Mỗi ngày đến lớp đối với con là một niềm vui. Thậm chí, ngày chủ nhật ngủ dậy, con hỏi sao hôm nay không đi nhà trẻ.

Ở nhà trẻ các cô dạy con biết ngăn nắp, biết hoạt động tập thể, biết sáng tạo qua những trò nặn đất sét hay vẽ tranh, rồi chạy nhảy ngoài trời, học hát. Với môi trường như thế này, mama có thể nghĩ là con sẽ được rèn luyện và phát triển tốt, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Nhưng thế này đã phải là cách giáo dục tốt nhất chưa? Câu trả lời là CHƯA khi mama được đưa đi tham quan 1 nhà trẻ với một phương pháp giáo dục hoàn toàn khác ở ngay Kyoto.

Nhà trẻ đấy có tên gọi là Syushichi Hoikujo(朱七保育所).

Bố mẹ được cô Fujimoto giới thiệu về một mô hình giáo dục ở bậc nhà trẻ hoàn toàn khác với các tiêu chuẩn thông thường, và khi thấy cô gợi ý về ngày Open day của nhà trẻ thì bố mẹ muốn đến tham quan ngay. Nhưng vì ngày Open Day chính thức thì bố mẹ lại có việc bận, nên cô Fujimoto đã sắp xếp 1 buổi thăm quan khác, chỉ có riêng cô và bố mẹ đến thôi.

9h45p bố mẹ và cô đã có mặt ở nhà trẻ. Từ cổng bước vào, mama đã thấy 1 khung cảnh hoàn toàn khác so với nhà trẻ của Khanh và Kiên. Giữa sân có "núi" đất cao, rồi có cái cầu trượt tự tạo bằng gỗ rất đơn sơ. Khung cảnh này được tái tạo giống như trường học của nước Nhật vài chục năm trước. Cả cô lẫn trò đang nghịch đất, nghịch bùn, người lấm lem. Cô Fuji bảo đây là công trình do phụ huynh và nhà trường tự làm, và thỉnh thoảng được sửa sang lại. Các cháu chơi toàn bằng tay, không hề có dụng cụ đồ chơi kiểu như xẻng hay thùng được bán đầy ngoài cửa hàng. Tiếc là lúc bọn trẻ chơi thì không chụp được ảnh, vì cô hiệu trưởng vẫn chưa đến để xin phép.

Toàn bộ các gian nhà được làm bằng gỗ, giống như khung cảnh của nước Nhật thời xa xưa. Sàn gỗ và cầu thang gỗ sẽ được các anh chị lớp 5 tuổi lau vào buổi sáng. Các thùng đựng đồ quần áo cũng đều là các thùng gỗ, chứ không phải là rổ nhựa như ở nhà trẻ của Kiên. Tất cả tạo nên một không gian gần gũi với thiên nhiên, không hề có dấu ấn của những sản phẩm công nghiệp tiện nghi thường thấy.

Mama đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vào đến khu nhà bếp thì thấy ngay mấy cái đựng cơm (ohitsu) bằng gỗ như hình dưới. Cơm nấu xong, được cho vào những cái ohitsu này rồi mới xới ra cho các cháu ăn. Đây là nồi đựng cơm truyền thống của Nhật, được làm bằng gỗ, có nắp đậy. Cơm đã nấu xong, cho vào hộp gỗ này sẽ có tác dụng hút nước từ hạt cơm, nhờ thế mà hạt cơm sẽ ngon hơn. Thế mới biết thế nào là sự cầu kỳ của người Nhật trong nghệ thuật ẩm thực. Dường như thấy mama vẫn chưa tin lắm vào công dụng của nó, một cô nấu bếp còn bê hẳn một chiếc ohitsu có đựng cơm vừa nấu xong để mama ăn thử. Gạo mà các cô nấu là gạo xát thô, ăn vào đã có cảm giác khang khác so với gạo thường, ăn xong thì thấy có vị ngọt. Mặc dù không cảm nhận được rõ ràng hiệu quả của chiếc ohitsu này, mama vẫn muốn đem 1 chiếc về Việt nam để dùng. Mà giá của nó không hề rẻ tí nào, 1 chiếc như thế này cũng hơn 9000 yên, vì chỉ có các nghệ nhân mới có thể làm ra được.
Gần ngay chiếc bàn đặt ohitsu này, mama còn nhìn thấy 2 lọ mơ muối, giống như ở Việt nam mọi người vẫn hay ngâm mơ cả năm để lấy nước uống. Cô hiệu trưởng giải thích đây là những quả mơ được hái từ ngoài vườn kia, ngâm cho các cháu uống. Mama chỉ còn biết trầm trồ thán phục về việc có thể được uống nước mơ ở nhà trẻ như thế này.

Khu nhà bếp không rộng lắm, có cửa làm bằng kính trong suốt để từ bên ngoài có thể nhìn vào được. Điều đặc biệt nữa là nhà bếp được sắp xếp nằm ở vị trí mọi người phải đi qua để lên tầng 2, chứ ở nhà trẻ của Kiên thì mama chưa bao giờ được thăm quan cái nhà bếp cả. Nhìn vào bếp thì có thể nhận ngay ra là rất nhiều rau. Cô Fuji giải thích là rau ở đây được chọn là những loại rau ít dùng hoá chất, và tất cả thức ăn đều được nấu bằng tay, chứ không mua sẵn. Những nhà trẻ nào chất lượng không tốt thì có thể hay dùng những nguyên liệu được chế biến sẵn ở siêu thị hay đồ đông lạnh, còn ở đây thì không.

Đến 10h có một lớp được đi dạo. Mama thắc mắc là tại sao chẳng có ai đội mũ cả, thì cô hiệu trưởng trả lời rằng như thế để cho trẻ gần gũi với thiên nhiên, rèn luyện thể lực. Mama thấy thật khâm phục quá vì trời cực kỳ nắng nóng. Thảo nào mà cả trường đứa nào đứa nấy đen trùi trũi và trông rất rắn rỏi. Trẻ em ở đây cũng ăn mặc quần áo rất giản dị, không hề có hình character của phim hoạt hình như superman hay Anpanman, bởi những hình ảnh đấy tác động không tốt đến trẻ. Rồi không có trẻ nào mặc bỉm cả, chỉ mặc pant thôi. Vì nếu mặc bỉm trẻ sẽ không cảm nhận được lúc nào đã shikko.

Đến giờ tập rizumu (thể dục theo nhịp) của các lớp. Ở đây mama được chứng kiến các động tác chạy, vừa chạy vừa nhảy cao, rồi vừa chạy vừa nhảy dây theo nhịp đàn piano. Cô hiệu trưởng cũng phân tích tác dụng của việc tập theo nhịp, nhưng để giải thích cặn kẽ thì mất rất nhiều thời gian. Người ta đã nghiên cứu và chỉ ra rằng tuỳ theo nhịp điệu mà lượng hormon của cơ thể sản sinh ra cũng khác nhau. Việc tập này giúp tạo tư thế tốt cho cơ thể, và giúp trí não phát triển. Cô còn chỉ cho bố mẹ 1 em bị bệnh bại não nhưng đã tập đi được và theo được các bạn ở tất cả các động tác, chỉ có điều em di chuyển chậm hơn. Nhìn em cố gắng tập động tác vừa chạy vừa nhảy dây mà thấy xúc động ghê. Các bạn thì chạy còn em cứ cố gắng từng bước một, dừng lại để bước qua dây, rồi lại khập khiễng đi tiếp, cho đến hết 1 vòng mới thôi. Mama cũng cảm thấy là để tập cho trẻ bị bại não có thể đi lại gần được như bình thường thế này quả là 1 kỳ công. Cô hiệu trưởng lại chỉ sang 2 em khác mắc bệnh tự kỷ. Mặc dù có khiếm khuyết nhưng các em đều được tham gia vào môi trường học tập và rèn luyện giống như các bạn.

Cô hiệu trưởng đang dẫn mama lên thăm quan phòng của lớp 5 tuổi. Ở đây trẻ được chơi ngoài trời là chính, bởi cô giải thích là trẻ từ 0 đến 6 tuổi phải được học ngoài thiên nhiên, được trải nghiệm bằng những gì thực tế nhất, đấy mới là cách để phát huy trí não của trẻ. Còn những việc dạy đơn thuần như dạy con số hay dạy chữ, đấy chỉ là việc dạy một cách khiên cưỡng, vì học xong trẻ có thể quên ngay. Nhưng ở đây, ngoài các hoạt động ngoài trời thì trẻ cũng có 1 số hoạt động ở trong nhà, như vẽ tranh, hay khâu vá. Cô cho xem mỗi trẻ có 1 hộp riêng đựng kéo, kim khâu và chỉ khâu. Những chiếc rẻ lau sàn là do các em tự mình khâu viền lại, rồi nếu dùng lâu chỗ nào bị rách thì các em tự mình khâu lại chỗ đó. Mặc dù đường khâu còn vụng về nhưng trẻ mới 5 tuổi dùng được kim để khâu thế này thật đáng ngạc nhiên. Việc này cũng giúp trẻ có được tinh thần trách nhiệm đối với những đồ vật của mình.

Các phòng học ở đây cũng không hề đươc trang trí gì, hầu như để mộc mạc và giản dị, với các đồ đạc đều bằng gỗ. Dường như môi trường ở đây không hề có dấu ấn của các sản phẩm công nghiệp thời hiện đại ở một nước Nhật văn minh. Các phòng cũng không hề có bất cứ một loại đồ chơi bằng nhựa nào, bởi những đồ chơi đấy được cho là không tốt cho sự phát triển của trẻ. Các cô giáo ở đây cũng không có ai son phấn cả, bởi trẻ em, nhất là akachan nếu sờ vào sẽ không tốt. Đúng là 1 môi trường no chemical.

Có lẽ hôm nay cô được tiếp 2 vị khách đặc biệt từ Việt nam nên cô dẫn đi tham quan cả 1 nơi chưa bao giờ được dành để tham quan. Ngay cả cô Fuji đi cùng cũng chưa bao giờ được biết. Đấy là 1 gian phòng washitsu khá rộng dùng để uống trà đạo. Các cô giáo ở đây sẽ pha trà đạo theo đúng kiểu syado để các cháu thưởng thức. Và lớp 5 tuổi khi chuẩn bị tốt nghiệp ra trường sẽ ngủ lại 1 đêm ở căn phòng này. Ở trong 1 không gian như thế này hẳn sẽ làm cho tâm hồn người ta trở nên thuần khiết hơn.


Đến 11h30 các cháu chuẩn bị ăn trưa. Tất cả các món ăn được bày ra 1 cái đĩa to cho mỗi cháu 1 đĩa, và các cháu ăn bốc, không hề dùng thìa hay dĩa. Bốc từ cơm, cho đến rau, cá, kể cả soup miso. Mama được giải thích là khi bốc bằng tay thì các cháu mới cảm nhận được bằng các đầu ngón tay những thứ khác nhau, và kích thích sự phát triển của trí não. Lớp 0 tuổi cũng tương tự, cô thì nhón thức ăn nhét vào mồm cháu, còn cháu thì bốc được cái gì thì bốc.

Mô hình giáo dục gần gũi với thiên nhiên kiểu này làm mama nhớ đến phương pháp giáo dục của Jean Jacques Rousseau. Ông cũng quan niệm là phải giáo dục trẻ trong môi trường thiên nhiên, với những gì gần gũi nhất, thực tế nhất, bằng trải nghiệm của bản thân, chứ không phải bằng sách vở, và những kiến thức trìu tượng.

Mô hình này cũng làm mama nhớ lại cái thời trẻ con, chỉ toàn chơi đồ hàng bằng lá cây, viên sỏi, chứ đâu có những đồ chơi cầu kỳ, nhiều tính năng như bây giờ. Cái nào tốt hơn cái nào thì cũng phải nghiên cứu mới biết được, hoặc nhiều khi cũng là do quan điểm của mỗi người. Nhưng phải công nhận rằng giáo dục theo cách như thế này sẽ làm đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất, trong sáng về tâm hồn, và có một tuổi thơ với đúng nghĩa của nó.

No comments: