Thursday, April 30, 2009

Koi-nobori 2009

Vào thời gian này ở Nhật sẽ thấy rất nhiều koi-nobori (những dải hình cá chép) treo ở khắp nơi như trước cửa các gia đình, ở các khu mua sắm hay ở trường học. Bởi ngày 5/5 hàng năm là ngày lễ dành cho trẻ con (giống như ở VN là ngày 1/6). Koi-nobori bao giờ cũng gắn hình con cá chép màu đen, to nhất tượng trưng cho ông bố trong gia đình, sau đó là hình cá chép màu đỏ hay xanh, tượng trưng cho những đứa con trai. Nhà nào có nhiều con trai thì treo thêm nhiều hình cá chép, với ước mong những đứa con luôn có sức khoẻ và sự mạnh mẽ.

Hôm qua là ngày lễ, được nghỉ nên cả nhà mình đi chơi ở Takatsuki, tham gia lễ hội Koi-nobori trên sông Akura-gawa, nơi có treo 1000 dải koi-nobori đủ sắc màu sặc sỡ.

Koinobori- Akutagawa,Takatsuki

Koinobori - Akutagawa, Takatsuki

Chương trình lễ hội bắt đầu từ 10h sáng với nhiều tiết mục âm nhạc và dancing nghe có vẻ rất thú vị, nhưng cả nhà mình đến nơi thì cũng đã 12h trưa, đúng giờ nghỉ ăn trưa. Khắp nơi mọi người trải bạt ra ngồi ăn, ở các quán lưu động bán mì xào, takoyaki hay cơm hộp, người xếp hàng dài chờ mua. Papa cũng tìm được 1 chỗ mát để trải bạt ra ngồi, còn mama thì chạy đi mua đồ ăn. Nhưng nhìn các dãy dài xếp hàng mà ngán ngẩm quá. May thế nào mà mama lại nhìn thấy sát dãy xếp hàng có mấy bà bán cơm, chạy vội sang mua ngay được 3 hộp trong số 4 hộp cuối cùng còn lại. May thế cơ chứ. Giá mà có thời gian chuẩn bị cơm từ nhà thì đỡ mệt hơn kiểu ăn uống như thế này.

1h30 chiều các tiết mục lại bắt đầu. Có dàn nhạc của một đội trung học biểu diễn, rồi đến tiết mục bamboo dance của Philippines, street dance, đánh trống,...Nhất là màn đánh trống khá ấn tượng với 1 tay trống nhí đánh rất hăng say và bài bản. Mama đang mải quay video màn đánh trống thì nghe thấy tiếng gọi "mama, mama" như của anh Chép. Hoá ra là anh Chép chạy đi tìm mama một mình, papa không theo kịp, nên anh Chép cứ vừa đi vừa gọi trong cái rừng người đông như kiến ấy. May mà mama nghe thấy.

Người Nhật quả là biết thu hút khách từ các tiết mục lễ hội truyền thống, đem lại lợi ích cả về mặt văn hoá lẫn kinh tế, thật đáng để học tập.

No comments: