Saturday, August 30, 2008

Biểu đồ tăng trưởng của Khanh (0-6 months)

Mẹ vẽ các chỉ số phát triển của em Khanh thành biểu đồ để dễ theo dõi. Về cân nặng thì hầu như không có vấn đề gì. Chỉ có điều giai đoạn 3-4 tháng, Khanh bị nhiễm virus đường ruột khi mới đi nhà trẻ, nên cân nặng bị giảm. Gần đây Khanh ăn dặm 2 bữa/ngày, uống sữa khoảng 5 lần/ngày, mỗi lần 180-200cc. Mẹ thấy Khanh ăn có vẻ dễ lắm (trộm vía con), không biết là hấp thụ thế nào thôi. Nhưng hầu như ngày nào con cũng unchi 1 lần, rất đều đặn. Ban đêm còn hay dậy lúc 3h sáng và 7h sáng để đòi uống sữa. Không cho con uống là thế nào con cũng ọ ẹ, quay bên nọ bên kia mãi không chịu ngủ. Con làm mẹ nhớ lại hồi anh Chép 6 tháng cũng bắt đầu dậy đêm để đòi ăn. Chắc là do nhu cầu ăn của con đã tăng lên mà mẹ vẫn chưa đáp ứng đủ đây.Chiều dài của em Khanh cũng ở trên mức trung bình 1 tí. Em Khanh có vẻ dài hơn anh Chép hồi xưa. Nhưng giai đoạn 3-4 tháng, lúc bị virus đường ruột thì chiều cao của con cũng không tăng lên mấy. Hy vọng con gái của mama sẽ duy trì được việc tăng chiều cao con nhé. Phải cao cho cân đối với cái đầu to nữa chứ.
Về vòng đầu thì có lẽ là đã phát triển vượt quá những mong đợi của mẹ. Nhìn biểu đồ thì thấy vòng đầu của con còn to hơn cả giới hạn trên rồi, và vẫn còn tiếp tục tăng. Hiện tại với vòng đầu 48cm thì vừa bằng đúng vòng đầu của anh Chép. Vòng đầu quá to thường là không tốt, nên mẹ cũng thấy lo lắng, nhất là khi thấy con chậm biết lẫy, chậm giữ được cổ. Nhưng dù sao thì con cũng đã được kiểm tra MRI và kết quả là bình thường, nên chắc đầu con to chỉ đơn giản là do di truyền thôi. Cô giáo ở nhà trẻ cứ nói đùa là chắc con có não to, thông minh lắm đây. Nhưng mama vẫn thấy nhìn đầu con so với người thì hơi mất cân đối. Con có vẻ giống dì Hương đây. Dì Hương hồi bé có cái đầu to, mãi đến gần 2 tuổi mới biết đi. Nhưng sau này con cứ cao to như dì Hương thì cũng được, nhỉ.

Tuesday, August 26, 2008

Con trai bé bỏng

1 tuần trước, bố mẹ đến xem con trai tắm pool ở nhà trẻ. Tắm pool thường được các cô tổ chức vào tháng 7, tháng 8, lúc nóng nhất của mùa hè. Và trong dịp này thì bố mẹ được đến xem con tắm trong khoảng 9h30 đến 10h30 sáng. Nhưng không được đem theo máy ảnh hay camera (vì chắc sợ vi phạm đến privacy, nhưng papa thì bảo chắc các cô quy định thế để còn chụp ảnh bán cho phụ huynh kiếm tiền, papa thì lúc nào cũng chỉ được cái hay nghĩ linh tinh).

Chép thích tắm và nghịch nước lắm. Ở nhà mà tắm bồn thì chẳng bao giờ tự giác ra khỏi bồn đâu. Bố mẹ toàn phải dụ dỗ, nào là "lên xem Tôm và Jerry", hay "lên mama cho ăn cái này ngon lắm" đến mỏi cả mồm mới chịu lên. Dạo này còn đỡ chứ hồi trước là còn gào lên khóc lúc bị bắt ra khỏi bồn tắm. Chép thích tắm thế nên trước khi đi bố mẹ nghĩ là sẽ được xem Chép "biểu diễn" nhiều trò hay ho đây. Chắc hẳn là cậu sẽ khoái trí vùng vẫy, vì hôm nay Chép được tắm ở 1 cái bể bơi to lắm, chứ không phải như cái bồn tắm bé tí ở nhà. Lại còn được tắm ngoài trời nữa chứ.

Thế mà không phải vậy. Vừa nhìn thấy bố mẹ lấp ló ở phía ngoài là Chép đã mếu máo rồi từ dưới bể bơi chạy lên phía bố mẹ. Bố mẹ ở phía ngoài hàng rào, chứ không phải đứng cạnh nên chỉ thò được tay vào dỗ dành Chép. Nhưng Chép lại càng khóc to hơn. Nước mắt nước mũi dàn giụa. Mọi hôm thì nói nhiều thế mà hôm nay chẳng nói được từ nào, chỉ có khóc. Bố mẹ cũng hơi bất ngờ khi thấy con trai như thế này. Mọi hôm Chép vẫn chơi với các bạn và cô vui vẻ lắm mà. Trò gì ở nhà trẻ Chép cũng tham gia hăng hái lắm. Thế mà hôm nay, trong lúc các bạn và cô nghịch đủ trò dưới nước thì Chép lại đứng trên bờ khóc lóc thảm thiết. Các cô dỗ thế nào cũng không chịu xuống. Cô Azuma phải đi đến tận nơi đưa Chép xuống bể, rồi cho cưỡi lên lưng cô để cô chở đi, thế mà vẫn không thôi khóc. Khóc lâu quá thì cứ vừa khóc vừa nấc lên. Nhìn con đến là tội nghiệp. Mama vừa thấy thương con, vừa nghĩ sao con lại yếu đuối quá vậy. Là con trai mà nhìn thấy bố mẹ bên cạnh là đã khóc sướt mướt rồi. Mama thích nhìn thấy con nô đùa vui vẻ cùng với các bạn cơ mà.
Đứng thêm 1 lúc vẫn thấy con trai khóc ở dưới bể mà chưa chịu nín, bố mẹ đành đứng khuất ra 1 góc cho con khỏi nhìn thấy, nhưng thỉnh thoảng vẫn ngó vào xem. Được thêm 1 lúc nữa thì bố mẹ đành quyết định thôi không xem nữa, vì con trai vẫn đang khóc lắm. Mama thì đạp xe về, còn papa vẫn cứ đứng cạnh cái xe chưa chịu đi. Chắc papa muốn chờ thêm 1 lúc nữa. Sau đấy thấy papa kể là Chép mãi mới nín khóc nhưng cũng chẳng chịu chơi gì.

Rồi mama cứ nghĩ mãi không hiểu tại sao con trai lại như vậy. Con tủi thân vì mãi hôm nay bố mẹ mới đến xem con tắm chăng. Vì khoảng tuần trước, cô Ishii bảo Chép hình như ghen tị (urayamashii) khi thấy mẹ bạn Papu-chan đến mà không thấy bố mẹ mình đâu. Bố mẹ cũng định đi nhiều lần rồi, nhưng cứ chần chừ mất bao nhiêu lâu. Hay dạo này ở nhà trẻ có chuyện gì làm con không vui, thấy bố mẹ đến thì con tủi thân?

Mama định sẽ nói chuyện với cô của Chép nhưng cũng phải mất đúng 1 tuần, đến hôm nay mama mới gặp được cô. Vì hôm thì lúc mama đến đón Chép, cô phụ trách đã về mất rồi, hoặc là sáng ra đến nhà trẻ thì chẳng có nhiều thời gian mà tìm gặp được cô. Cô bảo là tại Chép nhìn thấy bố mẹ nên mới thế thôi, chứ mọi hôm Chép thích tắm pool lắm, bảo lên còn không chịu cơ. Tại Chép muốn làm nũng bố mẹ ấy mà. Cô bảo Chép mới có 2 tuổi rưỡi thôi nên ở độ tuổi này vẫn còn bé, hay làm nũng kiểu như vậy. Hoá ra con trai của mẹ vẫn còn bé lắm, vẫn có quyền được làm nũng mà. Thế mà mama cứ nghĩ con là con trai thì phải nên rắn rỏi mới phải. Cũng chưa đến lúc phải không con. Đấy cũng chẳng phải là sự "yếu đuối" như mama đã nghĩ, mà là biểu hiện bình thường rất tình cảm của 1 đứa bé vẫn còn bé lắm, vẫn cần sự chở che bao bọc của bố mẹ mà thôi. Rồi sẽ đến 1 lúc nào đấy con sẽ trưởng thành, con sẽ vững vàng khi phải xa bố mẹ, không khéo đến lúc đấy mama lại khóc cũng nên, con trai nhỉ.

Sunday, August 24, 2008

Ảnh mới

Papa mới chộp được cái ảnh con gái giơ tay lên ngắm đây này. Khiếp, điệu chảy nước nhỉ. Hồi trước mama có thấy anh Chép làm thế đâu. Xoè 5 đầu ngón tay ra ngắm, rồi có lúc còn nắm tay vào để ngắm. Ngắm tay này rồi lại ngắm sang tay kia. Chưa hết, lại con giơ cả chân lên ngắm nữa chứ. Cái mắt thì mở to ra, tròn xoe, ngắm rất là chăm chú. Con gái ơi là con gái, sau này con biết soi gương khéo lại ngắm suốt ngày ấy nhỉ.
Mẹ đọc cho 2 anh em nghe quyển sách Pinpon basu vừa mượn ở nhà trẻ về. Em Khanh cũng nằm nghe rất chăm chú nhé. Nhưng quyển này sau đấy đã bị anh Chép xé mất 2 tờ rồi. Từ trước đến giờ anh Chép có bao giờ xé sách đâu, thế mà chả hiểu sao lại xé đúng cái quyển mượn ở nhà trẻ này. Mà đây là quyển các cô mới mua về, mới tinh, đề tháng 7/2008. Mama quên mất chưa đem đến để xin lỗi cô đây này. Không biết phải ăn nói với cô thế nào đây.
Còn đây là anh Chép "đọc" cho em Khanh nghe đấy. Nói là đọc, chứ anh Chép cứ liến thoắng, nghĩ ra được từ nào thì nói từ ấy. Nghe cô và mẹ đọc rồi thì cũng nhớ được 1 ít, nhưng diễn đạt lại chưa hoàn chỉnh nên cứ từ nọ xọ sang từ kia, nghe buồn cười lắm.
Anh Chép thì cao hứng đọc, còn em Khanh cứ tròn mắt ra chả hiểu gì. Mà anh Chép cũng chả cần quan tâm xem cô em có hiểu không.

Sunday, August 17, 2008

Khanh sắp tròn 7 tháng

Em Khanh đây, không mọi người lại cứ bảo là mama thiên vị anh Chép, toàn kể về anh Chép. Dạo này em Khanh cũng biết làm thêm được nhiều trò lắm. Em Khanh đã biết lẫy "nhẹ nhàng" hơn rồi. Hơi tí là có thể lẫy ngay được. Rồi em còn quay đầu xung quanh để nhìn nữa. Lúc nào mỏi cổ thì lại đập bụp cái đầu xuống phịch một cái để nghỉ ngơi. Anh Chép nhìn thấy chiêu này của em thì buồn cười lắm, toàn bắt chước theo. Ở nhà trẻ cô giáo bảo nếu lẫy trên đệm thì em Khanh đập bụp đầu xuống mạnh lắm. Nhưng nếu lẫy trên sàn gỗ thì em hạ đầu nhẹ hơn. Hay là em biết phân biệt nhỉ, chứ đập đầu xuống cái sàn gỗ đấy thì cũng đau đấy con nhỉ.

Em Khanh nhìn anh Chép đang ăn là cũng biết đòi rồi. Hoặc đang cầm cái bánh ăn mà bị anh Chép lấy mất thì thế nào cũng khóc toáng lên. Em Khanh có cái đồ chơi cho vào miệng cắn cắn cho khỏi ngứa răng thì anh Chép cũng hay xông vào giật của em lắm. Đang gặm thì bị giật mất nên em Khanh gào lên ngay.

Em Khanh có 2 cái răng nhú lên cao rồi. Hôm nọ anh Chép nghịch cho tay vào mồm em bị em cắn cho đau quá nên anh Chép sợ rồi. Bón cho em bằng thìa thì em còn cắn cái thìa 1 tí mới chịu nhả ra.

Bây giờ Khanh lại hay có kiểu xoè bàn tay ra trước mặt rồi ngắm nghía, trông buồn cười lắm (mãi mà mama chưa chộp được kiểu ảnh như thế của Khanh). Con gái vừa ngắm tay chắc vừa nghĩ "mình chưa thấy có bàn tay nào vừa xinh vừa ngon như tay của mình".

Bây giờ Khanh đã được ăn đậu, cá trắng, lòng đỏ trứng gà, 1 số loại rau và củ. Khanh có vẻ thích ăn lắm. Nhưng đang cho ăn khoai lang ngọt ngọt mà chuyển sang ăn cháo thì hay có kiểu nhăn mặt hoặc nhả cháo ra vì thấy cháo nhạt không có mùi vị gì mà. Phải rút kinh nghiệm cho con ăn cháo, đậu trước rồi mới ăn những thứ khác.



Friday, August 15, 2008

Chép 2 tuổi 7 tháng (phần 3)

Trông Chép giống như 1 thổ dân da vàng ấy nhỉ. Đây là cái mũ đội đầu để che cho nước khỏi chảy vào mặt khi gội đầu, mua ở cửa hàng 100Y. Có thể cắt bớt cái vành ở trong cho vừa với đầu nên Chép mới có cái để ngậm ở mồm thế kia đấy. Mọi hôm gội đầu thì nước chảy cả xuống mặt, bọt xà phòng có khi vào cả mắt nên Chép khó chịu lắm. Lúc nào mama tắm cho, mama đưa cho Chép 1 cái khăn, bảo Chép tự lau mặt. Chép chỉ kêu 1 tí nhưng được mama khen thì cố gắng chịu đựng cho đến khi mama gội hết bọt xà phòng trên đầu. Hôm nào mà papa tắm thì papa lại áp dụng "chiêu" khác. Papa bảo Chép làm con shiro-kuma (tức là con gấu trắng), nghĩa là lúc bôi xà phòng lên đầu, còn sau đó thì sẽ biến thành con kuro-kuma (con gấu đen) khi tắm xong. Được vài hôm đầu thì Chép cũng khoái trí với trò gấu đen-gấu trắng đấy lắm, nhưng sau đó thì kêu "Chép không thích làm ku-ma trắng đâu". Papa cứ vừa phải gội đầu cho Chép vừa làm trò thì Chép mới chịu.

Dạo này Chép lại thích uống sữa tươi. Chẳng qua là vì thấy em Khanh được bú bình nên Chép cũng đòi 1 bình giống như thế, rồi nằm ngửa ra tu giống như em. Tất nhiên là mama rót vào bình sữa tươi chứ không phải sữa bột như của em Khanh. Với lại mùa hè trời nóng, Chép uống sữa tươi lạnh để trong tủ lạnh thì thấy mát nên uống nhiều lắm. Lúc nào khát nước đòi uống nước là mama rót sữa thay cho nước. Con trai uống được sữa nhưng vẫn chẳng thấy "béo trắng" ra tí nào nhỉ, vẫn gầy gầy đen nhẻm ra. Mùa hè chạy nhảy phơi nắng nhiều thì lại càng đen hơn. Papa còn bảo "Chép đen hơn cả papa rồi".

Chép là đồng minh của mama. Chép bây giờ biết bênh và bảo vệ mama lắm. Có hôm mama giả vờ gọi Chép ra cứu khi bị papa túm tay túm chân, thế là Chép chạy ra ngay, rồi dùng hết sức kéo papa ra, rồi vừa quát papa là "dame" (không được), vừa đánh trả papa. Trông còn hùng hùng hổ hổ ra vẻ rất nghiêm trọng mà bố mẹ không nhịn được cười. Rồi còn không quên quay lại phía mama xoa xoa xem mama có bị đau không, rồi còn "gomen" (xin lỗi) thay cho papa nữa chứ. Xong việc thì khoanh 2 tay trước bụng cứ như là anh hùng rơm ấy. Có hôm nào mà papa ngủ dậy muộn thì mama sai Chép "con vào đánh thức papa dậy đi". Thế là Chép chạy vào gọi "papa okite" (papa dậy đi), rồi nếu papa vẫn chưa dậy thì Chép ngồi lên người papa phi nhong nhong như phi ngựa. Papa đau quá đành phải dậy ngay.

Chuyện về anh Chép thì còn nhiều lắm, chẳng biết kể đến bao giờ mới hết. Mama kết thúc loạt bài về anh Chép bằng kết quả chiều cao cân nặng các cô đo ở nhà trẻ lúc Chép được 2 tuổi 7 tháng nhé.
Cân nặng: 12.8kg
Chiều cao: 90.3 cm


Tuesday, August 12, 2008

Chép 2 tuổi 7 tháng (phần 2)

Dạo này Chép chăm chú vào trò ghép hình. Khi gần 2 tuổi con đã ghép được đúng chỗ các miếng ghép to hình ôtô. Hồi đấy bố mẹ ngạc nhiên lắm. Còn bây giờ hầu như ngày nào con cũng chơi trò ghép hình ở nhà trẻ. Những miếng ghép được xếp lại thành hình ôtô, máy bay, tàu hoả. Xếp xong con đặt lên cửa sổ chờ bố mẹ đến đón để khoe. Nhưng dạo này con chẳng muốn khoe nữa. Vì con thấy trò đấy chơi mãi rồi, đơn giản đi rồi. Papa kể là cô giáo phải chạy ra để khoe papa là Kiên đã xếp được những hình gì, còn con trai thì trông vẻ mặt cứ như không ấy. Rồi papa lôi ra cái tranh ghép khoảng 80 miếng gì đó, mua từ lâu rồi nhưng phải cất đi vì hồi đấy con chưa chơi được. Nhưng bây giờ con cố gắng 1 tí là có thể xếp được. Con nhìn hình rất tinh nhé. Mẹ nghĩ là con cũng có khiếu quan sát đấy. Bộ đồ chơi khác cũng là những miếng ghép mà dì Thu tặng vào dịp Giáng sinh vừa rồi cũng đã được Chép "giải quyết" xong. Papa cất đi từ hồi đấy đến giờ mới lôi ra, vì thấy con ham xếp hình quá. Nhưng bộ này bây giờ có vẻ hơi "dưới cơ" của Chép nên không hiểu con có thích lâu được không.

Dạo này Chép thích ăn natto - một món ăn Nhật duy nhất mà mẹ chưa bao giờ dám thử. Món này được cho là rất tốt cho sức khoẻ, được làm từ đậu tương, nhưng có mùi rất khó ngửi. Khó ngửi như thế nào thì chính mama cũng không biết, vì chưa bao giờ đủ dũng cảm để ngửi. Thế mà Chép lại thích ăn. Thực ra nhà mình từ trước đến nay có bao giờ mua natto về ăn đâu. Nhưng tự dưng papa đi ăn ở canteen của trường lại ăn món này, rồi dần dần thấy ngon, bắt mama phải mua về nhà ăn. Ai dè Chép cũng thích kinh khủng, có hôm còn ăn hết cả phần của papa. Chỉ cần natto để lên trên cơm là Chép chén cả cơm lẫn natto, hết cả bát. Hôm nào mà có món natto thì cho Chép ăn nhàn lắm.

Dạo này Chép phân công bố mẹ làm việc rất rõ ràng. Lúc đón Chép ở nhà trẻ thì Chép thích papa. Vì papa đưa Chép đi lòng vòng bằng xe đạp. Nhìn thấy mama đến đón là Chép ngồi lì ra chẳng chịu về, rồi còn cứ tiếp tục chơi. Có hôm vừa nhìn thấy mặt mama ở ngoài cửa là đã hét lên "mama iran" (tức là không cần mama). Thế có tức không cơ chứ. Rồi còn chạy ra chỉ tay vào cái xe đẩy của em Khanh, ý là bảo "mama đi mà phụ trách em Khanh". Nhưng nếu nhìn thấy papa lúc đấy thì vừa cười hềnh hệch vừa chạy ngay ra ngoài, rồi chẳng cần bảo cũng tự lấy giầy ra đi thật nhanh để được ngồi lên xe đạp. Rồi còn đòi papa đi lên trước mama và em Khanh nữa chứ. Cứ như lúc đấy mama là con số 0 ấy.

Thế mà đến lúc đi ngủ thì lại đuổi papa đi, không cho nằm cạnh mà bắt mama vào nằm cùng, rồi lại ôm cổ mama rất tình cảm. Có hôm papa trêu, cứ đòi vào nằm cạnh thì Chép lại tức quá hét lên "papa iran" (không cần papa), rồi đánh papa bùm bụp. Ban đêm đang ngủ mà thức dậy lại thấy papa nằm cạnh chứ không phải papa thì lại gào lên "mama, mama" nghe đến là khổ. Hoá ra con trai yêu mẹ đến thế cơ đấy. Papa bảo "nó chỉ thích papa vì được papa chở đi xe đạp thôi, chứ nó yêu mama thì đấy là tình yêu bản năng đấy, vì trong lúc mê ngủ nó cũng gọi mama mà". Papa giải thích thế nghe cũng được đấy. Con trai nó yêu mama lắm mà.

Sunday, August 10, 2008

Cả nhà đi xem pháo hoa

Tháng 8 là mùa hanabi (pháo hoa) ở Nhật. Đâu đâu cũng thấy người ta mặc yukata đủ các mầu sắc sặc sỡ để đi ngắm pháo hoa. Thứ 6 ngày 8/8/2008, cả nhà Chép cũng hẹn mọi người đi ngắm pháo hoa ở hồ Biwako. Mấy năm trước, hồi chưa có 2 anh em Chép, bố mẹ cũng đã đi 1 lần rồi. Phải đi từ rất sớm để chiếm chỗ đẹp. Pháo hoa bắt đầu bắn từ 7h30 tối mà cả nhà phải đi từ 5h, đến nơi là 6h mà đã là muộn rồi đấy. Muốn chọn được chỗ ưng ý thì chắc phải khởi hành từ 2,3h chiều cơ. 6h tối đến nơi đã thấy người đông như kiến. Khu đất trống ở ngay gần ga, cách rất xa điểm bắn pháo hoa mà cũng hầu như không còn chỗ trống. Người ta trải bạt ra ngồi, hay đơn giản là chỉ ngồi bên vệ đường. Nhà Chép đi cùng gia đình Kuma-chan và 2 mẹ con chị Chíp, nhà nào cũng có con nhỏ, lại con dắt theo 1 cái xe đẩy to uỳnh nữa, nên di chuyển trong chỗ đông người này đúng là mệt. Nhưng mọi người nhất định không chịu ngồi ngay gần ga, mà quyết tâm vào gần hơn nữa, hy vọng chiếm được chỗ nào đấy còn sót. May mà cũng tìm được 1 chỗ tàm tạm, nhìn pháo hoa sẽ hơi bị chéo một tí, nhưng thế là được rồi. Vẫn đủ chỗ để trải 1 cái bạt và để mấy cái xe đẩy.
Tìm được chỗ ngồi xong thì phải ăn tối đã. Ăn xong trước khi trời tối. Vì tối thì chẳng nhìn thấy cái gì nữa. Anh Chép sau khi đã lót dạ bằng mấy miếng chip potato thì chén sang xúc xích, rồi cơm hộp. Nhưng cơm hộp thì Chép chẳng ăn cơm, mà chỉ ăn 1 ít thức ăn thôi, rồi tráng miệng bằng nho. Em Khanh thì "giải quyết" xong 1 bình sữa ngon lành. Ăn uống xong xuôi thì cũng là lúc pháo hoa bắt đầu.
Ban đầu thì pháo hoa bắn rời rạc, chưa đẹp lắm, nhưng được 1 lúc thì bắt đầu bắn hàng loạt. Tới mức mà cứ mỗi khi kết thúc 1 màn pháo hoa đẹp là mọi người vỗ tay rào rào. Nhưng chán 1 cái là những người ngồi phía trước cũng chẳng biết ý gì cả, cứ đứng lên xem, làm nhà mình ở đằng sau nhiều khi chỉ nhìn thấy đầu.
Chép thì lúc đầu cũng thấy thích lắm. Lần trước ở nhà đốt pháo hoa bé tí ti, còn ở đây pháo hoa to đùng, sáng rực, đủ màu sắc, đủ hình thù. Nhưng đến lúc pháo bắn nhiều, tiếng nổ hơi to thì Chép kêu sợ, có lúc còn hơi mếu mếu khóc nữa. Mama cứ phải dùng tay bịt tai cho Chép đỡ sợ. Bịt tai vào Chép cũng thấy đỡ sợ hơn. Còn em Khanh thì cứ mở mắt thao láo nhìn. Chắc thấy pháo sáng lạ quá. Mama cứ phải trông cả 2 anh em như thế, tay thì bịt tai cho anh Chép, tay thì quạt vì nóng. Papa thì mải chụp ảnh rồi, chả nhờ được cái gì. Chụp thì nhiều lắm nhưng ảnh đẹp thì đếm được trên đầu ngón tay. Dưới đây là vài bức trông còn khả dĩ 1 tí.

IMG_91921

IMG_90931

IMG_90861

Anh Chép hôm nay diện 1 bộ jimbei này. Lần đầu tiên đấy. Trông ra dáng 1 boy Nhật không. Mà hôm nay anh Chép hơi bị giỏi nhé. Anh Chép đi bộ suốt. Đi từ nhà ra ga, rồi đi bộ ở ga vì phải chuyển tàu, rồi lại đi từ ga đến chỗ bắn pháo hoa nữa. Mà không phải gần đâu nhé. Đến 8h30 là pháo hoa kết thúc, tổng cộng là bắn khoảng 10,000 phát trong vòng 1 tiếng. Nhưng cả nhà chưa về ngay vì tắc đường, không thể nào chen nổi. Quyết định ngồi lại vừa chờ, vừa nghỉ ngơi của papa quả là 1 quyết định đúng đắn. Trong lúc ngồi chơi, anh Chép còn kịp chén thêm 1 cái bánh kem to, rồi chạy nhảy khắp nơi. Mama thì đã thấy mỏi chân lắm rồi mà anh Chép vẫn cứ hò hét, chạy nhảy. Đến 11h cả nhà mới ra ga để về. Người đã vãn hẳn rồi, nên chỉ chờ 1 tí là được lên tàu. Anh Chép vẫn không tỏ ra buồn ngủ gì cả. Lại còn vừa đi vừa hát nữa chứ.
Về đến nhà là 12h đêm. Cả nhà đi ngủ luôn vì mai anh Chép còn phải dậy đi nhà trẻ nữa. Không biết anh Chép có dậy đúng giờ được không.
IMG_922711
1 đêm pháo hoa đầu tiên của cả 2 anh em.

Thursday, August 7, 2008

Chép 2 tuổi 7 tháng (phần 1)

Càng ngày con trai của mẹ càng biết thêm được nhiều điều.

Con biết tự đi shikko (tè) và unchi (ị) ở bô mà không cần bố mẹ nhắc nữa. Cứ lúc nào thấy muốn đi là con tự đi thôi. Có đêm con cũng không shikko 1 tí nào vào bỉm cả. Nhưng vẫn phải mặc bỉm cho con để đề phòng, vì dạo này trời nóng, đêm con hay dậy đòi uống nước nên tè ra bỉm nhiều lắm.

Con biết phân biệt hình tròn, hình tam giác và hình vuông. Nếu nhìn 1 bức tranh con có thể tìm được đâu là những vật có hình tròn như quả bóng, cái mũ, dango (1 loại viên bằng bột nếp), đâu là những vật có hình tam giác như cái bánh kẹp sandwich, onigiri, cái buồm ở thuyền, con trai,...đâu là hình vuông như lá cờ, mái nhà,...

Con biết so sánh sự giống nhau và khác nhau. Chẳng hạn khi bẻ đôi cái bánh quy để ăn, mama bảo trông nó giống hình mặt trăng, con đồng ý, nhưng sau khi cắn 2 đầu đi một tí thì con bảo trông nó giống như cái thuyền. Khi mặc bỉm thì con cũng bảo con mặc thế này giống em Khanh.
Con biết phân biệt to nhỏ, lớn bé, nhiều ít chủ yếu là trong lúc ăn kẹo hay ăn bánh.

Con thuộc rất nhiều loại xe ôtô khác nhau như xe patoka (xe cảnh sát), xe cứu hoả, xe cấp cứu, xe thu gom rác, xe trộn bêtông, xe đưa thư, xe chuyển phát nhanh, xe ủi xúc, xe buýt 1 tầng và xe buýt 2 tầng, xe tải.

Con rất thích ghép tranh. Ở nhà trẻ, con ghép được tranh của tàu Shinkansen hay xe cảnh sát, sau đó bày lên cửa sổ để đợi lúc nào mẹ đến đón thì khoe mẹ.

Con biết nói thêm nhiều mẫu câu trong tiếng Nhật như ~したい (muốn làm gì)、~したいし (thêm chữ shi vào cuối ra vẻ đúng kiểu văn nói rất tự nhiên)、~しておく (làm sẵn cái gì)、~してください (hãy làm gì, câu mệnh lệnh)、~です、~してもらう (nhờ ai làm cho cái gì).

Con cũng thuộc thêm nhiều từ vựng như các từ chỉ mầu sắc, các danh từ, và một số động từ.
Con cũng hay nói giọng Osaka hay Kansai-ben kiểu như いらない thì nói thành いらん、hay わからない thì nói thành wakaran, da-me (không được) thì nói thành akan.

(còn nữa)

Phương pháp giáo dục trẻ từ 2-3 tuổi (tiếp)

2) Thời kì nhạy cảm với ngôn ngữ nhất trong cả cuộc đời
Khi được 2 tuổi, trẻ có nhu cầu vận động toàn thân, và nhu cầu đối với ngôn ngữ cũng y như vậy. Đặc biệt là khi được 2 tuổi, ngôn ngữ phát triển một cách đột phá, nhưng chỉ đến 2 tuổi rưỡi là hiện tượng đột phá này tự nhiên biến mất. Theo đó, có thể nói thời kì từ 2 tuổi đến 2 tuổi rưỡi là thời kì quan trọng nhất. Các bậc cha mẹ nên biết trước điều này, đây là thời kì mẫn cảm với ngôn ngữ nhất trong suốt cả cuộc đời.

Đến tuổi này ngôn ngữ em bé không còn phù hợp với trẻ nữa. Ngôn ngữ em bé sẽ trở thành nguyên nhân gây ra khuyết tật trong ngôn từ của trẻ. Cha mẹ thấy kiểu nói em bé đáng yêu, ví dụ như “Souyo” thì nói thành “Chouyo” sẽ khiến trẻ không có khả năng nói đúng âm “Sa, shi, su, se, so” được, tức là thành “nói ngọng”. Tật nói ngọng “suzume” thành “tsutsume” hay “sensei” thành “chenchei” là do khoảng 2 tuổi trẻ không được uốn nắn đúng mực. Vì vậy, phải nói với trẻ bằng giọng chuẩn, như nói với người lớn.

Khi đi tắm, dạy bé càng nhiều càng tốt những danh từ chỉ các bộ phận trên cơ thể, lặp đi lặp lại. Như tay, chân, đầu gối, khuỷu tay, ngực… càng tỉ mỉ càng tốt. Hoặc là hỏi con “bây giờ con muốn mẹ tắm, rửa cái gì trước nào?” chẳng hạn. Khi thay quần áo, hãy dạy con tên các loại quần áo. Ví dụ như: cái váy xanh, cái quần vàng, cái áo len đỏ… Rồi cả những danh từ chỉ các bộ phận của quần áo ví dụ như: ống tay, ống quần, cổ áo…

Ở độ tuổi này trò chơi ngôn ngữ là thích hợp nhất. Có rất nhiều kiểu cách chơi. Ví dụ như: hỏi con “cái gì màu đỏ ở trong buồng tắm?”, hoặc bảo con nói tên những cái màu đỏ trong nhà mà con nhìn thấy. Hay là, “những từ nào bắt đầu bằng chữ “a” nhỉ?” rồi hướng dẫn con trả lời, như ari, ashi, asahi, asagao, ahiru…. Kiểu chơi này khi đi chợ, đi dạo, ngồi trên xe ô tô, dọn dẹp nhà cửa đều có thể thực hiện được. Cứ chơi kiểu như vậy, cũng là cách để dạy con từ về màu sắc, hình dáng, to nhỏ.

Khi con 2 tuổi, cố gắng mua nhiều sách cho con. Không chỉ cho con xem tranh, mà mẹ đọc cho con nghe.
Nếu con muốn, mỗi ngày cứ đọc 5 quyển hay 10 quyển cũng đọc cho con nghe. Khi đó, mẹ sẽ xem được quyển nào hay để đọc lại, quyển nào chỉ đọc qua. Hãy đọc nhiều lần cuốn nào mà con thích. Mua nhiều sách sẽ tốn kém, thì có thể mượn thư viện, hoặc là xin sách cũ của những anh chị lớp trên ở gần nhà.
Những điều mà trẻ 2 tuổi muốn biết là những việc liên quan đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Seri 4 quyển sách “kotobano benkyo” của nhà xuất bản fukuonkanshoten rất thích hợp.

Thêm nữa, là quan hệ nhân quả thực vật. Viện nghiên cứu ngôn ngữ quốc gia công bố rằng trẻ 2 tuổi rất thích những từ ngữ chỉ quan hệ nhân quả. Nói là quan hệ nhân quả thì tưởng như rất khó, nhưng thực ra lại đơn giản. Ví dụ như trẻ sờ vào lò sưởi nóng, bị bỏng tay. Thì nói với trẻ “Không được sờ vào lò sưởi đang bật. Vì sẽ bị bỏng mà”
Có nhiều bà mẹ hay nói với con “ Lò sưởI hư quá. Làm bỏng tay con của mẹ” Hay một ví dụ khác là trẻ bị kẹp ngón tay vào cửa. Thì các mẹ hay nói “ Cửa hư quá. Để mẹ mắng cửa nhé” . Nói như vậy khiến trẻ không thấy được quan hệ nhân quả đâu cả. Dẫn đến không nhập tâm được cách suy nghĩ sự việc một cách đúng đắn.
Thêm một ví dụ nữa. Đứa trẻ khóc. Vì quả bóng nó đang chơi bị lăn vào gậm giường không lấy ra được. Nhưng bà mẹ đang bận thì hỏi “Sao lại khóc? Nín đi” và dúi cho con một cái vào đầu. Đứa trẻ càng khóc to hơn. Rất nhiều trường hợp tương tự như vậy xảy ra, chính điều đó gây tổn thương cho trẻ, kìm hãm sự phát triển tính cách, tài năng của trẻ.
Trong trường hợp này nên ân cần hỏi con tại sao khóc, nói với con như mình đang ở tâm trạng của con “quả bóng lăn vào gậm giường không lấy ra được chứ gì? Nên con muốn mẹ lấy ra cho chứ gì?”. Đó mới là điều quan trọng.
Như vậy trẻ nhớ được cách bày tỏ tâm trạng, và học được 1 điều “không khóc mà nói như thế thì mẹ sẽ làm cho như ý mình” chẳng hạn. Lần sau có như vậy thì trẻ sẽ nói được “ Tại vì quả bóng lăn vào gầm giường”. Những từ chỉ quan hệ nhân quả như vậy càng phải dạy cho trẻ 2 tuổi càng nhiều càng tốt. Nó rất cần thiết cho việc phát triển năng lực tư duy sau này.

Như trên đã nói, 2 tuổi có khả năng nhạy cảm với ngông ngữ nhất. Đọc sách tranh đã đành, nhưng các bậc cha mẹ nên biết rằng đọc thơ là phần thưởng quí giá hơn nhiều. Thơ là tài liệu dạy con người ta về cái hay, cái quan trọng của ngôn ngữ tốt nhất. Ở độ tuổi này không nhất thiết phải phân tích tỉ mỉ từng câu từng đoạn thơ, cũng không cần giảI thích ý nghĩa của bài thơ, chỉ cần đọc đi đọc lại nhiều lần để trẻ thuộc và nhớ được là được.
Ví dụ như mẹ chọn một bài trong tập thơ “Kitaharashiroaki- douyushu” rồi đọc cho con nghe. Không cần hiểu ý nghĩa, chỉ cần nhớ vần điệu của bài thơ cũng khiến trẻ thích thú. Với trẻ 2 tuổi nên đọc những câu chuyện dân gian nhiều lần. Trước khi đi ngủ không nên quên việc đọc sách cho con nghe.

Giai đoạn này để cho trẻ làm quen với mặt chữ, gọi là thờI kì khơi dậy sự quan tâm đến chữ nghĩa của trẻ. 2 tuổi mà trẻ đọc được chữ là một điều cực kì tuyệt vời.
Trẻ con thì 1 tuổi cũng nhớ được chữ. Trẻ mới lọt lòng cũng nhớ được chữ. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh thích thú vớI việc nhớ chữ hơn cả việc nhớ cách nói. Mọi người sẽ thắc mắc tại sao trẻ chưa biết nói lại có thể đọc được chữ cơ chứ, thì xin cứ thử đọc 1 chữ cho trẻ nghe, rồi bảo con nhặt lấy tấm card có ghi chữ vừa đọc sẽ biết ngay. Trẻ sẽ nhặt tấm các có ghi chữ mà nó biết một cách chính xác, tức là nó đã biết đọc.
Nhớ được chữ, thì cấu tạo đầu cũng thay đổi, đặc biệt là thay đổi lớn ở đại não, các bậc cha mẹ phải nên biết trước điều này. Đến cả con trẻ bị bệnh não, giai đoạn này dạy cách đọc chữ cũng rất hiệu quả, trẻ có thể nhớ được, khi nhớ được thì sắc mặt trở nên trí thức hơn, mắt sáng hơn.
Cũng có trường hợp trẻ bị bệnh não mà cũng đọc được sách trôi chảy, đứng đầu lớp khi vào tiểu học. Điều này không thể có nếu chỉ dạy trẻ bị bệnh não đọc khi đã qua 6 tuổi. Nếu không tận dụng thời kì nhạy cảm với ngôn ngữ của trẻ thì sẽ khó làm thay đổi được tố chất của đại não, kể cả với trẻ thường và trẻ bị bệnh não.
Để trẻ gần gũi với chữ, ghi tên của trẻ vào tờ giấy rồi dán lên tường, đọc nhiều lần cho trẻ nghe. Hướng trẻ chú ý vào chữ tên sách, tên thương hiệu hàng hoá, đọc và dạy những chữ ấy cho trẻ. Mở rộng phạm vi chữ đã nhìn trong sách ra báo chí… sẽ làm tăng sự quan tâm của trẻ đến chữ. Đi trên đường, hay đi bộ cũng hướng cho trẻ nhìn thấy biển hiệu ghi chữ gì, biển số ô tô có chữ hán gì, chữ số gì chẳng hạn. Trong khi chờ ở phòng khám, cho trẻ mở rộng phạm vi từ chữ “o-shi-ra-se” chẳng hạn.
Với cách dạy cho trẻ những từ ngữ gần gũi nhất, dễ thấy nhất xung quanh như vậy, là bạn đã thực hiện xuất sắc thuật dạy đọc chữ cho con rồi đấy.

(còn nữa)
Nguồn: WWT

Wednesday, August 6, 2008

Phương pháp giáo dục trẻ từ 2-3 tuổi

2 tuổi là bước vào thời kì tự lập. Cái gì cũng không khiến bố mẹ làm hộ, mà tự làm lấy, rất muốn học cách tự làm lấy.
2 tuổi trẻ không có giờ phút nào ngồi yên, lúc nào cũng phải hoạt động, như những vận động viên chuyên nghiệp. Kể cả lúc ăn cơm cũng vậy, không thể ngồi yên một chỗ ăn ngoan ngoãn được. Luôn luôn vận động, làm cái này, làm cái nọ, không biết mệt, cho đến lúc đi ngủ đêm.
Đây là ý muốn học tập của trẻ 2 tuổi. Vì vậy không được bỏ phí mà phải phát triển ý muốn ấy 1 cách hiệu quả nhất.
3 điểm cơ bản để phát huy ý muốn ở trẻ 2 tuổi. Nếu đón nhận và phát huy đúng lúc, sẽ khiến trẻ trở thành người ưu tú thực sự, 3 điểm đó là Vận động- Ngôn ngữ- Kỹ năng cơ bản.


1) Cho trẻ vận động nhiều, đi bộ nhiều
Hãy cho trẻ vận động hết mình bằng cách đi bộ hàng ngày.
Trí lực của trẻ được phát triển hoàn hảo khi được kích hoạt các giác quan, vận động, ngôn ngữ ngay sau khi sinh.
Ví dụ đối với vận động, nếu không để kĩ năng vận động của tay chân được phát huy hết mức thì trẻ không phát triển theo chiều hướng tích cực. Đứa trẻ sẽ không có chiều sâu nội tâm.
Trẻ được khoảng 1 tuổi rưỡi cần phải cho đi bộ với khoảng cách dài nhất có thể được. Nếu cứ cõng, bế, ngồi xe đẩy, xe hơi thì sẽ đánh mất khả năng đi bộ.
Phải nên nhớ rằng rèn luyện đi bộ hàng ngày là bước đầu tiên để có được em bé thông minh. Đi bộ cũng làm dáng dấp bé đẹp hơn.
Gần đây cha mẹ trẻ thường không cho con đi bộ, mà đi đâu cũng đi ô tô luôn. Vì vậy sức đi bộ trở nên cực kì ít, khoảng cách đi được cũng ngắn, đứa trẻ phát triển bất hoàn hảo.
Trẻ 2 tuổi muốn hoạt động, luôn luôn có nhu cầu vận động chân tay, cơ thể. Nếu đè nén ý muốn này nó sẽ bị ức chế. Còn nếu biết phát huy ý muốn này, trẻ sẽ trở thành người có khả năng vận động rất tốt.
Vì vậy hãy để trẻ đi bộ thật tốt khi được 2 tuổi. Đi bộ coi như bài rèn luyện hàng ngày, cũng là cách để trẻ có đầu óc thông minh hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ đi bộ trên đường bằng phẳng thì chưa hoàn hảo. Phải cho trẻ đi cả đường dốc, gập ghềnh, cầu một thanh, treo bậc thang lên xuống, trẻo bậc, nhảy bậc…
Mẹ ở xa ném quả bóng cho lăn và bảo con chạy lấy quả bóng. Mới đầu trẻ sẽ chạy theo đường quả bóng lăn, sau đó sẽ quan sát hướng đến của quả bóng và chạy đến nhặt quả bóng bằng đường ngắn nhất.
Hàng ngày qui định khoảng cách là bao nhiêu để cho con chạy. Mới đầu là 3 mét, dần lên 5m, 10m, 15m. Bắt đầu luyện cho trẻ dùng lực toàn thân để vận động từ lúc 2 tuổi này đến khi vào lớp 1, trẻ sẽ có sức chạy rất tốt.
Sau 2 tuổi rưỡI cho trẻ nhảy trên tấm đệm đàn hồi, tập lấy thăng bằng. Cả đi, cả nhảy, nhào lộn trên đệm đàn hồi cũng rất tốt.


(còn nữa)

Tuesday, August 5, 2008

Tặng papa

Mấy hôm Bố vắng nhà
3 mẹ con “điêu đứng”
Chơi cũng không thấy hứng
Mãi chẳng hết một ngày
Anh Chép thắc mắc hoài
“Mẹ ơi, papa wa?”(*)
“Papa đi công tác
Giờ này đang ở xa
Con thích gì mẹ bảo
Papa mua về cho?”
Anh Chép liền nói ngay
Rõ to là thích kẹo
“Kẹo hôm nào chẳng có
Mama vẫn cho mà”
À, Chép thích đi xe
Papa về chở nhé
Suốt cả tuần đi bộ
Chắc mỏi chân lắm rồi
Đi một tí lại ngồi
"Mama ơi, bế bế"
Mama đành phải bế
Nhưng vừa bế vừa kêu
"Chép-kun ô-môi quá"(**)
Chép lại tụt ngay xuống
"Ê-rai lắm, con trai"(***)
Chép cười tươi híp mắt
Được mẹ khen sướng mà
Ngày mai bố về nhà
Mẹ con mình hết mệt
Chép được đi xe đạp
Kừ-rứt cùng papa (****)
Mẹ thì mong, mong lắm
Bố về giúp một tay
Trông hai đứa cả ngày
Bố Hưng ơi, mệt lắm~!

--------------------
Note: (*) nghĩa là "papa đi đâu rồi"
(**) Chép nặng quá
(***) con mẹ giỏi quá
(****) đi lòng vòng

Chùm ảnh Chicago

Chuyến bay từ Chicago về Kansai của Papa cất cánh chậm 1 tiếng, do có thông báo máy bay gặp sự cố về engine. Khiếp, nghe sợ nhỉ. Papa bảo vừa ngồi trên máy bay vừa run. Nhưng papa về đến nhà an toàn rồi. Lúc 10h tối. Anh Chép thì vừa ngủ xong nên không được đón papa về. Em Khanh đang ngủ thì lại thức dậy, mắt mở to thao láo nhìn papa cười toe toét. Papa mua bao nhiêu là quà cho 3 mẹ con mình nhé. Từ hồi quen papa đến giờ chưa bao giờ mama thấy papa mua nhiều quà thế. Còn cả quà của bác Giang nữa. Toàn là đồ chơi anh Chép thích.

Papa về vẫn chưa quen hẳn với múi giờ ở Nhật, nên toàn đi ngủ sớm. Anh Chép thấy papa đi ngủ thì chạy vào đánh thức papa, bắt papa phải dậy vì chưa đến giờ đi ngủ, rồi còn cưỡi nhong nhong lên người papa nữa chứ. Đấy, papa thấy ở nhà mệt chưa.

Papa cũng có bao nhiêu chuyện để kể về Chicago. Nhưng thành phố Chicago chỉ toàn thấy nhà là nhà, trông phát chán nhỉ. Các viện bảo tàng thì đúng là đại diện cho nền văn hoá còn rất ngắn của nước Mỹ, chỉ toàn là những sản phẩm hiện đại do con người mới chế tạo ra những năm gần đây như tàu ngầm, máy bay, hay thiết bị thăm dò mặt trăng, vũ trụ gì đó. Papa bảo chẳng có gì nhiều để xem.

Xa xa cũng toàn thấy nhà cao tầng,
IMG_87971

Lại gần cũng vẫn chỉ thấy nhà
IMG_84241

Quả cầu nước nổi tiếng của Chicago. Trông xa thì bóng bẩy thế mà lại gần toàn dấu tay của du khách trông bẩn ơi là bẩn.
IMG_85261

IMG_85071

Một góc nhìn khác.
IMG_85481

Nhà du hành vũ trụ là papa đang chuẩn bị bay lên mây, hehe.
IMG_87011

IMG_89261
Chicago về đêm.
IMG_89751

Monday, August 4, 2008

Papa với gia đình bác Châu Giang

Papa sang đến nơi thì sáng hôm sau là Chủ nhật nên tranh thủ đi tàu đến nhà bác Châu Giang chơi 1 ngày. Nhà 2 bác cách chỗ hội thảo khoảng 200km, đi tàu mất hơn 2 tiếng, nhưng thấy papa bảo vé tàu ở Chicago rẻ hơn nhiều so với ở Nhật. Không chỉ có vé tàu mà chi phí giao thông nhìn chung là rẻ hơn. Nước Mỹ rộng thế cơ mà, cho nên rẻ là phải thôi.

Khung cảnh xung quanh nhà 2 bác đẹp thật, rộng rãi, thoáng mát và nhiều cây xanh. Đúng là ở Mỹ đất đai rộng thật. Chứ ở Nhật thấy cái gì cũng bé, cũng chật chội, nhất là ở thành phố. Cả gia đình đi dạo trông thanh bình và hạnh phúc chưa này. Anh Bình và anh Minh cũng lớn quá rồi. Không nhận ra cu Bình ngày xưa nữa. Thấy papa bảo là cu Bình phát âm tiếng Anh chuẩn lắm. Thỉnh thoảng còn chạy ra check tiếng Anh của chú Hưng nữa chứ.
IMG_83541

2 anh em thì không thích chụp ảnh, toàn chạy trốn đi. Anh Bình thì đang nhăn nhó vì trời nóng quá. Còn cu em thì ngượng không chịu ngẩng mặt lên.
IMG_83581

Papa chụp ảnh với cả gia đình. Trông bác Châu mặt mũi nghiêm trọng cứ như giáo sư ấy nhỉ.
IMG_83471

Cu Minh lại ngượng không chịu cho chụp ảnh đây.
IMG_83481

Papa sang đúng hôm có barbecue nên được ăn ké nhé. Anh Bình thì nhìn cũng đen đen, hao hao giống em Chép nên Chép xem ảnh này toàn bảo là "papa đang bế Chép" thôi.
IMG_83701

Tạm biệt gia đình bác Châu Giang nhé. Cả nhà Chép hẹn khi nào sẽ có dịp sang tận nơi để em Chép chơi với 2 anh đấy.

Saturday, August 2, 2008

Sắp hết những ngày vắng papa

Ngày thứ bẩy: dành trọn buổi tối cho con
Hôm nay mama quyết định để máy tính ở lab, không đem về nhà. Papa đi vắng, cầm cái máy tính của mama đi, còn để cho mama dùng cái máy IBM nặng trình trịch. Thế mà hôm nào mama cũng vác đi vác về cái máy đấy. Cảm giác lúc nào mà không kết nối internet là thấy người nó thiếu thiếu cái gì đấy (đúng là con nghiện nhỉ). Thế mà hôm nay mama quyết định sẽ dành cả buổi tối cho 2 con, không có chát chít, bờ lóc bờ liếc gì hết. Buổi tối của 3 mẹ con thật nhẹ nhàng, và trôi qua cũng rất nhanh. Chỉ có vài lần anh Chép làm em đau nên bị mẹ mắng. Nhưng anh Chép biết bây giờ không kêu papa để ăn vạ được, nên được 1 lúc thì lại ra làm lành với mẹ. Anh Chép có tính là không giận dỗi lâu đâu, và luôn chủ động đến làm lành. Con trai tình cảm lắm.
Mà hôm nay ở nhà trẻ anh Chép ngủ trưa ngoan lắm. Thấy cô khoe thế. Cô bảo hôm nay cô cho anh Chép tắm pool lâu hơn mọi hôm 15p, nên chắc anh Chép mệt và buồn ngủ. Nhưng mama thì tin rằng con trai mẹ đã nghe lời mẹ dặn từ hôm trước nên làm theo đấy thôi. Con trai mẹ ngoan quá. Xứng đáng được mẹ thưởng cho 2 cái kẹo, hihi.

Ngày thứ tám - ngày cuối cùng
Khi mama đang viết những dòng này thì chắc papa đang ngồi trên máy bay để về với mẹ con mình. Sẽ chấm dứt những ngày 3 mẹ con lủi thủi và mama phải làm hết mọi việc 1 mình. Khi nào papa về, mama sẽ để papa làm hết để mama nghỉ ngơi mới được. Phù, mama mệt đến mức mà không viết nổi được nữa đây này.
Không biết papa sẽ mua quà gì cho 3 mẹ con mình nhỉ. Mấy lần nói chuyện điện thoại với papa, anh Chép toàn dặn papa mua kẹo này, mua ringo (táo) này, lại còn mua cả takoyaki nữa chứ. Ở bên đấy thì làm gì có takoyaki hả con trai.
Hôm nay là thứ 7 nhưng 2 anh em đi nhà trẻ để mẹ còn dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua cái gì papa thích nữa.
Papa ơi, bỏ 3 mẹ con đi chơi thế là đủ rồi đấy. Papa về làm "nhiệm vụ" đi nhé. 3 mẹ con mong papa lắm!

Friday, August 1, 2008

Nhật kí những ngày papa đi vắng (tiếp)

Ngày thứ năm: các con biết thương mẹ
Đi bộ đến trường mấy hôm liền nên anh Chép quen rồi. Hôm đầu tiên thì phải có kẹo mới chịu đi, rồi còn ăn vạ bắt mẹ đi đường khác. Hôm sau thì vẫn phải có kẹo, nhưng đi ngoan lắm. Hôm sau nữa thì không có cả kẹo, nhưng vẫn đi ngoan, đến chỗ nào ngã tư, ngã ba còn bảo mama là "không đi đường này đâu nhé". Thế có kinh không. Đến chiều về con trai cũng ngoan nữa. Biết chơi với em Khanh này. Lúc em đang khóc gắt ngủ thì anh Chép ra phòng ngoài nằm khểnh chờ, chứ không làm phiền em như mọi lần. Em Khanh hôm nay cũng ngoan lắm, biết ngủ sớm để mẹ còn dọn dẹp. 2 con của mẹ ngoan quá. Thực ra cả ngày hôm nay mama thấy người mỏi nhừ, rất mệt, chẳng làm được việc gì cả, cứ như là sắp thấy cái giới hạn của sự cố gắng, sắp nổ tung ra đến nơi ấy. Mà sao cái sức mình kém thế nhỉ. Mới có mấy hôm trông con 1 mình mà đã mệt mỏi, kêu ca. Đến chiều, không chịu nổi nữa, đành phải về nhà sớm 1 tiếng để nằm nghỉ. Thế mà đến chiều tối, thấy 2 con ngoan hơn mọi hôm, tự dưng mama thấy hết mệt. Ôi, con cái, nhiều khi các con rút hết sức lực của mẹ, nhưng chính các con lại là nguồn sức mạnh của mẹ đấy (tự nghĩ ra cái câu này, đọc lại cứ ngồi cười cười).

Ngày thứ sáu: anh Chép hư???
Sáng nay, sau khi đã sắp xếp các thứ ở nhà trẻ cho 2 anh em, mama đang chuẩn bị về thì nhìn qua cửa kính thì tự nhiên thấy Chép và ban Itchi đánh nhau, chẳng hiểu vì lý do gì, Chép thì mặt lì ra còn Itchi thì mếu máo, nước mắt vòng quanh. Lẽ ra là mama đã đi về luôn rồi, nhưng lại nhớ ra là quên chìa khoá nhà trong túi để ở ngăn quần áo của Chép, thế là lại phải quay vào. Itchi thấy mẹ bạn Kiên thì lại gần để ăn vạ, ý muốn nói là bị Kiên đánh, trông đến là tội nghiệp. Mama cũng an ủi mấy câu, nhưng cô giáo bảo không cần phải vậy, vì lỗi là từ cả 2 phía. Bạn Itchi này là nghịch lắm. Từ bé 2 đứa đã chơi thân với nhau rồi, không hiểu dạo này sao lại hay tranh giành nhau thế, chẳng đứa nào chịu đứa nào. Mama lấy chìa khoá xong, vừa bước được vài bước ra cửa thì lại thấy Chép xông vào đánh bạn Ta-chan, chỉ vì bạn ấy tự nhiên động vào cái đoàn xe mà Chép đã xếp được từ lúc nãy. Ôi, con trai tôi, trong có vài phút mà con đánh nhau với 2 bạn. Sao dạo này con lại có cách xử sự như vậy. Mama không tiện nói chuyện với cô giáo lúc đấy, nhưng cô bảo mama cứ về đi, không sao cả đâu.
Đến chiều, hỏi cô thì cô bảo Chép đang trong giai đoạn phát triển như vậy. Tranh giành đồ chơi với bạn bè, cái gì cũng bảo là "của Kiên". Chắc phải có thêm thời gian thì con trai mới học được cách nhường đồ chơi cho bạn bè. Trên đường về, mama cũng nhắc nhớ Kiên về chuyện này, thấy con cũng gật đầu, nhưng không hiểu là có hiểu hết những gì mama nói không.
Hôm nay cô giáo còn phàn nàn là Kiên không chịu ngủ trưa, trong lúc các bạn ngủ hết thì lại chạy lung tung, mặc dù buổi sáng đã tắm pool và vận động nhiều. Chắc là tại buổi sáng cả nhà 8h mới dậy, nên Kiên không thấy buồn ngủ rồi. Lại phải nhắc nhở thêm con trai lần nữa. Lại thấy gật đầu, mồm thì à ừ. Không biết hôm sau có tiến bộ hơn không.