Tháng 2 có ngày Xuân phân, và cũng là ngày nghỉ lễ của Nhật. Đã thành thông lệ,cứ vào thời gian này, nhà trẻ của Chép lại tổ chức Lễ hội đón xuân. Lễ hội thường được tổ chức vào thứ 7, với các tiết mục do các cô và các cháu cùng biểu diễn. Năm nay, papa được phân công ở nhà trông em Khanh, còn mẹ sẽ đến trường tham dự lễ hội cùng Chép.
Đến lớp lúc 9h sáng, mẹ chào hỏi 2 cô phụ trách lớp Sumire của Chép vì lâu rồi không gặp. Sau đó mẹ phải để Chép ở lại lớp để lên hội trường tầng 2 nơi tổ chức Lễ hội. 9h15 hội trường mới mở cửa nên mẹ phải đứng xếp hàng một lúc. Nhiều bố mẹ cũng cố gắng đến sớm để được ngồi ở phía trên. Mẹ cũng tìm được 1 ví trí gần trên đầu để quay phim hay chụp ảnh cho dễ. Đầu tiên là bài phát biểu của cô hiệu trưởng. Cô nói qua về tình hình các lớp trong thời gian qua, về ý nghĩa của Lễ hội và nội dung của chương trình. Trong lúc cô phát biểu còn có 1 cô khác đứng nói bằng tay cho những người khiếm thính. Thế mới biết người tàn tật ở Nhật được quan tâm chu đáo đến thế nào.
Tiết mục đầu tiên được bắt đầu bằng đoạn băng video quay lớp Sumire của Chép.Đoạn băng ghi lại những hình ảnh Chép và các bạn lúc chơi trong phòng với các trò như cho búp bê ăn, xếp đoàn tàu, chơi nấu bếp, hay lúc đi dạo. Mẹ nhìn thấy Chép lúc thì mặc váy và đội khăn trên đầu trông đến buồn cười, lúc thì chạy nhảy với các bạn, hay lúc được cô hỏi "tên là gì" thì trả lời rất nhanh "Kien-chan". Chép và các bạn ở nhà trẻ trông thật ngộ nghĩnh và dễ thương. Mẹ ghi lại đoạn băng này để papa và mọi người cùng xem nhé.
Sau khi xem hết đoạn băng video, mẹ và các mẹ khác của lớp sumire quay xuống lớp, cùng các con của mình tham gia gấp hình theo hướng dẫn của cô. Sắp đến lễ Hina matsuri nên cô hướng dẫn cách gấp hình búp bê con trai và con gái biểu tượng của lễ hội này. Chép cũng rất hào hứng gấp, vẽ và dán, nhưng Chép vẽ mặt thì loằng ngoằng, chứ không như mấy bạn biết vẽ cả mắt hình tròn. Các tác phẩm sau khi hoàn thành được dán lại lên cửa kính của lớp.
Sau đó mẹ lại đưa Chép lên hội trường xem các tiết mục khác. Có tiết mục của các mẹ hát bài Omochya no cha cha cha và tiết mục kịch Ông lão và củ cải do các cô biểu diễn rất thú vị. Chép ngồi xem chăm chú đến nỗi quên cả vỗ tay.
11h đến giờ ăn trưa. Mẹ cũng được tham gia giờ ăn với Chép. Nhưng các bạn ra rửa tay rồi ngồi vào ghế mà Chép cứ nhất định không chịu ra, cứ bắt mẹ bế suốt. Cô giáo cũng bảo mọi hôm các bạn ngồi vào ghế hết rồi mà Chép cứ "iya, iya" mãi sau mới chịu vào ngồi. Thế là hôm nay cô giáo kể tội Chép đấy. Chép ở nhà trẻ cũng khó bảo ghê.
Chép ngồi ăn cùng bàn với bạn Papu-chan người Mali Châu phi và 1 bạn người Nhật (nhưng hình như có bố là người Hawai). 2 bạn tự xúc ăn rất ngoan mà Chép mãi không chịu xúc, cứ đòi mẹ xúc cho như ở nhà. Có lúc lại còn ngồi thừ ra, rồi cứ chỉ tay vào bố mẹ bạn Papu-chan rồi nói "papu-chan no otousan, papu-chan no okasan". Đến lúc 2 bạn ăn xong rồi mà Chép vẫn còn nửa bát. Mẹ đành phải xúc cho Chép để ăn cho nhanh.
Suất cơm của Chép vẫn còn nguyên mà các bạn đã ăn gần xong rồi. Menu hôm nay là cơm cari thịt bò, và nộm rau horensho trộn táo và hamu
Ăn xong Chép ra rửa tay, nhưng cũng mải nghịch cái vòi nước nên mãi mới rửa xong
Trước khi về, Chép chụp ảnh với cô Ishii. Đây là cô giáo mà Chép yêu quý nhất ở nhà trẻ. Hôm nào không có cô ra đón thì thế nào Chép cũng khóc khi bố mẹ đi về. Có cô là Chép ngoan ngay, chạy đến rồi ngồi vào lòng cô. Cô Ishii hình như vẫn còn trẻ lắm, lúc nào cô cũng đeo hàm sắt ở răng. Hôm nay cô còn đánh đàn piano cho các tiết mục biểu diễn nữa.Không biết tháng 4 tới, cô có còn phụ trách lớp của Chép nữa không.
Kindergarten học gì (2)
11 years ago
No comments:
Post a Comment